Bão số 2 đang giật cấp 10, có cường độ và hướng đi ‘rất khó lường’

01/08/2020 18:57 GMT+7

Cơn bão số 2 trên Biển Đông đang có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 nhưng dự báo cường độ và hướng đi “rất khó lường” khi chịu tác động của áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía đông Philippines.

Chia sẻ với báo chí chiều nay, 1.8, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết cơn bão số 2 (có tên quốc tế là bão Sinlaku) có cường độ và hướng đi “rất khó lường” khi đang chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là áp thấp nhiệt đới ở vùng biển phía đông Philippines.
Cập nhật lúc 16 giờ chiều nay, vị trí tâm bão ở khoảng 18,7 độ vĩ bắc và 108,6 độ kinh đông, trên đất liền phía nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thái Bình - Nghệ An khoảng 330 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, tương đương sức gió từ 60 - 75 km/giờ, giật cấp 10.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, đi vào vịnh Bắc bộ.
Đến 4 giờ ngày mai, 2.8, tâm bão ở vào khoảng 19,1 độ vĩ bắc và 106,9 độ kinh đông, trên vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Hoang-Phuc-Lam

Ông Hoàng Phúc Lâm nhận định cơn bão số 2 có cường độ và hướng đi "rất khó lường"

Ảnh Hoàng Phan

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, đặc điểm nổi bật của cơn bão này là có hoàn lưu và vùng gió mạnh rất rộng. Cụ thể, vùng gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên có bán kính lên tới 130 km tính từ tâm bão.
Cơn bão có hoàn lưu bao phủ hầu khắp khu vực bắc Biển Đông, vùng mây phía tây của cơn bão gây mưa cho khu vực bắc Trung bộ, trọng tâm mưa dự báo ở Nghệ An và Hà Tĩnh.
Cũng theo ông Hoàng Phúc Lâm, theo các dữ liệu Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thu thập được thì ngoài cơn bão số 2 đang hướng vào đất liền Việt Nam, ở khu vực phía đông của Philippines còn tồn tại thêm một áp thấp nhiệt đới. Chính sự tồn tại của áp thấp nhiệt đới này sẽ có tác động đến cường độ và hướng di chuyển của cơn bão số 2 gần Việt Nam.
Áp thấp nhiệt đới này sẽ ngăn cản không cho áp cao cận nhiệt đới tiếp cận với bão ở gần Việt Nam. Khi đó, bão số 2 không có yếu tố dẫn đường của áp cao cận nhiệt đới. Bão số 2 sẽ di chuyển chủ yếu theo nội lực, do đó tốc độ di chuyển của bão sẽ không ổn định sẽ có lúc nhanh, lúc chậm.
Bão số 2 còn có khả năng thay đổi cường độ do đang hoạt động trên vùng biển nóng khiến cho diễn biến về cường độ và đường đi của nó sẽ còn rất khó lường”, ông Lâm nói.

Mưa lũ bao vây, người dân leo cây cầu cứu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.