Bí ẩn thảm nạn đường sắt 17.3.1982

24/04/2018 10:00 GMT+7

Vì sao vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tròn 36 năm trước nhưng đến nay nhiều nạn nhân vẫn còn 'vô danh' khiến thân nhân họ luôn đau đáu nỗi đau mất mát?

Cuối tháng 3.2018, Báo Thanh Niên tiếp nhận đơn của một nhóm bạn đọc, phản ánh thân nhân của họ là nạn nhân trong thảm nạn đường sắt xảy ra ở Đồng Nai vào ngày 17.3.1982 đến nay vẫn chưa xác định được thông tin, vị trí mộ phần...
Theo nội dung đơn kêu cứu, tàu chợ (còn gọi là tàu hỗn hợp, vừa chở người vừa chở hàng hóa, đến ga nào cũng dừng - PV) số hiệu 183 gồm 13 toa chạy tuyến Nha Trang - Sài Gòn khi đến khu vực ga Bàu Cá, ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (nay là xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom, Đồng Nai) bị mất thắng và lật khiến gần 200 người chết. Vụ tai nạn kinh hoàng khiến nhiều thi thể không còn nguyên vẹn, trong khi do là tàu chợ, nhiều người đi tàu không mang giấy tờ tùy thân, nên thân nhân không được thông báo đến nhận dạng. Ngay trong ngày xảy ra tai nạn, hơn 100 nạn nhân chưa rõ danh tính được chôn tại một khu đất trống cạnh tuyến đường sắt bắc - nam, nay thuộc ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom, và sau đó bỏ hoang phế hàng chục năm.
PV Thanh Niên đã lần theo các manh mối thông tin để tìm hiểu vì sao vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tròn 36 năm trước nhưng đến nay nhiều nạn nhân vẫn còn “vô danh” khiến thân nhân họ luôn đau đáu nỗi đau mất mát.
Bà Nguyễn Thị Đào, nhân chứng trong thảm nạn đường sắt 17.3.1982
“Cả đoàn tàu mà không còn mấy người lành lặn”
Bà Nguyễn Thị Đào, 59 tuổi, hiện ở xã Phong Phú, H.Bình Chánh (TP.HCM), là một trong số người đi trên chuyến tàu định mệnh còn sống sót. Hồi đó, bà cùng chồng nhảy tàu đi buôn. Vì là tàu chợ, nên hầu như ga nào cũng dừng và mọi người chất lên đủ thứ, từ heo, gà, nông sản đến mủ cao su, than củi… vào Sài Gòn bán. Bà Đào nhớ lại: “Rạng sáng 17.3.1982, tôi và chồng ôm theo đứa con trai đầu mới hơn 2 tuổi nhảy tàu từ ga Gia Ray để về Sài Gòn. Vì tàu quá đông nên cả nhà tôi không lọt vào được bên trong toa, mà chỉ chen chúc nhau ở khoảng trống sau cánh cửa giữa 2 toa, xung quanh chất đầy bao cám. Lên tàu khoảng 4 giờ sáng, đi được hơn 1 giờ đồng hồ thì thấy tàu cứ lao tới càng lúc càng nhanh, lao trên đường ray mà sàng qua sàng lại, không thắng được. Tôi đi nhiều nên rành đường, khi qua ga Dầu Giây thấy tàu không dừng lại được để đón khách và lấy thẻ an toàn là lạnh hết người rồi, trong đầu lo kỳ này chắc chết hết, bởi tôi biết đoạn đường sắp tới có khúc cua rất gắt trước khi vào ga Bàu Cá”.
Đúng như lo lắng của bà Đào, khi còn cách ga Bàu Cá khoảng 500 m thì tàu bị lật ngay khúc cua. “Tàu lao càng lúc càng nhanh, nhân viên trên tàu dù cố gắng trấn an “cô bác bình tĩnh, ai ngồi yên đó” nhưng mọi người đều rất hoảng loạn. Một lát sau nghe tiếng ầm rất khủng khiếp rồi nhiều toa lật văng khỏi đường ray. Cả nhà tôi bị các bao cám vỡ tung, đè ập lên người, dù bị ngộp thở nhưng may mắn thoát chết. Tàu lật đè nát hết, nhiều người có thân nhân đến không thể nhìn ra. Khi đó tôi đang mang thai 4 tháng đứa con thứ 2, may là không bị sao.
5 tháng sau tôi sinh thêm thằng con trai. Đến giờ đã 36 năm rồi, tôi chưa một lần đi lại tàu lửa”, bà Đào vẫn còn ám ảnh sau chuyến tàu định mệnh.
Giấy mời của Tổng cục Đường sắt mời gia đình ông Lý Thoại Phương đến nhận tiền bồi thường vào thời điểm 1982 Ảnh: L.T.P
Thời điểm tàu lật vào rạng sáng 17.3.1982 ở khu vực ga Bàu Cá, bà Sương mới 19 tuổi. Bà cùng cô và 2 người chị đi buôn, lên tàu từ ga Tháp Chàm (Ninh Thuận) chiều 16.3.1982, mang theo thuốc lá vào Sài Gòn bán. Bây giờ tàu Thống Nhất chạy từ Ninh Thuận vào Sài Gòn chỉ tầm 5 - 6 tiếng đồng hồ, nhưng thời điểm đó phải đi từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau mới tới.
