Bất cập từ 'tàu đánh cá 67': Đà Nẵng chậm chân

06/04/2016 10:21 GMT+7

Thời gian qua Đà Nẵng liên tiếp hạ thủy tàu vỏ thép, nhưng so với tiến độ chung của cả nước thì thành phố đang chậm chân trong việc hình thành thế hệ tàu cá mới.

Thời gian qua Đà Nẵng liên tiếp hạ thủy tàu vỏ thép, nhưng so với tiến độ chung của cả nước thì thành phố đang chậm chân trong việc hình thành thế hệ tàu cá mới.

“Tàu 67” QNa 94679 hạ thủy chuẩn bị vươn khơi
- Ảnh: Nguyễn Tú
“Tàu 67” QNa 94679 hạ thủy chuẩn bị vươn khơi - Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.Đà Nẵng cho hay từ 2014 đã hỗ trợ đóng mới 17 tàu trên 400 CV từ 500 - 800 triệu đồng/chiếc theo Quyết định 47 của UBND TP.Đà Nẵng. Với “tàu 67”, hiện 2 chiếc đã hạ thủy và 4 chiếc vỏ thép đang hoàn hiện, đánh dấu bước ngoặt ngư dân Đà Nẵng chuyển từ đánh bắt thủ công sang hiện đại. Nhưng so với con số 47 “tàu 67” Bộ NN-PTNT phân bổ, thì tốc độ “tàu 67” của Đà Nẵng khá chậm, chỉ đạt khoảng 12% trong khi các tỉnh thành khác đạt 17%. Cũng theo ông Tám, ngoài 6 “tàu 67” đã duyệt, còn có 12 “tàu 67” vỏ thép của ngư dân Đào Nguyễn Minh Tâm (1 tàu), Công ty Sao Đỏ (7 tàu), DNTN Vinh Hoa và DNTN Lộc Biển (mỗi đơn vị 2 tàu) đã được Sở NN-PTNT đồng ý, nhưng còn chờ ngân hàng thẩm định.
Đầu tháng 4, tại Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (Âu thuyền Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) đông đúc công nhân khẩn trương hoàn thành 5 tàu cá được vay vốn theo Nghị định 67 của Chính phủ (theo cách gọi của ngư dân là tàu 67). Nổi bật giữa công trường là đôi tàu vỏ thép trị giá 17,1 tỉ đồng/chiếc, được ví như anh em song sinh của hai ngư dân đồng hương Trần Văn Liên và Nguyễn Trọng Vỹ (cùng ngụ H.Thăng Bình, Quảng Nam). Không hẹn mà gặp, cả 2 cùng chọn mẫu tàu thiết kế 26 x 7,3 x 3,3m, lượng choán nước 195 tấn. Đặc biệt, toàn bộ thân vỏ được “đúc” từ thép đóng tàu cấp A nhập từ Nhật Bản, với công suất 940 CV, đây là mẫu tàu cá vỏ thép mạnh nhất Đà Nẵng hiện nay, tốc độ 10 hải lý/giờ.
Ông Liên chia sẻ, 35 năm làm nghề đây là cơ hội tốt nhất để thỏa ước mơ “sức mạnh thép” khi được vay 95% giá trị tàu, miễn lãi năm đầu, sau đó trả lãi 1%/năm trong 16 năm, ngân sách gánh 6% lãi suất còn lại cho ngân hàng. “Hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa rất lớn, nhưng gần đây thời tiết khó lường, tàu nước ngoài đâm va khiến mỗi lần vươn khơi bằng tàu gỗ công suất nhỏ là mỗi lần lo toan về tính mạng ngư dân và tài sản. Vì vậy, ngư dân luôn mong có tàu to hơn, lớn hơn để vừa phát triển kinh tế biển, vừa giữ ngư trường, chủ quyền đất nước”, ông Liên nói. Ngoài đôi tàu thép, Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy còn đóng mới 3 “tàu 67” vỏ gỗ cùng công suất 822 CV của các ngư dân Nguyễn Khanh, Phạm Đạo và Phan Trinh (cùng ngụ H.Núi Thành, Quảng Nam) trị giá từ 7,5 đến 8 tỉ đồng/tàu. Tuy thân gỗ, dựa trên thiết kế dân gian của ngư dân, nhưng tàu to không kém các đàn anh tàu thép với kích thước 24 x 6,8 x 2,8m, lượng choán nước 190 tấn với hệ thống đồ nghề cực “khủng” như radar quét ngư trường bán kính 15 hải lý, hệ thống liên lạc cách bờ 400 hải lý…
Chậm từ nhiều phía
Gần đó, Công ty CP Kỹ thuật biển S.Tech cũng vừa hạ thủy “tàu 67” vỏ thép ĐNa 90777 của ngư dân Trần Văn Mười (39 tuổi, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) với kích thước 30,8 x 7,5 x 3,9m, công suất 822 CV trị giá 18 tỉ đồng. “Đây là tàu vỏ thép đầu tiên của Đà Nẵng, do đó tôi quyết tâm bám biển khai thác đạt hiệu quả nhất, trả nợ tốt nhất cho ngân hàng để bà con ngư dân thấy đó tin tưởng có thêm nhiều “tàu 67” vươn khơi. Đồng thời cũng xin đóng góp chút công sức nhỏ bé tham gia bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc”, ông Mười khẳng định.
Nhiều ngư dân cũng cho rằng, Quyết định 47 của UBND TP.Đà Nẵng có nhiều thuận lợi và thủ tục nhanh hơn Nghị định 67, phù hợp những tàu ít vốn, được hỗ trợ kịp thời sau khi hạ thủy. Ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng cho vay “tàu 67” chậm từ nhiều phía chứ không chỉ do ngân hàng. “Chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải giải quyết nhanh nhất cho ngư dân, nhưng nhiều ngư dân vẫn gặp khó trong hồ sơ nên sắp đến, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức gặp mặt ngư dân để lắng nghe tâm tư, hướng dẫn thủ tục, tháo gỡ vướng mắc cho bà con ngư dân”, ông Võ Minh nói thêm.
Bàn giao tàu vỏ thép cho ngư dân
 

Chiều 4.4, tại cảng Cửa Việt (H.Triệu Phong), UBND tỉnh Quảng Trị, BIDV chi nhánh Quảng Trị và Công ty CP Cơ khí đóng tàu thủy sản VN đã tổ chức bàn giao tàu lưới rê vỏ thép Trọng Tấn 01 (ảnh) cho ngư dân Nguyễn Văn Trọng (KP.5, TT.Cửa Việt, H.Gio Linh). Tàu dài 25,2 m, rộng 7,2 m, chiều cao mạn 3,1 m, được lắp máy Yanmar của Nhật Bản với công suất 829 CV cùng hệ thống khoang trữ lạnh, trang thiết bị hàng hải... Tổng mức đầu tư tàu là 15,2 tỉ đồng, trong đó BIDV chi nhánh Quảng Trị cho vay 14,4 tỉ đồng.
Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.