Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 7.7: TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 chặn 'bão' dịch bệnh

07/07/2021 19:39 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 7.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 7.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:

TP.HCM hứng " bão" 766 ca bệnh mới

Ngày 7.7, Việt Nam vẫn tiếp nối chuỗi ngày dịch bệnh nóng bỏng ghi nhận tổng số cả mắc trong ngày 4 con số. Trong các bản tin sáng, trưa và chiều, Bộ Y tế đã công bố tổng cộng 1.007 ca bệnh.
Mới nhất, trong bản tin tối 7.7, Bộ Y tế vừa công bố 330 ca mắc Covid-19, trong đó TP.HCM vẫn chiếm nhiều ca nhất với 149 ca.
Tổng số ca mắc trong ngày là 1.007 bệnh nhân, trong ngày cũng có 480 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, trong ngày 7.7, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 1.007 ca mắc mới, gồm: 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh, trong đó tại Tây Ninh là 8 ca, An Giang 1 ca, và Quảng Bình 1 ca.
Có 997 ca ghi nhận trong nước trong đó 968 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Gồm: TP. HCM (766 ca). Đây là số ca bệnh kỷ lục được công bố tại TP.HCM trong một ngày kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện cho đến nay. Hiện TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 8.470 bệnh nhân Covid-19.
Các địa phương khác gồm: Bình Dương (60 ca), Khánh Hòa (41 ca), Vĩnh Long (24 ca), Long An (19 ca), Tiền Giang (18 ca), Phú Yên (14 ca), Quảng Ngãi (13 ca), Bắc Ninh (6 ca), Bắc Giang (5 ca), Vĩnh Phúc (5 ca), Hưng Yên (5 ca), Đồng Tháp (5 ca), Trà Vinh (3 ca), Hà Nội (3 ca), Đồng Nai (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Nghệ An (2 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Cà Mau (1 ca), Đắk Lắk (1 ca), Thanh Hóa (1 ca).
Hiện Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 23.071 bệnh nhân; trong đó 21.180 ca. Số ca điều trị khỏi là 8.557 ca.

Ngày 7.7: Việt Nam 1.007 ca Covid-19, TP.HCM lập "kỷ lục" mới 766 bệnh nhân

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM có biện pháp mạnh

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Công điện 914/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện mục tiêu kép.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM hạn chế người dân đi lại để khống chế Covid-19

Công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nêu rõ: thời gian vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương trong cả nước đã rất quyết tâm, nỗ lực từng bước kiểm soát được dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, dịch bệnh hiện vẫn diễn biến rất phức tạp ở TP.HCM và đã lây lan khá nhanh ra một số địa phương khác.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và các hướng dẫn, quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế với tinh thần chủ động, quyết liệt, mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kép.
Thực hiện nghiêm các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị tích cực. Đặc biệt lưu ý thực hiện các quy định về giãn cách, khoanh vùng; tránh tình trạng khoanh rộng bên ngoài, lỏng lẻo bên trong; phải tổ chức tốt việc cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế, giãn cách xã hội.
Đối với TP.HCM, trong khi toàn bộ thành phố chưa được coi là vùng dịch thì tất cả những trường hợp đến từ, đi qua các khu vực chưa được công bố là vùng dịch đều phải khai báo y tế bắt buộc; chính quyền địa phương nơi đến phải lập danh sách quản lý, điều tra dịch tễ và có quyết định cách ly, xét nghiệm, theo dõi sức khỏe phù hợp với kết quả điều tra dịch tễ.

Hà Nội cấm tụ tập quá 10 người, cách ly người về từ TP.HCM và vùng dịch

Thủ tướng yêu cầu UBND TP.HCM tăng cường chỉ đạo các biện pháp mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để hơn nhằm sớm cắt đứt các chuỗi lây nhiễm, khống chế các ổ dịch. Trong đó đặc biệt lưu ý tuyệt đối không để tiếp diễn tình trạng tập trung đông người, không tuân thủ quy định giữ khoảng cách trong khi đang thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí ở các khu vực có nguy cơ lây nhiễm rất cao.
Hoàn thành ngay các công việc cần thiết (về pháp lý và tuyên truyền vận động) để hạn chế ở mức cao nhất người dân đi lại; khẩn trương thống nhất cơ chế phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát tốt người lao động trong các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh ở địa phương này nhưng cư trú ở địa phương khác; kiểm soát chặt chẽ người điều khiển phương tiện vận tải ra, vào thành phố nhằm kiểm soát nguồn lây bệnh, nhưng không gây ách tắc phương tiện vận tải hàng hóa và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất có thể trong điều kiện dịch bệnh.
Thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của nhân dân; đặc biệt chú trọng hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người lao động tự do, không có tích lũy, thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh... Không để bất kỳ người dân nào thiếu đói do dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ Y tế, GTVT và các bộ, ngành liên quan có các hướng dẫn cụ thể, giải đáp kịp thời theo đề nghị của các địa phương. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch trên địa bàn, trong lĩnh vực quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kịp thời động viên, khen thưởng các điển hình tốt.

TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày

Tại cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 chiều 7.7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 0 giờ ngày 9.7, để phòng dịch Covid-19, TP.HCM sẽ giãn cách toàn TP theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong 15 ngày. 
Ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ: "TP cần phải quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa. Và phải xem đây là cuộc chiến thật sự, hy sinh lợi ích ngắn hạn để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân". 

KHẨN: TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16 trong 15 ngày, quyết dập dịch Covid-19

Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, được ban hành ngày 31.3.2020 và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Chỉ thị 16 quy định địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc: Gia đình cách ly với gia đình; Thôn bản cách ly với thôn bản; Xã cách ly với xã; Huyện cách ly với huyện; Tỉnh cách ly với tỉnh; Phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn; Đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định.
Yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu; làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, không phải dừng hoạt động...
Ngoài ra, người dân cần thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng.
Dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, như: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.
Đồng thời, tăng cường tổ chức họp trực tuyến. Người đứng đầu chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch tại công sở.
Dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong vượt mốc 100 ca

Sáng 7.7.2021, Bộ Y tế đã thông báo về 5 bệnh nhân Covid-19 tử vong ở Việt Nam, trong đó có 4 ca tại TP.HCM và 1 ca tại Bắc Giang.
Cả 4 ca tử vong tại TP.HCM đều không có bệnh lý nền. Tới nay, riêng TP.HCM đã ghi nhận 18 bệnh nhân tử vong, tất cả đều trong đợt dịch thứ tư. 
Cụ thể, bệnh nhân tại Bắc Giang tử vong là nữ, có mã số 10096, địa chỉ tại H.Việt Yên, Bắc Giang. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, đái tháo đường 1 năm. Đây là bệnh nhân Covid-19 thứ 98 tử vong ở Việt Nam. 
Ngày 3.6, bệnh nhân được xác định dương tính với Covid-19 và được điều trị tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang. Ngày 13.6, bệnh nhân được chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) điều trị.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, nhiễm nấm huyết, viêm phổi ARDS do SARS-CoV-2, suy thận trên bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp. 
Tới ngày 5.7, bệnh nhân tử vong vào lúc 24 giờ 40 và được chẩn đoán sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, nhồi máu cơ tim, viêm phổi nặng do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp.

Sáng 7.7: Thêm 5 ca Covid-19 tử vong, 4 trường hợp không có bệnh nền

Ca bệnh thứ 99 tử vong là bệnh nhân 13183, là nam 49 tuổi, có địa chỉ tại H.Nhà Bè, TP.HCM. Bệnh nhân được xác định dương tính với SARS-CoV-2 vào 19.6 và được điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch.
Bệnh nhân được chẩn đoán là viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển. Tới ngày 2.7, bệnh nhân tử vong. 
Kết quả chẩn đoán tử vong: viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương thận cấp.
Ca tử vong thứ 100 là bệnh nhân 12411, nam, 62 tuổi, địa chỉ Q.1, TP.HCM. Bệnh nhân cũng không có tiền sử bệnh lý.
Bệnh nhân được xác định mắc Covid-19 vào ngày 19.6 và điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV-2. Bệnh nhân tử vong vào 16 giờ 35 ngày 30.6.
Nguyên nhân tử vong được chẩn đoán là do viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, đái tháo đường type 2.
Ca tử vong thứ 101 là bệnh nhân 13709, nữ, 63 tuổi, địa chỉ H.Củ Chi, TP.HCM, không có tiền sử bệnh lý. 
Bệnh nhân được công bố nhiễm bệnh vào ngày 24.6 và điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển.
Bệnh nhân tử vong vào 7 giờ 50 ngày 1.7 và được chẩn đoán là viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển.
Ca tử vong thứ 102 là bệnh nhân 14812, nam 56 tuổi, địa chỉ tại Q.4, TP.HCM; không có tiền sử bệnh lý.
Bệnh nhân được công bố nhiễm bệnh Covid-19 vào ngày 24.6 và điều trị tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2.
Tới ngày 29.6, bệnh nhân tử vong và được chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, hội chứng vành cấp. 

