Bảo lãnh xe vi phạm: Tiện cả đôi bên

Kim Lan
Kim Lan
03/05/2020 06:48 GMT+7

Nghị định 31/2020 cho phép người vi phạm giao thông nộp tiền bảo lãnh để tự quản lý, bảo quản phương tiện vi phạm, có hiệu lực từ 1.5. Đa số bạn đọc Báo Thanh Niên đánh giá đây là cải tiến... tiện cả đôi đường.

Thông tin trên Thanh Niên, thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết Nghị định 31/2020 được thi hành, áp dụng trên cả nước từ ngày 1.5 mà không cần phải chờ thông tư hướng dẫn.

Cải tiến quy trình tiện cho dân

Đề cập tới quy định được sửa đổi mới toanh này, bạn đọc (BĐ) Ngo The Hung cho rằng: “Nghị định 31/2020 quá hay, vì giúp CSGT giải quyết được tình trạng không có chỗ giam giữ xe vi phạm luật giao thông”. Nhưng “điều hay hơn”, theo BĐ Richard Hoang, là tinh thần “ngày càng cải tiến quy trình” của cơ quan chức năng sẽ giúp “tránh những chi phí không đáng có, những chi phí có thể làm nảy sinh tiêu cực”.

Vừa không bị quá tải nơi tạm giữ phương tiện vi phạm, vừa không bị thất thu, vì coi như đã thu ngay tiền phạt với mức cao nhất rồi.    

Van Le

Nhiều BĐ cũng nhận xét nội dung sửa đổi cũng vừa giúp CSGT giảm tải kho giữ xe vi phạm, vừa giúp người vi phạm “chịu phạt” nhẹ nhàng, đỡ tốn thời gian hơn, tức là... tiện cả đôi bên. BĐ Hoang Long phân tích một khi đã vi phạm giao thông thì người dân buộc phải chấp hành các quy định chế tài của pháp luật, thế nhưng trên thực tế thì “người dân sai, sẵn sàng nộp phạt, nhưng thủ tục để được nộp phạt quá nhiêu khê” nên không ít người nảy sinh suy nghĩ... “đi đường tắt” để rút sớm xe vi phạm về, thế là “nảy sinh tiêu cực”.
Do nội dung sửa đổi còn khá mới mẻ, Phòng CSGT TP.HCM cho biết trong những ngày đầu Nghị định 31/2020 có hiệu lực, vẫn chưa tiếp nhận trường hợp người dân làm đơn bảo lãnh phương tiện vi phạm nào.
Mặc dù vậy, các tình huống có thể nảy sinh đã được BĐ nêu ra. BĐ Quang Thắng 70 NS hỏi: “Ví dụ: Xe tải của tôi là phương tiện kiếm sống, nếu bảo lãnh ra mà không được sử dụng thì bảo lãnh ra làm gì?”. Ngay lập tức, câu hỏi của BĐ Quang Thắng 70 NS nhận được nhiều phản hồi. BĐ Nguyễn Đình Đức cho rằng: “Nếu đã biết là phương tiện kiếm sống thì càng phải tuân thủ pháp luật, chả ai giam xe làm gì bác ạ”. BĐ Chung cũng nhắc nhở nhẹ nhàng: “Vậy thì đừng vi phạm nữa. Nếu vi phạm luật giao thông mà không thích nộp tiền bảo lãnh thì cứ để xe ở bãi, nộp thêm tiền lưu kho, tùy bạn chọn”. BĐ Hieu Nguyen Duong lưu ý: “Bảo lãnh ra chỉ để xe không bị phơi nắng, dầm mưa dễ hư hỏng trong lúc tạm giữ, chứ đã bị lỗi giam xe, sao còn nghĩ sẽ dùng xe đó chạy tiếp trong lúc chờ phạt?”.

Càng tiện càng tốt

Cũng dễ hiểu khi Nghị định 31/2020 ngay lập tức thu hút sự quan tâm của BĐ. Hầu hết mọi người đều chờ nội dung sửa đổi sẽ được thi hành trong đời sống hằng ngày như thế nào, sẽ nảy sinh tình huống từ thực tế cuộc sống ra sao. BĐ Chí Thành sau khi đọc kỹ các bước soạn đơn đề nghị bảo lãnh phương tiện vi phạm, đã rất băn khoăn: “Nghe qua thì tưởng rất thuận tiện, nhưng đọc kỹ thì thấy… không dễ để được ký duyệt giải quyết... Chỉ có những phương tiện mới mua, chưa sang tên thì may ra mới nhớ và khai đầy đủ các thông tin đặc điểm, chủng loại, số hiệu, nhãn hiệu, ký hiệu, xuất xứ, số máy, số khung, dung tích..., chứ xe sang tên đổi chủ nhiều thì không thể nhớ”. Không đồng ý với “băn khoăn” này, BĐ Hứa Sở cho rằng mọi thông tin này đều phải có đầy đủ trên giấy tờ xe và “khi vi phạm mà bạn muốn tự bảo quản phương tiện thì CSGT họ đưa cho cái đơn, điền đầy đủ thông tin, đóng tiền và đem xe về cất, thế thôi!”.
BĐ Hoàng Long góp ý CSGT “nên nghiên cứu mở tài khoản nộp phạt để cá nhân vi phạm có thể chuyển tiền vào, hoặc quẹt thẻ cũng được” vì... miễn sao cho tiện thì làm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.