Bão Xangsane tàn phá miền Trung

02/10/2006 01:17 GMT+7

>> Lời kêu gọi của Báo Thanh Niên >> Kinh hoàng nơi tâm bão >> Xơ xác Quảng Nam >> Đơn độc trong bão Xangsane >>Miền Trung tang thương

Sáng hôm qua 1/10, sau khi đi vào đất liền thuộc địa phận TP Đà Nẵng, bão số 6 đã gây gió mạnh cấp 12, giật cấp 13-14 tại TP Đà Nẵng; gió cấp 9, giật trên cấp 13 tại thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam); gió cấp 10, giật cấp 13 tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi); gió cấp 8, giật cấp 10 tại TP Huế.

Phóng sự Video của VTV phần 1
Phóng sự Video của VTV phần 2
Phóng sự Video của VTV phần 3
Phóng sự Video của VTV phần 4

Đến 16 giờ, bão đã đi đến vùng biên giới Lào - Thái Lan, sức gió ở vùng gần tâm bão còn mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62-88 km/giờ), giật trên cấp 9. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư chiều tối qua cho biết: Trong 24 giờ tới, bão số 6 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền thuộc địa phận Thái Lan và suy yếu thêm. Do còn nằm trong hoàn lưu của bão, nên đêm qua các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng và Bắc Tây Nguyên vẫn còn có gió mạnh cấp 6, cấp 7, có nơi cấp 8, giật trên cấp 8. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng có mưa, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế và Bắc Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Ngoài ra, khu vực phía nam biển Đông, vùng biển ngoài khơi Nam Trung Bộ và Nam Bộ có gió tây nam mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cũng cho biết, lũ các sông từ Nghệ An đến Quảng Trị và Quảng Nam, Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh. Đêm qua, mực nước tại Lệ Thủy lên mức báo động (BĐ) III; tại Quảng Trị lên trên BĐ III là 0,7m; tại Ái Nghĩa lên trên BĐ III là 1m. Sáng nay (2.10), mực nước tại Câu Lâu lên gần mức BĐ III; các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng lên mức BĐ II, có nơi trên mức BĐ II. Đề phòng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng sâu và nước dâng cao vùng cửa sông ở các tỉnh trên.

Dưới đây là ghi nhận của PV Thanh Niên ở khắp các địa phương về mức độ tàn phá của bão số 6:


Cung đường ven biển đẹp nhất miền Trung cũng tan hoang (ảnh: D.H)

PV Bùi Ngọc Long - Hoàng Đức - Kiến Giang từ Huế, Quảng Bình, Quảng Trị

Tính đến 19 giờ hôm qua, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có 43 người bị thương (Hương Thủy 4 người, Phong Điền 9 người, Phú Lộc 12 người, TP Huế 3 người, Nam Đông 11 người, A Lưới 4 người); 14.661 ngôi nhà bị sập và tốc mái, trong đó, 422 nhà sập và 14.142 nhà tốc mái. Hầu hết các xã đồng bằng và TP Huế ngập sâu từ 0,3 đến 1,5m. Riêng Phong Điền có 499 nhà bị ngập, TP Huế có 16.757 hộ bị ngập. Hầu hết các tuyến đường nội thị của TP Huế và các tuyến giao thông nông thôn đều bị ngập từ 0,4 đến 1,2m, QL 1 vị trí Km 820+50 - Km 825 ngập sâu từ 0,4 đến 0,6m... Tuyến đường giao thông từ Phong Hòa đi Ngũ Điền bị ngập, ách tắc giao thông hoàn toàn làm vùng Ngũ Điền đến Hải Dương bị chia cắt. Toàn bộ phía bắc sông Hương đều bị mất điện, phía nam, điện lực tỉnh đang cố gắng triển khai lực lượng khắc phục để cấp điện cho BV T.Ư Huế, UBND tỉnh, đài truyền hình. Ngoài nhà dân, còn có 21 công trình của các ngành giáo dục, bưu điện, y tế bị tốc mái và sập. Mực nước trên sông Ô Lâu đang tiếp tục dâng.

