>> LÝ AN

Dịp cuối tuần hay những kỳ nghỉ lễ, dân chơi ở Sài Gòn thường đập đá xuyên biên giới để thử cảm giác lạ, một trong những điểm tập kết hấp dẫn là Singapore, Campuchia. Ban ngày đi dạo, mua sắm, đêm tìm vui ở những khu chơi đêm, ăn khuya. 

 

Còn nhớ mới đây ở Lorong 14 khu Gaylang (Singapore), thấy tôi một mình lang thang trên đường, từ trong lùm cây ven đường một tay choai choai xăm trổ, xổ tiếng Việt đã mời mọc thẳng thừng: “Kẹo hay hàng đá không anh?”.

Thật ra, tay chơi sang Singapore đập đá thường chỉ ở cấp độ nhẹ, khoe hàng là chính, phu đá hạng nặng chọn chuỗi sòng bài, karaoke, quán bar, sàn nhảy nối dài từ biên giới Mộc Bài -Bavet (Campuchia) đến tận Nam Vang (cách gọi Phnom Penh của dân chơi Việt).

Nguyên cớ là chuyện đi lại khá tiện lợi bằng xe buýt. Một chuyến xuất ngoại đập đá nghe rất oách chỉ mất hai ngày một đêm, hay thậm chí chỉ trong đêm, sáng sớm hôm sau về lại VN, đúng giờ làm việc nhân sự đã có thể xuất hiện tại văn phòng để tiếp tục vật vờ cày cuốc.

Trong số đội hình đập đá xuyên biên, giới chơi gần như đều biết M. -tiểu thương bán vải chợ An Đông. Hộ chiếu M. chi chít dấu Mộc Bài – Bavet, minh chứng M. là dân xuyên biên hạng nặng. “Qua bên này chơi cho kín đáo, khỏi ai dòm ngó, khi nào chán thì về”, M. nói. Mỗi chuyến ông đi bao lâu? “Dài nhất ba ngày thôi, về còn xử lý việc, bỏ lâu ở nhà quậy kiểm soát không nổi”, M. tiếp lời. Bảo với M. rằng tôi cũng muốn đu theo một chuyến, nhưng chưa có hộ chiếu. M. khoát tay: “Tưởng gì khó, cứ đi đi, đến khẩu tui lo”.

Dân Việt đi đập đá ở Holyday, Phnom Penh. ẢNH: Lý An

Đón chuyến xe cuối ngày từ Sài Gòn – Phnom Penh, gần vào khẩu Mộc Bài, xe dừng trước quán cà phê cóc lèo tèo vài cái võng. Một chị dáng bà chủ, bệ vệ hỏi phụ xế: “Mấy khách?”.

Tôi xuống xe, ngồi sau xe ôm của tài xế tên Sáu nhỏ, luồn lách qua những con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, loáng cái đã qua bên kia biên giới, tạt vào quán nước ngồi đợi xe lên. Giá cho chuyến vượt biên ấy tốn hết 600.000 đồng.

Gọi là đi nước ngoài, chứ kỳ thực từ lúc lên, xuống xe, ngôn ngữ giao tiếp toàn tiếng Việt. Bữa ăn tối diễn ra chóng vánh ở quán lẩu lươn trên đường Preah Sihanouk. Sau khi đã lưng bụng, cả nhóm ra khu lầy lội Satrak, nơi nhiều người Việt sinh sống, để làm nóng trước khi đá hàng. Ngồi trong karaoke, cảm giác đang đâu đó miền Tây chứ không phải nước ngoài, từ ngôn ngữ giao tiếp, đến các bản nhạc, người ca, đều là dân Việt. Chỉ có điều khác là toàn không gian quán đặc mùi khét, hầu như bàn nào cũng có đôi ba tay đang đồng loạt "bú" cỏ. Đồng hồ khi ấy chưa đến 10 giờ đêm.

