Bảo tồn để phát triển

13/05/2006 23:02 GMT+7

Đưa miền núi tiến kịp miền xuôi" là khẩu hiệu mang tính cách mạng trong việc đưa văn minh thay thế lạc hậu, mang cơm no áo ấm đến cho đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn hóa, không thể có sự thay thế, mà cần có sự giao thoa, thông hiểu để bảo tồn và phát triển. Nhân Lễ hội các dân tộc miền núi phía Bắc vừa diễn ra tại Sa Pa, có thể quan sát những điểm khác biệt, những điều làm chưa tới khi giới thiệu nền văn hóa lâu đời của các dân tộc thông qua du lịch, cũng như các nỗ lực để chia sẻ tinh hoa văn hóa giữa các dân tộc Việt Nam.

Trong vai du khách qua những chuyến đi đến những dịa danh nổi tiếng của đất nước, PV Thanh Niên đã có những câu chuyện, những ghi nhận rất đáng suy ngẫm. Có những điều đã được cảnh báo từ lâu, tưởng đã cũ nhưng vẫn luôn là nỗi bức xúc mới mỗi ngày.

1. Còn nhớ có lần tôi đã vượt hàng trăm cây số ngược đường 14 từ Pleiku về Buôn Ma Thuột với sự háo hức được khám phá buôn Đôn - thánh địa của vua voi. Cao nguyên Đắk Lắk với những dòng thác hùng vĩ như Draysap,  như Dray H' ling trên dòng Sérepok nổi danh - nghe nói mỗi tên thác là mỗi một chuyện tình trắc trở, huyền thoại vượt qua sắc tộc, qua môn đăng hộ đối. Khổ thay, nỗi háo hức của một cư dân sông Cửu Long sắp được khám phá lại như bị dội một gáo nước lạnh khi khu du lịch Buôn Đôn lại không hoang sơ như tôi tưởng, vẫn những sạp bán hàng lưu niệm (đa phần hàng từ dưới xuôi lên) nằm san sát. Mất 100.000 đồng cho 30 phút ngồi lưng voi nghễu nghện qua những những dãy nhà nằm san sát với những... cặp mắt hiếu kỳ nhìn ra. Hỏi tại sao không chọn một con đường hoang sơ khác, nài voi Ylư Bul Krong, người dân tộc Mơ-nông cho biết đi như vậy xa, mấy ông du lịch sợ du khách mệt, lý do khác là... xa các quán sá (!?). Nhưng vẫn chưa thất vọng khi thấy cảnh mỗi khi có đoàn xe của du khách đến, các "sơn nữ" lại

Nhà văn Lê Đình Bích, giảng viên bộ môn Đại cương văn hóa Việt Nam, Trường đại học Cần Thơ:

Xóa đi sự khác biệt là phản văn hóa

Hiện nay đang có hiện tượng những người làm du lịch đặt nặng vấn đề kinh tế hơn là khai thác, khám phá những tập tục văn hóa vùng miền. Nếu có khai thác thì do không đủ tầm hiểu biết về văn hóa nên đa phần là mô phỏng, là giả. Đã xảy ra tình trạng thiết kế hàng loạt khu du lịch mô phỏng các dân tộc, vùng miền... ở dưới xuôi - để khách có thể khám phá mà không... tốn công đi xa. Còn nhà sàn trên vùng cao người ta lại đem tô vôi, trét tường, lắp đặt máy điều hòa. Những con người miền núi đã sống hết đời của họ trong một hoàn cảnh tự nhiên như cây cỏ, cớ sao ta lại "cải biên" thô bạo để rồi phục vụ cho du khách một sản phẩm giả. Cái đẹp văn hóa phải là sự hài hòa tổng thể chứ không thể chắp ghép, phá vỡ tùy tiện. Phá vỡ sự khác biệt chính là việc làm phản văn hóa.

