Bão tàn phá nặng nề

05/11/2017 06:32 GMT+7

* Ít nhất 20 người chết, 17 người mất tích

Thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, đến 17 giờ ngày 4.11, tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Lâm Đồng, bão số 12 đã làm 20 người chết và 17 người mất tích.
Gió bão đã làm sập đổ 531 ngôi nhà và 23.755 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Ngoài ra, ở các tỉnh Bình Định và Phú Yên có 40 tàu, thuyền bị gió bão, sóng đánh chìm tại bến.
Phú Yên: Bão vừa tan, lũ chồng lũ
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, báo cáo sơ bộ với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, có mặt tại địa phương thị sát tình hình, chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả bão, trưa 4.11: toàn tỉnh Phú Yên có 1 người chết, 5 người mất tích và 4 người bị thương; 100 tàu thuyền của ngư dân bị sóng nhận chìm, trôi dạt ra khơi… Hơn 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản của người dân ở 2 huyện: Tuy An, Đông Hòa và TX.Sông Cầu bị sóng đánh chìm, cuốn trôi. Hơn 1.000 nhà dân tốc mái, hư hỏng. Hơn 17.000 ha mía bị bão làm ngã đổ; tỉnh mất điện hoàn toàn; các tuyến đường giao thông bị hư hỏng, chưa thống kê được.
Tối 4.11, sau khi bão tan, nước sông Kỳ Lộ dâng cao đã chia cắt TT.La Hai với các xã trong huyện. Nước lên rất nhanh và các xã đã bị cô lập như: Sơn Xuân Bắc, Sơn Xuân Nam, Xuân Phước và Phú Mỡ. Tại H.Tuy An, tuyến đường từ TT.Chí Thạnh đi xã An Thạch, An Ninh Đông, An Ninh Tây, TT.La Hai (H.Đồng Xuân) bị chia cắt, nhiều thôn bị lũ cô lập hoàn toàn. H.Tuy An đã di dời hơn 1.000 hộ dân ở vùng trũng. Nếu tiếp tục mưa, nguy cơ lũ sẽ đạt mực nước lũ lịch sử 2009. Hiện nước lũ từ sông Ba đã tràn vào TP.Tuy Hòa, gây ngập một số tuyến đường. Cuối ngày 4.11, tỉnh Phú Yên đã di dời tổng cộng 4.410 hộ đi tránh lũ.
Sáng cùng ngày, thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên) giáp với xã Đại Lãnh, H.Vạn Ninh (Khánh Hòa) là vùng tâm bão đi qua. Cây cối ở đây bị gió quật gãy ngang thân, nhiều nhà dân bị tốc mái, sập cửa, hư hỏng nặng. Dọc QL1 đoạn qua xã Đại Lãnh, nhà sập, bảng hiệu bị gió thổi bay nằm ngổn ngang ngoài đường. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến thị sát, kiểm tra và thăm hỏi động viên người dân ở xã này và chỉ đạo Quân khu 5 điều bộ đội đến Phú Yên để hỗ trợ tỉnh giúp dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Một bè nuôi của ngư dân bị đánh dạt vào bờ biển Nha Trang Ảnh: Nguyễn Chung
Khánh Hòa thiệt hại nặng
Tại Khánh Hòa, bão số 12 quét qua sáng 4.11, gây thiệt hại nặng nề. Sau cơn bão, TP.Nha Trang xơ xác, tiêu điều. Dọc các tuyến đường, cây cối đổ ngã la liệt; mái tôn, bảng hiệu bay khắp nơi; các trụ điện gãy đôi… Trong khuôn viên trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa, nhiều cây cao nhiều năm tuổi cũng bị bật gốc. Lãnh đạo UBND TP.Nha Trang cho biết, thống kê ban đầu, TP.Nha Trang có 2 người chết, 46 nhà sập, hơn 5.200 nhà bị tốc mái. Nhà thơ Giang Nam (nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa) phải thốt lên: “Lần đầu tiên tôi chứng kiến Nha Trang bị một cơn bão mạnh như thế!”.
Ghi nhận của PV, từ trưa 4.11, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Nha Trang, như: 23 Tháng 10, Điện Biên Phủ, 2 Tháng 4… bị ngập nước. Đến tối cùng ngày, nước tiếp tục dâng cao và nhiều khu vực dân cư thuộc các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp… bị ngập cục bộ.
Nhiều địa phương khác thuộc Khánh Hòa cũng bị bão tàn phá dữ dội. Đến 20 giờ 30 ngày 4.11, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTN-TKCN) Khánh Hòa cho biết có 14 người chết và vẫn đang thống kê tình hình thiệt hại. Theo thông tin sơ bộ từ lãnh đạo các địa phương thì TX.Ninh Hòa thiệt hại lớn nhất với 5 người chết đều do sập nhà, 1 người mất tích; có khoảng 70% số căn nhà ở địa phương bị tốc mái, hư hỏng. H.Vạn Ninh có 3 người chết, 5 người bị thương; hơn 12.400 lồng bè nuôi trồng thủy hải sản bị sóng đánh vỡ; hơn 25.000 căn nhà bị tốc mái; hơn 20 căn nhà bị sập hoàn toàn. Tại TP.Cam Ranh và H.Diên Khánh mỗi nơi cũng có 1 người chết do bão.
