Bão mạnh, lũ lớn quần nát miền Trung

04/11/2009 01:20 GMT+7

*Ít nhất 40 người chết, 9 người mất tích * Hàng vạn ngôi nhà bị cô lập * Báo Thanh Niên theo trực thăng thả hàng cứu dân * Báo Thanh Niên tiếp tục nhận tiền, hàng cứu trợ của bạn đọc giúp đỡ các nạn nhân của bão số 11 Dồn dập bão mạnh, lũ lớn đã quần nát, nhấn chìm vô số khu dân cư ở nhiều tỉnh miền Trung. Hàng ngàn người phải chạy lũ kinh hoàng trong đêm tối...

Chìm trong biển nước

Lũ lớn đã gây ngập úng trên diện rộng tại các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum. Quốc lộ (QL) 1A và đường sắt Bắc - Nam bị chia cắt nhiều đoạn từ đèo Cả - Tuy An - Sông Cầu (Phú Yên) đến Quy Nhơn - Vân Canh (Bình Định). Có nơi nước ngập sâu đến gần 7m, nhấn chìm tận nóc nhà người dân. Điện chiếu sáng bị cúp trên diện rộng vì trụ điện ngã đổ la liệt.

Tại Bình Định, lượng mưa ở thượng nguồn sông Hà Thanh đo được từ đêm 2.11 đến hôm qua 3.11 lên đến 800 mm, xấp xỉ tổng lượng mưa nửa năm của cả tỉnh. Trong khi đó, khả năng điều tiết lũ ở hạ lưu sông Hà Thanh không có nên nước dồn ứ, nhanh chóng dâng cao, chảy xiết. Mực nước sông tại thị trấn Diêu Trì (H.Tuy Phước) cao nhất trong vòng gần 40 năm qua khiến hầu hết các khu dân cư ở đông Tuy Phước, đặc biệt tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú, Trần Quang Diệu và xã Phước Mỹ (TP Quy Nhơn); 2 xã Canh Vinh và Canh Hiển (H.Vân Canh) bị cô lập giữa biển nước. Tài sản rất nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi. Tất cả các tuyến đường dẫn vào các khu dân cư đều ngập sâu. 

Báo Thanh Niên tiếp tục nhận tiền, hàng cứu trợ của bạn đọc giúp đỡ các nạn nhân của bão số 11. Địa chỉ tiếp nhận cứu trợ: Tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội, TP.HCM và các văn phòng đại diện trên toàn quốc.

Tại Phú Yên, lũ bất ngờ ập về trong đêm cũng đã khiến hàng ngàn người dân hốt hoảng. Các xã An Nghiệp, An Định, An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Thạch và khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh và nhiều nơi khác của huyện Tuy An bị chia cắt hoàn toàn. Đến sáng 3.11, lực lượng cứu hộ mới đến được vùng ngập, khẩn cấp di dân lên các vùng sườn đồi gần nhất. 

Thị xã (TX) Sông Cầu xơ xác sau khi bão tan, người dân chưa kịp khắc phục thì tai họa vỡ đập bỗng ập xuống. Kể từ khuya 2.11, người dân chỉ kịp trèo lên mái nhà kêu cứu trong khi trời cứ mưa như trút nước. Dưới đất, dòng nước chảy như thác nên việc chờ cứu gần như vô vọng. Chị Kiều Ba công tác tại Đài truyền thanh TX Sông Cầu cho biết, nhà chị ở ngay giữa trung tâm nhưng chưa từng bị ngập lụt. Vậy mà nay nước lũ tràn vào nhà cao hơn 1m. Chị liên hệ với cơ quan chức năng TX Sông Cầu thì biết hung tin: Đập Đá Vải thuộc xã Xuân Lâm bị vỡ hơn 100m bờ phía nam. Do đập vỡ trong lúc triều cường dâng cao nên đã gây ngập nặng ở các khu dân cư. 3 phường ở TX Sông Cầu ngập sâu trong nước là Xuân Phú, Xuân Yên, Xuân Thành. Hiện đã có 6 người chết, 1 mất tích và 2 người bị thương. Đến sáng qua, thị xã Sông Cầu vẫn ngập sâu trong nước, nhiều khu dân cư bị cô lập hoàn toàn. 

