Bí ẩn chủ 27 công trình ở Sóc Sơn sắp bị cưỡng chế

Lê Quân
Lê Quân
01/11/2018 08:21 GMT+7

Sau khẳng định sẽ mạnh tay xử lý sai phạm tại 27 công trình trên đất rừng ở xã Minh Trí (H.Sóc Sơn) của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, danh sách chủ nhân những công trình này bất ngờ rơi vào vòng “bí ẩn”.

Sau nhiều lần được thuyết phục, ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, mới dè dặt trao đổi với báo chí về danh sách 27 công trình xây dựng vi phạm trên đất rừng tại địa bàn.
Ông Nhuận chia sẻ, vài ngày gần đây liên tục phải dành thời gian làm việc với đoàn thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội và Thanh tra công vụ của H.Sóc Sơn liên quan đến việc chuyển nhượng đất, công trình xây dựng vi phạm tại địa bàn. Tuy nhiên, viện lý do đoàn thanh tra của Thanh tra TP.Hà Nội đang vào cuộc, ông Nhuận từ chối cho PV tiếp cận danh sách 27 công trình mà Chủ tịch UBND TP.Hà Nội khẳng định sẽ mạnh tay xử lý.
 
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí trao đổi với PV Thanh Niên
Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí trao đổi với PV Thanh Niên

Chủ yếu của người nơi khác
Theo ông Nhuận, trong số 27 công trình nêu trên có 22 công trình nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, 5 công trình nằm ngoài quy hoạch này. Trong số những công trình vi phạm, tập trung nhiều nhất là ở quanh khu vực hồ Đồng Đò, thôn Minh Tân. “Cấp trên đang thẩm định hồ sơ để kiểm tra xem 27 công trình này được xây dựng trên loại đất gì. Cấp xã chúng tôi đã xác định và báo cáo xong nguồn gốc đất, còn phân loại những công trình này xây dựng trên loại đất gì thì do cấp trên.
Theo tôi được biết, phải xác định xong hạn mức và loại đất thì mới biết được 27 công trình vi phạm như thế nào, mức độ ra sao”, ông Nhuận nói. Ông cũng xác nhận, những công trình như Hoàng Lê Gia Garden được xây dựng trên nền đất san bạt núi, quần thể kiến trúc rộng hàng nghìn mét vuông, xây dựng nhà 3 - 4 tầng kiên cố, sân vườn, tiểu cảnh...; hay biệt thự nghỉ dưỡng được xây dựng trên khu đất kè đá, đổ lấn ra giữa hồ Đồng Đò; biệt thự xây dựng bằng cách khoét núi sát mặt đường Bắc Sơn - Thái Nguyên, nhà làm từ container đặt ven hồ Đồng Đò... đều nằm trong danh sách 27 công trình nêu trên.
Khu “lâu đài” Hoàng Lê Gia Garden trong danh sách 27 công trình bị xem xét xử lý   Ảnh: Lê Quân
Khu “lâu đài” Hoàng Lê Gia Garden trong danh sách 27 công trình bị xem xét xử lý Ảnh: Lê Quân

Ông Nhuận liên tục né tránh câu hỏi những chủ nhân của 27 công trình vi phạm là ai với lý do không nắm được cụ thể do đã giao cho Phó chủ tịch UBND xã phụ trách. “Cấp phó phụ trách mảng này hôm nay đi học lớp cán bộ nguồn, không có nhà nên không kiểm tra cụ thể được. Nhưng trong số chủ nhân những công trình đó, rất ít người là dân địa phương, chủ yếu là người nơi khác đến”, ông Nhuận xác nhận.
Ngôi biệt thự được xây dựng trên mặt bằng xây kè, đổ lấn ra giữa hồ Đồng Đò cả chục mét thuộc danh sách 27 công trình bị xem xét xử lý
Ngôi biệt thự được xây dựng trên mặt bằng xây kè, đổ lấn ra giữa hồ Đồng Đò cả chục mét thuộc danh sách 27 công trình bị xem xét xử lý

Được hỏi về các biện pháp ngăn chặn khi phát hiện các công trình xây dựng trên đất rừng, ông Nhuận cho biết đều đã lập biên bản, báo cáo UBND H.Sóc Sơn ngay khi các công trình xây dựng bắt đầu. Trả lời câu hỏi tại sao không áp dụng biện pháp cắt điện, nước để ngăn chặn tình trạng tan nát rừng phòng hộ như hiện nay, ông Nhuận nói: “Các hoạt động xây dựng liên quan đến nhiều yếu tố, cũng nhiều cái chưa xác định được kỹ…”. Về thời điểm sẽ tổ chức xử lý 27 công trình vi phạm, ông Nhuận cho hay điều này phụ thuộc vào kế hoạch UBND H.Sóc Sơn giao.
Dân đọc vanh vách từng chủ công trình
Chiều 31.10, có mặt tại khu vực hồ Đồng Đò, PV ghi nhận về cơ bản hoạt động thi công xây dựng các công trình đã dừng lại, khác hẳn thời điểm cách đây 10 ngày vẫn thi công rầm rộ.
Một trong số nhiều khu đất mới được kè, đổ đất lấn hồ Đồng Đò mà người dân xã Minh Trí đề nghị cần làm rõ