 
Hàng đá được phân ngay trên mặt bàn ở Casa, Phnom Penh. ẢNH: Lý An

Điểm hẹn đầu là Holyday, đồng hành cùng nhóm M. có thêm hai chiến hữu người Việt đang sống ở Campuchia nhập cuộc. Sau khi được hai bảo vệ to như voi sờ nắn khắp người kiểm tra hung khí, tôi lọt vào một không gian tù mù, nhạc nặng, khách lưa thưa. Thấy nhóm khách Việt, cả nhân viên lẫn quản lý nháo nhào, đon đả sắp chỗ. M. tiết lộ: “Thấy dân Việt tới chơi, tụi làm ăn bên này khoái lắm vì chịu chi. Ông nhìn quanh quán đi, toàn VN không đấy”. Định thần lại để làm quen với ánh sáng lờ mờ, quả thật từ bồi bàn, đến đứng quầy, quản lý, khách toàn người Việt. Hỏi chuyện lân la các em gái lang thang trong bar cũng…Việt nốt.

Bàn của M. có vẻ là khách VIP hôm ấy, gã phục vụ tên Tâm đến chào hàng: “Làm vài ống anh nha, hàng ke đợt này bén lắm, bắn xíu phê liền à”. M. bảo nhỏ: “Chơi bên này thuốc ổn, giá chỉ rẻ bằng 2/3 so với VN. Hàng đá ở đây tụi nó sản xuất tại chỗ, tinh khiết hơn, không như ở VN chất lượng búa xua lắm, lượm hàng không theo chỗ quen dễ bị tụi nó kèm đồ đểu, có khi đập cả nửa ngày mà không ép phê gì”.

Cơn mưa giữa chừng khiến khách ở Holyday vắng vẻ hơn thường lệ, bốn ống ke (đựng trong ống hút dài bằng hai lóng tay) được vét sạch cùng nước đưa cay là hai chai Johnny Double Black. Nhìn chưa thấy ai đổi diện mạo, không khí vẻ chùng xuống, M. quyết định chuyển địa bàn, tìm chốn chơi thác loạn hơn là Casa.

So với quy mô, Casa Nightclub ở Phnom Penh là một trong những địa chỉ đỏ của dân đập đá Việt bởi độ chơi bạo, kèm đội ngũ chân dài rất mướt, phục vụ, khách vãng lai đều là người Việt. Vẻ như mỗi lần sang Campuchia, M. đều chọn Casa để bạt mạng nên nhân viên tận tình, chu đáo hơn. Những tờ 5 USD tiền bo phóng liên tục cho nhân viên sau từng màn phục vụ từ nhỏ nhất như khăn lạnh, nước suối, rượu. Loáng cái, bàn năm người của M. bu hơn chục mỹ nữ. Cuộc chơi có vẻ ngập ngụa hơn khi một gói hàng đá to hơn ngón tay cái được tay quản lý bar trịnh trọng đặt lên bàn. M. tự tay phân đá, đưa lên lớp giấy bạc của gói thuốc, bắn một điếu rất nhanh gọn, ém khói, với tay tợp ly rượu pha coke nuốt chửng rồi ngồi dựa ra ghế salon. Từng tay chơi lần lượt bắn hết bi này đến bi khác trong tiếng nhạc tưng bừng.

Màn đập đá của M. và chiến hữu diễn ra theo nhịp độ đều đặn với khoảng 2 lượt nữa cho mỗi tay chơi. M. bảo: “Ở VN sao dám chơi cỡ này, không bị hốt thì cũng bị nhòm ngó, phiền lắm. Còn ở đây thoải mái, tiền đốt không bao nhiêu mà dễ nắm số”. Tôi hiểu cái nắm số của M. ấy là cảm giác được bầu đoàn thê tử bao vây, kính nể anh Hai Sài Gòn sang biên đốt tiền, đốt sức, đổi lấy chút hoan hỉ, sung vui ngắn ngủi cùng trò đập đá. (còn tiếp)

Đồ họa: Lâm Nhựt

Báo Thanh Niên
06.11.2018

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.