 
Lũ nhấn chìm tận nóc nhà dân ở TP Quy Nhơn (Bình Định) -  Ảnh: Đình Phú

Tại Quảng Ngãi mưa như trút nước với lượng mưa phổ biến từ 100-399 mm. Nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về mỗi lúc một dữ dội khiến mực nước các sông trong tỉnh lên rất nhanh, trong đó sông Vệ và sông Trà Khúc đều trên mức báo động 3 hơn 1m đã nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà ở TP Quảng Ngãi, các huyện: Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Đức; nhiều địa phương khác cũng bị nước lũ bao vây chia cắt, cô lập hoàn toàn; phương tiện đi lại duy nhất là dùng ghe. Ông Phan Anh Tính - Phó chủ tịch UBND H.Nghĩa Hành cho biết, trước nguy cơ nước lũ ngày càng dâng cao, huyện đã di dời khẩn cấp 270 hộ dân với hơn 700 khẩu đến nơi an toàn. Còn tại H.Sơn Tây, nước lũ vượt cầu sông Rin (H.Sơn Hà) nên huyện miền núi này bị cô lập.

Tại Gia Lai, mưa lớn liên tục trong 2 ngày qua đã nhấn chìm hơn 2.000 ngôi nhà dân ở các huyện phía đông nam tỉnh, gồm: Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và TX Ayun Pa... Nước trên sông Ba lên nhanh, đoạn chảy qua TX Ayun Pa đạt cao trình hơn 158m, vượt mức báo động 3 hơn 3m. Đường dây liên lạc đến các xã thuộc thị xã này hoàn toàn bị cắt đứt. Nhiều đồ đạc của dân bị lũ cuốn trôi. Chính quyền di dời khẩn cấp 150 hộ dân dọc sông Ba đến nơi an toàn. Hàng trăm ha hoa màu, ao cá của người dân ngập chìm trong lũ. Tại huyện Ia Pa, lũ lớn khiến nhiều xã ven sông Ba bị ngập. Tỉnh lộ 663 nhiều đoạn ngập hơn 1m khiến giao thông bị đình trệ. Bốn xã phía đông sông Ba thuộc huyện này gồm: Ia Broái, Ia Kdăm, Ia Tul và Chư Mố bị  ngập sâu. QL 25 nối Gia Lai - Phú Yên bị ngập nhiều đoạn khiến giao thông bị tê liệt... Còn phía vùng đông Gia Lai, mưa lũ đã làm tuyến đường giao thông chính nối trung tâm H.Kông Chro đến 4 xã của huyện này bị cô lập. Ca-nô, xe thiết giáp lội nước... của quân đội trên địa bàn Gia Lai đã đưa hơn 150 người dân bị nạn đến nơi an toàn, đồng thời tiếp tế lương thực cho người dân dọc sông Ba và sông Ayun đang bị ngập chìm trong lũ.

Theo Ban PCLB - TKCN Phú Yên, nhiều công trình thủy điện trên sông Ba đều tham gia xả lũ vì mực nước vượt quá cao trình, trong đó Thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng lớn nhất 14.000 m3/s đã làm cho tình trạng ngập úng ở vùng hạ lưu của tỉnh thêm trầm trọng vào ngày 3.11. (Hùng Phiên)

Tại tỉnh Kon Tum, nước sông Đắk Bla lên cao khiến bờ kè dọc bờ sông bị ngập, nhiều hộ dân tại các phường: Quyết Thắng, Lê Lợi, Thống Nhất, Thắng Lợi (TP Kon Tum)... phải gấp rút di dời chạy lũ. Trên địa bàn tỉnh này trời đang tiếp tục có mưa, hàng ngàn người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là nguy cơ sạt lở núi.

