Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 4.7: TP.HCM vượt xa Bắc Giang về số ca bệnh

04/07/2021 19:33 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 4.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 4.7 của Báo Thanh Niên gồm có nhưng nội dung sau:

Một ngày công bố 890 ca bệnh, TP.HCM vượt xa Bắc Giang

Bản tin dịch Covid-19 tối 4.7 của Bộ Y tế cho biết có thêm 360 ca mắc Covid-19, TP.HCM vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca nhất với 169 ca.
Cùng ngày, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh đăng ký bổ sung trên Hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 danh sách 3 ca bệnh (gồm các bệnh nhân BN19609, BN19610, BN19612) đã được phát hiện trước đó tại các khu cách ly.
Như vậy, trong ngày, Bộ Y tế công bố tổng cộng 890 bệnh nhân Covid-19, bao gồm:
+ 14 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Kiên Giang (6 ca), Thái Bình (4 ca), Quảng Trị (4 ca).
+ 873 ca ghi nhận trong nước; ; trong đó 824 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Gồm: TP.HCM (599 ca), Bình Dương (87 ca), Long An (72 ca), Phú Yên (32 ca), Tiền Giang (29 ca), Khánh Hoà (9 ca), Quảng Ngãi (8 ca), Đồng Tháp (6 ca), An Giang (6 ca), Bình Định (4 ca), Bắc Giang (3 ca), Nghệ An (3 ca), Bà Rịa-Vũng Tàu (2 ca), Vĩnh Long (2 ca), Hải Phòng (2 ca), Tây Ninh (2 ca), Hà Tĩnh (2 ca), Ninh Thuận (1 ca), Trà Vinh (1 ca), Huế (1 ca), Bến Tre (1 ca), Đà Nẵng (1 ca).
+ 3 ca bệnh được tỉnh Bắc Ninh đăng ký bổ sung.
Trong ngày 4.7 cũng có 176 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Ngày 4.7: Thêm 890 ca Covid-19, riêng TP.HCM chiếm tới 599 bệnh nhân

Tổng số ca Covid-19 được công bố ở Việt Nam hiện là 19.933 bệnh nhân; trong đó 18.075 ca ghi nhận trong nước và 1.858 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 16.505 ca, trong đó có 5.045 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Với 599 ca bệnh vừa được công bố, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 6.353 bệnh nhân Covid-19 kể từ đầu dịch, vượt xa Bắc Giang (hơn 5.000 ca), trở thành địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước.

Ngày 4.7: TP.HCM lại hứng “bão” dịch bệnh với 599 ca Covid-19

Thêm bệnh nhân Covid-19 tử vong 

Theo thông báo trưa 4.7 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc Covid-19 tử vong thứ 85 và 86 là các bệnh nhân có bệnh lý nền nặng, có địa chỉ tại tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên.
Trong đó, ca tử vong thứ 85 là bệnh nhân có mã số BN 5220 (bệnh nhân nữ, 81 tuổi), địa chỉ tại TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Bệnh nhân tiền sử tăng huyết áp 4 năm, điều trị thuốc thường xuyên; đã mổ thay khớp gối nhân tạo trái cách 4 năm; tai biến mạch máu não năm 2019 di chứng suy giảm trí nhớ.
Những ngày sau đó, bệnh nhân liên tục có diễn biến bệnh xấu. Dù đã được điều trị tích cực và hỗ trợ dinh dưỡng, chăm sóc toàn diện nhưng bệnh nhân đã không qua khỏi vào hồi 12 giờ 9 phút ngày 2.7.
Chẩn đoán tử vong: sốc nhiễm khuẩn, nhiễm nấm huyết, viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân tăng huyết áp, tai biến mạch não cũ.

