Bão qua, nhà nông xơ xác: Người trồng cao su thiệt hại nặng

11/11/2017 11:52 GMT+7

Bão số 12 đi qua, nhiều người trồng cao su ở H.Sông Hinh (Phú Yên) 'phá sản'. Bao vốn liếng và công sức suốt gần 10 năm qua bị quét sạch.

Vườn cao su 10 năm tuổi của bà Dương Thị Đức ở thôn Ea Đin, xã Ea Bar, H.Sông Hinh, mỗi ngày cho thu hoạch không dưới 120 kg mủ đông, với giá bán 12.000 đồng/kg, trừ hết chi phí bà thu được hơn 1 triệu đồng/ngày. Thế nhưng, chỉ sau cơn bão số 12, vườn cao su của bà cây thì bị đứt gãy ngang thân, cây thì bật gốc ngã đổ, những cây còn lại nghiêng ngả, tả tơi. Bà Đức thở dài: “Nhìn vườn cao su mà tôi choáng váng. Lâu nay cả gia đình sinh sống dựa vào vườn cao su này. Bây giờ không biết làm sao?”.

tin liên quan

[CHÙM ẢNH] Nước mắt Vạn Ninh
Hàng ngàn lồng bè nuôi tôm bị bão cuốn phăng, hàng trăm căn nhà đổ sập, người dân Vạn Ninh giờ chỉ còn lại hai bàn tay trắng sau cơn bão.
Cách đó không xa, vườn cao su của anh Nguyễn Văn Vui ở thôn Tân An (xã Ea Bar) cũng tan hoang. Hàng cây cao su đường kính gốc 50 - 60 cm bị bẻ gãy ngang thân, nhựa ứa chảy trắng thân. “Tôi trồng hơn 2 ha cao su và đã thu hoạch được 8 năm nay. Cây đến thời kỳ thu hoạch thì lại bị vậy, không biết trồng cây gì cho thích hợp với thời tiết khắc nghiệt của miền Trung bây giờ?”, anh Huy ngao ngán nói.
Ông Ksor Héc, Chủ tịch UBND xã Ea Bar, cho biết: Trên địa bàn xã có đến 60% diện tích cây cao su bị thiệt hại do cơn bão số 12 gây ra. Gió mạnh kèm mưa lớn nên hầu hết những diện tích cao su lâu năm bị gãy, đổ. Những cây bị bung rễ, long gốc cũng rất lâu mới phục hồi được, dù có phục hồi thì năng suất cũng không thể đảm bảo như cũ.
Trong khi đó, vùng cao su thứ 2 của H.Sông Hinh là xã Sông Hinh cũng chung số phận. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Sông Hinh, cho biết hiện toàn xã Sông Hinh có 227 ha sao su, nhưng có tới 140 ha bị ngã đổ do bão.
H.Sông Hinh có 3.600 ha cao su, trong đó có trên 2.000 ha đang khai thác mủ. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng NN-PTNT H.Sông Hinh, cho biết đợt bão vừa qua toàn H.Sông Hinh có 1.500 ha cao su bị thiệt hại. “Đối với những diện tích thiệt hại từ 40% trở lên, vườn cây cao su cho hiệu quả kinh tế thấp, thì nên chuyển đổi sang các cây trồng khác”, ông Sự khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.