Thiệt hại nặng nề

Do còn quá nhiều vùng bị cô lập nên chính quyền các tỉnh chưa thể thống kê được thiệt hại chính xác về người và tài sản. Theo thống kê bước đầu, tính đến 15 giờ chiều qua, Bình Định có 6 người chết, 2 người mất tích, 15 người bị thương, 127 nhà sập đổ hoàn toàn, 4.681 nhà hỏng nặng và hàng vạn ngôi nhà ngập nước, 1 trạm y tế và 116 phòng học bị tốc mái, hư hỏng; hơn 10 ha lúa, hoa màu, cây lâu năm bị ngập úng, gãy đổ; rất nhiều kênh mương bị bồi lấp và 35 cầu cống giao thông bị hư hỏng; ước tính tổng thiệt hại hơn 81 tỉ đồng.

Phú Yên bị thiệt hại nặng nhất về người với 26 người chết, 3 mất tích, 16 người bị thương; 341 nhà sập hoàn toàn, 5.428 nhà tốc mái, 22 tàu thuyền bị chìm.

 
Lũ ngập khu dân cư ở Quảng Ngãi -  Ảnh: Hiển Cừ

Hàng chục ngàn người dân Quảng Ngãi lại đối mặt với bao khó khăn chồng chất khi lũ lại chồng lên lũ. Tình cảnh bi đát nhất là hàng trăm người dân bị nhà sập hoàn toàn trong cơn bão số 9 vừa mới dựng lên căn lều tạm để ở, nay đành phải tiếp tục chịu cảnh “đội gió, đội mưa” hoặc “ăn nhờ ở đậu” nhà hàng xóm. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB - TKCN Quảng Ngãi, tính đến 17 giờ ngày 3.11: có 4 người bị thương; 45 ngôi nhà, 9 phòng học và nhiều trụ sở cơ quan, công trình văn hóa bị sập hoàn toàn và tốc mái hư hại nặng; hệ thống kênh mương thủy lợi và giao thông, trong đó nhiều tuyến đường về các huyện miền núi bị sạt lở nghiêm trọng... 

Tính đến trưa 3.11, tỉnh Kon Tum đã có 72 ngôi nhà bị sập và tốc mái. Theo Chủ tịch UBND H.Đắk Glei Nguyễn Phúc Phận, trước tình trạng lở núi và nước sông suối đang dâng cao đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng người dân, nhưng một số hộ vẫn không chịu di dời nên buộc các ngành chức năng phải cưỡng chế để chuyển đến nơi an toàn; tỉnh lộ 673 đoạn Đắk Tả - Ngọc Linh bị núi lở vùi lấp, khiến các xã: Mường Hoong, Đắk Choong, Ngọc Linh, Xốp... bị cô lập hoàn toàn. 2 huyện Kon Plông và Kon Rẫy cũng đã bị cô lập hoàn toàn do đèo Viôlắc từ Quảng Ngãi đi Kon Tum bị sạt lở nghiêm trọng; cầu phao tại xã Đắk Ruồng nối TP Kon Tum vì nước lũ dâng cao, buộc phải tháo dỡ để đảm bảo an toàn. 

Tỉnh Gia Lai ước tính thiệt hại nhiều tỉ đồng. Đây là trận lũ thứ 2 trong vòng 1 tháng qua, tai ương lại một lần nữa ập xuống người dân. Đến chiều 3.11, Gia Lai đã có 4 người chết do mưa lũ.

Dốc toàn lực cứu hộ

Trước tình hình nguy cấp của nhiều khu vực thuộc tỉnh Phú Yên, Ban PCLB - TKCN Trung ương đã quyết định điều động 2 máy bay trực thăng từ TP.HCM và tăng cường 8 ca-nô từ Ninh Thuận ra Phú Yên để tham gia cứu hộ các hộ dân đang bị lũ chia cắt ở 2 huyện: Tuy An và Đồng Xuân.

Tại Bình Định, công tác cứu hộ được đặt trong tình trạng khẩn cấp với một lực lượng hùng hậu lên đến hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, gồm: Quân khu 5, Bộ đội biên phòng, Bộ chỉ huy quân sự, Công an tỉnh, TP Quy Nhơn..., và hàng trăm đội thanh niên xung kích liên tục ứng cứu người dân bị cô lập từ rạng sáng 2.11. Người dân Nhơn Phú, Nhơn Bình... chưa bao giờ chứng kiến cảnh chạy lũ kinh hoàng trong đêm tối như hôm qua. Chơi vơi giữa biển nước chảy xiết, mọi người thảng thốt, kêu cứu suốt đêm. Điều kiện địa hình phức tạp kèm lũ lớn khiến ca-nô, xuồng kẽm... len lỏi vào từng khu dân cư cứu dân chuyển ra ngoài gặp nhiều khó khăn. Song bất chấp nguy hiểm, lực lượng vũ trang và thanh niên xung kích cũng đã giải cứu được hầu hết người dân bị mắc kẹt. 

