Báo động người đi bộ gây tai nạn

19/03/2011 09:36 GMT+7

Nguyên nhân gây tai nạn giao thông do người đi bộ qua đường không đúng quy định đang gia tăng, làm 39 người chết trong năm 2010.

Tại cuộc họp về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM năm 2010 và phương hướng trong năm 2011 do UBND TP tổ chức ngày 18-3, Ban An toàn giao thông TP cho biết tình hình tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông (UTGT) 2 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn đang tăng cao một cách đáng lo ngại.

Người đi bộ nằm trong tốp nguy hiểm

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban An toàn giao thông TP, cho biết nguyên nhân gây TNGT do người đi bộ qua đường không đúng quy định đứng thứ 5 trong 13 nguyên nhân, làm 39 người chết năm 2010. Người đi bộ cũng đứng thứ 3 trong 10 đối tượng gây TNGT. Trong khi trước đây, TNGT do người đi bộ gây ra hầu như không đáng ngại và nguyên nhân này thường nằm áp chót trong “bảng phong thần” TNGT.


Vụ tai nạn giao thông xảy ra giữa xe khách và xe container trên đại lộ Võ Văn Kiệt (đoạn qua quận 5 - TPHCM) vào sáng 13-3 làm 3 người chết . Ảnh: Tân Tiến


 
Theo ông Tường, việc xử lý người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP gặp rất nhiều khó khăn bởi phần lớn họ không mang theo CMND hoặc giấy tờ tùy thân khác, không có tiền đóng phạt, bỏ chạy…
 
Theo thống kê có 14/24 quận, huyện kéo giảm được số người chết do TNGT. “Một số quận, huyện có số vụ TNGT tăng giảm theo chu kỳ hình sin, cứ năm trước giảm thì năm sau tăng và ngược lại, điển hình là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh”- ông Tường nhận xét. Toàn TP đến nay chỉ có quận Bình Thạnh đạt thành tích 3 năm liền kéo giảm được số vụ TNGT. Đối tượng gây TNGT nhiều nhất vẫn là xe 2 bánh gắn máy, kế đến là xe tải và người đi bộ. Số vụ TNGT xảy ra ở đường nội thành (400 vụ) vẫn nhiền hơn đường ngoại thành (304 vụ). Độ tuổi chết nhiều nhất do TNGT vẫn rất trẻ, từ 19-24, kế tiếp là từ 25-30 tuổi.
 

Năm 2010, 890 người chết

Trong năm 2011, TPHCM sẽ nỗ lực kéo giảm TNGT ở cả ba mặt: số vụ, số người chết và số người bị thương, trong đó tiếp tục giảm ít nhất 5% số người chết do TNGT và kéo giảm UTGT so với năm 2010.

Số liệu tổng kết cho thấy trong năm 2010, toàn TP xảy ra 1.097 vụ TNGT, làm chết 890 người, bị thương 469 người, giảm 59 vụ và giảm 52 người chết so với năm 2009. 

 

Ông Trần Kim Thanh, Phó trưởng Phòng CSGT Đường sắt – Đường bộ Công an TPHCM, cho biết hơn 40% vụ TNGT do người dân vi phạm các lỗi cơ bản như lưu thông không đúng phần đường, vi phạm tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, đi bộ qua đường không đúng quy định, tự gây tai nạn… Đáng chú ý là tỉ lệ tử vong có liên quan đến việc không đội mũ bảo hiểm chiếm 25%.

Tụ tập lạng lách tăng cao

Theo ông Tường, trong năm 2010, toàn TP không xảy ra tình trạng đua xe trái phép song tình trạng tụ tập chạy xe thành đoàn từ hàng chục đến hàng trăm chiếc, dàn hàng ngang lạng lách đánh võng vào cuối tuần đang gia tăng. Công an TP đã phát hiện và giải tán khoảng 280 tốp, mỗi tốp từ 50 – 1.000 xe máy. Một trong những điểm nóng của tình trạng tụ tập chạy xe thành đoàn là quận Bình Thạnh.
 
Theo Công an quận Bình Thạnh, tình trạng thanh niên tụ tập cổ vũ, chạy xe hằng đêm (đặc biệt vào tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật) trên địa bàn quận đang diễn biến phức tạp trên một số tuyến đường, như: Hoàng Hoa Thám, Chu Văn An, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Điện Biên Phủ, Phan Đăng Lưu, D2, Bình Quới. Đến nay, Công an quận Bình Thạnh cơ bản dẹp được nạn tụ tập chạy xe thành đoàn trên đường Hoàng Hoa Thám và đường Bình Quới.
 
Một điều đáng quan ngại là tình hình TNGT và UTGT 2 tháng đầu năm 2011 lại có xu hướng tăng mạnh. So với cùng kỳ năm ngoái, TNGT tăng 29 vụ, số người chết tăng 30, số người bị thương tăng 45. UTGT cũng tăng 8 vụ.
 
Cho rằng TNGT xảy ra chủ yếu do ý thức người dân còn kém, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó Ban Thường trực Ban An toàn giao thông TP, yêu cầu các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục hơn nữa bên cạnh việc bảo đảm chất lượng các công trình giao thông, đẩy nhanh tiến độ các công trình đào đường và kéo giảm UTGT. 

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.