Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 24.7: 2.047 ca khỏi bệnh; nhiều nơi dùng biện pháp mạnh chống dịch

24/07/2021 19:52 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 24.7.2021 của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok. Biên tập viên Yến Thi sẽ đồng hành cùng quý vị.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 24.7.2021 của Báo Thanh Niên sẽ có những thông tin đáng chú ý sau: 

Cả nước công bố thêm 9.256 ca Covid-19, 2.047 ca khỏi; TP.HCM chiếm 5.396 bệnh nhân

Bản tin dịch Covid-19 tối 24.7 của Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 3.977 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số được công bố trong ngày lên 9.256 ca; gồm 7.968 ca công bố mới và 1.288 ca công bố bổ sung . Trong ngày 24.7 cũng có có 2.047 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 24.7: Công bố 9.256 ca Covid-19, 2.047 ca khỏi; riêng TP.HCM chiếm 5.396 bệnh nhân

Thông tin 7.968 ca mắc mới được công bố như sau:
- 31 ca nhập cảnh
- 7.937 ca ghi nhận trong nước, trong đó có 2.428 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (5.396), Long An (604), Bình Dương (785), Đồng Nai (221), Tiền Giang (220), Tây Ninh (132), Khánh Hoà (104), Đồng Tháp (75), Bà Rịa-Vũng Tàu (71), Bến Tre (61), Đà Nẵng (36), Bình Thuận (31), Đắk Lắk (27), Vĩnh Long (25), Cần Thơ (23), Vĩnh Phúc (21), Phú Yên (17), Kiên Giang (14), Bình Định (12), Hậu Giang (9), Hà Nội (9), Ninh Thuận (8 ), An Giang (7), Hưng Yên (4), Quảng Ngãi (4), Đắk Nông (4), Quảng Nam (3), Hà Nam (2), Bạc Liêu (2), Hà Giang (2), Lâm Đồng (2), Nghệ An (2), Cà Mau (2), Gia Lai (1), Thừa Thiên Huế (1).
- Sáng 24.7, Sở Y tế tỉnh Long An cũng đăng ký bổ sung 1.288 ca bệnh trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19. Đây là các ca bệnh đã được phát hiện từ ngày 14-22/7/2021 tại các khu cách ly và khu phong toả.
- Tính đến chiều 24.7, Việt Nam có tổng 90.934 ca mắc, trong đó có 2.172 ca nhập cảnh và 88.762 ca mắc trong nước.
- Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27.4 đến nay là 87.192 ca, trong đó có 14.809 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 17.583 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 130 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Hà Nội giãn cách theo Chỉ thị 16, chính quyền khẳng định đủ hàng hóa cho dân

Tối 23.7.2021, thông tin từ Sở Công thương Hà Nội cho biết lượng hàng hoá thiết yếu các doanh nghiệp dự trữ gấp 3 lần so với tháng bình thường. Người dân Hà Nội không nên lo lắng, tích trữ lương thực, thực phẩm trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 phòng chống Covid-19.
Theo thông tin từ Sở Công thương Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa… sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, thành phố đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.
Đồng thời, sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận, huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
Nhằm đảm bảo tổ chức hoạt động vận tải, giao thương, cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu nhân dân trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, cập nhật phương án của ngành, đơn vị, địa phương, đảm bảo lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố trong các tình huống dịch bệnh Covid-19 xảy ra.
Theo đó, Sở Công thương sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường kết nối cung cầu, tổng hợp, cung cấp thông tin nguồn hàng hóa thiết yếu, nông sản mùa vụ đến các đơn vị phân phối, siêu thị, chợ, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố để tổ chức khai thác, dự trữ hàng hóa phòng, chống dịch.
Đồng thời, Sở Công thương yêu cầu doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường biện pháp để khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; đẩy mạnh bán hàng qua các ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng online, điện thoại…

