Bất thường trong vụ phá rừng pơ mu

Vụ phá rừng pơ mu phát hiện tại khu vực đường biên ở Quảng Nam đã 'lan' sang đất Lào, chính quyền tỉnh Quảng Nam đang phối hợp với tỉnh Sê Kông để điều tra, ngăn chặn.

Phó chủ tịch tỉnh vào tận hiện trường
Sáng qua 20.7, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã ký công hàm gửi Tỉnh trưởng tỉnh Sê Kông đề nghị phối hợp điều tra, xử lý vụ phá rừng pơ mu nghiêm trọng xảy ra ngay tại khu vực đường biên.
Hiện trường ngổn ngang tại khoảnh 10 tiểu khu 351.Ảnh: H.X.H
Hiện trường ngổn ngang tại khoảnh 10 tiểu khu 351. Ảnh: H.X.H

Khi đoàn công tác của tỉnh lên kiểm tra hiện trường sáng cùng ngày, tại kho chứa “vô chủ” sát bên đất Lào, ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng đã gọi điện thoại trực tiếp cho Phó tỉnh trưởng phụ trách kinh tế - biên giới và kinh tế cửa khẩu của tỉnh Sê Kông (Lào) để thông báo tình hình.
Hôm qua, ông Nguyễn Hoàng, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan tỉnh Quảng Nam), đã đến nhận nhiệm vụ thay ông Lê Trung Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang bị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo đình chỉ công tác để giải trình về 115 phách gỗ pơ mu trong khuôn viên chi cục. Ông Thịnh khẳng định đây là lượng gỗ “tích lũy” lâu ngày và từ nhiều nguồn, không liên quan đến gỗ từ vụ án. Trong khi đó, Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Nam cùng Đồn phó Đồn biên phòng La Dêê (Nam Giang), Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang đã thực hiện lệnh triệu tập của Bộ Tư lệnh BĐBP để báo cáo vụ việc.

Cùng ngày, đại tá Lê Quang Vịnh, Trưởng công an H.Nam Giang cho biết với sự hỗ trợ từ PC46 Công an tỉnh và việc sớm cử 2 tổ trinh sát xuống địa bàn xã La Dêê (nơi phát hiện vụ phá rừng pơ mu tại khoảnh 5 tiểu khu 351 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung từ ngày 9.7), cơ quan điều tra đã mở rộng phát hiện nhiều điểm tập kết gỗ khác.
Dư luận đặt nhiều nghi vấn đối với lượng gỗ pơ mu tập kết bên khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang và cất giấu cách Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang chỉ 15 m. Tổng cộng, đã có 591 phách gỗ pơ mu, 8 bi (lóng) gỗ pơ mu và 34 phách gỗ dỗi được kiểm đếm với khối lượng 44,3 m3.
Cơ quan điều tra bị làm khó
Trong khi đó, những dấu hiệu bất thường đang xuất hiện kể từ khi vụ án được khởi tố. Hôm qua, PC46 Công an Quảng Nam đã “phàn nàn” với lực lượng biên phòng cửa khẩu vì không được tạo điều kiện kiểm tra lượng gỗ có dấu hiệu sai phạm đang tập kết ở một nhà hoang.
Thượng tá Nguyễn Trung, Phó phòng PC46, cho biết trinh sát phát hiện sáng 19.7 vẫn có gỗ chứa bên trong nhà hoang, nhưng khi đoàn công tác của tỉnh lên kiểm tra vào sáng qua (20.7) thì toàn bộ gỗ biến mất. Tiếp tục truy xét, trưa qua PC46 tìm thấy 20 phách pơ mu giấu bên vệ đường cách nhà hoang khoảng 100 m về phía hướng Lào, có dấu hiệu đang tẩu tán bằng xe loại lớn.
Vụ phá rừng pơ mu ở H.Nam Giang xảy ra chỉ vài tháng sau khi rừng pơ mu tại H.Tây Giang đón nhận danh hiệu Cây di sản. Thậm chí xảy ra ngay sau khi Thủ tướng làm việc ở Tây nguyên chỉ đạo đóng cửa rừng dù Quảng Nam đã đóng cửa rừng từ lâu, và gần như ngay sau chỉ thị của UBND tỉnh siết kỷ cương về quản lý lâm sản, khoáng sản.
Tuy nhiên, ngay cả công tác điều tra phá án ở phạm vi rừng bị phá bên đất VN hiện vẫn đang khiến các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam “đau đầu”. Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định cơ chế điều tra ngay tại vùng biên bảo vệ nghiêm ngặt (phải được sự cho phép của lực lượng biên phòng) cần được tháo gỡ, để các điều tra viên thuận tiện trong việc phá án.
Trong buổi chiều hôm qua, sau khi đã trực tiếp đến hiện trường và đi khảo sát các điểm tập kết gỗ mà cơ quan điều tra phát hiện, đoàn công tác của UBND tỉnh đã họp với Công an tỉnh, BĐBP tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung (chủ rừng bị phá), Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, Đồn biên phòng và Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang... để truy trách nhiệm trong công tác quản lý địa bàn.
Khởi tố, bắt giam thêm 8 bị can vụ phá rừng ở Lâm Đồng
Chiều 20.7, Cơ quan điều tra Công an Lâm Đồng cho biết sau khi biết tin Lê Hồng Hà (48 tuổi, tức Hà “đen”, quê Nghệ An, hiện ngụ xã Đạm Bri, TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị truy nã về hành vi vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng, vợ của Hà đã đến Công an Lâm Đồng xin cho chồng được ra đầu thú. Thế nhưng, đến chiều tối 20.7, Hà vẫn chưa đến trình diện.
Như Thanh Niên đã phản ánh, rạng sáng 8.7, Bộ Công an đã điều quân lên khu vực thủy điện Đồng Nai 5 (H.Bảo Lâm, Lâm Đồng) phá án và bắt quả tang 19 người đang khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Sau đó, cơ quan chức năng khởi tố 3 bị can gồm Lê Hồng Hà, Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi, quê Hà Nội, chủ ô tô tải chuyên vận chuyển gỗ trái phép cho Hà) và Nguyễn Văn Thành (49 tuổi, ngụ Đắk Nông, lái xe tải). Tuy nhiên, Hà bỏ trốn và bị truy nã.
Liên quan đến vụ án này, ngày 20.7, cơ quan điều tra tiếp tục khởi tố và bắt tạm giam thêm 8 bị can để điều tra mở rộng vụ án, đồng thời làm rõ trách nhiệm và sai phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan theo sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình.
Lâm Viên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.