Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 17.7: Dịch bệnh nóng bỏng, thêm 16 tỉnh thành thực hiện Chỉ thị 16

17/07/2021 19:34 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 17.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 17.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau: 

Thêm 3.718 ca bệnh mới

Bản tin dịch Covid-19 tối 17.7.2021 của Bộ y tế thông báo có thêm 1.612 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân trong ngày lên 3.718 bệnh nhân. Trong ngày có 292 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 17.7: Cả nước 3.718 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.794 ca

Thông tin về 3.718 ca mắc mới trong ngày 17.7 gồm:
+ 13 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh gồm TP.HCM (8), An Giang (2), Hà Nội (2), Kiên Giang (1).
+ 3.705 ca ghi nhận trong nước, trong đó 2.959 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Gồm: TP.HCM (2.786), Đồng Tháp (180), Long An (134), Bình Dương (124), Đồng Nai (107), Khánh Hoà (100), Vĩnh Long (42), Bến Tre (34), Đà Nẵng (33), Phú Yên (31), Bà Rịa - Vũng Tàu (23), Hà Nội (15), Trà Vinh (15), Hưng Yên (13), Bình Phước (10), An Giang (8 ), Sóc Trăng (6), Cần Thơ (6), Gia Lai (6), Đắc Nông (5), Bình Thuận (5), Hà Nam (5), Bắc Ninh (4), Hải Phòng (3), Quảng Ngãi (3), Bình Định (2), Lâm Đồng (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Ninh Thuận (1), Vĩnh Phúc (1).
Hiện Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 47.904 bệnh nhân Covid-19 kể từ đầu dịch; trong đó có 45.884 ca ghi nhận trong nước và 2.020 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 44.314 ca.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 10.312 ca.

Ngày 17.7: TP.HCM thêm tới 2.794 ca Covid-19 chỉ trong 24 giờ

TP.HCM có bao nhiêu bệnh nhân nặng?

Tại cuộc họp giao ban định kỳ với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đang điều trị cho hơn 20.000 trường hợp dương tính; trong đó có 306 ca thở máy; 8 trường hợp phải can thiệp ECMO.
Về công tác điều trị, ông Nguyễn Thành Phong cho biết mối quan tâm lớn nhất của thành phố hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn, giảm số ca tử vong. Trong thời gian cao điểm, từng xuất hiện tình huống các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời của quận, huyện chậm được các bệnh viện tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng bản đồ khu cách ly tạm thời tại các bệnh viện; bệnh viện dã chiến điều trị F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ; bệnh viện điều trị F0 nặng và bệnh viện hồi sức tích cực. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập hệ thống quản lý điều phối F0 trên toàn địa bàn do Trung tâm cấp cứu 115 vận hành. Mục tiêu là kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện gần nhất và nhanh nhất.

TP.HCM có bao nhiêu bệnh nhân Covid-19 phải đặt máy thở, chạy ECMO?

Hiện nay, số ca F0 trên địa bàn thành phố vẫn tăng nhanh gây áp lực cho hệ thống y tế. TP.HCM đã thiết lập trung tâm hồi sức Covid-19 để điều trị bệnh nhân nặng với 1.000 giường trên cơ sở chuyển đổi công năng một phần Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (ở thành phố Thủ Đức). Ngoài ra, còn 2 cơ sở điều trị khác tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (300 giường) và Bệnh viện Chợ Rẫy (300 giường).
Vừa qua, UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Quốc phòng và báo cáo Chính phủ xin ý kiến về việc thiết lập thêm bệnh viện điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng tại Bệnh viện Quân y 175 (ở quận Gò Vấp). Ông Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, vào sáng 17.7, Bộ Quốc phòng đã chấp thuận đề xuất này.

Thêm 16 tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngày 17.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có văn bản hỏa tốc, đồng ý với đề nghị áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/2020 của Thủ tướng Chính phủ đối với 16 tỉnh thành phố gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.
Thời điểm bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội do Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố quyết định nhưng không muộn hơn 0 giờ ngày 19.7.
Trước đó, đã có 3 tỉnh thành gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn. Như vậy, có tổng cộng 19 tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Với các tỉnh, thành đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày 17.7, căn cứ kết quả chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi quyết định tiếp tục giãn cách xã hội như trước đây, hoặc kéo dài thời gian cùng với các tỉnh mới được bổ sung.