Theo trực thăng thả hàng cứu dân

* Gần 500 thùng mì của Báo Thanh Niên là hàng cứu trợ đầu tiên đến với người dân Bình Định

Không còn phương tiện nào khác đến với người dân ngoài trực thăng! Hiểu được sự nghiêm trọng và cấp bách giữa lúc hàng vạn người dân các tỉnh miền Trung đang ngập chìm trong nước, đội bay của C54 (thuộc F372) và cán bộ chiến sĩ của C40 đã hoạt động hết công suất, sân bay quân sự Phù Cát đặt trong cấp độ cao nhất, sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Tin báo về sáng 3.11 trời vừa ngớt gió, ngay lập tức, F372 đã điều 2 máy bay gồm Mi17 và Mi8 từ Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát của C40 để từ đây, bốc hàng đến cứu trợ cho những người dân 2 khu vực bị cô lập hoàn toàn của tỉnh Bình Định gồm phường Nhơn Phú, Nhơn Bình (TP Quy Nhơn). PV Báo Thanh Niên cũng có mặt trên các chuyến bay này để ghi nhận tình hình. Chỉ trong ngày 3.11, đã có 3,5 tấn hàng đến tay những người dân 2 khu vực này với 5 chuyến bay cứu hộ thả hàng. Trong đó, có gần 500 thùng mì tôm của Báo Thanh Niên. Với sự giúp đỡ của C40, số hàng này đã được tập kết tại sân bay Phù Cát ngay trong trưa cùng ngày - và đây chính là những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên mà người dân vùng lũ Bình Định nhận được.

 
Chuyển hàng lên trực thăng - Ảnh: V.P.T

Từ trên máy bay nhìn xuống, nhiều làng xóm, nhà cửa của người dân Bình Định, đặc biệt là khu vực TP Quy Nhơn, chìm trong biển nước. Nhiều người dân đứng dầm mình dưới nước đã vui mừng khôn xiết, cả vỗ tay hoan hô khi những chuyến bay của đoàn hạ thấp để thả những thùng mì và nước uống. Đoàn bay cũng đã thả hơn 100 thùng mì cho 300 bệnh nhân cùng người nhà, y bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và bệnh phổi Bình Định.

Trong sức gió mạnh cấp 3-4, theo quy định bình thường là máy bay tuyệt đối không được cất cánh. “Nhưng tình thế cấp bách khi hàng ngàn người dân đối mặt với khó khăn, anh em chiến sĩ đã bất chấp gian khổ, thực hiện các chuyến bay an toàn với tâm niệm để thả hàng cứu trợ đến cho người dân một cách nhanh nhất”, Phó chính ủy F372, đại tá Nguyễn Tử Bình bộc bạch. Với các phi công, đây là những chuyến bay vất vả nhất bởi sức gió giật mạnh trong tình thế trời mưa to, mây mù khiến máy bay nhiều phen ngả nghiêng, chao đảo suốt chặng đường Đà Nẵng - Bình Định.

 
Thả hàng cứu trợ từ trực thăng - Ảnh: V.P.Thảo

Chiều 3.11, Phó chính ủy Quân chủng Phòng không không quân, thiếu tướng Nguyễn Kim Cách đã có mặt tại sân bay Phù Cát để trực tiếp chỉ huy hoạt động bay cứu trợ đến người dân vùng bão lũ. 2 máy bay trực thăng khác từ TP.HCM và 1 chiếc ở Phan Rang cũng đã bay vào vùng lũ Bình Định, Phú Yên để chở hàng cứu trợ cho người dân. Suốt đêm 3.11, hàng cứu trợ của tỉnh Bình Định sẽ được tập kết thêm ở sân bay Phù Cát để kịp thời đưa đến người dân ngay trong sáng sớm hôm nay.