Ổ dịch Covid-19 ở trại tạm giam Chí Hòa liên tiếp phát hiện nhiều ca nhiễm

Ngày 7.7, theo báo cáo về các ổ dịch trên địa bàn TP.HCM của Sở Y tế, TP có 11 ổ dịch Covid-19 với số ca lây nhiễm nhiều. Trong đó có ổ dịch tại Trại tạm giam Chí Hòa (P.12, Q.10) với 81 ca đã được xác định.
Cụ thể, ngày 27.6 ghi nhận ca đầu tiên dương tính Covid-19 làm việc tại Trại tạm giam Chí Hòa sau khi khám tầm soát tại Bệnh viện Q.Bình Thạnh.
Trong ngày 28.6, Công an TP.HCM yêu cầu xét nghiệm nhanh tầm soát tất cả các cán bộ, công nhân viên, phát hiện thêm 44 cán bộ, công nhân viên của Trại tạm giam Chí Hòa và 36 phạm nhân tại đây dương tính Covid-19. Ca ghi nhận mới nhất là vào ngày 5.7.

TP.HCM phát hiện 81 ca Covid-19 ở Trại tạm giam Chí Hòa

Một nguồn tin của Báo Thanh Niên cho biết Trại tạm giam Chí Hòa đã có báo cáo khẩn đến Công an TP.HCM và Viện KSND TP.HCM về trường hợp người bị tạm giam tử vong. Theo thông tin ban đầu, bị can bị Công an TP.HCM bắt tạm giam về hành vi "Mua bán trái phép 

chất ma túy" vào ngày 29.3.
Ngày 12.5, bị can được chuyển đến Trại tạm giam Chí Hòa và được trại giam kiểm tra y tế, cách ly theo quy định rồi chuyển đến buồng giam. Chiều 3.7, cán bộ quản giáo phát hiện người này sốt nên đưa đến Bệnh viện 30.4 (Bộ Công an) để kiểm tra. Đến tối 12.5, bị can này tử vong tại bệnh viện.

Cơ quan y tế bước đầu xác định nguyên nhân tử vong là: Suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, viêm phổi và kết quả xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19 tại bệnh viện cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Ngay sau đó, Công an TP.HCM đã phối hợp cơ quan y tế khử trùng khu vực buồng giam, truy vết những trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính Covid-19 này tại Trại tạm giam Chí Hòa.

 

Thí sinh ngất xỉu tại Q.3 (TP.HCM), xét nghiệm nhanh dương tính với Covid-19

 
Trưa ngày 7.7, theo thông tin từ Trung tâm Báo chí TP.HCM, Sở GD- ĐT thông báo điểm thi Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3) phát hiện một thí sinh đang thi môn ngữ văn sáng nay có vấn đề về sức khỏe nên được chuyển test nhanh, có kết quả dương tính với Covid-19 và đang lưu bệnh tại Trung tâm y tế quận 3.

Ngoài ra, tại một số điểm thi trên địa bàn TP.HCM có phát sinh liên quan đến dịch Covid-19. Cụ thể, Trường THCS Đặng Trần Côn (Q.Tân Phú) có 1 thí sinh diện F0 đến làm thủ tục vào chiều 6.7 nhưng không đến điểm thi ngày 7.7.

Còn tại điểm thi Trường THPT Lê Thánh Tôn (Q.7), có 1 thí sinh F0 đến làm thủ chiều 6.7 và dự thi môn văn sáng 7.7.
Các biện pháp gồm khử khuẩn toàn bộ điểm thi; tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là 5K trong những buổi thi còn lại của toàn bộ điểm thi.
 

Khẩn cấp dừng 2 điểm thi tốt nghiệp vì nghi ngờ có thí sinh mắc Covid-19

Sáng 7.7, ông Trần Khắc Lễ, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, cho biết qua xét nghiệm Covid-19 cho thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, Sở Y tế tỉnh Phú Yên thông báo có yếu tố nghi ngờ về dịch tễ tại 2 điểm thi: Trường THCS Trần Hưng Đạo, phường Phú Lâm (TP.Tuy Hoà) và Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (H.Tây Hoà). 
Do đó, Sở Y tế tỉnh Phú Yên đề nghị Sở GD-ĐT dừng tổ chức thi tại hai điểm thi này, theo ông Lễ. Hơn 600 thí sinh tại hai điểm thi này sẽ thi tốt nghiệp THPT vào đợt 2.

