Bão số 7 suy yếu sẽ gây mưa trên toàn miền Bắc

27/08/2017 12:41 GMT+7

Cơn bão số 7 khi suy yếu sẽ hình thành một rãnh thấp vắt ngang Bắc bộ và gây mưa diện rộng trên toàn miền Bắc.

Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết thông tin trên tại cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, để bàn cách ứng phó với bão số 7, diễn ra sáng nay (27.8) tại Hà Nội, do Phó thủ tướng Trình Định Dũng chủ trì.
Ông Hoàng Đức Cường cho biết, lúc 8 giờ sáng nay, bão số 7 đang ở trên vùng bờ biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió vùng gần tâm bão mạnh nhất, đạt cấp 11, tức là từ 100 - 115 km/giờ.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, tốc độ khoảng 30 km giờ, đến 19 giờ ngày 27.8, bão sẽ đi vào đất liền phía tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó bắt đầu suy yếu.
Cũng theo ông Hoàng Đức Cường, nhiều cơ quan dự báo quốc tế của Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hồng Kông có chung nhận định bão số 7 đi vào đất liền Trung Quốc theo hướng tây bắc rồi mở rộng lên hướng tây và tây tây bắc. Khi đến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, bão số 7 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cũng có chung nhận định này.
Khi bão số 7 suy yếu, hoàn lưu bão sẽ hình thành một rãnh áp thấp vắt ngang Bắc bộ, gây mưa diện rộng trên toàn miền Bắc bắt đầu từ ngày mai, 28.8.Trong đó, vùng mưa lớn tập trung ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang.
Đại diện Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, dù đã loại trừ khả năng hoàn lưu bão số 7 gây gió mạnh trên vùng biển vịnh Bắc Bộ nhưng phải đặc biệt cảnh giác với hiện tượng gió giật mạnh sau bão,  gây nguy hiểm cho các phương tiện hoạt động trong vùng biển này.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN - PTNT), nhận định mưa do bão số 7 tiếp tục đổ xuống vùng mưa lớn trong bão số 6 khiến nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét lũ ống là rất lớn. Khi nền địa chất ở khu vực này đã bão hoà nước, dễ xảy ra sạt trượt.
Bên cạnh đó, vấn đề điều tiết các hồ chứa, thủy điện ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang rất phức tạp, khi mưa lớn kéo dài, nhiều thủy điện đang phải xả lũ cùng lúc. Ngoài ứng phó với mưa lớn trong nước, các thủy điện đang phải đối phó với mưa lớn từ phía nam Trung Quốc, có thời điểm họ xả lũ đột ngột về Việt Nam với lưu lượng 9.500 m3/giây cũng gây khó khăn cho công tác điều hành, phòng chống lũ.
Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cho rằng nhìn từ trận lũ quét ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và Mường La (Sơn La) thì mưa lớn trong nhiều ngày sẽ làm cộng hưởng lũ quét, sạt lở đất và bục vỡ các túi nước khiến hậu quả thiệt hại là rất lớn. Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phải thường xuyên liên lạc, nhắc nhở các địa phương không được chủ quan trong ứng phó với mưa lũ.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý, mưa lũ những tháng vừa qua tại các tỉnh miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Các địa phương phải vừa phải khẩn trương khắc phục hậu quả của các đợt mưa lũ trước, vừa phải chuẩn bị ứng phó với đợt mưa mới để giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của người dân và nhà nước.
Đối với vùng ven biển, khu vực được cảnh báo có gió giật mạnh và mưa lớn, Phó thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi và đảm bảo an toàn cho các công trình hồ, đập không để xảy ra sự cố trong mưa lũ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.