Báo chí phải tìm lại tính tiên phong, cách mạng

Chí Hiếu
Chí Hiếu
20/06/2019 04:59 GMT+7

Báo chí phải tìm lại những giá trị cốt lõi, đó là tính cách mạng và tính tiên phong.

Báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước và của Đảng, đi đầu trong bảo vệ những nền tảng giá trị của chế độ.
Thông điệp trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vào chiều 19.6, khi chủ trì buổi làm việc với Hội Nhà báo VN nhân kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng VN (21.6.1925 - 21.6.2019). Cùng dự còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Hội Nhà báo VN ngày 19.6 Ảnh: Gia Hân
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Hội Nhà báo VN ngày 19.6 Ảnh: Gia Hân

“Phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội”

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng nhìn nhận, báo chí đã đồng hành cùng đất nước, bám sát định hướng của Đảng trong tuyên truyền, tích cực đưa tin, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Các nhà báo là những người đi đầu trên mặt trận phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Báo chí đã góp phần tích cực vào thắng lợi của năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 của đất nước.
Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn của báo chí, nhất là sự sụt giảm doanh thu trước sự cạnh tranh của mạng xã hội (MXH). Nhiều người vẫn chưa phân biệt được tin trên MXH và báo chí, coi đó là tin báo chí, kể cả tin giả. Một số chính sách tài chính đối với báo chí còn nhiều bất cập, cần được tiếp tục xem xét hoàn thiện để báo chí đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của báo chí hiện nay. Đó là không ít cơ quan báo chí chưa phát huy được lợi thế của mình trong việc định hướng, dẫn dắt thông tin, có trường hợp để MXH chi phối hay chạy theo thông tin MXH. Có tình trạng “hai mặt” trong một số người làm báo khi cùng một vấn đề nhưng viết báo thì thể hiện nội dung đúng định hướng, song khi viết trên MXH thì ngược lại.
Thủ tướng nhấn mạnh, báo chí cách mạng phải tìm lại những giá trị cốt lõi của mình. “Đó là tính cách mạng và tính tiên phong. Báo chí phải đi đầu trong những vấn đề lớn, vấn đề mới của đất nước và của Đảng ta, đi đầu trong bảo vệ những nền tảng giá trị của chế độ ta. Thông tin hiện nay nếu đi sau thì không còn giá trị nên độ nhanh nhạy, kịp thời, chính xác là một yêu cầu cùng với giá trị ban đầu của báo chí cách mạng VN”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, đó là xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN, xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giữ gìn văn hóa dân tộc”.
Theo Thủ tướng, dòng chảy chính ấy là xã hội chúng ta tốt đẹp, công cuộc đổi mới đang làm VN thay đổi từng ngày, tốc độ tăng trưởng ở mức cao, đời sống nhân dân được cải thiện. VN từ nghèo nàn, thiếu đói, chậm phát triển trở thành một nước có thu nhập trung bình, vị thế quốc tế không ngừng nâng cao. Dù viết gì, khen hay chê, đưa tin tốt hay xấu thì báo chí đều phải vì lợi ích cộng đồng, lợi ích của đất nước, không để xói mòn niềm tin xã hội. “Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng gợi mở, báo chí nên phân tích nhiều hơn, có nhiều hơn những phóng sự điều tra, những bài viết xã luận sắc sảo, tinh gọn, trực tiếp. Phải đưa những đề xuất cho đất nước phát triển. Chỉ ra cái xấu, cái tồn tại, đấu tranh với nó và phải luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh này. Những gương người tốt, việc tốt, doanh nghiệp tốt, phong trào cách mạng tốt, tập thể tốt phải được phản ánh nhiều hơn trên tất cả các loại hình báo chí, từ đó tạo niềm tin cho xã hội.

