Bất tiện cầu phao qua sông Hàn

03/12/2015 21:30 GMT+7

30 năm qua, người dân hai huyện ngoại thành là Vĩnh Bảo và Tiên Lãng của TP.Hải Phòng vẫn phải đi lại bằng 2 cây cầu phao xuống cấp và lạc hậu bắc qua sông Hàn.

30 năm qua, người dân hai huyện ngoại thành là Vĩnh Bảo và Tiên Lãng của TP.Hải Phòng vẫn phải đi lại bằng 2 cây cầu phao xuống cấp và lạc hậu bắc qua sông Hàn.

Cây cầu phao xuống cấp, nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải sử dụng để qua song - Ảnh Lê TânCây cầu phao xuống cấp, nguy hiểm nhưng người dân vẫn phải sử dụng để qua song - Ảnh Lê Tân
Cầu phao Đăng (được dựng năm 1990) nối liền xã Kiến Thiết, H.Tiên Lãng với xã Tam Đa, H.Vĩnh Bảo và cầu phao Hàn (xây dựng năm 1980) nối xã Kiến Thiết với xã Hòa Bình, H.Vĩnh Bảo. Hai cầu phao này nối liền các tuyến đường 351, 352, 354, 402 với QL37, QL 10 và là con đường nhanh nhất từ nội thành Hải Phòng đi Thái Bình.
Tuy nhiên sau nhiều năm sử dụng, cầu đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Cả hai cầu phao được ghép bằng những chiếc đò cũ, trên mặt ghép tôn sắt, gỗ rất ọp ẹp và mất an toàn. Đó là chưa nói, khi đi qua 2 cầu phao này người dân phải đóng phí, mỗi lượt xe máy là 4.000 đồng - 7.000 đồng. Riêng ô tô thì mua vé tùy theo chỗ ngồi và tải trọng.
Do đôi đường cách trở nên những người phải qua sông làm việc gặp rất nhiều tình huống éo le. Ông Nguyễn Trần Cần, Giám đốc Điện lực H.Vĩnh Bảo kể: “Có lần bão về Hải Phòng, lưới điện bị sự cố, tôi phải đi từ nhà ở Kiến An vào Vĩnh Bảo xử lý, nhưng đi đến cầu phao mới biết không được qua cầu vì mưa gió nguy hiểm, lại phải vòng lại đi đường khác”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Vũ Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết (H.Tiên Lãng) cho biết: “Khi thời tiết xấu, người dân thường không dám qua các cầu phao mà phải quay lại đi đường vòng xa hơn 10 km để về nhà. Có người ngại đi xa lại gọi đò ngang chở qua sông, rất nguy hiểm”.
Còn ông Lê Đức Thuận, Chủ tịch xã Tam Đa (H.Vĩnh Bảo) cho rằng: “Khổ nhất là công nhân. Hai huyện đều có những khu công nghiệp lớn thu hút hàng nghìn lao động. Ngày nào họ cũng phải qua cầu 2 lần như vậy, mỗi tháng phải phát sinh thêm mấy trăm nghìn tiền vé”.
Không chỉ có giao thông đường bộ bị ảnh hưởng, giao thông đường thủy cũng gần như bị ngưng trệ. Lãnh đạo các xã Kiến Thiết, Tam Đa, Hòa Bình đều cảm thấy rất bế tắc trước việc tìm hướng cho bến tàu thủy tồn tại từ rất lâu ở sông Hàn đang “sống dở chết dở” vì hai cầu phao này. Theo đó, hai cầu phao như cái barie chắn ngang dòng sông. Tàu thuyền ra vào phải được sự cho phép của đơn vị quản lý cầu, phải mất phí đóng cầu và hầu như chỉ được lưu thông vào ban đêm.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Xuân Phương, Phó giám đốc Sở GTVT Hải Phòng cho biết, TP. Hải Phòng và Bộ NN-PTNT đã có quy hoạch xây cầu Hàn và đập tràn thủy lợi thay thế cho hai cầu phao này. Tuy nhiên chưa rõ bao giờ mới có thể thực hiện dự án.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.