Băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ” ăn chặn trên xác chết

15/04/2020 06:19 GMT+7

Sau khi Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ") bị bắt, đã có hàng loạt đơn tố cáo và phản ánh về việc băng nhóm do người này cầm đầu có hành vi bảo kê dịch vụ mai táng trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Ngày 14.4, nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đang mở rộng điều tra nhiều hành vi vi phạm pháp luật của băng nhóm do Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", 49 tuổi, ngụ số 366 Lê Quý Đôn, P.Kỳ Bá, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) cầm đầu. Ngoài hành vi cố ý gây thương tích, cơ quan công an đang xác minh hành vi cưỡng đoạt tài sản thông qua hoạt động mai táng trên địa bàn tỉnh.

Danh sách “báo ca” cho băng nhóm Đường “Nhuệ”

DN phải "cống nộp" hàng trăm triệu đồng/tháng

Theo tìm hiểu của PV, tại Thái Bình có hàng chục doanh nghiệp (DN), cơ sở kinh doanh dịch vụ mai táng phải hằng tháng đóng tiền cho băng nhóm của Đường “Nhuệ” khi thực hiện dịch vụ hỏa táng. Việc đóng tiền này bắt đầu từ cuối năm 2017 cho đến nay.

Yêu cầu làm rõ hành vi phạm tội mang tính “xã hội đen” của Đường "Nhuệ"

Chiều tối 14.4, Văn phòng Chính phủ phát đi thông báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP), yêu cầu làm rõ những vi phạm pháp luật của Đường “Nhuệ”.
Thông báo nêu rõ: Theo phản ánh của các cơ quan báo chí, Đường "Nhuệ" cùng đồng phạm có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật trong thời gian qua, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã kịp thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam các bị can để điều tra đối với hành vi "cố ý gây thương tích" của Nguyễn Xuân Đường và đồng phạm, được dư luận xã hội rất quan tâm và hoan nghênh.
Phó thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh Thái Bình chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương điều tra hành vi phạm tội “cố ý gây thương tích” của các đối tượng. Bên cạnh đó, cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất “xã hội đen” của nhóm đối tượng này, đã được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua, xử lý nghiêm minh trước pháp luật; Báo cáo kết quả điều tra bước đầu lên Ban Chỉ đạo 138/CP trước ngày 30.4 để tập hợp, báo cáo Thủ tướng.
Thái Sơn
Phản ánh với PV Thanh Niên chiều 14.4, bà N.L (chủ một DN mai táng ở TP.Thái Bình) cho hay từ năm 2014 - 2016, DN của bà ký kết với Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (H.Mỹ Lộc, Nam Định) do Công ty CP Hoàng Long làm chủ đầu tư. Đến cuối năm 2017, hoạt động của DN đặt dưới sự điều phối của băng nhóm Đường “Nhuệ”. Cụ thể, các DN trên tỉnh Thái Bình được “chia” các địa bàn để hoạt động, trong đó, mỗi DN chỉ được thực hiện dịch vụ tại khoảng 10 xã và không được xâm phạm vào lãnh địa của nhau. Khi đưa một người chết đi thiêu, DN phải “báo cáo” tên tuổi, thời gian, địa điểm cho nhóm của Đường “Nhuệ”, gọi là “báo ca”, rồi định kỳ mỗi tháng 2 lần đóng tiền cho băng nhóm này. Mức thu được ấn định là 500.000 đồng/lần hỏa thiêu.
“Trước đó, họ buộc chị phải ký vào biên bản viết tay thể hiện DN nộp 500.000 đồng cho một thi thể đưa đi hỏa thiêu là tự nguyện làm từ thiện, nhưng họ quản lý, sử dụng số tiền này ra sao thì chị không được biết”, bà N.L bức xúc và cho rằng khoản tiền này thực chất là ăn trên xác chết, bởi sau đó DN dịch vụ mai táng phải thu thêm từ thân nhân gia đình người đã mất ngoài các khoản chi phí theo dịch vụ để nộp cho nhóm Đường “Nhuệ”.
Để chứng minh, bà N.L cũng đã cung cấp cho PV hàng loạt tin nhắn “báo ca” buộc phải gửi cho nhóm của Đường “Nhuệ”. Theo bà N.L, việc DN nộp tiền là theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân Đường. Ban đầu, Đường “Nhuệ” trực tiếp cùng đàn em đến gặp gỡ DN đe dọa. Sau khi các DN đã bị “quy phục” thì đàn em của Đường sẽ đứng ra quản lý, phụ trách.
Tương tự, ông V.C (phụ trách kinh doanh một DN mai táng ở Thái Bình) cũng xác nhận từng cầm điện thoại nhận tin nhắn "báo ca" hỏa táng từ các dịch vụ tang lễ để tổng kết và thu tiền giúp nhóm Đường “Nhuệ”. “Tôi làm cho Đường 2 lần, tổng kết vào ngày 5 và 20 hằng tháng âm lịch. Mỗi ca hỏa táng, cơ sở mất 500.000 đồng, đến ngày nộp tiền sẽ tổng kết tin nhắn để tính toán, tôi thu giúp Đường 1 lần 82 triệu và 1 lần 83 triệu. Chính tôi hằng tháng cũng phải cầm 45 - 50 triệu đồng của công ty mình đi nộp, việc này có thật vì kế toán xuất hóa đơn ghi rõ “nộp tiền ca”. Ít nhất, mỗi tháng Đường thu được 150 triệu đồng tiền ca, ròng rã trong 2 năm”, ông V.C kể lại.