Dẫn PV mục sở thị những công trình mà ông Nhuận xác nhận nằm trong danh sách 27 công trình bị xem xét xử lý, ông L.D.K (44 tuổi, ở thôn Lập Trí, xã Minh Trí) bày tỏ cần phải làm rõ thêm về số lượng công trình mà H.Sóc Sơn báo cáo lên TP.Hà Nội. “Thực tế, số lượng công trình xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ ở khu vực thôn Minh Tân nhiều hơn 27, cần tổ chức kiểm đếm lại. Bên cạnh đó, cũng cần mở rộng xem xét thêm những khu đất lấn hồ Đồng Đò với dấu vết kè đá, đổ đất tạo nền còn mới nguyên hay các lô đất xẻ rừng, bạt núi đã được mua bán sang nhượng qua tay nhiều chủ, đều nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ. Nếu không mở rộng xem xét những khu đất này, e rằng khó tránh được những vi phạm xây dựng tương tự sẽ xảy ra sau này”, ông K. cảnh báo.
Một ngôi biệt thự ven hồ Đồng Đò thuộc danh sách 27 công trình bị xem xét xử lý

Để minh chứng, ông K. dẫn chúng tôi đi một vòng quanh hồ Đồng Đò, chỉ rõ từng vị trí đồi, núi được san gạt tạo mặt bằng, đổ đá hộc chuẩn bị xây dựng. Đi qua mỗi công trình xây dựng, khu đất san đồi, bạt núi, lấn hồ Đồng Đò, ông K. đều đọc vanh vách tên chủ công trình, xuất thân. Trong số đó, không ít người có vai vế trong xã hội.
PV đem những thông tin thu thập được đề nghị trao đổi với các lãnh đạo H.Sóc Sơn như Bí thư Huyện ủy Phạm Xuân Phương, Chủ tịch UBND huyện Vương Văn Bút và Phó chủ tịch UBND huyện Đỗ Minh Tuấn, nhưng đều không có phản hồi với lý do “bận đi công tác”.
Các hộ có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng” nên làm phải thận trọng
Theo báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng (BQL) thuộc Sở NN-PTNT Hà Nội về việc rà soát xây dựng trên đất lâm nghiệp có sự quản lý trùng chéo giữa BQL với UBND xã Minh Phú mới đây, có 18 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ.
BQL cho biết qua quá trình kiểm tra đã phát hiện một số hộ dân xây dựng nhà và làm lán trại trên diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp ở xã Minh Phú. Trước yêu cầu của đơn vị này, một số hộ dân đã tự tháo dỡ hoàn trả mặt bằng. Tuy nhiên, thời điểm đó vẫn còn một số hộ tại khoảnh 11 và 12 (theo quy hoạch rừng 2008) không chấp hành. Cụ thể, có 18 hộ không tự khắc phục với nhiều lý do khác nhau. Theo quy hoạch rừng năm 2008 thì diện tích các hộ đang vi phạm, nhưng qua kiểm tra hồ sơ các hộ cung cấp đều có sổ lâm bạ, có hợp đồng chuyển nhượng qua xã, trong hợp đồng có đất thổ cư, có phiếu thu xây dựng cơ sở hạ tầng, có hóa đơn nộp thuế...
Trong 18 hộ đó có công trình do ông Phạm Mạnh Hà là chủ đầu tư. Theo hồ sơ ông Hà cung cấp có sổ lâm bạ cấp từ năm 2003, với diện tích được giao 1.290 m2, đất trắng. Ông Hà còn cung cấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có xác nhận của xã; tình trạng sử dụng đất là thổ cư và vườn quả. Ông Hà dựng khung nhà thép với diện tích 98 m2. Ngày 26.6, BQL lập biên bản làm việc với ông Hà yêu cầu dừng thi công. Ông Hà ký vào biên bản với cam kết tự nguyện tháo dỡ.
Tại khoảnh 11 có công trình kết cấu gạch xi măng cát, diện tích 123,2 m2, do bà Đào Thị Thanh Thủy là chủ đầu tư. Ngay khi phát hiện, Trạm bảo vệ rừng Sóc Sơn đã lập biên bản. Bà Thủy có cam kết tự tháo dỡ. Tuy nhiên, đến ngày BQL đưa ra báo cáo này thì các công trình vi phạm chưa được xử lý...
Về việc xử lý các công trình sai phạm, thực tế trong 18 công trình vi phạm trên, xã đã cưỡng chế một số công trình trong tháng 10. Mục tiêu đặt ra là trong tháng 11 phải cưỡng chế xử lý dứt điểm hết 18 công trình này.
Bà Vũ Thị Tuyết Lan, Phó bí thư xã Minh Phú, cho biết trong 18 hộ vi phạm có 2 hộ người lâm trường, còn lại là người từ Hà Nội và các tỉnh mua đất xây nhà ở đây. Theo bà Lan, quá trình rà soát cần phải rất cụ thể xem sổ lâm bạ cấp cho các hộ dân trước hay sau thời điểm quy hoạch. Hơn nữa, các hộ có “địa vị xã hội, có ảnh hưởng” nên trình độ hiểu biết và am tường các quy định của luật. “Muốn xử lý các hộ vi phạm này cần phải chặt chẽ, rà soát thẩm định hồ sơ, thẩm định ý kiến các phòng, ban chuyên ngành của UBND H.Sóc Sơn giúp đỡ xã”, bà Lan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.