KHẨN: 19 tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phòng Covid-19

Tâm sự những người được điều trị khỏi Covid-19

Tới ngày 16.7.2021, tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 (tại Ký túc xá Đại học quốc gia TP.HCM) có 200 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi và xuất viện.
Gói gọn chiếc quạt và một số đồ dùng cá nhân, ông Cao Tấn Tụ đang làm những thủ tục cuối cùng trước khi rời Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 1 (tại KTX ĐHQG TP.HCM) trở về nhà sau hơn hai tuần điều trị Covid-19.
Ông Tụ là một trong 79 bệnh nhân Covid-19 vừa được xuất viện vào ngày 16.7.2021. Những bệnh nhân khỏi bệnh sau khi làm thủ tục xuất viện sẽ được xịt khử khuẩn đồ dùng cá nhân rồi chờ xe đến đón để về nhà. Mọi người ai cũng vui mừng vì trải qua những ngày được điều trị, cuối cùng đã khỏi bệnh để trở về nhà.
Bước lên chuyến xe trở về nhà, những người từng là bệnh nhân Covid-19 không quên vẫy chào những cán bộ bác sĩ và những nhân viên ở bệnh viện dã chiến số 1. Nhờ đội ngũ y bác sĩ và nhân viên ở bệnh viện này mà họ mới có thể xuất viện.

Tâm sự ngày trở về của những người vừa “thoát” Covid-19 ở bệnh viện dã chiến

Đành gửi con cho cô giáo vì cả phường bị phong tỏa

Chiều 16.7.2021, các rào chắn và bảng thông báo khu vực cách ly phòng chống dịch Covid-19 đã được dựng trên để cầu Bảy Nhạo, P.Hiệp Bình Phước, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Tuy nhiên, do không thấy lực lượng chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát nên nhiều người đi đường bối rối. Có người thì tự giác quay đầu, có người dừng lại xem tình hình, thấy mọi người di chuyển mới tiếp tục di chuyển theo. Có người để ăn chắc thì ghé lại hỏi thăm về thời gian kiểm soát.
Biết thông tin khu vực P.Hiệp Bình Phước sắp bị phong tỏa, chị Minh Hiếu vội mua một ít thức ăn rồi ghé chốt kiểm soát để hỏi tình hình để sắp xếp việc ở công ty và gia đình.
Từ ngày Covid-19 bùng phát, chồng của chị Hiếu đã phải ở lại công ty. Công ty của chị cũng sắp xếp cho nhân viên ở lại nhưng vì có con nhỏ nên chị xin vừa đi vừa về. Tuy nhiên, khi phường của chị cũng bị phong tỏa thì chị chỉ còn cách lựa chọn ở lại công ty và gửi con cho cô giáo ở gần nhà.

Mẹ đành gửi con cho cô giáo khi cả phường bị phong tỏa vì Covid-19

Đưa bà cụ 75 tuổi neo đơn, liệt chân, mắc Covid-19 nhiều ngày vào bệnh viện

Những đoạn video này được UBND P.5 (Q.3, TP.HCM) chung cấp cho Báo Thanh Niên. Nội dung ghi lại thời điểm lực lượng chức năng đến nhà thuyết phục và đưa bà cụ đã 75 tuổi bị liệt chân, sống neo đơn đi chữa trị Covid-19 sau nhiều ngày bà cụ nằm ở nhà.
Trước đó, lực lượng chức năng lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại hẻm 241 Nguyễn Đình Chiểu (P.5, Q.3). Ngày 11.7, xét nghiệm nhanh của cụ bà và một người đàn ông cho kết quả dương tính với Covid-19.
Sáng 12.7, kết quả xét nghiệm khẳng định Realtime-PCR cũng cho kết quả hai người nhiễm Covid-19. Đến tối cùng ngày, người đàn ông đã được lực lượng y tế đưa đi chữa trị, cách ly, còn cụ bà vẫn ở tại nhà.
Đại diện chính quyền phường cho biết trước đó đã phải cắt cử dân quân túc trực trước nhà cụ bà đề phòng có diễn biến mới thì báo cáo về cấp trên đưa ra hướng xử lý. Mỗi ngày, Trạm y tế P.5 cũng cử người xuống thăm khám cho cụ bà. UBND và Trạm y tế phường 5 cũng đã có báo cáo đầy đủ sự việc lên UBND Q.3 với mong cơ quan y tế sớm đưa bà cụ để chữa trị Covid-19.
Tuy nhiên theo chính quyền phường thì có thể do bệnh viện điều trị Covid-19 quá tải hoặc vì tình trạng sức khỏe của bà cụ không đảm bảo nên lực lượng y tế trước đó chưa chở cụ đi điều trị.

