Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm: Có lỗ hổng trong giám định độ tuổi

01/07/2020 08:10 GMT+7

Cùng sự vụ 'bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm', Trung tâm giám định pháp y thuộc Sở Y tế TP.HCM cho ra 2 kết quả giám định độ tuổi nạn nhân khác nhau dẫn đến bản chất vụ việc thay đổi

Liên quan loạt bài Bất thường vụ bé gái 14 tuổi nghi bị hiếp dâm mà Thanh Niên nhiều lần phản ánh, cùng một sự vụ mà Trung tâm giám định pháp y cho ra 2 kết quả giám định độ tuổi nạn nhân khác nhau dẫn đến bản chất vụ việc thay đổi, đến nay Sở Y tế TP.HCM mới phản hồi cho Thanh Niên về kết quả giám định “bất thường” này.

Sử dụng phần mềm chưa được Bộ Y tế công nhận

Lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết việc giám định độ tuổi trên, Trung tâm giám định pháp y (TTGĐPY) thuộc Sở Y tế TP.HCM cho rằng giám định theo Thông tư 47/2013 của Bộ Y tế. Thông tư quy định đánh giá độ tuổi bằng 3 tiêu chuẩn: dựa vào phần mềm để xác định độ tuổi, kết quả khám lâm sàng, kết quả cận lâm sàng (xét nghiệm, X-quang, ADN...).

Phần mềm góp phần quan trọng trong việc giám định tuổi, tuy nhiên còn nhiều yếu tố khác trong việc xác định độ tuổi của xương, nên nếu đổ lỗi cho phần mềm dẫn đến kết quả sai độ tuổi thì không chuẩn

Một cán bộ giám định của Bộ Công an

Theo báo cáo của TTGĐPY, hiện Bộ Y tế chưa ban hành phần mềm giám định độ tuổi. Với trường hợp mà Thanh Niên phản ánh, TTGĐPY sử dụng 2 phần mềm (nhập các thông số dựa trên phim X-quang, phần mềm tính điểm và đưa ra thông số về độ tuổi) nên cho 2 kết quả khác nhau. Lần 1: sử dụng phần mềm của Viện Pháp y T.Ư (kết quả: nạn nhân N.T.B có độ tuổi từ trên 17 đến gần 17 tuổi 6 tháng - PV) và lần 2: sử dụng phần mềm của Bộ Công an cho ra kết quả khác (vào 17.11.2019, B. có độ tuổi trên 14 tuổi 9 tháng dưới 15 tuổi 4 tháng - PV). Ngoài ra, 2 lần giám định do 2 chuyên viên giám định khác nhau đọc nên có độ “co giãn”. Tuy nhiên, cả 2 phần mềm này chưa được Bộ Y tế công nhận để đưa vào quy trình chuẩn cho quốc gia.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế TP, trước khi có Thông tư 47/2013, TTGĐPY chưa thực hiện giám định tuổi. Từ khi Thông tư 47/2013 ra đời đến nay, TTGĐPY thực hiện giám định độ tuổi cho 194 ca. Hiện Bộ Y tế, Viện Pháp y T.Ư chưa triển khai phần mềm giám định độ tuổi nên chưa có quy trình cụ thể về việc giám định xương cùng lúc 3 phương pháp: phần mềm, khám lâm sàng và cận lâm sàng. “Nếu không có phần mềm thì việc khám lâm sàng, cận lâm sàng cũng có thể giám định độ tuổi được dựa vào y văn các nước đã sử dụng qua các nghiên cứu trên quần thể người châu Á”, lãnh đạo Sở Y tế nói.

Căn cứ nào để xác định độ tuổi ?