Bệnh nhân Covid-19 thứ 85 và 86 tử vong: Hai người lớn tuổi, bệnh nền nặng

Ca tử vong thứ 86 là bệnh nhân có mã số BN 9533 (nam, 64 tuổi), địa chỉ tại H.Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Bệnh nhân tiền sử ung thư vòm họng phát hiện từ tháng 1.2021 đã điều trị hóa xạ trị nhiều đợt tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (TP.Hà Nội).
Ngày 8.6, BN xuất hiện sốt, ho, chẩn đoán xác định mắc Covid-19 nên được chuyển tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư điều trị với chẩn đoán viêm phổi do SARS-CoV-2 trên bệnh nhân ung thư vòm họng.  
Từ ngày 16.6, bệnh nhân tiến triển nặng, suy hô hấp tiến triển tăng, được can thiệp đặt ống nội khí quản. Dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng  tổn thương phổi của bệnh nhân không cải thiện.
Bệnh nhân tử vong hồi 12 giờ 12 phút ngày 2.7. Chẩn đoán tử vong: viêm phổi do SARS-CoV-2 biến chứng nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân ung thư vòm họng.

Bệnh viện Đại học Y dược vắng vẻ sau khi phát hiện 4 ca Covid-19

Theo thông tin từ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, sáng 4.7, cơ sở này tiếp tục tạm ngưng nhận bệnh nhân sau khi phát hiện thêm 4 ca dương tính Covid-19.
Định kỳ hằng tuần, bệnh viện xét nghiệm PCR cho tất cả nhân viên y tế và người làm việc tại bệnh viện để tầm soát Covid-19.
Cụ thể, ngày 2.7, bệnh viện phát hiện có 3 nhân viên y tế và 1 nhân viên cung cấp dịch vụ có kết quả dương tính Covid-19.

Bệnh viện Đại học Y dược vắng vẻ sau khi phát hiện 4 ca Covid-19

Để tránh lây lan và đảm bảo an toàn cho người đến khám và làm việc, bệnh viện đã quyết định tạm ngưng nhận khám chữa bệnh từ ngày 3.7 để khoanh vùng, sàng lọc tìm nguồn lây, phân loại người tiếp xúc với các ca bệnh.
Cho đến nay, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy chưa có bằng chứng các nhân viên y tế lây chéo khi các nhân viên này không tiếp xúc với nhau. Các nhân viên y tế của bệnh viện đều đã được chích vắc xin phòng Covid-19.

Bệnh viện sẽ thông báo hoạt động trở lại khi đảm bảo an toàn

Ảnh: Lê Nam

Ngoài các trường hợp trên, tất cả các nhân viên còn lại có kết quả xét nghiệm âm tính trong cùng lần xét nghiệm.
Bệnh viện tiếp tục truy vết, khử khuẩn, cách ly tuyệt đối khu vực liên quan, bên cạnh đó vẫn đảm bảo công tác điều trị, chăm sóc cho người bệnh đang nội trú tại bệnh viện.
Do tính chất lây nhanh của chủng Delta, bệnh viện sẽ tiếp tục tổ chức xét nghiệm lại trong hôm nay và ngày mai, 5.7 cho toàn bộ nhân viên y tế và người làm việc để đảm bảo không bỏ sót trường hợp nhiễm Covid-19.
Bệnh viện sẽ thông báo hoạt động trở lại khi đảm bảo an toàn. Trước tình hình dịch bệnh đang bùng phát, nhiều người mắc không triệu chứng hay triệu chứng nhẹ, Bệnh viện Đại học Y dược khuyến cáo khi người bệnh đến khám cần khai báo y tế chính xác, hoặc điện thoại số 1900 7178 trước khi đến bệnh viện để được hướng dẫn. 

TP.HCM tổ chức thi tốt nghiệp THPT giữa Covid-19 là “một quyết định khó khăn”

Chiều 3.7.2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Võ Văn Hoan cho biết thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 cho khoảng 95% học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi tốt nghiệp THPT (với gần 120.000 người); phần còn lại sẽ được tiếp tục xét nghiệm dứt điểm trong ngày 4.7.
Theo ông Võ Văn Hoan, Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã có chỉ đạo thăm dò ý kiến phụ huynh trước kỳ thi, và có nhiều ý kiến đề xuất không tổ chức thi trong bối cảnh dịch bệnh. Trước tình huống này, lãnh đạo thành phố cân nhắc rất kỹ, cuối cùng mới phải có một quyết định khó khăn là tổ chức đợt 1 kỳ thi vào ngày 7 - 8.7 theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho thí sinh không ở những nơi bị phong tỏa phòng dịch, không thuộc diện F0, F1, F2 và phải có xét nghiệm âm tính trước khi dự thi; những thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch sẽ dự thi vào đợt 2 với lịch thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố sau.

