Băng cướp gây kinh hoàng đường phố Sài Gòn ra tòa

23/06/2015 12:48 GMT+7

(TNO) Các bị cáo còn khá trẻ nhưng đã mang tiền án. Sau khi ra tù, các bị cáo tụ tập, sử dụng xe gắn máy chạy quanh các tuyến đường khu vực Q.3, Q.10 (TP.HCM) để cướp giật rồi bán lấy tiền chia nhau tiêu xài, sử dụng ma túy đá.

(TNO) Các bị cáo còn khá trẻ nhưng đã mang tiền án. Sau khi ra tù, các bị cáo tụ tập, sử dụng xe gắn máy chạy quanh các tuyến đường khu vực Q.3, Q.10 (TP.HCM) để cướp giật rồi bán lấy tiền chia nhau tiêu xài, sử dụng ma túy đá.

Xử băng nhóm cướp giật các điểm tại TP.HCMBăng nhóm thực hiện vụ cướp ở các địa điểm tại TP.HCM

>> Báo động tội phạm trẻ: Học sinh dàn cảnh... cướp tài sản
>> Đề xuất sửa đổi toàn diện bộ luật Hình sự
>> Báo động về những băng côn đồ trẻ tuổi
>> Báo động tình trạng vị thành niên tổ chức cướp giật
>> Sát thủ máu lạnh mới ngoài 20 tuổi và con đường tù tội
>> Hơn 100 ngày theo dấu ‘sát thủ máu lạnh’
>> Sát thủ máu lạnh tuổi 14 lãnh án 12 năm tù
>> 'Nhất dao đoạt mạng' và nỗi lo trẻ vị thành niên phạm tội
>> Phạt chung thân, tử hình đối với ‘sát thủ’ nhí?