Hiện bà Sương và gia đình sống ở xã Quảng Sơn, H.Ninh Sơn (Ninh Thuận). Bà kể: “Mấy người chúng tôi đang ngủ, do tàu chở nhiều hàng hóa, chật chội nên ngủ dưới gầm ghế ở toa gần cuối. Khi đó ngủ ngon quá thành ra ban đầu không biết có chuyện gì. Đến khi tàu chạy mỗi lúc một nhanh, gió luồn vô toa lạnh buốt, rồi cảnh hỗn loạn thì nghe tàu mất thắng rồi, trong lòng rất sợ nhưng không làm gì được, chỉ biết ngồi ôm nhau. Tai nạn xảy ra, tôi không thể tin cả 3 chị em chỉ bị xây xước nhẹ, còn người cô thì bị thương được chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu”.
“Lúc đầu ai cũng nghĩ là chết chắc hết rồi, nhưng rồi mấy cô cháu chúng tôi quá may mắn. Có lẽ nhờ bám trụ gầm ghế toa cuối nên không bị văng ra ngoài. Cảnh tan tành thấy dễ sợ lắm. Cả đoàn tàu mà không còn mấy người lành lặn. Chỉ còn 1 - 2 toa trên đường ray thôi. Quá trời xe lam, xe tải chở người bị thương đi bệnh viện. Nhiều nạn nhân là em bé nữa. Hoảng loạn và thương tâm vô cùng”, bà Sương bảo.
Biết thông tin người thân nhờ người đi cùng về báo
Ông Lý Thoại Phương, ngụ Q.Gò Vấp (TP.HCM), thời điểm 1982 mới hơn 20 tuổi, có mẹ là bà Nguyễn Thị Năm (46 tuổi) không may bị thiệt mạng. Theo lời kể của ông Phương, thảm nạn xảy ra vào rạng sáng, đến trưa gia đình mới hay tin nhờ có người đi cùng còn sống về báo. Ông và người bác đi lên hiện trường tìm kiếm, đến nơi khoảng 3 - 4 giờ chiều, hiện trường cơ bản đã được thu dọn xong thi thể người chết. Mặt đất loang máu, vôi được rải trắng cả khu vực để sát trùng.
Ông Lý Thoại Phương
“Tôi lên, thấy cảnh tai nạn mà hoang mang tột độ. Đầu máy bị quăng lên gò đất cao tầm 4 m, làm sập nát một ngôi nhà lá. Chạy tới chạy lui tìm thì gặp một bác cầm cuốn tập vở ghi tên tuổi nạn nhân có mang theo giấy tờ tùy thân khi đi tàu. Mẹ tôi có giấy tờ tùy thân nên khi giở tập vở ra, đối chiếu với xác chết bọc trong túi ni lông, rất may là nhận diện được. Xác mẹ tôi khi đó được đánh ký hiệu bằng số theo thứ tự danh sách ghi trong tập vở, đặt trên thùng xe tải chung với mười mấy xác để chuẩn bị chở đi chôn. Sau đó, có một người trong xã viết cho tôi một tờ giấy dạng như giấy chứng tử. Trời chập choạng tối, bác tôi gặp được chiếc xe lam không đèn không đuốc gì hết. Người chạy xe lam đã làm phước, chở mẹ tôi về Sài Gòn. Khi đó có thêm xác hai mẹ con ở ga Hòa Hưng, không biết họ là ai, cũng được gửi về cùng luôn. Xe về đến ngã tư Thủ Đức thì bị CSGT ngoắc lại vì không có đèn. Tôi liền xuống nói các anh thông cảm, mẹ tôi thiệt mạng trong tai nạn tàu lửa trên Đồng Nai, may có bác xe lam làm phước chở về giùm. Nghe xong, mấy ảnh nói “Thôi mấy anh đi đi”, ông Phương kể.
Sau khi ông Phương lo hậu sự cho mẹ xong, Tổng cục Đường sắt có gửi giấy mời đến Quận đường sắt 3 (tiền thân của Công ty CP vận tải đường sắt Sài Gòn, trụ sở hiện ở Q.1). “Lúc đó tôi có được nhận số tiền bồi thường 3.000 đồng. Khi làm việc với ngành đường sắt, tôi nhận được thông báo đoàn tàu có 13 toa, chạy từ Nha Trang vào Sài Gòn, nặng hàng trăm tấn, lúc bị nạn có 10 toa bị lật, lái tàu và nhân viên đều thiệt mạng, số người chết và bị thương chính xác bao nhiêu thì họ không nói. Ở phòng làm việc, trên bàn có hình trắng đen một số nạn nhân được chụp lại chắc để thân nhân nhận diện. Hồi đó ai ở gần ga Hòa Hưng thì được thông tin, còn ở xa thì có lẽ không biết do không được thông tin kịp thời”, ông Phương nhớ lại.
Vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng
Theo thông tin từ Tổng công ty đường sắt VN, vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra ngày 17.3.1982 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM thuộc địa bàn ấp Hưng Long, xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất (nay là xã Hưng Thịnh, H.Trảng Bom), là vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Trường hợp người chết có thân nhân đến nhận diện thì đưa về quê nhà mai táng. Rất nhiều trường hợp không thể nhận diện, được địa phương và ngành đường sắt tổ chức mai táng ở khu đất trống cạnh nơi xảy ra thảm nạn khoảng 4 km...

(Còn tiếp)
 
*Xem video trên thanhnien.vn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.