Vũ Phương Thảo

Cứu sống 12 thuyền viên trên tàu Trung Quốc

Chiều 3.11, Bộ đội Biên phòng (BP) TP Đà Nẵng cho biết 12 thuyền viên (8 người Trung Quốc; 4 người Myanmar) trên tàu chở hàng Lucky Dragon (Trung Quốc) đã ổn định sức khỏe. Theo hành trình, tàu Lucky Dragon chở sắt cuộn 2.300 tấn từ Trung Quốc đi TP.HCM, khi đến vùng biển miền Trung thì gặp bão số 11.

Thuyền trưởng đã cho tàu hướng về TP Đà Nẵng để tránh bão. Khi tàu đến gần bờ biển Đà Nẵng thì bị sự cố cháy hầm máy, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu hư hỏng hoàn toàn. Đến 23 giờ 30 ngày 2.11, sóng lớn đã đánh dạt tàu lên khu vực biển thuộc tổ 29 P.Khuê Mỹ (Q.Ngũ Hành Sơn). Theo Bộ đội BP TP Đà Nẵng, đến rạng sáng 3.11, thân tàu Lucky Dragon bị vỡ làm đôi, chìm chỉ còn lại buồng lái và mũi tàu. 12 thành viên không dám rời tàu do gió và sóng quá to.

 
Cứu thuyền viên Trung Quốc gặp nạn - Ảnh: C.T.V

Ngay khi nhận tin cầu cứu của tàu, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã yêu cầu Hải quân Vùng 3, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 ứng cứu. Tuy nhiên, do sóng quá lớn, các tàu này không thể tiếp cận được tàu Lucky Dragon. Sáng 3.11, Bộ đội BP TP Đà Nẵng đã sử dụng phao cứu sinh, đạn phóng dây mồi, xuồng cứu nạn tiếp cận được tàu bị nạn. Đến 11 giờ 30 ngày 3.11, toàn bộ 12 thuyền viên trên tàu Lucky Dragon đã được cứu sống.

Hữu Trà

Ảnh hưởng của bão số 11

Đường sắt nam Trung Bộ tê liệt

Hôm qua 3.11, ga Sài Gòn đã hủy hầu hết các chuyến tàu hỏa đi miền Trung và miền Bắc, trừ tàu SNT2 chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang và tàu SE6 chạy Sài Gòn - Hà Nội, nhưng dự kiến chỉ chạy đến ga Tuy Hòa rồi quay trở lại.

Ga Sài Gòn cho biết, hành khách bị hủy chuyến được trả lại 100% tiền vé. Nguyên nhân là do mưa lớn làm ách tắc giao thông đường sắt ở khu vực nam Trung Bộ. Ông Vũ Tá Tùng - Tổng giám đốc Công ty vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cho biết, từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa đến Phú Yên đều có rất nhiều đoạn đường sắt bị trôi và ngập chìm trong biển nước.

Tình hình ngập lụt, hư hỏng đường đang rất nghiêm trọng, khả năng sẽ bị gián đoạn giao thông khá lâu. Tính đến chiều hôm qua, có tổng cộng 7 đoàn tàu nằm rải rác tại các ga ở khu vực nam Trung Bộ, với 2.087 hành khách. Theo ông Tùng, số hành khách bị kẹt tại các ga đã được ngành đường sắt lo chỗ ăn, nghỉ và sẽ tổ chức chuyển tải ngay sau khi thông đường. Phương án chuyển khách đường sắt đi bằng đường bộ hôm qua không thể thực hiện do tuyến QL1 từ Tuy Hòa - Diêu Trì (địa phận tỉnh Phú Yên và Bình Định) cũng bị ngập nước, ô tô không lưu thông được.

Chiều qua 3.11, ông Nguyễn Hữu Tuyên - Trưởng ban kinh doanh vận tải Tổng công ty đường sắt Việt Nam, cho biết: đã có 5 chuyến tàu Thống Nhất phải hủy chuyến, gồm SE1, SE2, SE6, SE8, TN2.