Ngày 23.6, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ án cướp giật tài sản đối với 6 bị cáo gồm: Lưu Văn Lộc (23 tuổi); Võ Trí Hiếu (18 tuổi), Nguyễn Văn Tùng (22 tuổi), Trần Văn Quy (21 tuổi), Lê Hoàng Hải (18 tuổi), Dương Hoàng Sang (20 tuổi). Riêng Nguyễn Văn Cường (32 tuổi, cùng ngụ TP.HCM) bị truy tố về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đại diện Viện KSND đã đề nghị mức án từ 1 năm tù đến 8 năm tù đối với các bị cáo này.
Chủ tạp hóa cũng không tha
Theo cáo trạng, các bị cáo là bạn của nhau và thường cướp tài sản vào buổi tối. Các vụ án điển hình như tối 11.12.2013, Lộc điều khiển xe máy chở Quy đi cướp giật tài sản ở Q.10. Khi thấy anh N. đang đi bộ trên đường cầm điện thoại nhắn tin, Lộc liền áp sát để Quy giật điện thoại rồi tăng ga bỏ chạy. Lúc này, các trinh sát phát hiện liền đuổi theo. Được một đoạn, Lộc và Quy bị té ngã; Lộc bị công an bắt giữ còn Quy cầm điện thoại chạy bộ trốn thoát. Vì Cơ quan điều tra chưa xác định được vật chứng vụ án nên Lộc được thả ngay sau đó.
Chiều 23.4.2014, cũng tại Q.10, Lộc chở Tùng đi cướp giật tài sản. Khi thấy chị E. cầm chiếc bóp cất vào cốp xe, Tùng liền xuống xe xô ngã chị E. để cướp bóp, sau đó tẩu thoát.
Tối 23.4.2014, khi Tùng chở Quy đi cướp thì thấy chị L. chạy xe máy phía trước có đeo sợi dây chuyền trên cổ. Tùng chạy xe ép sát để Quy giật sợi dây chuyền. Tuy nhiên sợi dây chuyền bị đứt rơi xuống đường. Lúc này, tổ tuần tra phát hiện và đuổi theo. Tùng và Quy chạy một đoạn thì bị ngã, hai đối tượng phải vứt xe lại, chạy bộ tẩu thoát.
Các bị cáo không chỉ cướp giật ngoài đường, mà các tiệm tạp hóa cũng là địa điểm chúng nhắm tới. Điển hình là vụ cướp ngày 5.6.2014, Hiếu đi mua hạt dưa ở Q.10 thì thấy chị T. (chủ tiệm tạp hóa) đeo sợi dây chuyền rất to trên cổ. Khi chị T. đưa hạt dưa, Hiếu giật sợi dây chuyền rồi tẩu thoát.
Theo CQĐT, các bị cáo khai còn tham gia nhiều vụ cướp giật khác trên địa bàn Q.3 và Q.10 nhưng vì không xác định bị hại nên không có cơ sở khởi tố. Cáo buộc thể hiện có 7 vụ cướp giật do các đối tượng trên gây nên, tổng giá trị tài sản bị chiếm đoạt là 23 triệu đồng.
Tại tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội như cáo buộc.
Vào tù không đủ răn đe
Điều đáng nói là các bị cáo này đều có ít nhất một tiền án tiền sự, thậm chí có bị cáo có 2 tiền án như Nguyễn Văn Tùng. Tùng bị TAND TP.HCM xử phạt 2 năm tù về tội cướp giật tài sản; TAND Q.10 xử 1 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, vừa chấp hành hình phạt tù xong, các bị cáo tiếp tục đi vào con đường phạm tội.
Chủ tọa phân tích, các bị cáo đa số còn nhỏ tuổi và có tiền án tiền sự về tội cướp giật tài sản nhưng hình phạt tù trước đó không đủ sức răn đe, giáo dục các bị cáo.
Vị chủ tọa gằn giọng: “Ba mẹ bị cáo có người chạy xe ôm, bán bánh tráng trộn...để chăm lo cho cuộc sống các bị cáo, họ đâu biết con họ là nỗi ám ảnh của dân, chuyên đi cướp giật tài sản để lấy tiền chơi ma túy, họ biết họ sẽ đau lòng lắm”.
Vị hội thẩm nhân dân tiếp lời: “Các bị cáo đang ở cái tuổi rất đẹp, cái tuổi đáng lẽ phải cống hiến, xây dựng cho tương lai về sau. Nếu không đi học nghề thì phải kiếm công việc ví dụ như bảo vệ, bốc vác làm. Đồng tiền do mình vất vả làm ra khi nào cũng quý, chẳng lẽ bị cáo sống bằng nghề cướp giật sao?”.
“Đừng để bản thân mình là nỗi sợ hãi cho người đi đường, cho xã hội. Riêng cha mẹ các bị cáo đã sinh con ra thì phải có trách nhiệm giáo dục con cái nên người”, chủ tọa nói.
Chiều 23.6, TAND TP.HCM tuyên án từ 1 năm tù treo đến 7 năm tù đối với 8 bị cáo trong vụ án cướp giật điện thoại và dây chuyền ở khu vực Q.3, Q.10 (TP.HCM) rồi bán lấy tiền chia nhau tiêu xài, sử dụng ma túy đá.
Theo đó, đối với 6 bị cáo trong nhóm tội “cướp giật tài sản”: Lưu Văn Lộc (23 tuổi) 7 năm tù; Nguyễn Văn Tùng (22 tuổi) 6 năm tù; Trần Văn Quy (21 tuổi) 5 năm tù; Võ Trí Hiếu (18 tuổi) và Dương Hoàng Sang (20 tuổi) cùng 4 năm tù; Lê Hoàng Hải (18 tuổi) 3 năm tù. Đối với Nguyễn Văn Cường (32 tuổi, cùng ngụ TP.HCM), bị tòa tuyên 1 năm tù treo về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
HĐXX nhận định, các bị cáo trong đường dây cướp giật tài sản đều có tuổi đời còn trẻ và từng có ít nhất 1 tiền án tiền sự. Sau khi ra tù các bị cáo vẫn tiếp tục đi vào con đường phạm tội nên cần phải có mức án nghiêm khắc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.