Bất tử, giữ non sông: Người còn lại một thời đạn lửa

22/12/2017 08:00 GMT+7

Đến xã Phú Hòa (H.Lương Tài, Bắc Ninh) hỏi Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Khoáy, ai cũng bảo: 'Ông Khoáy nuôi gà hả? Vào thăm nhanh lên kẻo ông ấy yếu, không nói được gì rồi'.

Chiến công nối tiếp chiến công
Là người dân tộc Nùng, sinh năm 1945 ở xã Thụy Hùng (H.Thạch An, Cao Bằng) nhưng ông lại về tận Lương Tài (Bắc Ninh) lấy vợ và chọn quê hương quan họ để sống hết cuộc đời của mình. Hỏi ra mới biết: Năm 1969 khi đang là công nhân lâm nghiệp, ông tình nguyện nhập ngũ vào chiến đấu trong miền Nam. Tình cờ trong một trận đánh, ông cứu sống chiến sĩ Phương Hữu Đoài (quê Lương Tài) và 2 người kết nghĩa anh em. Sau năm 1975, ông Khoáy từ chiến trường miền Nam ra quê, ghé qua Bắc Ninh thăm người anh kết nghĩa và được giới thiệu làm quen với bà Nguyễn Thị Trai khi ấy 25 tuổi có chồng hy sinh năm 1969, cũng ở mặt trận B3. Cảm thương đủ đầy, ông cưới bà Trai và để vợ ở Bắc Ninh, rồi lên nhận công tác tại Công an vũ trang Cao Bằng.
Ngày 18.2.1979, thiếu úy Hoàng Văn Khoáy, Đại đội phó Đại đội 3, Công an vũ trang tỉnh Cao Bằng trực tiếp chỉ huy một trung đội chi viện cho phân đội giữ chốt Chông Mù (thuộc xã Đình Phong, H.Trùng Khánh, Cao Bằng). Phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích, đơn vị đã góp phần tích cực đánh đuổi địch khỏi đồi Chông Mù. Ngày 8.3.1979, địch càn quét qua xã Thắng Lợi (H.Trùng Khánh), Hoàng Văn Khoáy lại trực tiếp chỉ huy trung đội, có 18 thanh niên xung phong và 14 dân quân phối hợp, bất ngờ tập kích làm tan rã đội hình địch... Với những chiến công sau đó, lại là cán bộ gương mẫu mọi mặt, chỉ huy mưu trí, dũng cảm, đạt hiệu quả chiến đấu cao, Hoàng Văn Khoáy được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất và phong Anh hùng lực lượng vũ trang.
Rồi Anh hùng Hoàng Văn Khoáy được đảm nhiệm nhiều vị trí công tác, trong đó có chức vụ Đồn trưởng Đồn biên phòng Tà Lùng (thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Cao Bằng). Ông chỉ huy nhiều trận đánh tiêu diệt các phân đội địch từ bên kia biên giới mò sang phá hoại, bắt nhiều thám báo, chặn đứng mọi âm mưu phá hoại bằng kinh tế - tư tưởng... Năm 1987, ông Khoáy khoác ba lô về Lương Tài nghỉ hưu cùng vợ con với quân hàm thiếu tá, thương binh 4/4.
Bất tử, giữ non sông: Người còn lại một thời đạn lửa1
Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Khoáy

Mấy chục năm rồi mới có nhà báo về tìm hỏi chuyện giữ gìn biên giới mà tôi không kể hết được. Ngày thành lập Quân đội nhân dân này, viết đi để bà con và con cháu biết là chúng tôi đã bảo vệ biên giới ra sao...

Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Khoáy

Bao nghĩa tình đồng đội
Lúc tôi tìm về nhà ông, người dân chỉ ngôi nhà cao tầng vừa xây xong nằm bên đường bê tông nham nhở gạch đá: “Giờ bác ấy yếu rồi, đơn vị cũ phải phụ tiền động viên xây nhà”. Hỏi ra mới biết: Về nghỉ hưu, ông dành hết thời gian nuôi gà đẻ và lợn nái. Khổ nỗi, đất quê Lương Tài xưa nay có nhiều hộ chăn nuôi nên sản phẩm của ông cũng phải qua tay thương lái; tiền nong nuôi cả nhà cũng chỉ đổi bằng công sức, không lấy đâu tích lũy làm giàu. Con cái dần lớn, cả nhà 9 người cả con cháu, dâu rể nhồi nhét trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ rộng chừng 40 m2; xung quanh nhà là quang quác trại gà.
Năm 2010, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Khoáy bị tai biến phải nằm viện mấy tháng trời, khi về mắc luôn bệnh nói ngọng. Năm 2013, đợt tai biến lần 2 diễn ra trầm trọng tưởng không qua khỏi, gia đình bán hết trâu bò, gà vịt chạy chữa. Rốt cục ông thoát chết nhưng khi về chỉ ngồi một chỗ, nói không nên lời, gắng lắm cũng ký hiệu bằng tay và mọi ăn uống sinh hoạt phải có người phục vụ, ngay tại giường bệnh. Hoàng Văn Việt, 35 tuổi, giáo viên Trường THCS An Thịnh (H.Lương Tài) - con trai duy nhất của Anh hùng Hoàng Văn Khoáy, kể: “Nhà xây chưa xong, chúng em phải gấp rút hoàn thiện một phòng để đưa ông lên ở trước, cho biết nhà mới. Với sức khỏe thế này, chả chắc ông đi khi nào”.
Vợ chồng ông Khoáy có 4 người con. Con gái đầu năm nay 41 tuổi, con gái thứ hai 37 tuổi, cô út cũng 29 tuổi đều làm nông trong làng, gần nhà. Việt kể: Em ước mong được theo con đường của bố nên học xong THPT, làm hồ sơ thi Học viện Biên phòng. Hôm thi, bố đưa em lên tận Sơn Tây và khi biết không trúng tuyển do thiếu điểm, ông nằng nặc không nhờ xin xỏ, hướng em đi học cao đẳng sư phạm.
Bất tử, giữ non sông: Người còn lại một thời đạn lửa2
Thiếu tá Hoàng Văn Khoáy (trái) chụp hình với đồng đội tại Đồn biên phòng Tà Lùng, ngay sau khi nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, đầu năm 1980 Ảnh: Tư liệu gia đình
Tôi hỏi: “Bao năm sao giờ mới xây nhà?”, Việt cười: “Nhà em nuôi 2 người bại liệt là bố em và con gái Hoàng Phương Linh, năm nay 10 tuổi bị bệnh nhược cơ. Lấy đâu ra tiền xây nhà. Tất cả là do các chú bộ đội biên phòng Cao Bằng giúp cả đấy”. Năm 2015, chỉ huy Đồn biên phòng Tà Lùng tìm hiểu qua tài liệu cũ, dò hỏi khắp nơi mới biết cựu chỉ huy đồn ngày xưa còn sống và báo cáo lãnh đạo biên phòng tỉnh Cao Bằng về thăm nhà, thấy hoàn cảnh khó khăn quá nên động viên xây nhà cho Anh hùng Hoàng Văn Khoáy và huy động đóng góp được 200 triệu đồng gửi gia đình. “Hồi xưa, các chú bác ở tỉnh, bộ tư lệnh cũng về cho tiền thường xuyên. Từ khi khởi công xây nhà mới (10.2015), đồn hỏi thăm thường xuyên và gửi cả quân phục mới về cho ông mặc”, Hoàng Văn Việt cảm động nói.
Khi tôi chào chia tay căn nhà tình nghĩa và người anh hùng Bộ đội biên phòng Cao Bằng, ông Khoáy cứ giơ ngón tay lên làm cử chỉ trước mặt tôi. Việt nhìn, dịch cho tôi nghe: “Mấy chục năm rồi mới có nhà báo về tìm hỏi chuyện giữ gìn biên giới mà tôi không kể hết được. Ngày thành lập Quân đội nhân dân này, viết đi để bà con và con cháu biết là chúng tôi đã bảo vệ biên giới ra sao...”.
Tôi và Việt tạm biệt nhau trong gió bấc rít vù vù ngang tai...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.