Bị cáo 'cướp bánh mì chống đói': 'Em tưởng mẹ đã bỏ em'

21/07/2016 10:17 GMT+7

Ôn Thành Tân và Nguyễn Hoàng Tuấn, hai bị cáo (đều SN 1998) trong vụ án 'cướp bánh mì vì đói' đã bật khóc khi trông thấy cha mẹ tại phiên tòa.

Tuấn là người khóc nhiều hơn cả. Bị cáo cứ quay người nhìn về phía mẹ, phần thấy có lỗi, phần tủi thân vì suốt 7 tháng bị tạm giam, chẳng có ai đến thăm, chẳng quà bánh nào gửi vào…
Những giọt nước mắt hờn dỗi
Trong chiếc áo sơ mi sọc, quần tây, gương mặt Tuấn nổi bật bởi vẻ sáng sủa, lanh lợi. Đứng trước vành móng ngựa, bị cáo cúi đầu nhận hết hành vi của mình: “Sau khi chơi điện tử từ 22 giờ đến 10 giờ sáng hôm sau, Tân và bị cáo hết tiền. Hai đứa đi lòng vòng rồi Tân bảo đói, bị cáo cũng vậy nên bàn nhau vô tiệm tạp hóa giả bộ mua đồ rồi giật chạy. Tân là người lái xe, bị cáo xuống đất vào mua 2 bịch chuối sấy, 1 bánh mì ngọt, 3 bịch me trộn đường, 1 bịch đậu phộng rang muối. Tất cả 45.000 đồng. Bà chủ gom tất cả vào bịch thì bị cáo giật bằng tay trái, nhảy lên xe Tân đang nổ máy chờ rồi chạy. Đi được 2m thì có hai anh chạy bắt lại”.
Tuấn lau nước mắt, đầy hờn dỗi khi nói chẳng ai vào thăm, chẳng ai gửi đồ suốt thời gian tạm giam Bùi Thư
Cái vẻ cứng rắn, thẳng thừng thừa nhận lỗi lầm của Tuấn đột nhiên gãy vỡ, trên gương mặt láng o ấy bắt đầu đổ xuống những giọt nước mắt.
Tuấn khóc rấm rứt trong giờ nghị án khi trông thấy mẹ. Cậu bảo, suốt 7 tháng trời bị giam giữ, không được ai đến thăm nuôi, cũng không nhận được quà bánh gì: “Em tủi thân, tưởng mẹ đã bỏ rơi em…”.
Cứ quay đầu nhìn về phía mẹ, Tuấn lại khóc nhiều hơn, nát cả một góc trong phiên tòa. Mẹ cậu cũng khóc. Bà kể chồng đã bỏ hai mẹ con từ lúc bà mang Tuấn trong bụng. Cho đến khi Tuấn 3 tuổi, bà đi bước nữa. Vì chồng mới và Tuấn "kình" tính nhau nên Tuấn về ở với ngoại. Từ đó hai mẹ con không chia sẻ với nhau nhiều.
Nước mắt ràn rụa, bà Phương, mẹ Tuấn giải thích: “Tôi có vào thăm con chứ nào có bỏ nó. Đợt ở trại tạm giam Thủ Đức người ta nói thứ tư mới thăm được, mà thứ tư vô thăm thì bầu cử người ta không cho vào. Rồi hôm sau đi thăm nữa thì người ta lại bảo hai tuần sau đi thăm. Tôi làm công nhân, nghỉ nhiều đâu được. Tới khi nó bị đưa lên Chí Hòa, tôi tranh thủ thăm lần nữa, nhưng chỉ được gửi quà chứ không được gặp mặt. Tính tới nay đã 6, 7 lần tôi vào nhưng chẳng lần nào được gặp con. Bây giờ ở đây, thấy mình mẩy, tay chân nó lành lặn, không còn gì vui hơn…”.
Luật sư (LS) Đỗ Hải Bình, người bào chữa miễn phí cho Tuấn nói với bà Phương: “Chị không thương nó nữa thì tôi không biết làm sao để cứu nó. Chị không quan tâm thì nó càng lậm, càng sai”.
Bà Phương cúi mặt, nghẹn nấc trong tiếng khóc bật ra: “Nó đã thiếu cha, tôi lại không cho nó đủ đầy tình cảm của mẹ, không quan tâm nó nhiều nên nó mới như vậy. Tôi nhớ nó lắm, sợ con thiếu thốn trong khi bị giam nhưng lần nào cũng trật không có cơ hội gặp, mà nghề công nhân nghỉ hoài người ta đuổi luôn thì lấy kinh tế đâu mà sống. Lần này, Tuấn được thả thì tôi đem nó về ở nhà trọ với tôi. Sướng khổ gì mẹ con cùng chịu. Trong thời gian nó bị giam, tôi cãi nhau với chồng đã li dị, giờ chỉ có con thôi, có nó thôi…”.
Tuấn ngồi trên hàng ghế bị cáo, quay đầu nhìn mẹ khóc mà nước mắt rơi theo. Lấy tay quệt đi bao nhiêu thì nước mắt cứ thế lăn dài ra bấy nhiêu. Tuấn lại nói, giọng đứt quãng: “Em tưởng mẹ đã bỏ em…”.