Cần chính sách “giảm khó” cho báo chí

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã chia sẻ nhiều vấn đề, trong đó có kinh tế báo chí, là thách thức lớn với báo chí nói chung. Doanh thu càng sụt, không vì báo chí kém đi mà có nguyên nhân vì khách quan, đó là quảng cáo chạy sang MXH Facebook, YouTube, Google... Trong khi đó, chính sách thuế hiện cũng khiến báo chí thêm khó khi thuế thu nhập doanh nghiệp cơ quan báo in đang ở mức 10%, còn báo điện tử là 20%. Đặc biệt, một số chương trình xã hội hóa, tri ân do báo chí kêu gọi doanh nghiệp tham gia cũng bị tính thuế là điều cần suy nghĩ. Từ đó, đại diện các cơ quan báo chí mong muốn Chính phủ xem xét, có ý kiến với Quốc hội. Hoặc Chính phủ cũng cần có những “gói đặt hàng” để báo chí thực hiện trách nhiệm cao nhất của mình. Bên cạnh đó, có ý kiến cũng cho rằng xu thế thế giới đã hình thành những tập đoàn báo chí truyền thông đa phương tiện, và VN cũng không nên ngoại lệ.
Giải đáp các kiến nghị tại buổi làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT), tán thành quan điểm cho rằng báo chí VN cần phải có những tập đoàn lớn để dẫn dắt. “Nếu Thủ tướng có ý kiến, giao Bộ TT-TT thì chúng tôi sẽ nghiên cứu để cần thiết thì sửa luật sớm”, ông Hùng nói. Thủ tướng cho rằng, đây là vấn đề cần nghiên cứu kỹ hơn, song tinh thần chung là Chính phủ sẽ tạo điều kiện hình thành một số cơ quan báo chí có quy mô lớn, làm đầu tàu cho báo chí VN. Về vấn đề đặt hàng, Thủ tướng lưu ý, không nên theo kiểu bao cấp, nhưng vấn đề nào cần thì nhà nước sẽ đặt hàng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nước sẽ đặt hàng từng chủ đề để báo chí tập trung tạo ra sản phẩm có chất lượng. Ông Hùng cũng cam kết Bộ sẽ hỗ trợ về mặt công nghệ giúp cho báo chí không chỉ tạo ra sản phẩm báo chí tốt mà còn để kinh doanh báo chí tốt hơn. “Một số doanh nghiệp lớn về viễn thông cũng đã bày tỏ sự đồng tình giảm giá băng thông đối với kiến nghị của một số báo điện tử”, Bộ trưởng thông tin.
Liên quan đến chính sách thuế, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Chính phủ sẽ mời Bộ TT-TT, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp riêng để bàn kỹ. “Có khi chỉ sửa một thông tư về quảng cáo trực tiếp thôi là đã giúp báo chí tháo gỡ khó khăn rồi”, Phó thủ tướng nói.
Đánh giá cao đóng góp của báo chí
Tối 19.6, Thành ủy TP.HCM tổ chức họp mặt Kỷ niệm 94 năm ngày Báo chí cách mạng VN. Tham dự có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM và bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM...
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ người làm báo với sự nghiệp phát triển TP.HCM và cả nước. Theo ông Nhân, việc ra đời Trung tâm báo chí TP.HCM nhằm tạo điều kiện để các cơ quan báo chí hoạt động dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, từ đó giúp TP.HCM tăng tốc phát triển. Ông Nguyễn Thành Phong mong muốn các cơ quan báo chí góp ý, phản biện các vấn đề kinh tế - xã hội trên tinh thần chia sẻ với TP.HCM.
Tại buổi họp mặt, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM ký kết chương trình truyền thông năm 2019 với 15 cơ quan báo chí của TP.HCM và T.Ư đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
Đình Phú
Kiến nghị chưa sáp nhập Hội Nhà báo
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu đã có báo cáo kiến nghị với Chính phủ 6 nội dung lớn. Trong đó, Chủ tịch Hội Nhà báo VN cho rằng việc sáp nhập Hội Nhà báo VN vào tổ chức khác là không phù hợp với luật Báo chí, làm xáo trộn hoạt động của hội từ T.Ư đến địa phương. Vì vậy, ông kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các địa phương chưa sáp nhập hội các địa phương vào các tổ chức chính trị - xã hội khác, chờ chỉ đạo tiếp theo của T.Ư.
Về nhân sự của Hội Nhà báo VN, ông Thuận Hữu cho hay, hiện cơ quan này có khoảng 180 người làm việc nhưng biên chế chỉ có 17 người nên ông đề nghị bổ sung thêm biên chế và các chi hội nhà báo đông hội viên như Hội Nhà báo TP.Hà Nội và Hội Nhà báo TP.HCM cũng như tăng thêm kinh phí để hoạt động, nhất là cho việc tổ chức giải báo chí.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho hay, Chính phủ đã nhận được kiến nghị của Hội và riêng về thông tin việc sáp nhập Hội Nhà báo VN, các chi hội nhà báo địa phương vào tổ chức chính trị - xã hội khác. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết vấn đề này đang còn chờ xin ý kiến của Ban Bí thư.
Về việc xin thêm biên chế và tăng kinh phí, đại diện Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính cho biết, hiện Chính phủ cũng rất áp lực với vấn đề tăng biên chế và khó khăn trong ngân sách, nhất là cho chi thường xuyên nên dù nhận thấy các kiến nghị của Hội là rất xác đáng song để đáp ứng được trong điều kiện hiện tại là rất khó.
Theo Hội Nhà báo VN, Hội có trên 24.000 hội viên - là các nhà báo đang công tác tại các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí của T.Ư và địa phương, sinh hoạt tại 63 hội nhà báo các tỉnh, TP, 19 liên chi hội và hơn 200 chi hội trực thuộc T.Ư Hội.
Chí Hiếu
Phóng viên Thanh Niên tặng phần thưởng giải báo chí cho chính nhân vật
Chiều 19.6, ngay sau lễ trao giải báo chí tỉnh Quảng Trị lần thứ 2 (năm 2018) kết thúc, được sự ủy quyền của nhóm tác giả, đại diện Báo Thanh Niên tại Quảng Trị đã đến Công ty nông sản hữu cơ Quảng Trị (TP.Đông Hà) tặng quà cho em Trần Thị Loan (nhân viên của công ty, quê xã Triệu Lăng, H.Triệu Phong, Quảng Trị) toàn bộ giá trị giải thưởng (4,2 triệu đồng) mà tác phẩm Chạm vào ước mơ: Nữ sinh 9X làm đủ nghề nuôi em khiến đàn ông phải phục được trao giải trong cuộc thi báo chí tại địa phương.
Tác phẩm trên của nhóm tác giả Nguyễn Phúc - Thành Trung - Vũ Phượng - Lê Nam - Huy Đạt (Báo Thanh Niên) được trao giải B tại cuộc thi.
Thanh Lộc
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.