Đưa bà cụ 75 tuổi neo đơn, liệt chân mắc Covid-19 nhiều ngày vào bệnh viện

Nhậu xỉn, chạy ô tô ra đường ngày giãn cách, 3 người bị CSGT phạt 41 triệu

Tối 16.7, đội CSGT - TT Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) thực hiện tuần tra kiểm soát người dân ra đường không lý do theo Chỉ thị 16, đồng thời xử lý các lỗi vi phạm về giao thông trong những ngày giãn cách xã hội.
Trên đường Hoàng Sa (bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè), tổ công tác đã dừng ngẫu nhiên nhiều người chạy xe máy, ô tô để kiểm tra giấy tờ tùy thân và hỏi lý do ra đường. Đa số, những người ra đường đều nói: đi làm về, đi mua đồ ăn, đi mua thuốc. Phần đông người được yêu cầu xuất trình đưa ra được giấy thông hành.
Khoảng 20 giờ 30 phút, tổ công tác yêu cầu một xe ô tô màu đen dừng lại. Ngay khi người điều khiển hạ kính xe, mùi bia rượu đã tỏa ra xung quanh. Trên xe, một người đàn ông nằm cởi trần, say xỉn.

Nhậu xỉn, chạy ô tô ra đường ngày giãn cách, 3 người bị CSGT phạt 41 triệu

Đi Bưu điện thành phố tham quan ngày giãn cách, bị CSGT thổi phạt còn cố ‘cãi lý’

Sáng 17.7.2021, đội CSGT - TT Công an Q.1 thực hiện chuyên đề tuần tra kiểm soát lưu động xử phạt người ra đường không có lý do chính đáng theo Chỉ thị 16 và các lỗi vi phạm về giao thông.
Người đàn ông này vừa bị CSGT - TT Công an Q.1 thổi phạt khi đứng giữa đường gần Bưu điện thành phố, không đeo khẩu trang và châm thuốc hút. Làm việc với CSGT, ông cho biết nhà ở Bình Thạnh, đi ra Bưu điện thành phố để mua nước uống nhưng người bán nước không cho ngồi nên ông đang đi qua nơi khác xem có gì hay.

Đi Bưu điện thành phố tham quan ngày giãn cách, bị CSGT thổi phạt còn cố ‘cãi lý’

Kiểm tra hệ thống Bách Hóa Xanh sau phản ánh tăng giá trong dịch bệnh

Sáng 17.7, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, qua phản ánh của người dân, lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, làm việc với 75/641 cửa hàng Bách hóa Xanh tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, 75/641 cửa hàng tại các địa bàn quận 1, quận 3, quận 5, quận 7, quận 10, quận 11, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh đã bị kiểm tra trong chiều 16.7.
Trước đó, phản ánh từ người dân, một số sửa hàng Bách hóa Xanh tại thành phố Thủ Đức tăng giá bán so với giá niêm yết. Tuy nhiên, kiểm tra trực tiếp, nhân viên khẳng định bán đúng giá niêm yết với hóa đơn, dữ liệu lưu.
Qua làm việc, các Đội quản lý thị trường đề nghị các cửa hàng chấp hành quy định về niêm yết giá hàng hóa theo quy định và bán đúng giá niêm yết. Đảm báo số lượng và chất lượng hàng hóa, không kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Duy trì hoạt động theo đúng thời gian quy định, tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế. Đồng thời tuyên truyền quy định pháp luật về áp dụng biện pháp chống dịch, quy định pháp luật xử lý đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, hành vi găm hàng.

Kiểm tra hệ thống Bách Hóa Xanh sau phản ánh tăng giá trong dịch bệnh Covid-19

Tạm phong tỏa chung cư Westa ở Hà Đông có thai phụ mắc Covid-19

Sáng 17.7.2021, ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch UBND P.Mộ Lao cho biết vẫn đang tạm thời phong tỏa chung cư Westa tại ngõ 108 Trần Phú (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó, ngày 16.7, ngành chức năng ghi nhận một thai phụ là cư dân mắc Covid-19. Thai phụ năm nay 30 tuổi, đang mang thai 6 tháng, làm việc tại Viện Cơ khí năng lượng và mỏ - Vinacomin (565 Nguyễn Trãi, P.Thanh Xuân Nam, Q.Thanh Xuân). Đây cũng là nơi vừa phát sinh nhiều ca bệnh Covid-19.
Nghe tin đồng nghiệp mắc bệnh, ngày 15.7, thai phụ đi lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Tạm phong tỏa chung cư Westa ở Hà Đông có thai phụ mắc Covid-19