Từ 13 giờ - 14 giờ hôm qua, cường độ mưa trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất lớn, một số nơi đạt 50 mm/giờ. Mực nước ở các sông ở mức báo động II và đang lên. Gió đo được tại trạm khí tượng Cồn Cỏ là cấp 9, giật cấp 10.

Toàn tỉnh có 274 ngôi nhà bị sập và tốc mái; 100 ngôi bị xiêu vẹo; khu tập thể giáo viên ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh bị tốc mái. Bị sạt lở và ngập nhiều tuyến đường như ở đoạn Km 10 đường Hồ Chí Minh, tuyến Tân Long - A Túc - Pa Tầng bị tắc đoạn Km 30+900 do ngập sâu trên 1,5m, tuyến Khe Sanh-Sa Trầm bị tắc tại Km 12+500. Đê kè Trung Giang, Vĩnh Thạch, Vịnh Mốc bị sạt lở hàng trăm mét. Trung tâm huyện Đakrông bị chia cắt với các vùng: Triệu Nguyên, Ba Lòng, A Vao. Đứt 530m dây điện trung thế, đổ một số cột điện. Anh Nguyễn Thanh Triển (30 tuổi, ở thôn Linh Yên, xã Triệu Trạch) đã bị sét đánh chết khi đi chăn bò trên đồng.

Từ sáng 30/9, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có mưa lớn ở nhiều nơi, lượng mưa đo được ở Đồng Hới từ 150-200 mm. Đến chiều qua, có 6 người bị thương do mưa lũ, 38 ngôi nhà bị sập và tốc mái, 500 ngôi nhà đang bị uy hiếp nghiêm trọng ở xã Hải Trạch do bị gió đánh. Bờ biển xã Hải Trạch bị sạt lở 2.000m. Sau khi bị sạt lở, bộ đội biên phòng đã phối hợp với nhân dân địa phương tiến hành kè đất đá, chống xâm thực. 650m đường dây điện thoại và điện hạ thế bị đứt. Lúc 16 giờ 30 cùng ngày, nước sông Kiến Giang bắt đầu dâng lên làm ngập vườn hàng trăm ngôi nhà sống gần bờ sông ở các xã Mỹ Thủy, Mai Thủy, Văn Thủy... Hiện mực nước đang dâng,

PV Đình Phú - Thái Anh - Hoàng Thuyên từ Quảng Ngãi

Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã di dời gần 4.000 hộ dân với khoảng 20.000 nhân khẩu ở các vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, do vậy chưa có thiệt hại về người (chỉ có 5 người bị thương nhẹ). Tính đến 16 giờ, toàn tỉnh có 882 căn nhà bị tốc mái, 15 nhà bị sập đổ hoàn toàn, 15 tàu thuyền bị chìm và mất tích. Tổng thiệt hại ban đầu ước tính 15 tỉ đồng.

Suốt đêm 30/9 và rạng sáng 1/10, gió bão giật mạnh trên cấp 12 đã hoành hành khu vực huyện đảo Lý Sơn. Hàng trăm cây xanh ngã đổ gây ách tắc nhiều tuyến giao thông, hơn 800 căn nhà bị tốc mái, nhiều phòng học bị hư hại. Do sóng đập mạnh, một số bờ kè bảo vệ khu dân cư bị sạt lở. Không một phương tiện nào có thể ra đến đảo tại thời điểm này. Qua điện thoại lúc 16 giờ, ông Trần Đình Quang - Trưởng đài truyền thanh huyện đảo Lý Sơn cho biết, sóng gió đã giảm cường độ, người dân đang dốc sức thu dọn hiện trường, gia cố lại số tàu thuyền đang neo trú bão ở bờ biển gần đảo.

