Bảo vật Chăm đất Bình Định - Kỳ 2: Phù điêu độc bản thần Brahma

Hoàng Trọng
Hoàng Trọng
08/02/2019 18:54 GMT+7

Bức phù điêu thần Brahma (tên gọi khác là Narayanan), được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016, có thể được xem là độc bản trong phong cách điêu khắc Champa cuối thế kỷ 12.

Theo hồ sơ của Bảo tàng tổng hợp Bình Định, phù điêu thần Brahma được tìm thấy tại tháp bắc trong cụm tháp Dương Long (ở H.Tây Sơn, Bình Định) vào năm 1985 trong quá trình dọn dẹp mặt bằng để chuẩn bị cho việc tu bổ tháp này. Tác phẩm điêu khắc này được chế tác từ đá sa thạch, cao 128 cm, rộng 88 cm, dày 23 cm, nặng khoảng 600 kg. Niên đại của phù điêu được xác định là vào thế kỷ 12.
Tác phẩm điêu khắc đặt trên trán tháp
Phù điêu thần Brahma được thể hiện là một vị thần trong tư thế nhìn về phía trước, cân đối, hai chân chùng xuống, bành đầu gối khá mạnh ra hai bên. Hai tay chính đang bắt quyết trước ngực. Hai bắp tay, mỗi bên mọc ra 3 cánh tay phụ cầm những vật khác nhau: tay dưới cầm một con dao găm, tay trên cầm hoa sen, tay giữa cũng cầm vật gì đó nhưng đã bị vỡ nên không nhận dạng được.
Vị thần trên bức phù điêu này có 3 đầu. Đầu giữa nhìn thẳng, hai đầu hai bên cổ như cố nhô ra để nhìn về phía trước. Cả 3 đầu đều có khuôn mặt vuông vức, nghiêm nghị và đội mũ hình chóp. Thần không mặc áo nên cả phần thân trên hiện ra một cơ thể lực lưỡng, cường tráng. Ở cổ có đeo chiếc vòng trang sức lớn che kín phần ngực. Các cổ tay, bắp tay đều có vòng trang sức. Quanh vị thần này có hào quang.
Phù điêu thể hiện thần Brahma có 3 đầu ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Theo bà Hồ Thùy Trang, Trưởng phòng nghiên cứu – sưu tầm, thuộc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, từ những nét đặc trưng như: thần có 3 đầu, tay cầm dao găm và hoa sen… nên các nhà nghiên cứu xác định hình tượng trên bức phù điêu này là thần Brahma. Căn cứ vào hình dáng của phù điêu, các nhà nghiên cứu cũng xác định đây là tác phẩm điêu khắc được đặt trên trán của tháp Dương Long.
Brahma là thần sáng tạo (đôi khi được xem là vị thần của sự thông thái), 1 trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo. Có thuyết cho rằng Brahma được sinh ra từ đóa sen mọc trước rốn của thần Vishnu vào buổi bình minh của vũ trụ. Có thuyết cho rằng Brahma sinh ra từ một quả trứng vàng, khi quả trứng tách ra thành 2 nửa, Brahma sinh ra và phần còn lại của quả trứng lấp tực hóa thành núi non, sông ngoài và vạn vật, mọi sự sống của vũ trụ bắt đầu từ đó.
Có sự tích thần kể rằng thần Brahma lấy cái chất sự tồn tại của mình mà nặn ra một người con gái rồi mê mẫn nàng, nhìn ngắm mãi không thôi. Người con gái ngượng ngùng ngoảnh mặt sang bên phải, thần liền hóa phép mọc thêm cái đầu khác để nhìn theo người con gái. Người con gái thấy thế chạy sang trái, thần lại mọc thêm cái đầu thứ ba nhìn sang bên trái. Người con gái chạy ra đằng sau, thần lại mọc cái đầu thứ tư nhìn theo. Người con gái hết đường chạy bèn bay vút lên trời, thần mọc luôn cái đầu ở bên trên để nhìn lên trời theo. Thế là từ đấy thần có 5 đầu. Về sau, cái đầu thứ 5 bị thần Shiva tiêu hủy
Nghệ thuật truyền thống thường thể hiện Brahma là vị thần có 4 đầu, tám cánh tay tỏa ra 2 bên, mỗi tay đều cầm những vật biểu trưng. Mỗi cái đầu của thần tượng trưng cho 1 bộ kinh Veda. Riêng trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa, thường thể hiện hình tượng thần Brahma 3 đầu, cái đầu thứ tư bị che khuất phía sau.
Thần Brahma đôi khi cũng có tên là Narayana hay người từ dưới nước hiện lên. Trong hình thức này, thần được xem như chiếc lá nổi trên mặt nước nguyên thủy, miệng ngậm ngón chân – biểu tượng của sự trường cửu.
Vật cưỡi của thần là con ngỗng Hamsa. Vợ của Brahma là người đẹp Sarasvati, nữ thần của học vấn và là người đỡ đầu của nghệ thuật, khoa học và ngôn từ.
Phù điêu nữ thần Sarasvati, vợ của Brahma ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Hiện vật có giá trị đặc biệt

Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc bảo tàng tổng hợp Bình Định, phù điêu thần Brahma được tìm thấy nhiều nơi như: ở Chánh Lộ (Quảng Ngãi), Tháp Mẫm (Bình Định), thần Brahma đứng trên con ngỗng Hamsa; hoặc ở Mỹ Sơn (Quảng Nam) là phù điêu thần Brahma trong chủ đề quen thuộc của thần thoại Ấn Độ giáo, thần Brahma đản sanh. So sánh với những phù điêu này, phù điêu thần Brahma được tìm thấy ở Tháp Dương Long được xem là tác phẩm lớn nhất, đẹp nhất được tìm thấy cho đến nay. Phù điêu có thể được xem là độc bản trong phong cách điêu khắc Champa cuối thế kỷ 12.
Dưới góc độ mỹ thuật, phù điêu thần Brahma tìm thấy ở Chánh Lộ nét chạm khắc thô cứng, không sắc sảo, phù điêu phát hiện ở tháp Mẫm không còn nguyên vẹn nhưng phù điêu thần Brahma phát hiện ở tháp Dương Long được thể hiện rất sống động, tác phẩm còn khá nguyên vẹn, được khắc tạc hoàn chỉnh nhất. Bố cục hình thể khá hoàn chỉnh, các cánh tay, từ cánh tay chính đến cánh tay phụ có sự kết nối trong động tác múa của thần, kết hợp đôi chân nhún nhảy uyển chuyển. Có thể nói đây là tác phẩm điêu khắc có giá trị mỹ thuật cao.
Phù điêu thần Brahma được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp Bình Định ẢNH: HOÀNG TRỌNG
Năm 2006, Bảo tàng tổng hợp Bình Định tiến hành khai quật khảo cổ học tại tháp Dương Long. Cuộc khai quật đã thu được rất nhiều hiện vật điêu khắc trang trí trên các tầng tháp, phù điêu hình rắn Naga, sư tử, Makara, voi, hình người cầu nguyện… Đặc biệt, tại tháp bắc của khu tháp Dương Long lại phát hiện thêm 1 phù điêu thể hiện thần Brahma đã bị vỡ, chỉ còn một phần (cao 0,3m; dày 0,15cm; rộng 0,45m), thể hiện một vị nam thần có 3 đầu, đội mũ hình chóp, với ba khuôn mặt mỉm cười hướng về phía trước.
 

Triển lãm tại châu Âu

TS Đinh Bá Hòa cho biết, năm 2003, Bức phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma ở Bảo tàng tổng hợp Bình Định được Bảo tàng Lịch sử Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sư Bruxelles (Bỉ) mượn đưa đi trưng bày triển lãm có chủ đề: Việt Nam quá khứ và hiện tại. Bảo hiểm cho mỗi hiện vật này là 200.000 USD. Sau đó, nhiều đơn vị nước ngoài cũng muốn mượn 2 bức phù điêu tuyệt đẹp này đi trưng bày nhưng không được các cơ quan chức năng chấp nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.