Bão Tembin hướng vào Nam bộ, lên phương án sơ tán gần 1 triệu dân

23/12/2017 11:06 GMT+7

Các tỉnh Nam bộ phải lên phương án sơ tán gần 1 triệu người dân để tránh bão Tembin , dự kiến sẽ ảnh hưởng đến đất liền trong ngày 25 - 26.12.

Sáng nay 23.12, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh phía Nam để chỉ đạo công tác phòng chống bão Tembin.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, bão Tembin hiện có gió mạnh ở cấp 10 nhưng vẫn liên tục mạnh thêm, khả năng mạnh nhất khi bão đổ bộ phía tây quần đảo Trường Sa, có thể đạt cấp 11 - 12 và hướng trực tiếp vùng biển Nam bộ.
Dự báo trong khoảng ngày 25 - 26.12, bão sẽ ảnh hưởng đến đất liền. Vùng gió mạnh mở rộng từ phía bắc tỉnh Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu và có thể bão đổ bộ đến Cà Mau.
“Các phương án ứng phó phải sẵn sàng với kịch bản bão đổ độ với gió mạnh cấp 10 - 11. Cơn bão Tembin đang có diễn biến rất phức tạp. Đây là cơn bão cuối mùa, xảy ra thời gian rất hiếm có. Bão muộn như năm nay thì 10 năm mới có một cơn, còn nếu muộn, nhưng bão ở cấp 12 như này thì chưa có bao giờ”, ông Cường cảnh báo.
Chia sẻ tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn) nhấn mạnh, bão Tembin đổ bộ vào khu vực ít có bão. Người dân và chính quyền địa phương sẽ có tâm lý chủ quan, công tác phòng chống bão phải kiên quyết, triệt để không để xảy ra thiệt hại như bão số 12 vừa qua.
Trên biển Nam bộ đang vào vụ đánh bắt chính, từ Cà Mau đến Kiên Giang đang có khoảng 67.000 tàu đánh bắt xa bờ, 48.000 tàu gần bờ. Theo đó, các địa phương, cơ quan chức năng cần liên lạc chặt chẽ để hướng dẫn các phương tiện di chuyển tránh bão.
Cũng theo ông Trần Quang Hoài, theo các kịch bản ứng phó với cơn bão Tembin, các tỉnh Nam bộ sẵn sàng, lên phương án sơ tán khoảng 234.000 hộ dân với gần 1 triệu người phải sơ tán để tránh bão Tembin.
Chỉ đạo tại cuôc họp, ông Nguyễn Xuân Cường lưu ý, đây là cơn bão cuối vụ, càng đi vào Biển Đông thì càng mạnh và di chuyển nhanh hơn, dự kiến đổ bộ vào khu vực Nam bộ. Nếu các địa phương không chủ động ứng phó thì thiệt hại rất lớn. 
"Các địa phương phải chuẩn bị ứng phó, phòng chống bão ở cấp độ cao nhất, không để xảy ra tâm lý chủ quan trong người dân, dẫn tới thiệt hại lớn", ông Cường nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.