nhốn nháo đi vấn lại xống váy. Hỡi ôi, nghe giọng nói mới biết các cô đa phần từ dưới xuôi lên. Nghe nói các cô là những hướng dẫn viên du lịch đã được huấn luyện bài bản kiểu nghiệp vụ du lịch (!). Cũng tại buôn Đôn, lại được gặp mẹ Tèo (gọi theo tên con theo phong tục) - ngồi bán chè đậu đen - chị người Lào và là cháu cố của vua voi Khun Jiu Nop nổi tiếng khắp vùng Đông Dương. Ngồi tán gẫu nghe mẹ Tèo kể chuyện ông cố với tài săn bắt, thuần dưỡng voi, hoặc chuyện của ông ngoại làm "hoàng tử" oai phong như thế nào. Tại sao chuyện đời của anh Ylư Bul Krong hay mẹ Tèo - với những khác biệt văn hóa - lại không được khai thác để hấp dẫn du khách?

Lại một cảm giác tương tự khi tôi ngược lên tỉnh Hòa Bình đến với bản Lát nổi danh. Tiếc thay những nhà sàn dành cho du khách nghỉ đêm lại bị bê-tông hóa. Trên nhà sàn là quán cà phê với những bài hát sôi động thời thượng, dưới sàn nhà được tận dụng bán hàng thổ cẩm - mặt hàng mà tôi có thể kiếm mua dễ dàng ở bất kỳ khu du lịch nào ở tít đồng bằng sông Cửu Long (!). Tự hỏi chẳng lẽ mình lên đây để nghe nhạc xập xình, để... bị xem một màn múa sạp vô cảm trong căn nhà bê-tông giả gỗ. Tôi lang thang sang một bản bên cạnh cách độ vài trăm mét, tìm được một ngôi nhà của một gia đình Thái trắng. Đêm lạnh giữa núi rừng thật thú vị khi được ngồi nhâm nhi rượu rừng, ăn thịt gà luộc chấm với muối hột đâm chung với một loại trái thật lạ trong rừng nghe nhân nhẩn, bùi bùi ở đầu môi. Chõ xôi mang nét đặc trưng của người Thái cứ tỏa hơi nghi ngút bên chái bếp khiến cho tôi cứ mong trời mau sáng để khám phá món ăn núi rừng. Ông chủ nhà hiếu khách kể cho nghe vô số chuyện rừng, chuyện bản. Khuya quấn một cái mền lông cỏ nằm khoanh bên bếp lửa trên sàn nhà như gia chủ cứ thấy đã đời vì một cảm giác thật lạ. Cảm giác về một sự khác biệt văn hóa, tập tục cho đến ẩm thực đã khiến tôi khó mà quên được chuyến đi. Chỉ tiếc những cảm giác mới lạ, hoang dã đó lại do chính chúng tôi tự khám phá chứ không đến từ các tour.


Du khách với trẻ em Sa Pa (ảnh: H.Hạnh)

2. Vào dịp kỷ niệm 100 năm phát hiện ra khu du lịch Sa Pa, tỉnh Lào Cai, một nhóm kiến trúc sư Pháp đã đưa ra những lời khuyên về quy hoạch không gian, quản lý xây dựng rất đáng ghi nhận đối với khu du lịch giá trị này. Trong những ý kiến tư vấn ấy, có đề xuất rằng Sa Pa cần phải thay đổi hệ thống nhà mái bằng, mái tôn để chuyển sang nhà mái ngói, và không sử dụng các bình trữ nước bằng inox lộ thiên trên mái nhà.

Tại sao vậy? Vì nếu chúng ta có một lần đứng trên một điểm cao, trên núi Hàm Rồng chẳng hạn để nhìn xuống, sẽ thấy thất vọng vô cùng trước một thành phố Sa Pa, trông chẳng khác nào một khu phố Hà Nội, lởm chởm mái bằng, mái tôn, mái chóp, bên trên lấp lóa hàng trăm hàng nghìn bể nước phản chiếu ánh mặt trời! Một hình ảnh Sa Pa đẹp như tranh thủy mặc với những mái ngói kiểu Pháp đã lùi vào dĩ vãng.

