Bầu cử thời Covid-19 được chuẩn bị thế nào?

11/05/2021 06:18 GMT+7

Nhiều địa phương đã tổ chức các phương án cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp.

TP.Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên tổ chức diễn tập để đưa ra phương án mẫu giúp các điểm bầu cử chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống dịch Covid-19.

Đà Nẵng diễn tập bỏ phiếu bầu cử giữa đại dịch Covid-19

Rà soát từ diễn tập

Đánh giá về các tình huống được đưa ra trong buổi diễn tập, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết từ thực tiễn diễn tập phát sinh một số nội dung cần rà soát. “Ngành y tế, Sở Nội vụ, Ủy ban Bầu cử (UBBC) sẽ thống nhất lần nữa để hoàn thành một video chuẩn, dự kiến sẽ sử dụng để tập huấn cho 526 điểm bầu cử. Từ đó các điểm bầu cử sẽ rút kinh nghiệm để triển khai nhuần nhuyễn hơn trong ngày 23.5”, bà Yến nói.

Người dân Đà Nẵng diễn tập cảnh bỏ phiếu bầu cử qua hàng rào sắt ở khu phong tỏa

ẢNH: HOÀNG SƠN

Hôm qua (10.5), trả lời Thanh Niên, ông Lê Minh Trung, Phó chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng - Phó chủ tịch thường trực UBBC TP.Đà Nẵng, cũng cho rằng cuộc diễn tập ngày 9.5 bám sát với các tình huống đang xảy ra trong thực tế do dịch Covid-19 gây ra. Nội dung diễn tập tập trung cho các tình huống đảm bảo y tế, phòng chống dịch bệnh Covid-19 phục vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế - HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết hiện nay UBBC TP đã chỉ đạo ngoài các thành viên có trong các quyết định ban bầu cử, tổ bầu cử, các lực lượng khác cũng tham gia vào các công việc bầu cử tại các khu cách ly, phong tỏa.
“Trong trường hợp số người cách ly tăng lên thì sẽ tăng cường lực lượng cơ sở, hòm phiếu phụ và thiết bị chống dịch để tiếp cận các khu vực cách ly nhằm tổ chức công tác bầu cử theo đúng quy định”, ông Long thông tin.