TP.HCM tổ chức thi tốt nghiệp THPT giữa Covid-19 là “một quyết định khó khăn”

Vì vậy, khi quyết định, lãnh đạo thành phố đặt ra yêu cầu cao nhất là thực hiện cho bằng được kỳ thi trong điều kiện an toàn nhất, phải tầm soát sức khỏe thí sinh trước khi đi thi, thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch theo nguyên tắc 5K trước và trong khi kỳ thi diễn ra.

Dân Đồng Nai đổ xô xét nghiệm Covid-19 lấy “giấy thông hành” đi làm việc

Theo quyết định mà UBND tỉnh Đồng Nai đưa ra, từ 0 giờ ngày 5.7, người lao động làm việc tại Đồng Nai nhưng sống ở TP.HCM, Bình Dương, và ngược lại người lao động sống ở Đồng Nai nhưng làm việc tại TP.HCM, Bình Dương phải đi qua lại giữa hai địa phương hằng ngày, yêu cầu phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 7 ngày từ ngày có kết quả xét nghiệm.
Ghi nhận của PV Thanh Niên tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai vào sáng 4.7 cho thấy rất đông người lao động đến đây xét nghiệm. Nơi xét nghiệm là khu vực khám sàng lọc được bệnh viện dựng lên tạm thời bên hông bệnh viện.

Dân Đồng Nai đổ xô xét nghiệm Covid-19 lấy “giấy thông hành” đi làm việc

Các bệnh viện như đa khoa Thống Nhất, Tâm Hồng Phước, Hoàn Mỹ Đồng Nai và các phòng khám khác trên địa bàn cũng đông người đến xét nghiệm
Theo Sở Y tế Đồng Nai, trên địa bàn có 3 cơ sở được xét nghiệm khẳng định Covid-19 bằng PCR là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai), Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất; cùng 22 bệnh viện và trung tâm y tế xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên.

Tâm sự sinh viên y Đà Nẵng ngày lên đường chi viện Phú Yên chống Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở tỉnh Phú Yên, hưởng ứng lời kêu gọi xung phong chi viện tuyến đầu chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế, chiều 3.7.2021, Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã tổ chức lễ ra quân “chia lửa” với lực lượng tuyến đầu tỉnh bạn đang ngày đêm căng mình chống chọi với dịch bệnh.
Đoàn chi viện của Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng gồm 20 cán bộ và 82 sinh viên các ngành: xét nghiệm, y đa khoa, điều dưỡng. Trong số này, nhiều sinh viên đã từng tham gia phòng chống dịch cùng thành phố Đà Nẵng trong các đợt dịch trước đây.
Trước khi lên đường vào Phú Yên, toàn bộ đoàn công tác đã được xét nghiệm Covid-19 và có kết quả âm tính.
Sinh viên Đinh Kiều My - một thành viên của đoàn chi viện lần này cho biết, trước khi lên đường chi viện cho Phú Yên, các sinh viên đều đã được tập huấn nhiều buổi. Trước đó, nhiều sinh viên cũng đã có kinh nghiệm từ các đợt chống dịch trước ở Đà Nẵng.

Tâm sự sinh viên y Đà Nẵng ngày lên đường chi viện Phú Yên chống Covid-19

Sinh viên Nguyễn Tấn Định thì cho biết, nhiều người cũng đã phải thuyết phục ba mẹ, gia đình trước khi đăng ký tham gia vào đoàn chi viện.
“Nếu ba mẹ không cho con đi thì ngày xưa ba mẹ không nên cho con học y. Bởi vì đã cho con học y rồi thì đây là cơ hội để con khởi đầu lấy kinh nghiệm lâm sàng sau này trở thành một bác sĩ giỏi” sinh viên Nguyễn Tấn Định kể lại.
Sáng sớm 4.7.2021, đoàn cán bộ, y bác sĩ và sinh viên Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng đã tình nguyện lên đường chi viện cho tỉnh Phú Yên chống dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo nhà trường, khoảng 150 sinh viên các khoa ngành của trường sẽ ở lại để tiếp tục công tác phòng chống dịch Covid-19 cùng thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, hơn 200 sinh viên cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng chi viện cho một số địa phương phía Nam khi cần thiết.