Khẩn cấp dừng 2 điểm thi tốt nghiệp THPT vì nghi ngờ có thí sinh mắc Covid-19

Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết thêm việc dừng 2 điểm thi Trường THCS Trần Hưng Đạo và Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là do nghi ngờ có thí sinh mắc Covid-19, chưa xác định F0.
Hiện tại, do số lượng nghi ngờ nhiều do lấy mẫu gộp và có nhiều mẫu gộp bị nghi ngờ nên phải dừng để đảm bảo an toàn, ông Thế lưu ý.
Tỉnh Phú Yên có 10.850 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT với 26 điểm thi. Để đảm bảo kỳ thi an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 đối với thí sinh và cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Phú Yên, Sở Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho 10.419 thí sinh và 2.433 cán bộ, nhân viên, giáo viên làm nhiệm vụ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Dòng xe rồng rắn đổ về chợ đầu mối Thủ Đức trước giờ đóng cửa

Trước thông tin chợ đầu mối Thủ Đức tạm đóng cửa vì phát hiện ca dương tính Covid-19, từ khoảng 22 giờ đêm 6.7.2021, tại khu vực qua chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức, hàng trăm xe tải, ba gác và xe máy nối đuôi nhau trong tình trạng kẹt xe nối dài trên đoạn đường gần 3 km từ cầu vượt Ngã tư Bình Phước đến cầu vượt Gò Dưa (thành phố Thủ Đức, TP.HCM).

Dòng xe rồng rắn đổ về chợ đầu mối Thủ Đức trước giờ đóng cửa vì Covid-19

Lượng xe tải, ba gác xếp hàng chờ vào chợ rất đông, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Phó giám chợ đầu mối Thủ Đức, ông Nguyễn Nhu giải thích, sở dĩ lượng xe vào chợ tối 6.7 đông hơn thường ngày là do chợ đầu mối này sắp tạm ngưng hoạt động do phát hiện có ca mắc Covid-19 tại chợ.
Trước đó, hai chợ đầu mối Bình Điền (Q.8) và chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (H.Hóc Môn) cũng đã ngưng hoạt động.

Xe máy không được vào chợ, chỉ có xe ba gác, xe tải mới được vào bên trong lấy hàng.

ẢNH: SONG MAI

“Chợ đầu mối Thủ Đức sẽ tạm ngưng hoạt động từ 8 giờ ngày 7.7 nên khuya nay có một lượng lớn thương lái, người mua bán đổ dồn về, tranh thủ mua hàng ngày cuối, gây nên tình trạng ùn tắc giao thông như hiện tại”, ông Nhu nói và cho biết thêm: “Hiện lực lượng chức năng đang tích cực phân luồng, điều tiết giao thông. Còn về hoạt động mua bán tại chợ, Ban quản lý sẽ hết sức lưu ý đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, không để trình trạng không giữ khoảng cách an toàn trong chợ”.
Theo đó, chỉ có xe tải, xe ba gác, người đi bộ được vào bên trong khu chợ, còn xe máy bị cấm vào. Vì vậy, rất đông người mua bán nhỏ lẻ phải “chạy bộ” vào các khu nhà lồng. Trước khi vào chợ, tài xế xe tải và xe ba gác phải dừng lại tại một chốt kiểm soát dịch Covid-19, tại đây lực lượng bảo vệ đo thân nhiệt và nhân viên y tế hướng dẫn khai báo y tế. 

Hoạt động mua bán đông đúc tại khu chợ bán trái cây nhập khẩu tại chợ đầu mối Thủ Đức đêm qua (6.7).

ẢNH: KHÁNH TRẦN

Như Báo Thanh Niên đã thông tin, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, nhất là khi chợ đầu mối Thủ Đức xuất hiện ca nhiễm Covid-19 và nguy cơ còn các ca nhiễm chưa được phát hiện ngoài cộng đồng, ngày 6.7, UBND TP.Thủ Đức đã yêu cầu tạm dừng hoạt động tập kết giao hàng, mua bán trực tiếp tại chợ đầu mối Thủ Đức từ 8 giờ ngày 7.7 và chậm nhất 20 giờ ngày 7.7 phải vận chuyển hàng hóa ra khỏi chợ.
Chợ đầu mối Thủ Đức có quy mô hơn 20 hecta. Tại chợ, các ngành hàng như trái cây, rau củ, hoa tươi... được chuyên chở từ khắp các tỉnh về để phân phối vào các chợ nhỏ lẻ ở TP.HCM. Chợ bao gồm các khu nhà lồng chợ A, chợ B, chợ C và nhiều công trình phụ trợ. Với hơn 1.300 ô, vựa đã được thuê kín, trung bình mỗi ngày lượng hàng hóa nhập vào chợ lên đến hơn 2.800 tấn.