Sáng 11.5: Thêm 28 ca mắc Covid-19 lây nhiễm cộng đồng

Nhiều phát sinh do Covid-19

Liên quan công tác chuẩn bị cho bầu cử sắp tới, theo báo cáo của Sở Nội vụ Hà Nội chiều 10.5, hiện có một số vấn đề phát sinh trái với yêu cầu của luật do diễn biến của dịch.
Thứ nhất là việc rà soát, cập nhật biến động danh sách cử tri, do có nhiều người đã có thẻ cử tri nhưng không trở về được khu vực bầu cử của mình vì hạn chế đi lại. Mới đây, việc này đã có văn bản tháo gỡ, là cử tri có thể đăng ký bầu ở khu vực bầu cử mà họ đang có mặt.
Thứ hai là các khu vực cách ly, trước đây đều xác định là các điểm bỏ phiếu phụ, tức là số lượng rất ít, nhưng hiện có những điểm cách ly quy mô rất lớn, thậm chí nhiều cử tri hơn 1 đơn vị bầu cử, ví dụ khu vực Bệnh viện K cơ sở Tân Triều của H.Thanh Trì, đang cách ly tới hơn 3.000 người.
Theo luật, hiện nay đã hết thời hạn thành lập khu vực bỏ phiếu mới, nhưng nếu ghép với khu vực bỏ phiếu hiện có thì vướng ở chỗ mỗi khu vực bỏ phiếu không được quá 4.000 cử tri. Sở Nội vụ Hà Nội cho biết đã báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia, chờ văn bản hướng dẫn, đồng thời tính đến việc chia nhỏ cử tri ở khu cách ly và ghép vào các điểm bầu cử khác nhau, và nếu không thể chia ra thì kể cả quá 4.000 cử tri cũng vẫn phải ghép để đảm bảo quyền bầu cử của người dân. Điều này dẫn đến phải tăng số lượng và kích cỡ hòm phiếu, cũng như lực lượng tổ chức bỏ phiếu của các tổ bầu cử.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, trước đây, mỗi điểm chỉ chuẩn bị 1, 2 người mang một số ít phiếu đến để cử tri bỏ, nhưng nay số lượng đã rất lớn, nên phải bổ sung (theo quy định của luật được tối đa 21 người). Ngoài ra, cũng phải in dự phòng thêm số phiếu.
Sáng nay (11.5), Sở Nội vụ Hà Nội dự kiến họp với phòng nội vụ các quận, huyện để thống nhất kịch bản chi tiết với từng địa phương. Về kịch bản chi tiết cho ngày bỏ phiếu để đảm bảo an toàn cho cử tri đi bầu, dù hiện Bộ Y tế và Sở Y tế đều đã có văn bản hướng dẫn chuyên môn, nhưng tùy vào tình hình diễn biến dịch, 5 ngày trước ngày bầu cử, sẽ có văn bản chỉ đạo chi tiết về việc phân luồng, giãn tiến độ cử tri đi bầu cũng như bố trí các phương tiện phòng dịch.
Trong đợt dịch Covid-19 này, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. UBBC tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành văn bản về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong cuộc bầu cử. Theo đó, với những địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội hoặc các biện pháp phong tỏa không thể tổ chức hội nghị theo hình thức tập trung, hoặc nếu người ứng cử bị mắc Covid-19, thì được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ báo cáo cấp ủy thống nhất với các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp lựa chọn hình thức phù hợp, đặc biệt là hình thức vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Sáng 10.5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đã họp triển khai việc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử theo hình thức trực tuyến. Tỉnh này sẽ thiết lập 3 hệ thống cầu trực tuyến kết nối từ tỉnh xuống các xã, phường... để người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri vận động bầu cử trong 2 ngày 13 - 14.5. Đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri sẽ không quá 50 người đối với các địa phương chưa có dịch; không quá 20 người với địa phương có dịch.
Với H.Thuận Thành (Bắc Ninh) đang phải cách ly, Báo Bắc Ninh sẽ đăng liên tục trong 3 số báo danh sách, ảnh của từng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh (từ ngày 17 - 19.5); Cổng thông tin điện tử tỉnh đăng tải liên tục tiểu sử tóm tắt, chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh; Đài phát thanh - truyền hình phát 5 buổi liên tục sau chương trình thời sự về tiểu sử tóm tắt của từng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND tỉnh, đồng thời tổ chức cho người ứng cử ĐBQH trình bày chương trình hành động trên sóng truyền hình (từ ngày 17 - 21.5).

Cơ sở y tế thường trực 24/24

An Giang và Đồng Tháp là 2 tỉnh giáp biên giới Campuchia. Đứng trước nguy cơ dịch lây lan trong nội địa và xâm nhập từ bên ngoài biên giới vào nên việc đảm bảo công tác phòng dịch phát sinh, lây lan trong cuộc bầu cử được đặc biệt quan tâm.
UBBC tỉnh An Giang thông tin, địa phương có gần 1.400 khu vực bỏ phiếu với hơn 1,5 triệu cử tri. Sở Y tế An Giang đã lên kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 cho cuộc bầu cử sắp tới. Theo đó, việc khử khuẩn làm sạch môi trường phòng họp, hội trường, phòng bỏ phiếu, sảnh hội trường, thang máy, cầu thang, nhà vệ sinh, hòm phiếu, bàn ghi phiếu và các địa điểm khác diễn ra hoạt động bầu cử sẽ được triển khai. Các cơ sở y tế sẽ bố trí các tổ y tế cấp cứu ngoại viện, thường trực 24/24, gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 lái xe và 1 ô tô cứu thương với đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh trong thời gian bầu cử.

Thao tác trơn tru phần mềm hỗ trợ bầu cử

Đánh giá về phần mềm hỗ trợ công tác bầu cử, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM Võ Thị Trung Trinh cho biết sau 2 lần diễn tập, các cán bộ được giao xử lý nhập liệu, vận hành phần mềm đã thao tác trơn tru hơn.
Phần mềm này có một số chức năng như: lập danh sách cử tri và in thẻ cử tri, báo cáo biến động của cử tri, báo cáo tiến độ cử tri đi bầu các cấp, tổng hợp kết quả bầu cử, lập báo cáo theo biểu mẫu do Hội đồng Bầu cử quốc gia quy định. Bà Trinh cho biết thêm, do số lượng cử tri của TP.HCM lớn nên phần mềm sẽ giúp các đơn vị đơn giản hóa thao tác cập nhật thông tin bầu cử, báo cáo tiến độ, tra cứu thông tin, theo dõi, chỉ đạo, điều hành trong ngày bầu cử (23.5).
Sỹ Đông
Đối với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh nắm bắt thông tin, thông báo ngay khi phát hiện có cử tri thuộc diện Fl, F2... đang bầu cử tại các điểm bầu cử trên địa bàn. Các bệnh viện tuyến tỉnh, thành lập đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng hỗ trợ các địa phương thực hiện công tác sơ cấp cứu, vận chuyển, tiếp nhận và điều trị bệnh nhân trong thời gian diễn ra bầu cử.
Còn tại tỉnh Đồng Tháp, cuộc bầu cử lần này có gần 1,4 triệu cử tri với 1.065 khu vực bỏ phiếu. Để phòng, chống dịch Covid-19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh yêu cầu các huyện cắt giảm 30% các buổi hội nghị cho ứng cử viên ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiếp xúc trực tiếp cử tri. Thay vào đó, có thể tổ chức tiếp xúc trực tuyến.

