Bất an vì xe tự bốc cháy

08/06/2016 06:03 GMT+7

Sau một thời gian lắng xuống, gần đây lại liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy xe trên đường gây hoang mang cho người dân.

Hôm qua (7.6), Công an H.Long Thành (Đồng Nai) cho biết đang phối hợp với Cảnh sát PCCC tỉnh Đồng Nai điều tra nguyên nhân vụ cháy xe giường nằm trên QL51. Theo thông tin ban đầu, khoảng 3 giờ ngày 6.6, xe khách giường nằm biển số 86B -005.49 của nhà xe Kim Hùng di chuyển trên QL51 theo hướng từ Bà Rịa-Vũng Tàu đi TP.HCM, đến địa bàn xã Phước Thái, H.Long Thành thì bất ngờ phát ra một tiếng nổ ở phía đuôi xe rồi bốc cháy. Tài xế cùng toàn bộ hành khách vội vã rời khỏi xe, tháo chạy. Khi lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt thì chiếc xe đã bị thiêu rụi hoàn toàn. Theo nhiều nhân chứng, khi xe cháy, hai người dân ở ven đường dùng bình chữa cháy mini lao ra cố gắng dập lửa nhưng bất thành do ngọn lửa cháy lan nhanh và rất mạnh.
Đây là vụ cháy xe mới nhất ghi nhận được. Trước đó, chiều 3.6, một ô tô hiệu Kia Morning đang chạy trên đường thuộc xã Phúc Sơn (H.Anh Sơn, Nghệ An) bất ngờ bốc cháy. Phát hiện lửa từ gầm xe, tài xế đồng thời là chủ xe (ngụ tại H.Thanh Chương, Nghệ An) vội mở cửa thoát ra, tìm cách dập lửa nhưng bất thành. Thượng tá Nguyễn Hồng Tuyến, Trưởng công an H.Anh Sơn, cho biết qua điều tra ban đầu, không có dấu hiệu của lực bên ngoài tác động và không có dấu hiệu hình sự nên công an không thụ lý vụ việc. Chủ xe đã tự làm việc với bảo hiểm để xác định mức độ thiệt hại để được bồi thường. Ngày 17.5, xe container 51C-691.16 kéo theo rơ moóc 51R-9303 do Nguyễn Văn Lĩnh (ngụ An Giang) điều khiển, đang lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (hướng từ Long Thành về TP.HCM), khi đến Km 19 + 400, thuộc địa bàn xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) cũng bốc cháy, thiêu rụi đầu kéo.
Xe máy cháy như đuốc trên đường Hồng Hà (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 1.3
“Nghi vấn số 1 là do nhiên liệu”
Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm VN - Bộ GTVT, cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng cháy xe, như do nhiên liệu rò rỉ, các hệ thống vận hành ma sát sinh ra nhiệt gặp phải vật liệu không theo thiết kế, vật liệu bắt lửa gây cháy. Có thể xe sử dụng nhiên liệu không đúng tiêu chuẩn, hoặc lắp thêm hệ thống điện gây chập cháy, để nguyên liệu rớt xuống động cơ nhưng không lau đi, hay giẻ lau xăng dầu ướt để trên nắp capo, khi gặp nhiệt đều gây cháy. Ngoài ra, xe chở hàng hóa gây cháy như thuốc pháo, thuốc nổ...
Đồng tình có nhiều nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe, nhưng TS Hoàng Mạnh Hùng, nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), “khu trú” nguyên nhân chất lượng nhiên liệu không đảm bảo là số 1. “Sau khi nhập khẩu xăng dầu để phù hợp với điều kiện VN và phù hợp với từng loại, các đơn vị kinh doanh xăng dầu có thể phối chế hoặc pha chế thêm các thành phần khác vào nhiên liệu. Để nâng cao chỉ số octan, người ta cho thêm nhóm chất ancol như axeton, etanol, tert-Butylancol hoặc cho thêm các chất trong nhóm ete như etbe, mtbe, dipe... làm xăng phát tán và bay hơi nhanh hơn, dẫn đến nguy cơ cháy nổ tăng lên. Ngoài ra, có một số ít nơi pha trộn xăng máy bay với xăng thông thường, cũng dễ dẫn đến làm hỏng động cơ, làm nở gioăng cao su, rò rỉ nhiên liệu ra các chỗ tiếp xúc ống dẫn nhiên liệu với các ống kim loại đã bị ăn mòn, hơi rò rỉ ra gặp nhiệt độ cao cũng có thể dẫn đến cháy nổ”, ông Hùng nhận định. Ông Hùng cũng dẫn chứng khi tình trạng cháy nổ rộ lên trong cả nước cuối năm 2011 - 2012, các nhà khoa học của Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN (VUSTA) đặt nghi vấn do chất lượng xăng dầu, sau đó cơ quan quản lý vào cuộc thì những vụ cháy nổ giảm hẳn, để củng cố nhận định “khả năng cháy nổ chủ yếu do liên quan đến nhiên liệu”.