Hà Nội khẳng định đủ hàng hoá cung ứng cho dân khi giãn cách phòng Covid-19

Hà Nội chốt chặn trên cao tốc kiểm soát Covid-19, hàng loạt xe phải quay lại

Thực hiện Chỉ thị 16, Công an Hà Nội đã siết chặt quản lý các phương tiện, người vào địa bàn thành phố tại 22 chốt kiểm soát. Toàn bộ phương tiện đều bị kiểm soát, cấm vào, trừ các phương tiện “luồng xanh”, như xe phục vụ phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia và thực hiện công tác vận tải hàng hoá thiết yếu.
Tại chốt kiểm soát Covid-19 số 2 đặt tại Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì) vào sáng 24.7, lực lượng chức năng đã lập hàng rào chắn toàn bộ đường cao tốc, hướng về thành phố Hà Nội để tổ chức kiểm soát.
Hàng ngàn phương tiện chở hàng không thiết yếu, vận tải hành khách, xe cá nhân bắt buộc phải quay đầu. Nhiều tài xế chở khách, chăn đệm, bàn ghế,... xin lực lượng chức năng linh động cho vào thành phố nhưng đều buộc quay đầu, không ngoại lệ.
Tính đến 12 giờ trưa 24.7, tại chốt kiểm dịch số 2, đã có khoảng 1.000 phương tiện phục vụ phòng chống dịch, xe công vụ, xe chở hàng hóa thiết yếu, thực phẩm, thiết bị y tế,... được lực lượng chức năng mở “luồng xanh” cho phép vào thành phố. Các chốt kiểm soát khác cũng có tổng cộng hàng ngàn phương tiện được phép vào thành phố.
Ngoài việc yêu cầu mọi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết; tạm dừng nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh không thiết yếu, Hà Nội cũng cho dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ô tô, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe máy.

Hà Nội chốt chặn trên cao tốc kiểm soát Covid-19, hàng loạt xe phải quay lại

Trung tâm Hà Nội mất hẳn cảnh kẹt xe ngày đầu giãn cách

Thủ đô Hà Nội chính thức bước vào 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc của Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng chính phủ để ngăn chặn dịch bệnh Coid-19 đang có xu hướng phức tạp.
Theo chỉ thị này, thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu…. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, tại các tuyến phố trung tâm của thành phố ít phương tiện qua lại. Nhiều con phố vốn sầm uất, xe cộ ùn ùn vào giờ cao điểm cũng trở nên thông thoáng. Các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa khiến đường phố không còn cảnh tập nấp, đông người như trước.

Trung tâm Hà Nội mất hẳn cảnh kẹt xe ngày đầu giãn cách xã hội chống Covid-19

Gia đình đau lòng vì tin giả “tự thiêu vì bức xúc cách chống dịch Covid-19"

Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, phường 19, quận Bình Thạnh, TP.HCM) lấy thông tin từ trên mạng xã hội và các ý tứ bình luận của các bài viết trên mạng, rồi xuyên tạc thành tin giả “tự thiêu vì bức xúc cách chống dịch Covid-19 của TP.HCM”.
Cơ quan CSĐT Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng đối với Phan Hữu Điệp Anh (60 tuổi, ở phường 19, quận Bình Thạnh) để điều tra về hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” do hành vi đăng tải hình ảnh, thông tin xuyên tạc về vụ người đàn ông tự thiêu giữa đường. Các quyết định trên đã được Viện KSND Q.Bình Thạnh phê chuẩn.

Gia đình đau lòng vì tin giả “tự thiêu vì bức xúc cách chống dịch Covid-19”

Hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 được điều phối như thế nào?

Những ngày qua, TP.HCM đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 5 với số lượng gần 1 triệu liều được triển khai từ ngày 21.7.2021. Để việc tiêm vắc xin diễn ra đúng theo kế hoạch, đảm bảo đúng đối tượng, an toàn sức khỏe cho người dân cũng như các quy tắc phòng chống dịch, UBND TP.HCM đã thành lập Trung tâm điều phối tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Trung tâm được đặt tại Văn phòng UBND TP.HCM gồm 30 thành viên. Trong đó, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức được phân công làm Trưởng Trung tâm; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam làm Phó trưởng Trung tâm Thường trực và Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Thanh Nhân làm Phó Trung tâm. Lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể và Chủ tịch UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức làm thành viên.
Về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, nhân lực của Trung tâm Điều phối tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 là các trường hợp kiêm nhiệm, trung tâm có nhiệm vụ tham mưu, giúp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM điều phối, kiểm tra, giám sát công tác tổ chức tiêm vắc xin trên địa bàn TP.HCM.

Chiến dịch tiêm gần 1 triệu liều vắc xin Covid-19 ở TP.HCM điều phối thế nào?