Nơm nớp lo khi chợ đầu mối cuối cùng của TP.HCM đóng cửa

Sáng 7.7, tiểu thương ở chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (chợ đầu mối Thủ Đức, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đang cấp tập chuẩn bị bàn giao mặt bằng sạp cho ban quản lý chợ để nghỉ sau khi UBND TP.Thủ Đức có yêu cầu tạm ngưng hoạt động chợ từ 8 giờ sáng và chậm nhất 20 giờ ngày 7.7 để phòng Covid-19. 
Ghi nhận của Thanh Niên, các lối ra vào chợ đã được phong tỏa, chỉ còn lại một cổng chính để các phương tiện ra vào nhập hàng, thu dọn hàng hóa trước giờ đóng cửa. Lực lượng bảo bệ túc trực ở cổng chính để kiểm soát tiểu thương ra vào chợ, chỉ những người có sạp kinh doanh trong cần vào để thu dọn, xe tải chở hàng hóa mới được cho vào chợ. Những người buôn bán lẻ, tiểu thương đi xe máy bị chặn lại ngay trước cổng.

Nơm nớp lo khi chợ đầu mối cuối cùng của TP.HCM đóng cửa vì Covid-19

Bên trong chợ, các tiểu thương đang hối hả bán nốt số hàng còn lại đã nhập về từ tối hôm trước để chuẩn bị thu dọn đồ đạc, nhiều ki ốt đã được tiểu thương đóng cửa từ trước, các trang thiết bị, dụng cụ dùng để kinh doanh đã được trùm bạt bảo quản. Nhiều nhân viên y tế trang bị đồ bảo hộ tiến hành phun khử khuẩn các khu vực trong chợ.
Trong khi đó, nhiều người dân cũng tranh thủ khi chợ còn mở cửa để vào mua lương thực, thực phẩm về dự trữ cho những ngày tới. Nhiều người tỏ ra lo lắng khi chợ đầu mối nông sản thực phẩm cuối cùng của TP.HCM cũng phải tạm ngưng hoạt động để phòng chống Covid-19.

Bảo vệ chợ đầu mối Thủ Đức chốt chặn không cho xe máy vào trong chợ.

Thanh Hương

Tranh thủ mua rau củ về dự trữ cho những ngày tiếp theo, anh Nguyễn Anh Xuân, ở Q.3, TP.HCM cho biết, chợ đầu mối tạm dừng hoạt động thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân thành phố. Do đó, anh tranh thủ đi mua nhu yếu phẩm về để dự trữ ngắn hạn.
"Trước mắt thì tôi cũng đã có chuẩn bị trước hết rồi, chuẩn bị ngắn hạn thôi, còn dài hạn thì tới đâu tính tới đó, chứ cũng chưa biết như thế nào. Cũng mong cho dịch bệnh nhanh hết để mình quay lại cuộc sống bình thường", anh Xuân chia sẻ. 
Không chỉ những tiểu thương, khách hàng lo lắng, những người làm công nhân, chở thuê ở chợ đầu mối Thủ Đức cũng đang trong tâm trạng lo lắng vì không biết sau khi chợ đóng cửa thì sẽ làm gì để có tiền sinh hoạt hàng ngày.
Gắn bó với chợ đầu mối Thủ Đức hơn chục năm nay, cuộc sống sinh hoạt của cả gia đình ông Nguyễn Đức Toàn ở Q.7, TP.HCM phụ thuộc vào tiền công chở thuê hàng hóa tại chợ. Giờ chợ đóng cửa, ông Toàn dự tính phải di chuyển ra đường để chạy thuê. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, ông lo lắng sẽ không có ai thuê chở hàng.
"Tôi chạy xe ba gác ở đây từ khi chợ mới thành lập, giờ chợ đóng cửa thì cũng khó khăn lắm nhưng mà cũng phải chấp nhận thôi, để sớm khống chế được dịch bệnh. Giờ cũng tạm thời nghỉ chạy ở chợ, kiếm việc khác hoặc ra ngoài chạy đỡ, chờ bớt dịch, chợ mở cửa thì vô chợ chạy tiếp" ông Toàn chia sẻ. 

