Báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội 'vượt mặt'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
28/12/2018 15:27 GMT+7

Tại Hội nghị Báo chí toàn quốc chiều 28.12, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cảnh báo báo chí có nguy cơ mất vị trí độc quyền cũng như bị qua mặt về tốc độ cung cấp thông tin đến độc giả.

Trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2018 tại Hội nghị Báo chí toàn quốc chiều 28.12, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, cảnh báo báo chí có nguy cơ bị truyền thông xã hội "vượt mặt", mất vị trí độc quyền cũng như qua mặt về tốc độ trong việc cung cấp thông tin đến độc giả.
Theo ông Hùng, thông tin trên mạng xã hội mang tính cá nhân, phạm vi thông tin dàn trải, vụn vặt, thiếu kiểm chứng, động cơ, mục đích không rõ ràng, thậm chí là với mục đích xuyên tạc, lừa đảo, tung tin giả để lôi kéo sự chú ý. Nếu cơ quan báo chí không kiểm chứng thông tin sẽ dẫn đến bị dẫn dắt, lôi kéo theo các thông tin sai sự thật, có thể gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tờ báo.
Một thách thức khác, theo ông Hùng, rất nhiều các cơ quan báo chí đang thực hiện những chiến lược nhằm khai thác mạng xã hội để thu hút, gia tăng lượng người truy cập, quảng bá hình ảnh, thương hiệu đến cộng đồng mạng. Tuy nhiên, khi những mạng xã hội lớn dùng tính năng hạn chế chia sẻ đường link báo chí trên nền tảng của họ thì báo chí có nguy cơ bị sụt giảm lượng người đọc và giảm khả năng tương tác.
Từ đó, ông Hùng cho rằng, các cơ quan báo chí cần bắt kịp xu thế, nắm bắt xu hướng, khai thác tối đa nền tảng internet để phát triển cơ quan theo mô hình toà soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện, truyền dẫn đa nền tảng.
Vẫn còn thông tin thiếu nhạy cảm chính trị
Đánh giá những khuyết điểm, hạn chế của hoạt động báo chí trong thời gian qua, ông Hùng chỉ rõ, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, chưa phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, chưa đúng định hướng thông tin vẫn còn xảy ra trên một số báo, tạp chí, gây những tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của tổ chức, của người dân; bị một số báo nước ngoài, một số trang mạng xã hội thiếu thiện chí lợi dụng để xuyên tạc, kích động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, thông tin thiên về khai thác mặt trái xã hội; thông tin phản cảm, trái thuần phong mỹ tục Việt Nam, thiếu nhân văn và phản giáo dục, giật tít mang tính "giật gân", "câu khách",... vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Ông Hùng cũng cho biết, thông tin trên báo chí vẫn chưa theo kịp diễn biến tình hình thực tế; đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, trong nhiều trường hợp còn thụ động, chưa sắc sảo; việc khai thác thông tin từ ý kiến của cá nhân trên mạng xã hội không kiểm chứng vẫn tiếp diễn.
“Đặc biệt, một số văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí tại địa phương và đội ngũ cộng tác viên hoạt động không đúng chức năng, nhiệm vụ; tình trạng vi phạm đạo đức nghề báo vẫn xảy ra”, ông Hùng nêu. 
Ý thức chấp hành kỷ luật thông tin của cơ quan báo chí chưa nghiêm
Về nguyên nhân của hạn chế, ông Hùng cho hay, công tác tổ chức quản lý và cung cấp thông tin của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương còn thiếu chủ động, chưa kịp thời, thiếu sự phối hợp, nhất là với những tình huống, sự kiện quan trọng, phức tạp liên quan đến chính trị, kinh tế, xã hội, đối ngoại, gây khó khăn cho cơ quan chỉ đạo và quản lý thông tin cũng như cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, một số cơ quan chủ quản thiếu kiên quyết trong xử lý sai phạm của cơ quan báo chí thuộc phạm vi phụ trách.
“Một số vấn đề gây bức xúc trong xã hội nhưng chậm được cơ quan chức năng giải quyết, thiếu sự phối hợp hoặc chưa có phương thức xử lý thông tin thỏa đáng, tạo thành vấn đề "nóng" trên báo chí, thậm chí gây "khủng hoảng" truyền thông”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng chỉ rõ, về chủ quan, ý thức chấp hành kỷ luật về thông tin của một số cơ quan báo chí không nghiêm; một số cơ quan báo chí chưa thực hiện hoặc thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, kiểm chứng nguồn tin, không thực hiện đúng quy trình làm báo.
Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí quản lý văn phòng đại diện, sử dụng, tuyển dụng phóng viên thường trú và cộng tác viên dễ dãi, lỏng lẻo, gây khó khăn trong công tác quản lý của địa phương. 
Theo báo cáo, hiện cả nước có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí in và 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập.
Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình T.Ư và địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình với tổng số kênh phát thanh truyền hình là 278 kênh.
Tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí đạt hơn 15.840 tỉ đồng, trong đó các cơ quan báo chí in, điện tử là 4.900 tỉ đồng; các đài phát thanh truyền hình là hơn 10.940 tỉ đồng, trong đó từ quảng cáo là 9.631 tỉ đồng.
Tính đến tháng 11.2018, cả nước có 19.000 nhà báo được cấp thẻ nhà báo; 23.893 hội viên Hội Nhà báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.