Báo chí là diễn đàn để nhân dân tham gia việc nước

10/08/2015 05:14 GMT+7

Sau 3 ngày làm việc, sáng qua (9.8) tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 Hội Nhà báo VN (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã thành công tốt đẹp.

Sau 3 ngày làm việc, sáng qua (9.8) tại Hà Nội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 Hội Nhà báo VN (nhiệm kỳ 2015 - 2020) đã thành công tốt đẹp.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc với các đại biểu tại  đại hội - Ảnh: TTXVN
Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành một binh chủng quan trọng trên mặt trận tư tưởng; nhiều tác phẩm báo chí thực sự là "lời hịch cách mạng", "tiếng gọi non sông" thúc giục đồng bào cả nước cùng ra trận. Từ trong máu lửa chiến tranh, hàng trăm nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Dự đại hội còn có nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Tô Huy Rứa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đinh Thế Huynh; Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình; Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; đại diện các ban, bộ, ngành T.Ư và TP.Hà Nội.
Theo Tổng bí thư, những năm gần đây, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ về nhiều mặt. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo... đạt được những bước tiến lớn. Báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân, phát hiện và cổ vũ các nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới…
Tổng bí thư cũng chỉ rõ bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí còn bộc lộ không ít hạn chế, khuyết điểm; còn có những biểu hiện thiếu nhạy bén chính trị, chưa làm tốt chức năng định hướng dư luận, chưa thực hiện tốt tôn chỉ mục đích. Tổng bí thư yêu cầu báo chí cần góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người VN trong thời kỳ mới, góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn dân tộc.
Theo Tổng bí thư, báo chí phải thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, là người tuyên truyền, hướng dẫn, cổ vũ nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời là diễn đàn xã hội rộng rãi để phát huy dân chủ, phát huy những giá trị văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc; trở thành diễn đàn để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát và phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng.
Tân Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu phát biểu tại đại hội - Ảnh: TTXVN
Nhà báo Thuận Hữu làm chủ tịch hội nhà báo VN
Đại hội Hội Nhà báo VN lần thứ 10 đã bầu ra Ban Chấp hành mới gồm có 57 người; Ban Chấp hành cũng đã bầu ra Ban Thường vụ với 11 ủy viên gồm: Tổng biên tập Báo Nhân dân Thuận Hữu, Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn, Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Thế Kỷ, Tổng giám đốc Đài truyền hình VN Trần Bình Minh, Tổng giám đốc TTXVN Nguyễn Đức Lợi, Tổng biên tập Báo Cà Mau Nguyễn Bé, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Phạm Văn Huấn, Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân Phạm Văn Miên, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng Mai Đức Lộc, Tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM Nguyễn Quý Hòa. Ông Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân dân, làm Chủ tịch Hội Nhà báo VN khóa 10.
Theo tân Chủ tịch Hội Nhà báo VN Thuận Hữu, đại hội lần này đã phân tích tình hình báo chí trong nước và quốc tế, những thách thức và cơ hội đặt ra trong công tác hội hiện nay. Các đại biểu cho rằng sự đổi mới còn thể hiện ở sự tương tác 2 chiều giữa báo chí và mạng xã hội. Điều này vừa tạo cơ hội, vừa đặt ra thách thức đối với các nhà báo, nhà lãnh đạo và quản lý. Đây cũng là sự tham gia và ảnh hưởng ngày càng sâu sắc của công chúng đối với hoạt động báo chí. Các ý kiến tại đại hội thống nhất nhận thức chung hơn lúc nào hết, nhà báo cần thể hiện bản lĩnh chính trị, tính chuyên nghiệp, phẩm chất đạo đức của người làm báo cách mạng trong bối cảnh toàn cầu hóa thông tin.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng khẳng định các cơ quan báo chí cần đổi mới tư duy, mô hình đầu tư hiện đại hóa theo kịp xu thế báo chí thế giới và khu vực. Đồng thời cần đổi mới cơ chế chính sách đối với báo chí để các nhà báo và cơ quan báo chí có thể hoạt động tốt nhất phục vụ lợi ích của đất nước, nhân dân; để công chúng tham gia vào việc cung cấp thông tin, xã hội hóa nguồn lực và giám sát báo chí...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.