Bất hợp lý khoán rác y tế tính tiền

11/06/2018 08:13 GMT+7

Từ tháng 6, hàng ngàn phòng khám, cơ sở y tế tư nhân tại TP.HCM khi đổ rác phải cân ký để tính tiền phát sinh. Đặc biệt, rác được khoán là 10 kg/tháng/cơ sở, vượt tính thêm nhưng ít hơn thì không nói đến.

Quy định lạ lùng trên đang được Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM áp dụng.
Đổ rác phải chờ cân và ký xác nhận
Nếu vượt số lượng đó thì phải đóng thêm tiền nhưng lại không thấy quy định nếu đổ rác ít hơn thì có được trả lại tiền hay không? Hơn nữa, quy định trên lại thu tiền cùng lúc 7 tháng là nhằm mục đích gì trong khi trước đây phí này vẫn thu hằng tháng? Thu một lèo 7 tháng này dựa trên quy định nào?
BS Bùi Yên Trình
Nhiều phòng khám tư tại TP.HCM phản ánh đến Báo Thanh Niên, họ nhận được thông báo của Công ty TNHH MTV môi trường đô thị TP.HCM (Citenco), các công ty dịch vụ công ích các quận huyện kèm hợp đồng thu gom rác mới để ký cho thời gian từ tháng 6 - 12.2018. Hợp đồng mới ghi rõ, khối lượng rác y tế được khoán là 10 kg/tháng/cơ sở. Nếu vượt khoán, phần rác vượt sẽ được nghiệm thu thanh toán bổ sung hàng quý sau.
Đáng lưu ý, hợp đồng ghi rõ trách nhiệm của phía cơ sở y tế: “Phải cử người giao và ký xác nhận khối lượng rác mỗi lần giao. Bảng xác nhận khối lượng rác hằng tháng... Bên B (Citenco - PV) từ chối nhận rác nếu không có người giao và ký xác nhận khối lượng giao”.
Với mức khoán 10 kg rác/tháng, theo hợp đồng, tổng số tiền mỗi phòng khám tư nhân phải trả cho việc thu gom và xử lý rác thải cho Citenco là 510.000 đồng/tháng. Tính 7 tháng từ tháng 6 đến hết năm nay, tổng số tiền là 3.570.000 đồng. Lượng rác vượt quá khối lượng khoán tính theo đơn giá 11.000 đồng/kg.
Giám đốc một phòng khám Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết quy định cân đong lượng rác y tế để tính tiền theo kiểu khoán, rồi vượt mức khoán sẽ được đóng sau với mức hơn gấp đôi giá tiền rác khoán là điều xưa nay chưa từng thấy. “Nếu theo đúng hợp đồng được soạn thảo từ Citenco gửi cho chúng tôi, mỗi lần nhân viên thu gom rác thải y tế phải mang theo cái cân và cân rác rồi bên phòng khám phải có nhân viên chờ để ký vào sổ xác nhận. Đáng nói, thông báo và hợp đồng chỉ được gửi đến cho các cơ sở y tế tư nhân, vậy các cơ sở y tế công chịu sự tác động bởi quy định mới này không? Tại sao việc thu gom rác y tế thôi lại phân biệt cơ sở y tế tư khác công như vậy? Điều này thể hiện sự bất bình đẳng giữa các cơ sở y tế công và tư”, vị này bức xúc.
Theo BS Bùi Yên Trình, chủ một phòng khám ngoài giờ trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TP.HCM), từ trước đến nay, mỗi tháng phòng khám của ông trả phí thu gom rác là 165.000 đồng và đóng từng tháng. Nhưng hợp đồng mới phải ký lại với Citenco (thay cho hợp đồng cũ ký với Q.10), phòng khám này phải đóng thêm số tiền 110.000 đồng cho 10 kg rác/tháng, cộng với số phí đóng như trước tổng cộng thành 275.000 đồng/tháng. Đồng thời, phòng khám phải đóng đủ tổng cộng 1.925.000 đồng theo hợp đồng từ tháng 6 - 12.2018.
Bất hợp lý  khoán rác y tế tính tiền
Rác thải y tế được tập kết tại một số cơ sở y tế Ảnh: Duy Tính
BS Trình phân tích, quy mô của các phòng khám rất khác nhau. Trong đó, phòng khám bệnh ngoài giờ có đặc điểm riêng là làm việc ít thời gian, ít can thiệp bệnh nhân nên số lượng rác y tế rất ít. Ví dụ phòng khám của ông chỉ từ 1 - 2 kg rác y tế/tháng. Vì vậy, việc giao khoán 10 kg rác/tháng là không phù hợp.