“Không ngoan thì treo kèn”

Theo phản ánh của các DN, họ đều biết việc phải đóng tiền hằng tháng cho nhóm Đường “Nhuệ” là vô lý, nhưng không dám chống đối.
Bà N.L cho biết bình quân mỗi tháng DN của bà thực hiện 40 ca hỏa thiêu thì số tiền phải nộp khoảng 20 triệu đồng: “Giao nhận tiền chỉ có quyển sổ để báo nhau thôi, bọn chị làm gì có giấy tờ. Bọn chị không bao giờ dám báo sai ca. Sai là chết luôn bởi họ có chân rết để kiểm soát rất chặt. “Vi phạm” lần đầu nó lấy 1 xã, lần 2 không cho làm luôn nên ai dám vi phạm”, bà N.L cho hay. Trong khi đó, ông V.C cũng cho biết băng nhóm của Đường “Nhuệ” sẵn sàng cho người đến đe dọa, thậm chí hành hung, đập vỡ kính xe mai táng của những DN dám có ý kiến hoặc không báo ca, chống đối. “Họ nói công khai luôn rằng ai làm mà không báo ca thì “treo kèn”, tức là không thể làm nữa. Có nhiều dịch vụ đã phải nghỉ rồi”, ông C. cho hay.
Phản ánh với PV Thanh Niên, ông Trần Đình Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long (đơn vị đang quản lý Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình ở Nam Định), cho biết trong giai đoạn 2016 - 2017, để phát triển địa bàn đã ủy quyền cho Công ty Thành Phát làm đại lý cấp 1, phụ trách khu vực Thái Bình với nhiệm vụ giới thiệu dịch vụ, báo ca cần hỏa táng (báo ca) về Hoàng Long. Từ cuối tháng 12.2017, Nguyễn Xuân Đường bắt đầu chèn ép, đánh đập nhân viên, buộc Công ty Thành Phát dừng hoạt động để nhóm của Đường “Nhuệ” độc quyền dịch vụ hỏa táng tại Thái Bình.
Anh Nguyễn Thế Việt, người phụ trách Công ty Thành Phát, xác nhận từ năm 2016, Đường “Nhuệ” và đàn em đến tận văn phòng công ty yêu cầu “rút” về Nam Định. “Ông Đường đến văn phòng nhờ tôi nhắn lãnh đạo để lại văn phòng cho Đường. Tôi bảo không thể quyết định, lập tức Đường chửi bới, cho mấy thanh niên lao vào đánh tôi. Đến đầu năm 2018, tôi nhận 1 ca hỏa táng rồi chở áo quan tới nhưng khi về văn phòng có người đến đánh, bắt tôi phải gọi điện cho đám tang nói xin thôi, để Đường Dương làm. Sau đó, chúng tôi buộc phải rút văn phòng khỏi Thái Bình”, anh Việt nhớ lại.
Cũng theo ông Giao, thời điểm băng nhóm của Đường “Nhuệ” đòi độc quyền nhận các ca hỏa thiêu, ban đầu ông không đồng ý thì lập tức các cơ sở, DN dịch vụ mai táng đã không được vận chuyển thi thể sang Nam Định để hỏa thiêu mà phải dời sang Hải Phòng. Sự việc này đã khiến giá dịch vụ hỏa thiêu tăng lên cao và bất hợp lý khiến nhiều người dân phản ứng. “Người dân tại Thái Bình phản đối, nói nếu bắt sang Hải Phòng họ sẽ chôn cất, không hỏa táng nữa nên Đường cho họp các dịch vụ tang lễ, nói cho quay lại Nam Định và chúng tôi phải đóng văn phòng”, ông Giao nói, đồng thời cho biết cũng đã phản ánh những thông tin này tới Công an Thái Bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.