Chi tiết 4 tình huống diễn tập tại Đà Nẵng

Tình huống 1: Tổ chức bầu cử tại một khu vực bỏ phiếu cố định

Ban tổ chức bố trí nhân lực tại cổng ra vào để kiểm tra khai báo y tế đối với cử tri vãng lai, kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn phòng, chống dịch và sàng lọc nhanh sức khỏe. Công dân đến bỏ phiếu về có các biểu hiện sốt, ho, khó thở... cần đưa ngay đến khu vực cách ly đã được bố trí.
Tổ bầu cử bố trí lực lượng giám sát, đề nghị tất cả người tham gia bầu cử thực hiện quy định 5K; hướng dẫn thu gom khẩu trang đã qua sử dụng vào thùng đựng chất thải… Cử tri nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở…, tuân thủ hướng dẫn đến nơi cách ly tạm thời để được xử lý như người nghi nhiễm Covid-19. Cử tri đi theo hàng, luôn đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 1 m. Khử khuẩn tay 3 lần, gồm: trước và sau đến bàn viết phiếu bầu cử, khử khuẩn tay trước khi rời điểm bầu cử.

Tình huống 2: Tổ chức bầu cử cho hộ dân đang thực hiện cách ly tại nhà

Cán bộ bầu cử đeo khẩu trang, găng tay, kính chống giọt bắn rồi vận chuyển hòm phiếu phụ, danh sách ứng cử viên, phiếu bầu cử, bút, dung dịch khử khuẩn, bao đựng rác... đến nhà người đang cách ly.
Cán bộ bầu cử đặt hòm phiếu phụ ngoài khuôn viên nhà của cử tri, rồi dùng loa gọi, hướng dẫn người cách ly cách thức bỏ phiếu. Sau khi cử tri bỏ phiếu xong, cán bộ thu gom bút, thước như rác thải y tế, phun khử khuẩn hòm phiếu và các đồ vật khác, niêm phong hòm phiếu và vận chuyển về điểm bầu cử.

Tình huống 3: Tổ chức bầu cử trong khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa hoặc giãn cách

Tất cả các cán bộ bầu cử phải đứng ngoài hàng rào và mặc đồ bảo hộ y tế đúng quy định, hòm phiếu và bàn đựng phiếu để sát bên ngoài hàng rào. Người cách ly đứng xếp hàng giãn cách trong khu vực cách ly.
Cán bộ hướng dẫn người cách ly cách thức bỏ phiếu và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong bầu cử. Cán bộ bầu cử đứng ngoài giám sát, nhắc nhở cử tri thực hiện bầu cử an toàn theo quy trình đã được hướng dẫn.

Tình huống 4: Tổ chức bầu cử cho người đang thực hiện cách ly tại khu cách ly tập trung, bệnh viện, cơ sở y tế

Tất cả các cán bộ bầu cử phải đứng ngoài hàng rào và mặc đồ bảo hộ y tế đúng quy định, hòm phiếu và bàn đựng phiếu để sát bên ngoài hàng rào. Người cách ly đứng xếp hàng giãn cách trong khu vực cách ly.
Sau đó, cán bộ hướng dẫn người cách ly cách thức bầu cử và hướng dẫn phòng chống dịch trong bầu cử (đeo khẩu trang, khử khuẩn tay trước khi nhận phiếu bầu cử, khử khuẩn tay lần 2 trước khi viết phiếu bầu cử, khử khuẩn tay lần 3 sau khi bỏ phiếu). Cán bộ bầu cử đứng ngoài giám sát, nhắc nhở cử tri thực hiện bầu cử an toàn theo quy trình đã được hướng dẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.