Ba mẹ lặn lội đi xin lỗi giùm con
Về phía bên gia đình Ôn Thành Tân, ba mẹ bị cáo đã lặn lội đến nhà bà chủ tạp hóa để xin bãi nại cho con. Trong chiếc áo sơ mi xanh đã sờn, ông Ôn Văn Thành thú thật: “Ở nhà tôi suy nghĩ, chuẩn bị cũng nhiều lắm để đến khi tranh luận xin tòa giảm tội, cho con tôi hưởng án treo nhưng khi đứng lên lại không mở miệng được. Tôi và vợ đều là công nhân, đâu có điều kiện thuê LS. Thấy trên mạng có LS thông báo nếu muốn bào chữa thì gọi nên tôi mừng quá liền liên hệ”.
Gương mặt vui mừng của hai cha con Tân khi Tân được thả tự do tại tòa Bùi Thư
Ngày Tân cùng Tuấn phạm tội, vợ chồng ông Thành về quê ăn cưới nên không hay biết. Đến khi công an gọi điện, bà Thúy (mẹ Tân) run rẩy, nhưng chẳng dám nói với chồng vì sợ ông không chịu đựng nổi. Bà Thúy nói đến đâu trào nước mắt đến đấy, cứ lâu lâu quệt tay lau đi để bớt nghẹn lời: “Tới khi về tới nhà, tôi mới dám nói với ổng. Từ đó giờ Tân không nghiện điện tử, lâu lâu nó mới chơi. Ngày tôi cho nó 20.000 đồng đi học buổi sáng, trưa thì nấu sẵn cơm. Ngày thường đi đâu, ngủ lại nhà ai tôi gọi hỏi xác minh rõ ràng mới dám cho con đi. Có hôm đó là hai vợ chồng về Vĩnh Long ăn cưới thì mọi chuyện như vậy…”.
Nghĩ mình giật có cái bánh, bịch me nên khi bị bắt, Tân vẫn không khóc. Nhưng tại phiên tòa, nhìn thấy mẹ cứ run lên rồi nước mắt đầy khuôn mặt, Tân gục đầu giấu đi những giọt nước mắt.
Hỏi chuyện, Tân bảo: “Em biết Tuấn vì hai đứa chơi chung game. Hôm đó, ghé vô tiệm khoảng 10 giờ thì chơi chừng 2 tiếng rồi ngủ tới sáng hôm sau. Rồi hết tiền, em với Tuấn đi về. Lúc nảy sinh ý định cướp em có nghĩ tới chuyện đó là sai nhưng không nghĩ nó nặng nề như vậy. Chơi game xong chắc đầu óc mụ mị, hết tiền nên làm liều. Em nông nổi quá, giờ em hối hận rồi, thấy tội ba mẹ, em sợ lắm rồi…”.
Khi được thả tự do tại tòa, Tân nói với tôi, em sợ lắm rồi, về nhà sẽ ngoan ngoãn đi học nghề tiếp rồi phụ dạy võ ở Trung tâm văn hóa Q.2.
Riêng đối với Tuấn, bị cáo sẽ chịu thêm 3 tháng tù giam để được về với mẹ. Khi cảnh sát còng tay đi, đôi mắt bị cáo ngoái nhìn mẹ, vẫn đầy hờn dỗi và buồn bã…
Ngồi trên xe ba chở, Tân nắm lấy gấu áo đã sờn bạc, xích sát vào rồi chào tạm biệt tôi. Cậu bảo sẽ đi cùng ba đến xin lỗi cô Yên, cô chủ tạp hóa mà cậu và Tuấn đã giật đồ và cảm ơn, vì cô đã làm đơn bãi nại cho cả hai.
Phiên tòa ngày hôm ấy, nước mắt của hai bị cáo không chỉ rơi vì sám hối cho sự bồng bột, đói quá làm liều của mình mà còn là nước mắt của những đứa trẻ lần đầu tiên biết thương cha mẹ mình nhiều đến vậy. Tân hay Tuấn, cũng như nhiều đứa trẻ khác, đâu rõ rành luật pháp nên đưa tay giật một cái bánh, cái kẹo mà tưởng như trò "giật cô hồn". Và cái giá phải đổi là tù tội.
Tòa tuyên 10 tháng tù cho Tuấn, 8 tháng 20 ngày cho Tân. Nhiều người cho rằng quá nặng, người lại thấy đúng tội phải trừng trị nghiêm minh để răn đe. Riêng Tân, có lẽ cậu đã hiểu được ba mẹ thương mình đến nhường nào khi lặn lội đi xin tội cho cậu. Còn Tuấn, hẳn trong phiên tòa hôm nay, em cũng có câu trả lời cho mình rằng mẹ đã không bỏ mặc em, sẽ đợi em về rồi "sướng khổ có nhau" sau 3 tháng thi hành án...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.