“Nếu vượt số lượng đó thì phải đóng thêm tiền nhưng lại không thấy quy định nếu đổ rác ít hơn thì có được trả lại tiền hay không? Hơn nữa, quy định trên lại thu tiền cùng lúc 7 tháng là nhằm mục đích gì trong khi trước đây phí này vẫn thu hằng tháng? Thu một lèo 7 tháng này dựa trên quy định nào?”, BS Trình băn khoăn.
Trái quy định, bất hợp lý
Theo quy định của Thông tư liên tịch 58/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế, trách nhiệm thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế thuộc về Sở Tài nguyên - Môi trường các tỉnh, thành phố.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Thực tế, rất nhiều phòng khám tư khám bệnh ngoài giờ có lượng rác thải chỉ vài ba ký mỗi tháng, bằng 1/3 - 1/5 mức rác khoán nhưng vẫn phải đóng số tiền cho cả 10 kg. Chỉ riêng Q.10, có trên 500 cơ sở y tế tư. Khoán thế này, chỉ riêng các cơ sở y tế tư của quận đóng gần 1,8 tỉ tiền rác thải y tế từ nay đến cuối năm, chưa tính khoản vượt ngoài mức khoán. TP.HCM hiện có hơn 6.100 cơ sở y tế tư nhân, nếu đóng theo mức khoán, tổng số tiền rác thải y tế cho lượng cơ sở y tế tư nhân này đóng lên trên 3 tỉ đồng/tháng.
Đáng nói, theo Quyết định 6279 của UBND TP.HCM ban hành vào cuối năm 2017 về kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, y tế nguy hại trên địa bàn TP.HCM, không có nội dung nào liên quan đến quy định tính tiền rác thải y tế tư nhân theo kiểu khoán như vậy. Chuyên gia môi trường Phan Văn Hiện gọi đùa cách thu này là “khoán 10”, không hợp lý lắm, thậm chí là nguy hiểm nếu đòi hỏi phải có nhân viên mỗi ngày đứng ra canh cân ký rác thải y tế như vậy.
“Rác thải y tế là một ổ bệnh, gồm nhiều mẫu phẩm, vật phẩm... có nguy cơ phát sinh ô nhiễm truyền lan các dịch bệnh khác nếu cứ phải tiếp xúc gần và cận kề thường xuyên. Thế nên, việc thu gom loại rác thải độc hại này phải hết sức gọn gàng, kín đáo và đòi hỏi kỹ thuật chặt chẽ. Có rất nhiều cách để ước lượng lượng rác thải đó bằng thùng, khung hay bao bì nén ước khối lượng thay vì cân phải mất thời gian tiếp xúc cận kề chất độc hại lâu hơn, không tốt cho người đi thu gom lẫn nhân viên phòng khám”, chuyên gia Phan Văn Hiện nói và cho rằng quy định cân ký với rác thải y tế coi chừng lại phản tác dụng. Bởi có thể để tránh bị đóng quá mức khoán, người ta có thể chuyển rác từ thùng rác y tế sang rác sinh hoạt bình thường để đối phó với hình thức cân ký đó. Như vậy, nỗ lực bảo vệ môi trường và xử lý rác thải độc hại khó khăn hơn.
“Cơ quan quản lý rác thải y tế có hướng dẫn cụ thể hơn với đơn vị thu gom. Không thể giao cho một đơn vị thu gom rác kiểu khoán rồi thu số tiền vượt khoán cao hơn gấp đôi kiểu như phạt vậy”, ông Hiện nói.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, nhận định: Việc khoán số lượng rác thải và thu tiền trước 7 tháng là chưa hợp lý. Điều này cũng hoàn toàn trái với nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự. Bởi bản chất của hợp đồng là phải có sự thỏa thuận của hai bên và dựa trên khối lượng công việc thực tế, làm đến đâu thu tiền đến đó. Quy định như trên cũng dễ phát sinh ra các tiêu cực như các cơ sở y tế "giấu" rác thải, chuyển sang rác sinh hoạt... Đây cũng không phải là hoạt động kinh doanh với mục tiêu có lãi mà là hoạt động công ích. Vì vậy hợp đồng dịch vụ cần phải rõ ràng, minh bạch để tạo sự đồng thuận của người dân. Như vậy mục tiêu xã hội hóa các hoạt động này mới đạt hiệu quả.
Xã hội hóa dịch vụ công cần minh bạch
Theo Quyết định 6279 của UBND TP.HCM về kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại, y tế nguy hại trên địa bàn TP.HCM ban hành ngày 1.12.2017, với tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 12 - 14% năm, khối lượng chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại phát sinh khoảng 1.500 - 2.000 tấn/ngày.
