Bị cáo Nguyễn Văn Hiến: Chuyển đất quốc phòng làm kinh tế vì đời sống chiến sĩ kham khổ

Thái Sơn
Thái Sơn
18/05/2020 18:51 GMT+7

Trước tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiến , cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, xin nhận khuyết điểm việc để 3 khu đất quốc phòng rơi vào tay tư nhân là do thiếu sát sao, quyết liệt trong kiểm tra, chỉ đạo.

Hai lý do chuyển đổi 3 khu đất quốc phòng
Trả lời thẩm vấn trước tòa, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (bị xét xử về tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng), cho biết thời điểm chuyển giao 3 khu đất có vị trí đắc địa ở đường Tôn Đức Thắng (P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) vào giai đoạn 2006, bị cáo đang giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Phó bí thư Đảng ủy Quân chủng.
Bị cáo Hiến khai việc chủ trương đưa 3 khu đất, bao gồm số 2, số 9, số 11-13 đường Tôn Đức Thắng (có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân) sang làm kinh tế xuất phát từ 2 lý do.
Trong đó, có lý do tại cuộc gặp với lãnh đạo Quân chủng Hải quân, lãnh đạo TP.HCM có đề nghị đang chỉnh trang lại đô thị và Quân chủng Hải quân có một số khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, nên đề nghị phối hợp cùng chỉnh trang.
Từ việc này mà lãnh đạo Công ty TNHH MTV dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân (Công ty Hải Thành) - đơn vị đang sử dụng các khu đất, đã đề xuất Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân chuyển sang làm kinh tế, mang lại lợi ích cho Quân chủng.
Lý do thứ 2, theo ông Hiến khi trả lời HĐXX, nguyên nhân chuyển đổi 3 khu đất trên, là "do nhu cầu cần nâng cao đời sống cho bộ đội, mà Quân chủng Hải quân thời điểm đó rất cấp bách vì đời sống của cán bộ chiến sĩ rất kham khổ”.
Dù vậy, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng thừa nhận Quân chủng Hải quân không đủ thẩm quyền để chuyển đổi đất quốc phòng sang làm kinh tế. Thường vụ quân chủng Hải quân đã có 5 phiên họp và 5 văn bản đề xuất đưa 3 khu đất nêu trên vào làm kinh tế và báo cáo lên Bộ Quốc phòng.

"Tôi rất tiếc, chúng tôi đã sai"

"Tôi rất lấy làm tiếc, lẽ ra phải báo cáo cả Thủ tướng nữa, nhưng anh em không ai tham mưu, không ai yêu cầu, nên chúng tôi sai”, bị cáo Hiến khai, và nêu rõ bộ phận tham mưu, đề xuất là Công ty Hải Thành, Phòng Kinh tế của Quân chủng Hải quân.
Bị cáo Hiến xác nhận, Công ty Hải Thành, Phòng Kinh tế của Quân chủng Hải quân đã trình văn bản và được bị cáo ký tờ trình trình lên Bộ Quốc phòng xin điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng tại 3 khu đất trên sang làm kinh tế.
Các tờ trình do bị cáo ký thời điểm đó đều được lãnh đạo Bộ Quốc phòng trả lời và chỉ đạo việc chuyển đổi phải thực hiện đúng theo quy định của luật Đất đai và quy định của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng.
“Tôi cho rằng, chúng tôi đã đã hiểu sai ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ”, ông Hiến giãi bày.
Mặc dù vậy, cựu đô đốc cũng cho rằng, việc mình ký phê duyệt vào các văn bản đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất. Bị cáo tin tưởng các cơ quan chuyên môn tham mưu, tin tưởng vào việc bàn bạc tập thể, nên đã thiếu kiểm tra, xét duyệt, dẫn đến hậu quả. "Bị cáo thừa nhận bản thân thực hiện nhiệm vụ thiếu quyết liệt, thiếu sát sao", ông Hiến nhận trước toà.
Trong vụ án này, bị cáo Hiến bị cáo buộc tin tưởng vào vào sự tham mưu cấp dưới và việc thảo luận tập thể nên đã phê duyệt các văn bản không đúng quy định của Bộ Quốc phòng, Chính phủ và luật Đất đai năm 2003; không kiểm tra và chỉ đạo kiểm tra năng lực thực tế của đối tác; không kiểm tra việc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng các khu đất.
Hậu quả là Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng 3 khu đất trên trong thời gian 49 năm, gây thất thoát ngân sách nhà nước 939 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.