Thái Uyên - M.Vọng

Mất điện trên diện rộng

Theo thông báo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến 16 giờ chiều qua (3.11) nhiều khu vực của tỉnh Phú Yên vẫn đang bị mất điện diện rộng. Lưới điện phân phối của điện lực Phú Yên chỉ cung cấp được khoảng 3% công suất gồm các phụ tải quan trọng tại TP Tuy Hòa, hầu hết các khu vực trong tỉnh này vẫn bị mất điện do nước ngập, sự cố...

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum đều đã được khôi phục, cấp điện được trên 90% phụ tải. Tập đoàn điện lực vẫn đang huy động cán bộ túc trực, khẩn trương xử lý sự cố.

Káp Long

Ninh Thuận: Ngập lụt nhiều khu dân cư

Từ rạng sáng 3.11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có mưa lớn kéo dài làm ngập lụt nhiều khu vực dân cư. Cơ quan chức năng đã huy động lực lượng dân quân tại chỗ di dời gần 400 hộ dân (hơn 1.600 người) sinh sống ven sông, vùng đồi núi... ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam đến khu vực an toàn để tránh lũ quét, sạt lở núi. QL1A đoạn qua địa phận xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc có đoạn nước ngập sâu hơn 0,5 mét, làm gián đoạn giao thông trong nhiều giờ. Sở GD-ĐT Ninh Thuận đã quyết định cho học sinh toàn tỉnh được nghỉ học ngày 4.11.

Thiện Nhân

Khánh Hòa: 4 người chết và 4 mất tích

Sau khi bão số 11 đổ vào đất liền, từ tối ngày 2 đến ngày 3.11, trên toàn tỉnh Khánh Hòa có mưa to đến rất to, một số hồ chứa nước đã bắt đầu xả lũ. Tại TP Nha Trang, các đường Hai Ba Tháng Mười, Hai Tháng Tư, Điện Biên Phủ... nhiều đoạn bị ngập nước.

 

Đường Hai Tháng Tư ngập trong nước sáng 3.11 - Ảnh: Văn Kỳ

Tại huyện Vạn Ninh, mưa lớn gây ngập lụt rất nhiều nhà dân ở các xã Vạn Lương, Vạn Bình, Vạn Thắng và thị trấn Vạn Giã; nhiều diện tích canh tác trong huyện bị nước ngập. Tại huyện Khánh Sơn, nhiều xã bị nước lũ chia cắt, tỉnh lộ 9 bị sạt lở nghiêm trọng gây ách tắc giao thông... Tính đến chiều qua, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 4 người chết, 4 người mất tích, 7 người bị thương, gần 10.000 người phải di dời khỏi vùng nguy hiểm; 130 căn nhà bị sập và trôi...

Văn Kỳ

Đắk Lắk: Cà phê, cao su bị thiệt hại nặng

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có 10 người bị thương, 62 nhà dân bị sập; 2.129 nhà ở, 135 phòng học và 50 phòng công sở bị tốc mái. Mưa to, gió lớn làm hư hại gần 400 ha cây nông nghiệp, gãy đổ hơn 7.000 trụ tiêu, 7.950 cây điều và 37.500 cây cao su, 41.300 cây cà phê, chủ yếu tại các huyện Buôn Đôn, Cư Mgar và Krông Pắk.

Tại huyện Krông Bông, bờ sông Krông Kma bị sạt lở nặng khoảng 150m và lở sâu vào bờ từ 8-10m, bồi lấp khoảng 100m3 đất đá tại cửa xả công trình thủy điện; 3 đập bổi ở xã Hòa Phong bị vỡ. Tại huyện Krông Păk, hư hỏng 4 cầu bán kiên cố. Ở hai huyện Ea Hleo và M' Đrăk, 2 trụ điện bị gãy đổ, gây mất điện trên địa bàn cả ngày hôm qua. Nhiều cây lớn trên đường phố Buôn Ma Thuột bị gió quật ngã. Tại khách sạn Cao Nguyên, một cây me cổ thụ gãy gốc đè lên hai xe du lịch đang đỗ trong sân.

T.N.Quyền

VP Bình Định

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.