Dự báo đến năm 2020 có khoảng 700 tấn/ngày phát sinh trên địa bàn thành phố và đến năm 2025 phát sinh khoảng 1.000 tấn/ngày. Riêng dự báo khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh trên địa bàn thành phố đến năm 2020 khoảng 30 tấn/ngày và đến năm 2025 phát sinh khoảng 50 tấn/ngày. Cũng theo quyết định này, việc xử lý chất thải y tế nguy hại được giao do Citenco thực hiện bằng công nghệ đốt tiêu hủy tại nhà máy 7 tấn/ngày hoạt động tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân) và nhà máy xử lý 21 tấn/ngày tại công trường Đông Thạnh (H.Hóc Môn), tro phát sinh sau khi đốt được chôn lấp an toàn, đảm bảo về môi trường. Kế hoạch xã hội hóa công tác này sẽ được thực hiện cụ thể, từ ngày 1.6, các cơ sở y tế tư nhân thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ. Riêng các cơ sở y tế công sẽ thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ từ ngày 1.6.2020 trở đi.
Tham khảo tại một số thành phố khác như Huế, Buôn Ma Thuột, Đà Lạt... việc thu gom rác y tế tại các phòng khám tư dường như không có sự phân biệt rõ ràng. Tại các thành phố này, rác thải y tế từ các phòng khám tư cũng chỉ được “cột thành bịch, bỏ trước cổng nhà hoặc mang đến điểm tập kết rác chờ xe rác đến lấy vào mỗi buổi tối” như mọi loại rác sinh hoạt bình thường khác. Nhân viên thu gom rác thải của một đơn vị công ích tại Buôn Ma Thuột cho biết, vì không phân biệt rác, các phòng mạch vẫn bỏ lẫn kim tiêm, bông băng với rác thải sinh hoạt hằng ngày và “quăng” vào xe của họ mỗi khi xe thu gom đến. Tiền rác các hộ gia đình, cơ sở y tư nhân đóng vài chục ngàn mỗi tháng như nhau.
Với chuyên gia Phan Văn Hiện đây là điều hoàn toàn không nên ủng hộ và “cần phải thay đổi để nâng cao nhận thức cho người dân” trong phân loại rác. Việc siết phân loại và quản lý chặt chẽ việc xử lý rác thải y tế là điều cần ủng hộ. Cách làm được gợi ý là nên phân nhóm phòng khám tư nhân theo quy mô để thu tiền rác. Chẳng hạn, các phòng mạch tư khám ngoài giờ sẽ đóng mức tối thiểu do lượng rác thải ít. Các phòng khám gia đình khám nguyên ngày phải đóng cao hơn phòng khám ngoài giờ. Phòng khám đa khoa, bệnh viện tư tùy mức độ để áp mức đóng thế nào...
Theo đó, việc phân loại sẽ có những bước tính toán về lượng rác dễ hơn. Với việc “cân rác tính tiền”, theo một lãnh đạo ngành y tại TP.HCM là cách xã hội hóa các dịch vụ công mà TP khuyến khích làm lâu nay nhưng cách làm mỗi lĩnh vực nếu chưa đúng cần tính toán xem xét lại. “Quan trọng là tránh nạn độc quyền, thiên vị, thiếu công bằng giữa người sử dụng dịch vụ và đơn vị được giao làm dịch vụ”, vị này nhấn mạnh.
TS Phùng Chí Sỹ, Phó tổng thư ký Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN, cho rằng hoạt động xã hội hóa các dịch vụ công như thu gom và xử lý rác thải nói chung là tất yếu. Bởi ngân sách nhà nước không thể chi trả hết cho toàn bộ nguồn thải ra ngày càng gia tăng. Hơn nữa, điều này cũng cần thiết và công bằng cho mọi cá nhân và doanh nghiệp trong sinh hoạt, kinh doanh. Đơn vị nào thải nhiều rác thải thì phải trả tiền nhiều, còn thải ít thì trả tiền ít. Quan trọng nhất là phải tính được đơn giá công khai, rõ ràng dựa trên chi phí đầu tư hạ tầng thiết bị công nghệ và chi phí vận hành thường xuyên. Khi đó việc tính tiền sẽ dựa trên số lượng thải ra hằng tháng. Đây cũng chính là mục tiêu xã hội hóa việc thu gom và xử lý chất thải rác nguy hại nhằm hạn chế lượng xả ra môi trường. Chứ không thể khoán số lượng đánh đồng giữa mọi đơn vị để tính tiền không khéo lại phản tác dụng.
M.Phương - Ng.Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.