Lời khuyên cho người già tiêm vắc xin Covid-19 từ thầy thuốc tuyến đầu

Ngày 24.7.2021, TP.HCM bước vào ngày thứ tư của chiến dịch tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đợt 5 với gần 1 triệu liều của các hãng gồm AstraZeneca, Moderna và Pfizer. Trong đợt này, bên cạnh nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21, thành phố cũng ưu tiên tiêm vắc xin cho nhóm người yếu thế, người mắc bệnh mãn tính và người trên 65 tuổi.
Theo đó, những người thuộc nhóm ưu tiên theo Nghị quyết 21 sẽ được tiêm vắc xin tại các điểm tiêm chủng mở rộng trong cộng đồng. Còn những người có bệnh nền, người trên 65 tuổi được tiêm trong bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị y tế để kịp thời xử lý khi có những phản ứng ngoài mong muốn.
Dù được ưu tiên tiêm vắc xin ngừa Covid-19 nhưng những người có bệnh nền, đang dùng thuốc điều trị bệnh hoặc người lớn tuổi muốn tiêm vắc xin cũng phải trải qua các khâu khám sàng lọc hết sức chặt chẽ để đảm bảo an toàn sức khỏe sau tiêm.
Ghi nhận tại điểm tiêm chủng cho người trên 65 tuổi, người có bệnh nền ở Bệnh viện quận Phú Nhuận, các bác sĩ, điều dưỡng ở khâu khám sàng lọc phải kiểm tra rất kỹ sổ khám chữa bệnh của người dân cũng như đo huyết áp, vận mạch một cách cẩn thận.

Lời khuyên cho người già tiêm vắc xin Covid-19 từ thầy thuốc tuyến đầu

Ngỡ ngàng ra cửa hàng điện thoại mua trứng, rau giá… giật mình

Từ hơn 1 tuần qua, chuỗi cửa hàng điện thoại di động Di Động Việt đã trở thành điểm bán thực phẩm bình ổn giá quen thuộc với nhiều người dân tại TP.HCM.
Người sáng lập chuỗi hệ thống kinh doanh Di Động Việt cho biết, toàn bộ 11 chi nhánh đã được tận dụng để trở thành địa điểm bán hàng bình ổn giá, phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con trong những ngày giãn cách xã hội.
Một mặt hàng thiết yếu khác cũng được nhiều người dân tìm kiếm trong vài ngày qua chính là trứng gà. May mắn kiếm được nguồn cung cấp ổn định, chuỗi cửa hàng điện thoại này trở thành địa chỉ cung cấp trứng uy tín với người dân thành phố. Một vỉ 10 trứng được bán với giá 30.000 đồng.
Không chỉ phục vụ trực tiếp tại 11 địa điểm phân bố rộng khắp các quận trong thành phố, chuỗi cửa hàng này còn khuyến khích người dùng đặt hàng online tại nhà, bằng việc tặng thêm nhiều phần rau củ quả 0 đồng khác. Chính bởi vậy, mỗi ngày hệ thống này tiếp nhận hàng nghìn đơn hàng trực tuyến thông qua website riêng.
Không chỉ giao hàng cho người dân, chính những tài xế công nghệ cũng coi đây là địa chỉ mua rau củ tiện lợi, giá hợp lý trong những ngày mưu sinh vất vả.
Tại TP.HCM, để giúp người dân giảm bớt áp lực trong việc mua sắm thực phẩm thiết yếu, bên cạnh chuỗi cửa hàng di động này, rất nhiều đơn vị kinh doanh hàng mỹ phẩm, siêu thị đồ bỉm sữa, trung tâm anh ngữ, bưu cục chuyển phát nhanh... cũng được chuyển đổi hoặc kết hợp mô hình sang bán rau củ quả, đồ đông lạnh với giá bình ổn, giúp người dân có thêm lựa chọn trong những ngày giãn cách.

Người Sài Gòn ra cửa hàng điện thoại mua rau, trứng giá… giật mình

Ông Đoàn Ngọc Hải tặng xe cứu thương, kêu gọi 3 tỉ mua máy thở tặng TP.HCM

Sáng 24.7.2021, một nhà hảo tâm ở Q.1 (TP.HCM) đã nhận chiếc xe cứu thương đồng hành với ông Đoàn Ngọc Hải trong 11 tháng qua, đồng thời đóng góp lại số tiền 3 tỉ vào Quỹ đồng bào. Toàn bộ số tiền này được dành để mua máy thở và dụng cụ y tế cho bệnh viện dã chiến đang điều trị bệnh nhân Covid-19.
Ngay sau khi gặp gỡ nhà hảo tâm, ông Đoàn Ngọc Hải đã mang theo nhiều đồ bảo hộ, khẩu trang y tế và các máy thở đã đến bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 6 (ở khu tái định cư Thủ Thiêm, P.An Khánh, TP.Thủ Đức) trước khi chính thức tạm biệt chiếc xe này. Bác sĩ Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến thu dung số 6 bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng của ông Hải.
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay ngày 24.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.