Báu vật rừng giáng hương làng Grông

06/05/2019 19:51 GMT+7

Rừng giáng hương vài chục năm tuổi được người làng Grông, xã Ia Kriêng, H.Đức Cơ (Gia Lai) xem là báu vật, gắn liền với cuộc sống của người làng, hàng chục năm nay chưa mất một cây.

Theo nhiều nhà nghiên cứu, không gian sống của người bản địa Tây Nguyên luôn gắn với bản nguyên Làng - Rừng. Đó là không gian sống truyền đời tạo nên phong vị văn hóa độc đáo. Gìn giữ, phát triển không gian này cũng đồng nghĩa phải giữ rừng. Và rừng giáng hương ở làng Grông là một biểu tượng cho triết lý đó.
[VIDEO] Khi người làng coi rừng giáng hương là báu vật

Rừng giáng hương độc đáo của Tây Nguyên

 

Tại làng Grông, rừng hương từ bao năm nay vẫn vẹn nguyên. Lâm tặc không thể hạ nổi một cây hương. Đơn giản, bởi người làng xem rừng hương như là một báu vật của làng.
Ông Rmah Thin, một người dân của làng Grông năm nay đã hơn 50 tuổi, nói: “Lúc mình còn nhỏ đã thấy rừng hương. Hồi đó thấy cả thú về. Còn chim thì nhiều lắm. Đến mùa là những đứa trẻ như mình vào đây bắt chim con về nhà nuôi. Mỗi lần lên rẫy là mình lại ghé qua xem có ai phá phách gì không. Người làng ai cũng như mình cả thôi”.
Tuyên truyền việc giữ rừng hương đến bà con bản địa Ảnh: Trần Hiếu
Tận mắt thấy khu rừng giáng hương hơn cả ngàn cây mới biết được ý thức bảo vệ rừng của người làng Grông. Trên diện tích gần 4ha rừng, giáng hương mọc san sát, cây cao thẳng đứng hàng 30 m – 40 m. Bởi mọc khá dày nên toàn khu rừng không có cây đường kính khủng, trung bình chỉ độ 70 cm – 100 cm.
Những tàng cây che kín, tỏa bóng mát rượi cả khu rừng. Đặc biệt, toàn bộ khu rừng chỉ rặt giáng hương ken dày tạo nên một rừng hương độc đáo nhất Gia Lai cũng như khu vực Tây Nguyên.
Ông Rơmah Le, nguyên Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng, cho biết: “Từ những năm 90, chúng tôi đã vận động người dân không phá rừng hương, phát hiện ngăn chặn những người xấu ở nơi khác tới có ý định muốn chặt cây”.
Dưới tán một gốc giáng hương cổ thụ Ảnh: Trần Hiếu
Những cây gỗ quý giáng hương luôn bị lâm tặc rình rập chặt trộm. Ngay tại khu vực đông Gia Lai, nơi có Vườn quốc gia Kon Ka Kinh hay một số vùng rừng khác ở H.Kbang (Gia Lai), hàng chục cây gỗ hương cổ thụ đã biến mất bởi nạn chặt phá trái phép.
Còn rừng hương cổ thụ ở H.Đức Cơ, mỗi mùa vẫn nở hoa vàng rực. Là nơi có những đàn chim cả ngàn con đến trú ngụ. Và để bảo vệ được khu rừng khỏi sự tàn phá của lâm tặc, ngoài người làng Grông còn có sự ủng hộ của lực lượng chức năng, chính quyền H.Đức Cơ.
Anh Trịnh Xuân Hữu, kiểm lâm địa bàn xã Ia Kriêng, nói: “Nếu ở đâu cũng có ý thức bảo vệ rừng như người của xã này thì chúng tôi bớt đi một mối lo. Có động tĩnh gì họ cũng báo cho chúng tôi. Giữ rừng phải giữ tận gốc. Người của làng, của xã này đã bảo vệ rừng hương với tinh thần đó”.
[VIDEO] Khi dân làng làm nghề… giữ rừng

Đuổi lâm tặc ra khỏi làng

Tin tức làng Grông có rừng giáng hương báu vật dĩ nhiên không lọt khỏi mắt lâm tặc. Đã có nhiều lâm tặc đưa phương tiện vào rừng, rắp tâm chặt hạ những cây gỗ hương cổ thụ. Song, mọi âm mưu đều bị ngăn chặn bởi tai mắt của người làng luôn để ý rừng hương. Thất bại, lâm tặc quay ra mua chuộc người trong làng. Những người già trong làng đã đuổi thẳng cổ chúng đi...
Ông Rmah Song, người làng Grông, nói: “Lâm tặc đến làng nhiều lần lắm. Họ mua rượu, mua thịt vào mời người già. Gặp ai, họ cũng bị mắng. Lâm tặc lại quay sang dụ đám trai làng đang tuổi ăn tuổi chơi. Có đứa cũng lưỡng lự. Tin đến tai người già, người già gọi đám thanh niên tới, bảo đứa nào giúp lâm tặc chặt giáng hương thì đừng quay về nhìn mặt người làng nữa..."
Chính quyền H.Đức Cơ cùng với làng dựng nhà, thuê người giữ rừng giáng hương Ảnh: Trần Hiếu
Nhiều năm trước, đã có những lúc cuộc sống cơ cực đeo đẳng người làng. Hơn trăm nóc nhà buồn hiu mỗi ngày. Dù khốn khó là vậy, nhưng người làng vẫn bảo nhau không được đem bán bất cứ một cây hương nào.
Ngày hôm nay, cuộc sống của người làng Grông đã không còn đói nghèo. Và ý thức giữ rừng giáng hương cổ thụ vẫn vậy, luôn cảnh giác, tận tâm.
Anh Nguyễn Hữu Mạnh, một trong hai người được UBND H.Đức Cơ thuê giữ rừng hương 24/24 hàng ngày, cho biết: “Tôi trông rừng hương từ hơn mười năm nay. Thỉnh thoảng mấy đứa choai choai bên ngoài cũng vào phá, khi thì bắt con gà, khi thì lấy vài đồ dùng, nhưng rừng hương thì chúng không dám phá. Hằng năm, hàng triệu trái hương chín rơi đầy nhưng tỷ lệ mọc quá ít, chỉ độ vài chục cây con. Điều tôi mong muốn là các cơ quan chức năng thu lượm lại trái hương để nhân giống trồng trên những khoảng rừng khác. Nếu được vậy, chúng ta sẽ có thêm nhiều cánh rừng giáng hương nữa cho con cháu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.