Chợ Xã Tây Q.5 "đi chợ hộ" bà con, giao hàng miễn phí ngày dịch Covid-19

Giữa những ngày dịch Covid-19 căng thẳng ở TP.HCM, khi nguy cơ lây nhiễm bệnh từ các khu chợ đang khiến nhiều người lo lắng thì việc đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trong chợ truyền thống cũng khiến nhiều ban quản lý chợ đau đầu. 
Những ngày qua, ban quản lý một khu chợ truyền thống ở Q.5 (TP.HCM) đã nghĩ ra ý tưởng đi chợ hộ cho bà con trên địa bàn quận để hạn chế tiếp xúc giữa tiểu thương và khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Sinh, trưởng ban quản lý chợ Xã Tây chia sẻ, nhiều ngày nay, anh em bảo vệ và ngay cả chính bản thân đang đảm nhiệm thêm công việc shipper, đi chợ hộ rồi giao hàng tận nhà cho người dân quanh khu vực quận 5 để hạn chế việc bà con đến chợ trong những ngày dịch Covid-19 phức tạp. “Nếu trong bán kính quận, chúng tôi sẽ giao hàng miễn phí”, ông Sinh khẳng định.

Chợ Xã Tây quận 5 ‘đi chợ hộ’ bà con, giao hàng miễn phí ngày dịch Covid-19

Để giúp người dân làm quen với hình thức đi chợ truyền thống mới mà không cần ra khỏi nhà. Chợ Xã Tây đã đăng số điện thoại, danh sách các tiểu thương bán thịt, cá, trứng... lên trang mạng của chợ để người dân biết.
Khi mua hàng, người dân chỉ cần gọi vào đường dây nóng của chợ, chợ sẽ cử người tiếp nhận, ghi lại đơn hàng và cử người mua hộ... sau đó đi giao tận nhà cho bà con trong khu vực quận 5. Tiền hàng lấy từ khách sẽ về trả lại cho người bán.

Tất cả sạp hàng đều được niêm yết giá công khai

Lê Nam

“Đơn hàng chúng tôi ra mua trực tiếp rồi mang đến giao trực tiếp cho người dân, nhận được tiền chúng tôi trả cho bà con tiểu thương”. Trưởng ban quản lý chợ giải thích cụ thể về “dịch vụ” đi chợ hộ như sau: “Mỗi ngày chúng tôi nhận đơn hàng từ 7 giờ 15 phút đến 10 giờ là hết, vì 11 giờ chợ truyền thống nghỉ rồi, lúc đó bà con đã rục rịch dẹp chợ”. 
Ngoài hình thức đi chợ hộ, chợ Xã Tây cũng áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo giãn cách, hạn chế tập trung đông người trong chợ. Người dân vào chợ bằng 2 cửa, bà con vào cổng này ra cổng kia, ra vào đều phải rửa tay, đo thân nhiệt và khai báo y tế. Phía bên trong, các sạp hàng cách 1 mét đảm bảo không gian thoáng đãng đúng quy định phòng dịch Covid-19. 
Theo ông Sinh, việc này để các tiểu thương cam kết không bán nâng giá, không nói thách, người dân yên tâm mua hàng mà không phải trả giá, kì kèo mặc cả giữa chợ, làm tăng thời gian ở chợ dẫn tới tụ tập đông người giữa dịch Covid-19. 

Anh Nguyễn Minh Tuấn, chủ sạp hải sản cho biết vài ngày qua, chủ yếu đi "ship" hàng cho người dân chứ lượng khách đến chợ rất ít

Lê Nam

Số điện thoại của tiểu thương cũng được cung cấp trực tiếp cho người dân nên đôi khi người đi chợ cũng không cần vào chợ. 
Việc BQL đi chợ hộ người dân được đánh giá là sáng kiến nhằm làm giảm lượng người đến chợ, đảm bảo giãn cách an toàn.
Chương trình này cũng nhận được sự hỗ trợ của phường, đoàn thanh niên trên địa bàn. Trưởng BQL chợ Xã Tây cho biết, QBL chợ Xã Tây sẽ cố gắng tiếp tục chương trình "đi chợ hộ" bà con tại đây cho đến khi nào dịch bệnh Covid-19 bớt nóng bỏng. 
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 4.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.