TS Đinh Ngọc Ân, giảng viên bộ môn công nghệ ô tô, Khoa Cơ khí động lực (ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên), cũng đồng tình với nhận định chất lượng xăng dầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ xe.
Xe Chevrolet Captiva bỗng dưng bốc cháy ngùn ngụt trên đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM, ngày 29.5 Ảnh: Thu Trang
Cần có cơ quan độc lập kiểm tra chất lượng xăng dầu
Trả lời Thanh Niên, ông Nguyễn Nam Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TCĐLCL), nói sau khi xảy ra hiện tượng nhiều xe máy, ô tô bốc cháy vào năm 2012 và có ý kiến cho rằng chất lượng xăng dầu là một trong những nguyên nhân gây cháy, Chính phủ, Bộ KH-CN đã ban hành nghị định, thông tư... bổ sung các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu theo chuỗi cung ứng; quản lý hoạt động pha chế xăng dầu; làm rõ về trách nhiệm liên đới của thương nhân đối với hệ thống phân phối do thương nhân tổ chức; các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu… “Hiện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (thuộc Tổng cục TCĐLCL) và các chi cục vẫn đang tiếp tục triển khai công tác kiểm tra chất lượng xăng dầu. Ngoài ra, chúng tôi vẫn có chỉ đạo các chi cục TCĐLCL địa phương nắm bắt ghi nhận tình hình cháy nổ, liên quan đến ô tô, xe máy, đặc biệt là khi có nghi vấn liên quan đến chất lượng xăng dầu để kịp thời có các biện pháp phù hợp”, ông Hải nói.
TS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, để giảm tình trạng cháy nổ xe cần có những biện pháp quản lý từ gốc, trong đó trách nhiệm cơ quan quản lý và đạo đức nghề nghiệp của các đơn vị kinh doanh cần được nâng cao, tránh tình trạng xảy ra rồi mới tăng cường kiểm tra, xử lý. “Hiện nay nếu các đơn vị nhập khẩu xăng lại vừa kiểm định chất lượng như vậy sẽ khó tránh khỏi sự không minh bạch. Để tăng cường cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, cần phải có các cơ quan độc lập kiểm tra chất lượng xăng dầu, lấy mẫu kiểm tra thường xuyên liên tục, công bố công khai minh bạch các chỉ số khoa học về chỉ tiêu, tiêu chuẩn nhiên liệu, nơi đã pha chế cũng như nhập khẩu”, TS Hùng nói.
Trong những tháng đầu năm 2016, Tổng cục TCĐLCL đã kiểm tra xăng dầu. Kết quả, qua kiểm tra 522 lô nhập khẩu với tổng cộng 3,3 triệu tấn phát hiện 3 lô không đạt (2 lô được phép tái chế đạt yêu cầu nhập khẩu, 1 lô có chất lạ yêu cầu tái xuất). Ngoài ra, trên thị trường, chi cục TCĐLCL các địa phương đã kiểm tra 62 mẫu xăng dầu, phát hiện 1 mẫu xăng RON 95 tại Huế không đạt, xử phạt 44 triệu đồng.
Liên tiếp cháy xe
- Khoảng 11 giờ 40 ngày 3.6, ô tô khách (loại giường nằm) biển số 18B-013.26 chở 20 hành khách và hàng nông sản chạy từ hướng bắc vào, khi đến QL1A thuộc địa phận thôn Trà Lương, xã Mỹ Trinh, H.Phù Mỹ (Bình Định) thì bốc cháy. Tài xế cùng toàn bộ hành khách xuống xe thoát nạn nhưng chiếc xe cùng hàng hóa bị thiêu rụi.
- Khoảng 7 giờ 50 ngày 3.6, một xe máy tay ga đang lưu thông trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM) bất ngờ bốc cháy, khiến giao thông trên xa lộ Hà Nội đoạn qua ngã tư Thủ Đức ùn ứ nghiêm trọng.
- Khoảng 14 giờ 15 ngày 23.4, xe khách giường nằm biển số 51B-004.44 đang đậu gần ngã ba đường Thùy Vân - Phan Chu Trinh, P.2, TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu), thì bốc cháy. Lửa thiêu rụi toàn bộ ghế ngồi của lái xe, ti vi và nhiều giường nằm.
- Trưa 1.4, ô tô 4 chỗ hiệu Fiat mang BKS 30F-0342 lưu thông từ đường Nguyễn Hữu Thọ đi sang đường Giải Phóng (Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội) thì bất ngờ phần mui bốc khói nghi ngút rồi lửa bùng lên dữ dội, khiến toàn bộ phần đầu xe hư hỏng.
- Ngày 31.3, một phụ nữ điều khiển xe Honda LEAD qua nút giao thông Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội), trong khi đang chờ đèn đỏ thì chiếc xe phát lửa phía sau yên, hư hỏng hầu hết phần nhựa hai bên hông xe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.