Bế mạc hội nghị T.Ư 3: Nhất trí giới thiệu bổ sung 23 nhân sự lãnh đạo nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026

Lê Hiệp
Lê Hiệp
09/07/2021 07:02 GMT+7

Trong phiên bế mạc Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII , T.Ư đã ghi phiếu giới thiệu bổ sung 23 nhân sự lãnh đạo một số cơ quan nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chiều 8.7, sau 4 ngày làm việc, Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII đã bế mạc, sớm hơn chương trình dự kiến 1 ngày.

Tiếp tục vừa phát triển kinh tế, vừa phòng dịch

Trong phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết về kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, hội nghị đã thống nhất đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2021; đồng thời cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia, và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7.

Giải trình về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ngày 8.7, trong phiên bế mạc, T.Ư đã nghe Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai thay mặt Bộ Chính trị đọc báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về các vấn đề T.Ư thảo luận liên quan cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và phương án giới thiệu bổ sung nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sau đó, T.Ư đã ghi phiếu giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII.

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, T.Ư cũng lưu ý trong 6 tháng đầu năm vừa qua, KT-XH vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước vẫn đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm hơn trước, có thể còn tiếp tục lan rộng, kéo dài, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng, địa bàn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh gặp nhiều khó khăn...
Từ đó, T.Ư yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của T.Ư để hoàn thiện thêm một bước các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình này, cần tiếp tục bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chủ trương chính sách, biện pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời có giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao và sát hợp với thực tế tình hình: vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH vừa phải chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí nguy hiểm, lan rộng nhanh hơn.
Trong kế hoạch phát triển KT-XH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết T.Ư yêu cầu tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển; đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đối với kế hoạch tài chính quốc gia, T.Ư nhấn mạnh cần “đúng đắn, khoa học và có cơ sở thực tế” trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang tác động rất tiêu cực. Đồng thời yêu cầu giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết cần nhìn thẳng vào sự thật nhằm tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu để đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, giải ngân chậm, nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, thua lỗ, thất thoát, lãng phí...
“Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ cơ chế xin cho; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công”, Tổng bí thư nhấn mạnh và đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời linh hoạt để tháo gỡ khó khăn về thể chế, thủ tục, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình.

Bổ sung, sửa đổi trách nhiệm, quyền hạn Bộ chính trị, Tổng bí thư…

Về quy chế, quy định của T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết T.Ư Đảng cho ý kiến hoàn thiện và quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII; Quy định về thi hành Điều lệ Đảng và Quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng nhiệm kỳ khóa XIII.
Tổng bí thư cho biết dù bổ sung, sửa đổi không nhiều nhưng Quy chế làm việc của Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII đã có những bổ sung, sửa đổi quan trọng liên quan đến trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành T.Ư, của Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư (bao gồm cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư), của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; trách nhiệm và quyền hạn của Tổng bí thư, Thường trực Ban Bí thư, của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, và về chế độ làm việc, phương pháp công tác. Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII đã quy định rõ hơn các vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền hạn của Ủy ban Kiểm tra T.Ư; trách nhiệm, quyền hạn của thành viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư; trách nhiệm, quyền hạn của Thường trực Ủy ban, Chủ nhiệm và Phó chủ nhiệm Ủy ban; và về mối quan hệ công tác với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, ban chỉ đạo của T.Ư...
Đối với Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Tổng bí thư cho biết lần này chủ yếu tập trung vào một số vấn đề để làm tốt hơn công tác đảng viên như: giới thiệu và kết nạp người vào Đảng; công nhận đảng viên chính thức; phát thẻ và quản lý thẻ đảng viên, quản lý hồ sơ đảng viên và thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng; một số quy định về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ...
Còn nội dung sửa đổi, bổ sung Quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; và bổ sung nhiều quy định cụ thể khác liên quan đến các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có tính bản chất, phổ biến hoặc còn thiếu... nhằm phát huy đầy đủ, đúng đắn hơn nữa chức năng kiểm tra, giám sát của Đảng.

Kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo

Về công tác cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho hay T.Ư ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Tổ chức T.Ư, các cơ quan có liên quan trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 2 về kiện toàn một bước cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước thời gian qua, “tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao”.
Theo Tổng bí thư, T.Ư nhất trí cao với phương án do Bộ Chính trị trình về tiếp tục kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan nhà nước nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Ban Chấp hành T.Ư đã nhất trí đề xuất, giới thiệu bổ sung 23 nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Cũng tại hội nghị này, sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư đã bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư; quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Văn Nam, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng; thi hành kỷ luật ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.