Báo chí phải đi đầu trong việc lên án tham nhũng, quan liêu

07/01/2017 06:37 GMT+7

Báo chí phải mang tinh thần “phò chính - trừ tà”, đi đầu trong việc lên án hành vi tham nhũng, quan liêu; tham gia phản ánh, tạo áp lực cần thiết đến các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc nhanh hơn...

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm “Phát huy vai trò báo chí trong đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống” diễn ra chiều 6.1 tại Hà Nội, do Ban Tuyên giáo T.Ư, Ủy ban T.Ư MTTQ VN, Hội Nhà báo VN phối hợp tổ chức.
Ông Thưởng dẫn chứng trong năm 2016, nhiều vấn đề nóng như vụ Trịnh Xuân Thanh được Báo Thanh Niên phản ánh, vụ quán cà phê Xin Chào được Báo Sài Gòn Giải Phóng, vụ bổ nhiệm Vũ Minh Hoàng được Báo Tuổi Trẻ thông tin đã giúp cơ quan chức năng vào cuộc kịp thời xử lý.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý trong thời gian qua còn tồn tại nhiều việc báo chí làm chưa tốt: Cơ cấu thông tin xây và chống mất cân đối, tuyên truyền việc tốt không nhiều và thường xuyên, trong khi cái xấu đưa nhiều, đấu tranh chống cái xấu chưa đạt yêu cầu; có những vấn đề đấu tranh không mạnh mẽ, thiếu dũng cảm, kiên định; nhiều phóng viên yếu kém chuyên môn; lợi dụng báo chí phục vụ lợi ích cá nhân...
Theo Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, những vấn đề trên xuất phát từ các nguyên nhân: Hạn chế trong nhận thức của lãnh đạo cơ quan báo chí về vấn đề đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống; các quy định về cung cấp thông tin cho báo chí chưa rõ ràng, không an tâm cho phóng viên tác nghiệp; đầu tư bảo đảm cho các cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình chưa tương xứng, nhiều tờ báo phải tự lo “cơm áo gạo tiền” đã không giữ được mình; công tác chỉ đạo, quản lý báo chí chưa tốt, nhiều cơ quan né tránh báo chí, không phát ngôn, ngại cung cấp thông tin; công tác rèn luyện đạo đức, bản lĩnh cho phóng viên, biên tập viên chưa tốt.
Ông đặt ra yêu cầu cơ quan chủ quản, lãnh đạo báo chí cần nắm vững Nghị quyết T.Ư 4 khóa 12, cần hiểu rằng việc báo chí đấu tranh chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt, nhưng quyết tâm làm sẽ có kết quả.
Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư mong muốn trong thời gian tới, công tác chỉ đạo, cung cấp thông tin cho báo chí cần thống nhất, kịp thời; tăng cường sự chỉ đạo định hướng của Đảng, tăng cường sinh hoạt Đảng với các cán bộ báo chí; khen thưởng kịp thời những nhà báo làm tốt; xử phạt nghiêm minh với những phóng viên, nhà báo sai phạm; các cây bút cần đấu tranh sắc sảo, dũng cảm,
kiên định, không bị mua chuộc, theo đuổi vụ việc tới cùng để vụ việc không rơi vào quên lãng; tăng cường công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực cho báo chí… “Mỗi cơ quan báo chí, mỗi nhà báo cần ý thức sâu sắc về trọng trách ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Mỗi nhà báo tuân thủ nghiêm pháp luật, làm nghề cẩn trọng, có nền tảng kiến thức, thì sự phê bình của mỗi bài báo sẽ có giá trị với xã hội nhiều hơn”, ông Thưởng nhắc nhở.
Đại diện các cơ quan báo chí cũng lên tiếng về những khó khăn, hạn chế đang gặp phải. Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong, nêu ý kiến nhiều người dân, cán bộ công chức làm trong cơ quan nhà nước ngại va chạm, sợ tố cáo; người dân, doanh nghiệp có tâm lý “chịu đựng tham nhũng”; không ít người giảm sút niềm tin vào báo chí, thay vào đó họ tìm đến mạng xã hội, báo lề trái...
Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Hòa, Báo Nhân Dân, bức xúc trước tình trạng mơ hồ, dễ dãi, tùy tiện trên báo chí ngày càng nhiều. Nhiều trang tin, nhiều báo điện tử đăng tràn lan thông tin gây sốc; khai thác quá đà chuyện đời tư của các ngôi sao; đưa tin về cách ăn mặc, biểu diễn của các diễn viên, ca sĩ một cách phản cảm… Theo ông Nguyễn Hòa, đang tồn tại kiểu phóng viên văn phòng, chuyên săm soi Facebook, “ăn cắp” nội dung của người khác mang về làm thành sản phẩm của mình hoặc lấy những bài báo mình đã viết từ 10 - 15 năm trước để sửa thành bài báo mới…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.