Một lãnh đạo Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an cho biết phương pháp xác định độ tuổi qua giám định xương có thể xác định độ tuổi đối với một con người, chỉ cần có ảnh chụp X-quang khung xương của người cần được giám định, dựa theo phần mềm xác định về độ tuổi, thì sẽ xác định tuổi chính xác đến từng tháng. “Và độ sai lệch con số tầm khoảng 6 tháng đến 1 năm, còn nếu chênh lệch gần 3 tuổi thì quá sai lệch, có sai sót khi giám định rồi. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt thì mới chênh lệch cao hơn, nhưng ít. Kết quả giám định được xem là nguồn chứng cứ trong vụ án hình sự vì vậy phải chuẩn xác cao nhất, nếu không ảnh hưởng rất lớn đến vụ án”, vị lãnh đạo này nhìn nhận.
Như Thanh Niên đã thông tin, nạn nhân N.T.B có giấy khai sinh ngày 2.1.2005 (ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM), bị hiếp dâm ngày 17.11.2019. Gia đình nạn nhân có đơn tố giác Nguyễn Ngọc Quang hiếp dâm em B. mới hơn 14 tuổi. Cơ quan điều tra Công an H.Bình Chánh vào cuộc, trưng cầu giám định tới TTGĐPY.
Kết quả giám định của TTGĐPY, theo thông báo ngày 6.1.2020 của cơ quan điều tra, là: “Qua quá trình khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng chứng tỏ hiện tại đương sự N.T.B có độ tuổi từ trên 17 đến gần 17 tuổi 6 tháng. Tại 19.11.2019, đương sự B. đã trên 17 tuổi”. Với việc nạn nhân đã trên 17 tuổi, nhiều khả năng Nguyễn Ngọc Quang “vô sự”.
Ngay sau khi nhận thông báo kết quả giám định, gia đình nạn nhân làm đơn khiếu nại. Cơ quan điều tra Công an H.Bình Chánh tiếp tục trưng cầu giám định và ngày 23.4.2020 có thông báo kết quả giám định lại (ngày 11.3.2020, cũng của TTGĐPY), xác định: “Qua quá trình khám lâm sàng và kết quả cận lâm sàng, chứng tỏ tại thời điểm giám định ngày 24.12.2019, đương sự N.T.B có độ tuổi trên 14 tuổi 10 tháng dưới 15 tuổi 5 tháng. Vào 17.11.2019, B. có độ tuổi trên 14 tuổi 9 tháng dưới 15 tuổi 4 tháng”. Trên cơ sở này, Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án, bắt tạm giam bị can Nguyễn Ngọc Quang để điều tra hành vi giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Duy Tính
Vị này phân tích thêm, mô xương, sự phát triển của cơ thể luôn thay đổi liên tục trong đời sống con người, thay đổi theo độ tuổi, những biến đổi này liên quan đến hình thái bên ngoài của xương, cũng như cấu trúc và hình thái hóa học của xương. Từ đó, các nhà khoa học đã phát hiện được những đặc điểm, sự biến đổi của mô xương hoặc răng theo từng thời kỳ phát triển của độ tuổi. Ví dụ, dựa vào xương sọ thì đánh giá kích thước và sự liền khớp; dựa vào hệ thống răng thì dựa vào thời kỳ sinh lý khi răng mọc, sự mòn răng và rụng răng… Từ nhiều yếu tố thì mới ra một kết quả giám định độ tuổi. Nhờ vào việc giám định xương sẽ giúp các cơ quan tố tụng có đủ chứng cứ khoa học để giải quyết những vụ việc hình sự liên quan đến tuổi, giúp các cơ quan tố tụng xử lý đúng người, đúng tội danh mà luật pháp quy định.
“Việc giám định độ tuổi thông qua quá trình phát triển của xương, theo từng thời kỳ là một căn cứ để trên cơ sở khoa học giúp cơ quan tiến hành tố tụng có cơ sở xem xét khách quan vụ án. Việc chọn kết quả giám định nào là do cơ quan thi hành tố tụng”, vị này nói.
Theo một cán bộ giám định của Bộ Công an, phần mềm góp phần quan trọng trong việc giám định tuổi, tuy nhiên còn nhiều yếu tố khác trong việc xác định độ tuổi của xương, nên nếu đổ lỗi cho phần mềm dẫn đến kết quả sai độ tuổi thì không chuẩn.

Nếu phát hiện ai có tư lợi thì người đó sẽ chịu trách nhiệm

Trước tình trạng này, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu TTGĐPY phải chấn chỉnh về quy trình chuyên môn giám định pháp y vì có liên quan đến việc xử lý sau này và vấn đề hình sự đối với các trường hợp có liên quan. Căn cứ vào Thông tư 47/2013 của Bộ Y tế để xây dựng hoàn chỉnh quy trình chuyên môn từng loại giám định; tiêu chuẩn đánh giá kết luận và ban hành áp dụng chính thức tại TTGĐPY phải được hội đồng đánh giá (kiểm chứng) chấp nhận thì mới được thông qua chứ không hời hợt như thời gian qua. Việc này nhằm đề phòng người đánh giá nghỉ việc, hay chuyển chỗ khác thì lãnh đạo không thể trả lời được vì không có biên bản của hội đồng xác nhận. Đồng thời, TTGĐPY phải ban hành quyết định cho phép giám định việc thực hiện đối với từng loại giám định (tuổi, thương tật...) để đi vào chuyên sâu, căn cứ vào năng lực của từng người, bởi một người đánh giá nhiều thứ sẽ không chính xác. Ngoài ra, cần có biện pháp kiểm tra, giám sát sự tuân thủ đối với từng loại giám định viên để đảm bảo tuân thủ pháp luật. Sở Y tế cũng yêu cầu TTGĐPY xây dựng quy trình, quy chế phối hợp với các bệnh viện đầu ngành trong việc khám chuyên khoa, hội chẩn, gửi mẫu...
“Lỗ hổng của TTGĐPY là khi Bộ Y tế chưa có phần mềm mà đã sử dụng phần mềm khác chưa có ý kiến của Bộ Y tế. Do đó, TTGĐPY phải có văn bản báo cáo, đề xuất Bộ Y tế để có hướng dẫn hoặc cho phép”, lãnh đạo Sở Y tế nói. Ngoài ra, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng cho biết chưa phát hiện có hay không có lợi ích trong vấn đề giám định độ tuổi này, nhưng có sự lúng túng về chuyên môn (kỹ thuật, quy trình) trong áp dụng nên Sở Y tế đã chấn chỉnh. Nhưng nếu phát hiện ai có tư lợi thì người đó sẽ chịu trách nhiệm. Với vụ việc này, nếu có yêu cầu giám định lại, Sở Y tế sẽ giám sát và sẽ xin ý kiến Bộ Y tế để có hướng dẫn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.