Kiến trúc là một trong những đổi thay rõ nhất trên các vùng cao. Đó là thành tích đáng kể của chính sách "miền núi tiến kịp miền xuôi". Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, đây là câu chuyện phải bàn. Người Thái, một dân tộc có vốn văn hóa rất cao thể hiện trên kiến trúc, phong tục, trang phục của đồng bào. Nhưng nếu đến một địa chỉ du lịch mang nhiều "tính chất Thái" nhất là bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình, ta sẽ thấy nản khi gặp những ngôi nhà nửa sàn nửa xây, những bộ váy áo nửa Kinh nửa Thái. Thương hiệu du lịch Mai Châu đang nhạt đi trong trí nhớ của du khách. Ngược lên Hà Giang, một phong trào "hạ sơn" của người Mông được các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ. Từ đỉnh núi cao vút, bà con xuống dựng nhà hai bên đường giao thông. Vẫn là những ngôi nhà trình tường nhưng đã lợp mái tôn, và cửa lúc nào cũng treo tấm vải đỏ với lời cảnh báo: "Cấm vào". Trở về vùng Y Tý, thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nơi người Hà Nhì "trình diễn" những ngôi nhà trình tường độc đáo bậc nhất Việt Nam, thì quang cảnh kỳ vĩ của những mái nhà lợp cỏ hình chóp đã thay hầu hết bằng mái tôn! Tôn phibro-ximăng được sử dụng rộng rãi ở miền núi, có nơi còn trợ giá cho đồng bào. Sự đầu tư, hỗ trợ một cách áp đặt mà bỏ qua yếu tố văn hóa đang là một nguy cơ đối với việc giữ gìn bản sắc các dân tộc Việt Nam.


Nhiều phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số nay chỉ còn thấy trong Bảo tàng Dân tộc học (ảnh: L.Q.P)

Không chỉ vẻ đẹp cảnh quan đang bị mai một, việc khai thác và đầu tư một cách thiếu chiều sâu đang gây hại cho chính sự phát triển bền vững. Sự phát triển nóng của du lịch Sa Pa những năm gần đây cho thấy rất rõ điều này: rất nhiều nét văn hóa truyền thống của người Mông, Dao như nghề rèn, nghề dệt, nhuộm... đang bị mai một và thiếu sự chăm sóc cần thiết. Một sinh hoạt văn hóa mà nhiều người quan tâm là phiên chợ tình Sa Pa đã bị biến dạng với việc người Mông không thổi kèn môi giao duyên mà thay bằng đài thu thanh, nếu có thổi kèn, múa khèn là để xin tiền du khách. Thậm chí, phiên chợ tình nổi tiếng nhất Việt Nam, ở xã Khau Vai, Mèo Vạc, Hà Giang vừa mới đây cũng đã trở thành một "điểm đến" của quá nhiều kẻ tò mò làm cho phiên chợ lãng mạn chẳng còn gì là tình tứ nữa!

Hồng Hạnh - Lưu Quang Phổ - Bích Hạnh (thực hiện)

Câu đố dành cho khán giả:

Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệåp Quốc (UNESCO) dự định tôn vinh danh hiệu nào cho những nghệ nhân gìn giữ kho tàng văn hóa của mỗi dân tộc:

a/ Nghệ nhân

b/ Nghệ sĩ của nhân dân

c/ Báu vật nhân văn sống

Bạn có thể trả lời bằng các cách sau: nhắn tin hoặc điện thoại đến tổng đài 1900 1758; tham gia trả lời trên giao diện của website www.taisaokhong.com.vn hoặc gửi về hộp thư điện tử TSK@taisaokhong.com.vn.

Phần thưởng của chương trình gồm: 1 giải nhất 1.000.000 đồng kèm quà tặng của chương trình TSK?; 2 phần thưởng là quà tặng của chương trình TSK? dành cho những bạn có câu trả lời chính xác và nhanh nhất.

Chuyên mục phối hợp thông tin giữa Báo Thanh Niên và chương trình truyền hình Tại sao không? trên VTV1 do HauMi Cross-Media và VTV sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.