Người dân về từ TP.HCM phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày.

Sáng nay, 7.7, Bộ Y tế ban hành công văn hỏa tốc về việc tiếp nhận đối với người từ TP.HCM về địa phương.
Công văn nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, thậm chí còn tiếp tục lây lan nhanh sang một số địa phương lân cận. Do đó, các địa phương cần sớm có giải pháp hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa để kịp thời kiềm chế, đẩy lùi và kiểm soát tình hình.
Trước thực tế trên, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận người về từ TP.HCM phải thực hiện những quy định
Tất cả những người từ TP.HCM về (trừ các trường hợp là người đi qua TP.HCM nhưng không dừng, đỗ) được coi là người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp bệnh, phải cách ly y tế tại nhà 7 ngày kể từ ngày về địa phương, đồng thời tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo.
Những người này phải thực hiện xét nghiệm 3 lần trong ngày đầu, ngày thứ 3 và ngày thứ 6 trong thời gian cách ly y tế tại nhà.

Tất cả người từ TP.HCM về các tỉnh thành phải cách ly tại nhà 7 ngày để phòng Covid-19

 
Yêu cầu những người đi về từ TP.HCM trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không tham gia tập trung đông người.
Đặc biệt, nếu trường hợp nào có dấu hiệu ho, sốt, đau họng, khó thở hoặc mất vị giác thì phải báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đúng quy định.
Bộ Y tế cũng đề nghị UBND TP.HCM trao đổi, thống nhất với các tỉnh, thành phố trước khi đưa người từ thành phố về các tỉnh, thành phố khác, đồng thời bố trí phương tiện vận chuyển đảm bảo yêu cầu phòng, chống Covid-19.
Riêng đối với người chở hàng hóa ra, vào TP.HCM phải thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch trong vận chuyển hàng hóa theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đến 6 giờ sáng nay, trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 7.655 ca mắc Covid-19 trong đợt dịch thứ 4 này.

Mua trà sữa, rau xanh tiếp tế vào chung cư 8X Đầm Sen có 10 ca Covid-19

Ngày 6.7.2021, nhiều lớp rào chắn được dựng lên trước lối vào chung cư 8X Đầm Sen (75A Tô Hiệu, P. Hiệp Tân, Q.Tân Phú, TP.HCM) sau khi phát hiện 10 ca dương tính Covid-19.
Trong buổi chiều, người dân và lực lượng shipper đến giao hàng phải tuân thủ quy định giãn cách nghiêm ngặt khi gửi đồ cho cư dân chung cư.

Mua trà sữa, rau xanh tiếp tế vào chung cư 8X Đầm Sen có 10 ca Covid-19

Bà Huỳnh Hoan, 50 tuổi (nhà ở Q. Phú Nhuận, TP.HCM) có gia đình sui gia tương lai đang sống tại chung cư này mang một bịch đầy rau xanh chờ sẵn phía trước cổng, chờ bà sui và con dâu tương lai xuống nhận hàng. Nếu như không có dịch Covid-19, có lẽ đám cưới của con trai bà đã diễn ra suôn sẻ. Thường ngày, bà Hoa đi chợ đầu mối Hóc Môn mua rau xanh với số lượng lớn nên đem chia sẻ một phần cho sui gia dùng trong những ngày cách ly. 

Bà Huỳnh Hoan, 50 tuổi (nhà ở Q. Phú Nhuận, TP.HCM) chờ gửi lương thực cho sui gia sống tại chung cư này

Lê Nam

Minh Hiếu (25 tuổi) có bạn bè sống trong chung cư này. Từ 2 ngày trước, Hiếu đã nghe bạn kể nhiều khả năng chung cư sẽ bị phong tỏa dài ngày vì phát hiện có ca nhiễm Covid-19. Cậu bạn an ủi, động viên bạn bè và hứa sẽ làm shipper trà sữa, đồ ăn hàng ngày miễn phí để mọi người yên tâm ở nhà chống dịch. 

Minh Hiếu (25 tuổi) tình nguyện làm shipper cho bạn bè những ngày cách ly

Lê Nam

Được biết, chung cư 8X Đầm Sen có 2 block với khoảng 1.000 người. Vào tối 5.7, sau khi test nhanh, cơ quan chức năng phát hiện có 10 ca dương tính Covid-19.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 7.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.