Tại huyện Đức Phổ, mưa lớn đã làm sạt lở gần 2.000m đê bảo vệ cánh đồng muối Sa Huỳnh khiến cho các ruộng muối chìm trong nước. Cùng thời điểm, tại huyện Bình Sơn, gió và mưa lớn đã làm một số vùng trũng ngập nước; Nhà văn hóa Bưu điện xã Bình Thanh Đông bị tốc mái. Triều cường dữ dội tại thôn Định Tân, xã Bình Châu (Bình Sơn) nhưng 52 hộ dân cùng tài sản đáng giá đã được di dời an toàn vào trụ sở Hải đội 2, Bộ đội biên phòng Quảng Ngãi.

Suốt đêm 30/9 và ngày 1/10, mạng lưới điện trên toàn tỉnh Quảng Ngãi hoạt động trong tình trạng thiếu ổn định. Từ 3 giờ sáng 1.10, một số phường trên địa bàn TP Quảng Ngãi bị cắt điện. Hệ thống điện tại huyện Bình Sơn và huyện miền núi Trà Bồng gần như tê liệt hoàn toàn, dẫn đến việc nước bị cúp trên diện rộng trong thời gian dài. Riêng huyện miền núi Sơn Tây bị đứt liên lạc do trạm thu phát sóng vi ba bị ảnh hưởng nặng. Trưa 1.10, tin từ Đồn biên phòng Cổ Lũy (huyện Tư Nghĩa) cho biết, cuộc sống người dân toàn bộ khu vực 4 xã ven biển: Nghĩa An, Nghĩa Phú, Tịnh Kỳ, Tịnh Khê vẫn rất an toàn. Mưa nhẹ hạt, gió không còn quật mạnh. Riêng tại xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức, do tâm lý chủ quan, hơn 2.500 người dân được di dời đến trụ sở các trường học để tránh bão trong ngày hôm trước đã tự động quay về lại khu dân cư, bất chấp sự can ngăn của chính quyền địa phương.

Thông tin mới nhất mà chúng tôi nhận được, tàu QNg - 95410 TS do ông Nguyễn Đức Vỹ (ở huyện Bình Sơn) cùng với 24 thuyền viên bị nạn tại tọa độ 10,3 độ vĩ bắc - 111,5 độ kinh đông đã trở về an toàn, neo trú tại vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa). Sức khỏe các thuyền viên trên tàu vẫn đảm bảo.

Ít nhất 10 người chết, hàng chục ngàn căn nhà bị sập hoặc tốc mái

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo PCBL Trung ương, tính đến 16 giờ hôm qua, ít nhất đã có 10 người chết do sét đánh, gió bão xô ngã xuống cống, mái tôn văng vào người, sập nhà, điện giật trong bão. Cụ thể: Nghệ An: 4 người chết, Quảng Trị: 1 người chết, Đà Nẵng: 4 người chết, Quảng Nam: 1 người chết. Mưa bão cũng đã làm hàng trăm tàu, thuyền bị chìm hoặc mất tích và hàng chục ngàn căn nhà bị sập hoặc tốc mái. Hàng vạn đồng bào lâm vào cảnh màn trời chiếu đất.

Văn phòng Ban chỉ đạo PCBL Trung ương khẳng định bão số 6 là một cơn bão rất mạnh nhưng do làm tốt công tác cảnh báo sớm; sự chỉ đạo kiên quyết của Chính phủ, đặc biệt là giao chủ tịch UBND các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về an toàn tính mạng của người dân; sự chủ động của chính quyền các cấp và các bộ, ngành cũng như ý thức của người dân, đặc biệt trong việc kiên quyết di dời dân, công tác kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú bão an toàn nên đã hạn chế được thiệt hại về người và tài sản. Văn phòng Ban chỉ đạo PCBL Trung ương cũng lưu ý, mưa vẫn còn tiếp tục, lũ các sông đang lên nhanh nên các địa phương cần theo dõi chặt chẽ về lũ quét, sạt lở đất để xử lý kịp thời.

