Bị cáo khai phạm tội có phần do Ngân hàng Nhà nước thúc ép...

13/01/2018 08:30 GMT+7

* Điều tra công khai tại tòa đối với lãnh đạo, cán bộ BIDV

Tiếp tục phiên xét xử đại án Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB (giai đoạn 2), hôm qua 12.1, HĐXX xét hỏi bị cáo Phạm Công Danh (52 tuổi, quê Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm về hành vi phạm tội trong gói tín dụng vay 4.700 tỉ đồng tại Ngân hàng BIDV, gây thiệt hại VNCB trên 2.550 tỉ đồng.
Tại tòa, các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Phó tổng VNCB), Mai Hữu (nguyên thành viên HĐQT VNCB) và Phạm Công Danh tái khẳng định đã sử dụng 4.000/4.700 tỉ đồng vay từ BIDV để tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Danh khai bản thân đang phải duy trì một ngân hàng yếu kém nhất trong các ngân hàng và dưới sự thúc ép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu tăng vốn điều lệ VNCB từ 3.000 tỉ đồng lên 7.500 tỉ đồng, buộc Danh phải đi vay tiền tại BIDV. Cụ thể, Danh khai tại một cuộc họp ở NHNN phía nam, dưới sự chủ trì là lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát nhà nước, NHNN yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ, còn việc tăng vốn điều lệ ra sao, như thế nào thì do doanh nghiệp tự tính.
Bị cáo Mai khai thêm, theo diễn biến cuộc họp thì bị cáo cũng hiểu là bị NHNN thúc ép tăng vốn điều lệ. “Căn cứ, cơ sở nào mà bị cáo cho là bị NHNN thúc ép?”, chủ tọa hỏi. Mai trả lời: “Tại cuộc họp đó, anh Danh trình bày 2 - 3 lần với NHNN rằng muốn chia nhỏ các gói tăng vốn điều lệ thành nhiều giai đoạn vì VNCB thời điểm đó rất khó khăn. Tuy nhiên, NHNN vẫn yêu cầu VNCB phải tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu”.
Khi được chủ tọa hỏi về văn bản triển khai sau cuộc họp hoặc biên bản cuộc họp, Mai nói văn bản chính thức không có vì đây là cuộc họp nội bộ. Mai trình bày thêm: “Về mặt lý là như vậy nhưng trên thực tế có cuộc họp đó. Mục đích của việc tăng vốn điều lệ để tăng gói tín dụng cho ngân hàng, nhằm thu lợi nhuận cho VNCB đang bị lỗ từ 5 - 7 tỉ đồng/ngày. Nếu không tăng gói tín dụng theo phương án tái cơ cấu thì ngân hàng phá sản”.
Ngay sau lời khai của Mai, bị cáo Danh cũng xin phép HĐXX bổ sung: “Tại cuộc họp tôi nói rất nhiều lần xin giảm tiến độ về việc tăng vốn điều lệ nhưng NHNN nói tăng vốn là phải tăng vì VNCB đang âm vốn. Tôi cũng trả lời với NHNN việc âm vốn không phải do tôi gây ra mà từ đời cũ (nhóm bà Hứa Thị Phấn - PV) nên tôi xin kéo dài nhưng vẫn không được”.
“Về lý, tôi sai nhưng mong HĐXX xem xét bối cảnh phạm tội. Nếu NHNN không thúc ép VNCB tăng vốn điều lệ thì không có việc vay 4.700 tỉ đồng này”, Danh trình bày khá bức xúc trước HĐXX.
BIDV cho vay theo quy trình ngược?
Về sai phạm trong việc cho 12 công ty do Danh thành lập vay 4.700 tỉ đồng, cáo trạng nêu một số lãnh đạo BIDV hội sở chính là ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, có đơn xin vắng mặt tại tòa vì đang điều trị bệnh); các phó tổng giám đốc BIDV Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang… đã ký 12 quyết định, 12 tờ trình đồng ý chủ trương cho 12 công ty của Danh vay tiền tại BIDV chi nhánh. Tuy nhiên, do BIDV không xảy ra thiệt hại nên các cá nhân liên quan không phạm tội “vi phạm quy định về cho vay…”.
Đồng thời, kết quả điều tra xác định không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện những người liên quan trên biết các công ty vay vốn tại BIDV là do Danh thành lập, điều hành nên không đủ căn cứ xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh.
Ngoài ra, trong vụ án có 3 nguyên cán bộ BIDV chi nhánh Gia Định bị đưa ra xét xử với vai trò đồng phạm cùng Danh, gây thiệt hại cho VNCB. Tại tòa, 3 bị cáo khai hồ sơ do hội sở chuyển xuống nên mới “thả cửa” làm thủ tục cho vay.
HĐXX đã điều tra công khai tại tòa ông Đoàn Ánh Sáng, Trần Hoài Lâm (cán bộ phụ trách các chi nhánh của BIDV trên địa bàn TP.HCM)… Những người này thừa nhận có vi phạm khi không kiểm tra, thẩm định các hồ sơ vay vốn của 12 công ty. Chủ tọa chất vấn: “Theo quy định của NHNN, muốn cấp tín dụng thì phải kiểm tra phương án vay vốn, tài sản đảm bảo, tính khả thi… sau đó giao hồ sơ tín dụng về chi nhánh, chi nhánh kiểm tra đầy đủ mới đề xuất lên hội sở cấp tín dụng. Nhưng tại tòa, 3 bị cáo BIDV đều khai hồ sơ do hội sở chuyển xuống nên làm. Đây có gọi là quy trình ngược, khi chủ trương vay vốn đều từ trên xuống?”.
Ông Trần Hoài Lâm trả lời: “Vì có vi phạm nên dẫn đến vụ án hôm nay. BIDV cũng đã có cuộc họp rút kinh nghiệm, đề xuất hướng kỷ luật đối với tôi và những cán bộ liên quan”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.