Bẫy lừa trên mạng ảo

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
29/06/2018 14:00 GMT+7

Vừa xuất hiện nhiều vụ cướp tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chuyển tiền tại TP.Đà Nẵng, đặc biệt là thủ đoạn dùng tiền ảo để "rửa” tiền bẩn.

“Rửa tiền” qua Bitcoin
Chị P.T.N.B. (24 tuổi, ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) thường cho anh Lâm Gia Vũ (23 tuổi, ngụ TT.Núi Thành, Quảng Nam) mượn số tài khoản để nhận tiền từ người thân ở Mỹ chuyển về VN. Ngày 15.6, kẻ gian cướp tài khoản Facebook của bác của anh Vũ, đọc lịch sử tin nhắn và biết chuyện mượn tài khoản này nên giả danh thông báo sẽ chuyển cho chị B. số tiền 100 triệu đồng, nhờ gửi cho anh Vũ. Tiếp đó, người bác "giả" gửi tiếp đường link, dụ chị B. điền số tài khoản, thông tin cá nhân với lý do để thuận tiện cho giao dịch quốc tế. Tin lời, chị B. nhập cả mã OTP số tài khoản. Đã không được chuyển 100 triệu đồng, thậm chí chị B. còn bị cuỗm 100 triệu đồng trong tài khoản.
Nhiều chị tin theo và bị lừa. Chúng tôi vừa ngăn chặn một vụ ở Gò Vấp (TP.HCM) nhưng lần ra manh mối tận... Nigeria.
Trung tá Trần Văn Khá, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Hải Châu

Với thủ đoạn tương tự, Nguyễn Đức Huy (19 tuổi, ngụ TX.Quảng Trị) vừa bị TAND Q.Hải Châu (TP.Đà Nẵng) tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội sử dụng mạng, thiết bị số để chiếm đoạt tài sản. Là sinh viên ngành công nghệ một trường CĐ tại Đà Nẵng, nhưng do ăn chơi, cờ bạc nợ nần nên Huy cấu kết với Phan Văn Đông (20 tuổi), Lê Văn Ngọc Tú (21 tuổi, cùng ngụ TX.Quảng Trị) tấn công cướp tài khoản Facebook của nhiều người ở nước ngoài. Sau khi nghiên cứu lịch sử trò chuyện, nhóm này chat với người thân, bạn bè nạn nhân lấy cớ chuyển tiền từ nước ngoài về để xin số tài khoản. Bằng thủ thuật công nghệ cao, Huy tạo tin nhắn giả mạo ngân hàng gửi đến điện thoại của nạn nhân với nội dung tài khoản được cộng thêm tiền.
Chiều 31.10.2017, tại phòng trọ của Huy ở đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Hải Châu), Đông chiếm tài khoản Facebook của anh Nguyễn Đình Nam (đang làm việc tại Nga) và giả danh anh này để lừa chị Nguyễn Thị Hồng N. (ngụ Nghệ An). Chị N. bị lừa báo tin sẽ được tặng 25 triệu đồng, nhưng sau khi điền số tài khoản, mật khẩu ngân hàng vào đường link (do Đông đưa cho) liền bị xâm nhập tài khoản, rút 100 triệu đồng, sau đó chuyển vào tài khoản ngân hàng đã bị Huy chiếm quyền sử dụng trước đó. Đáng chú ý, để "rửa tiền", Đông nhờ Huy mua tiền ảo Bitcoin và bán, chuyển tiền vào tài khoản của Huy; lợi dụng tính ẩn danh của giao dịch Bitcoin để xóa dấu vết…
Mở rộng không gian lừa đảo
Không chỉ lừa đảo trong nước, kẻ gian còn "đi đường vòng" ra nước ngoài. Ngày 1.6, chị T.T.T. (ngụ Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) thấy Facebook em ruột là Trịnh Hữu Phúc nhắn nhờ chuyển tiền cọc mua đất Hà Nội, nại lý do anh Phúc đang ở Đức, chuyển tiền về VN bất tiện. Chị T. nhanh chóng đến ngân hàng chuyển 100 triệu đồng vào tài khoản tên Đào Mạnh Tùng như yêu cầu. Tối cùng ngày, anh Phúc mới liên lạc từ bên Đức về thông báo tài khoản Facebook bị hack. Trước đó, chị Đ.T.L. (37 tuổi, ngụ P.Thanh Bình, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng) cũng bị lừa hơn 60 triệu đồng, sau khi kẻ gian chiếm tài khoản Facebook của bạn chị L. ở Mỹ và “nhờ” chị chuyển tiền mua dược phẩm mang về VN kinh doanh.
Trung tá Trần Văn Khá, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an Q.Hải Châu, cho hay có kẻ gian ở nước ngoài làm quen với phụ nữ VN, báo tin sắp đi lính nên cần người giữ giúp 1 triệu USD và hẹn ngày xuất ngũ sẽ thưởng tiền. Khoảng 1 tuần sau, có người gọi điện đề nghị nạn nhân gửi 300 triệu đồng để làm thủ tục nhận 1 triệu USD. "Nhiều chị tin theo và bị lừa. Chúng tôi vừa ngăn chặn một vụ ở Gò Vấp (TP.HCM) nhưng lần ra manh mối tận... Nigeria, nên phải tạm dừng xác minh đường dây tội phạm nước ngoài này”, trung tá Khá nói.
Cũng theo trung tá Khá, nhiều vụ chiếm tài khoản Facebook, Viber rất tinh vi. Đang chat bình thường, kẻ gian sẵn sàng nhảy vào “hất” 1 trong 2 người ra để giả danh chat tiếp nên bị hại không nghi ngờ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.