Quang Duẩn

PV Cao Nguyên từ Bình Định

Tính đến 16 giờ 1/10, toàn tỉnh có hơn 33.700 ha lúa mùa bị ngập có khả năng hư hại; 10 hồ chứa nước trong tỉnh bị hư hỏng; 15 nhà dân ở xã An Hòa và 1 trường học ở xã An Vinh (huyện An Lão) bị tốc mái do lốc; nhiều tuyến đê, kè sông bị sạt lở. Trưa ngày 1.10, một tàu đánh cá cùng 7 ngư dân huyện Hoài Nhơn (Bình Định) hỏng máy, bị sóng biển đánh trôi dạt vào vùng biển đảo Côn Sơn đã được cứu hộ, vào bờ an toàn. Trước đó, tỉnh đã huy động gần 4.000 dân quân tự vệ, bộ đội, công an, thanh niên xung kích tham gia di dời 4.338 hộ với hơn 17.000 nhân khẩu từ nơi nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời chủ động chi tạm ứng từ ngân sách gần 2 tỉ đồng để triển khai phòng chống bão và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân.

PV Thiên Trúc từ Gia Lai

Tại huyện Kbang, mưa to cộng gió cấp 6 - 7 khiến mực nước các con suối và sông Ba lên nhanh. Một số tuyến đường đến các xã đã bị ngập. Huyện đã huy động một trung đội dự bị động viên kịp thời giúp dân di dời những hộ dân sống gần cầu Đắk Lôp (trị trấn Kbang), nơi có nguy cơ ngập lụt do nước lên nhanh. Tại huyện Krông Pa, nước các sông, suối đang uy hiếp nhiều vùng đông dân cư. Các ngành chức năng của huyện cùng người dân đã chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng đối phó với những tình huống ngập lụt có thể xảy ra. Mưa lớn tại huyện Đức Cơ khiến hồ chứa nước C5 (thị trấn Chư Ty) tưới cho khoảng 100 ha hoa màu bị sạt lở. Huyện đang tập trung khắc phục. Tại xã Ia Krel, con đường tạm qua cầu Thanh Giáo (đang thi công) bị sạt lở bờ kè, nước ngập hơn 1m khiến giao thông bị đình trệ.

PV Ngọc Linh - Nguyên Lộc từ Kon Tum

Do chịu ảnh hưởng của rìa tây hoàn lưu cơn bão, vào lúc 13 giờ 30 hôm qua, tại Kon Tum gió đã mạnh dần lên cấp 6-7, mưa to. Lượng mưa đo được từ 80-120 mm (riêng huyện Đăk Glei đạt 100-120 mm dẫn đến lũ quét). Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đăk GLei bị sạt lở nghiêm trọng. Tại huyện Kon PLông nằm ở phía đông của tỉnh (giáp Quảng Ngãi) các tuyến đường liên xã như Ngọk Tem, Măng Bút, Đăk Nên, Đăk Ring bị sạt lở nặng, cây cối đổ chắn ngang đường, giao thông bị tê liệt hoàn toàn. Theo đánh giá của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Kon Tum, đây là lần đầu tiên sau 20 năm Kon Tum chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã huy động hơn 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 180 áo phao, 50 nhà bạt, 6 xe ô tô trực chiến tại các điểm xung yếu. Tỉnh đã tiến hành di dời 42 hộ dân ở làng Ngọc Hoàng, Đăk Nên (Kon Plông) ra khỏi vùng sạt lở. Riêng ngành giáo dục kiên quyết giữ học sinh dân tộc nội trú ở lại trường; chính quyền địa phương không để nhân dân các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, thị xã Kon Tum sản xuất vùng ven hồ...

Tin từ các huyện Đăk GLei, Kon PLông, Tu Mơ Rông vào cuối giờ chiều qua cho biết các địa phương này có gió mạnh, kèm theo mưa to. Mực nước các sông trong tỉnh tăng lên rất nhanh, có khả năng gây lũ lớn...

VPMT - M.Vọng tổng hợp 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.