Trời bắt đầu tối sầm lại cũng là lúc gia đình và bà con lối xóm ở thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa) vừa đưa thi thể hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảo và chị Nguyễn Thị Quốc Hoa về nhà lo hậu sự. Ngồi bên thi thể con trai mình, bà Trương Thị Tám, 65 tuổi khóc ngất lên ngất xuống. Trong cơn mê sảng bà Tám cứ gọi con trai mình: “Lúc bão vừa tan hai vợ chồng tụi nó chạy lên chòi để dọn dẹp thì nước bắt đầu ập tới, xuồng hai vợ chồng nó bị nước cuốn, đến tối người ta mới tìm thấy hai vợ chồng nó nắm tay nhau ở tận xóm dưới”, bà Tám nói trong nước mắt.
Chiều 4.11, PV Thanh Niên theo tàu cứu nạn của Đồn biên phòng Vĩnh Lương (Bộ đội biên phòng Khánh Hòa) và ngư dân ra khu vực đầm Nha Phu (Ninh Hòa, Khánh Hòa) để cứu người dân còn mắc kẹt tại đây. Đầm Nha Phu nằm cách bờ khoảng 2 km và là khu vực mà ngư dân thuộc xã Ninh Ích, Vĩnh Lương, TP.Nha Trang nuôi bè cá và tôm. Những làng chài mỗi ngày tấp nập tàu thuyền và tiếng cười ngư dân, sau một đêm bỗng tan hoang như bình địa: nhà sập, tốc mái, cây cối gãy đổ. Người dân ở đây cho hay chưa bao giờ gặp cơn bão nào lớn như vậy. Công tác cứu hộ cứu nạn, nhất là cứu người, càng về tối càng gặp khó khăn vì mưa càng nặng hạt, trời mù…
Nhiều địa phương khác cũng bị bão tàn phá
Chiều 4.11, hàng ngàn nhà dân ở ngoại thành TP.Quy Nhơn và các huyện ở tỉnh Bình Định bị lũ chia cắt, nhiều nhà ngập sâu từ 0,5 - 1 m. Chính quyền TP.Quy Nhơn đã di dời 473 hộ dân. Nhiều tuyến tỉnh lộ, đường nội thành ở TP.Quy Nhơn và QL19, QL1D cũng bị lũ chia cắt, có nơi ngập sâu gần 1 m. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cho biết, đến 17 giờ ngày 4.11, tỉnh thống kê được 1 người chết, 4 người bị thương…
Tại Quảng Ngãi, ngày 4.11, trận lốc xoáy mạnh bất ngờ quét qua thôn Thạch Thang, xã Đức Phong, H.Mộ Đức và xã Bình An, H.Bình Sơn, làm 56 nhà dân bị tốc mái, nhiều trụ điện, cây cối bị ngã đổ. Đảo Lý Sơn gió giật mạnh cấp 8 - 9, biển động dữ dội đã nhấn chìm nhiều lồng bè của người dân nuôi thủy sản ven bờ biển quanh đảo… Tại Ninh Thuận có 46 căn nhà và nhiều phòng học bị hư hỏng.
Tại Lâm Đồng, có 3 người chết vì mưa bão (2 người đi làm vườn do nước lũ tràn qua làm sập nhà vùi chết); Lê Trung Minh Quý (34 tuổi, ngụ TP.Đà Lạt) bị nước cuốn trôi, thi thể được tìm thấy tại phía hạ lưu lúc 16 giờ; hàng chục nhà sập và tốc mái, hư hỏng hơn 150 ha rau, hoa trong nhà kính và lúa, bắp, cà phê; cuốn trôi 2 cầu sắt ở 2 huyện Đam Rông, Lâm Hà khiến cho một số khu dân cư bị chia cắt và cô lập.
Từ tối 3.11 đến sáng 4.11, Gia Lai có gió mạnh, mưa to, khiến hàng chục ngôi nhà tốc mái, nhiều cây xanh bật gốc. Mực nước trên các sông suối tại Gia Lai đang lên nhanh.
Đắk Lắk, gió bão khiến hơn 1.000 ngôi nhà bị sập và tốc mái; nhiều đoạn đường bị chia cắt khiến hàng trăm hộ bị cô lập; 3.700 ha ngô thu đông, 7.000 ha mía bị đổ ngã khá nhiều; hàng trăm ha hồ tiêu, có 400 ha cao su bị gãy đổ...
Duy Lợi giúp đỡ đồng bào vùng bão 100 triệu đồng
Chiều 4.11, ông Lâm Tấn Lợi, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Duy Lợi đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên trao 100 triệu đồng hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào vùng bão nam Trung bộ. Ông Lợi nói: “Cơn bão số 12 dữ dội gây thiệt hại cho đồng bào lớn quá. Tôi theo dõi tin tức, hình ảnh thấy tình cảnh người dân ngoài ấy phải chống chọi với bão mà thấy rất lo lắng. Số tiền này mong chia sẻ được chút nào khó khăn với bà con”.
T.T.Bình
Sẽ có lũ lớn
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, chiều 4.11, sau khi đi vào khu vực nam Tây nguyên, bão số 12 đã suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên khu vực biên giới VN và Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (từ 50 - 60 km/giờ), giật cấp 9. Do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ suy yếu từ bão số 12 kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tiếp tục có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh bắc Trung bộ, Tây nguyên, đông Nam bộ có mưa to đến rất to. Từ ngày 4 - 8.11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây nguyên và sông Đồng Nai sẽ xảy ra một đợt lũ. Trong đó, các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa có lũ lớn. Các tỉnh bắc Tây nguyên có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu trên diện rộng ở vùng trũng thấp.
Phan Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.