Phong tỏa ngõ nhỏ có em bé 1 tuổi và nhân viên công ty mắc Covid-19

Sáng 17.7.2021, UBND Q.Đống Đa (TP.Hà Nội) đã phong tỏa khu vực ngách 93 ngõ Văn Hương (P.Hàng Bột). Ngách này là nơi cư trú của 2 bệnh nhân Covid-19; gồm một bé gái 1 tuổi và một nam bệnh nhân 31 tuổi là nhân viên Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (số 59 Quang Trung, P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng).
Trước đó, cơ quan chức năng xác định bé gái này là cháu và có tiếp xúc gần với một ca dương tính Covid-19 vào ngày 14.7.2021. Ngày 16.7, cháu được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Còn người đàn ông 31 tuổi là anh họ của một nhân viên ngân hàng Vietinbank dương tính với Covid-19. Trong thời gian gần đây hai người này không tiếp xúc với nhau. Tuy nhiên, ngày 16.7, nhân viên ngân hàng được xác định dương tính nên bệnh nhân 31 tuổi đi làm xét nghiệm tại Bệnh viện Hồng Ngọc và có kết quả dương tính. Bệnh nhân được lấy lại mẫu và chuyển sang Bệnh viện Đống Đa theo dõi sức khỏe. Đêm 16.7 có kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2.

Phong tỏa ngõ nhỏ có em bé 1 tuổi và nhân viên công ty mắc Covid-19

Phiên chợ lạ ngày giãn cách ở Biên Hòa

Nếu như mấy ngày trước, nhiều người dân ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai phải xếp hàng dài, chờ nhiều tiếng đồng hồ để được vào siêu thị mua thịt heo, rau củ, thì giờ đây chỉ cần 10 phút là có thể mua được những thực phẩm này với giá bình ổn, không cao hơn trước kia bao nhiêu.
Điều này có được là nhờ điểm bán hàng hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 do Thành đoàn Biên Hòa triển khai, đặt trên đường Võ Thị Sáu, thuộc phường Thống Nhất, bắt đầu hoạt động từ 15.7.
Tại đây gần như có tất cả các loại rau củ thiết yếu được lấy từ Đà Lạt về, bên cạnh đó còn có quầy thịt heo của một đơn vị trên địa bàn tỉnh và trứng gà. Tất cả đều được bán với giá bình ổn.
Dù lượng người tới mua khá đông nhưng thời gian chờ đợi không lâu, chỉ khoảng 10 – 15 phút là người dân đã có thể mua được món hàng ưng ý và ra về.
Nếu khách đông thì phải xếp hàng chờ nhằm tuân thủ quy tắc phòng dịch Covid-19. Sau khi vào bên trong, người dân muốn mua món hàng nào, các bạn tình nguyện viên ở đây sẽ lấy bỏ bịch và cân giúp, rồi chuyển cho người mang đến nơi tính tiền.
Chị Nguyễn Ngọc Thảo An, Phó Bí Thư Thành đoàn Biên Hòa cho biết ngoài điểm chính đặt tại đây, trên địa bàn thành phố Biên Hòa còn có thêm 10 gian hàng của các đoàn cơ sở.

Mở “siêu thị" bên đường bán thịt, trứng và rau củ cho bà con ngày Covid-19

4 nữ sinh dương tính, cả xã bị phong tỏa

Ngày 17.7.2021, bà Lê Thị Trang Đài, Chủ tịch UBND H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết xã Bàu Lâm đã được phong tỏa hoàn toàn để phòng chống Covid-19.
Việc xã Bàu Lâm phong tỏa là do trước đó cơ quan chức năng phát hiện trên địa bàn có 4 nữ sinh lớp 12 nhiễm Covid-19. Sau đó, ngành y tế tiếp tục phát hiện nhiều trương hợp dương tính Covid-19 liên quan đến 4 nữ sinh này.
Theo đó, sau khi thi tốt nghiệp THPT xong, 4 nữ sinh trường THPT Hòa Bình (cùng ngụ xã Bàu Lâm) tổ chức đi chơi tại Hồ Tràm, sau đó về nhà thì có biểu hiện sốt, ho. Ngày 13.7, các nữ sinh kiểm tra nhanh dương tính Covid-19. Kết quả xét nghiệm Realtime-PCR cũng cho thấy cả 4 nữ sinh nhiễm Covid-19.
Từ ngày 14 - 15.7, nhiều trường hợp tiếp xúc với 4 nữ sinh này đều có kết quả dương tính Covid-19.
Ngày 17.7, lực lượng y tế H.Xuyên Mộc đã chia thành nhiều tổ đã đến các ấp thuộc xã Bàu Lâm để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân.
Các lối dẫn vào xã Bàu Lâm đã được chốt chặn, người dân địa phương khác không được vào xã này. Trong khi đó, người dân Bàu Lâm ra ngoài không có lý do chính đáng đều được lực lượng chức năng yêu cầu quay về nhà.
Nhiều ngày qua, tại các ấp trên địa bàn Bàu Lâm, lực lượng y tế vẫn đang lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân địa phương. Một lãnh đạo UBND xã cho biết liên quan đến 4 nữ sinh lớp 12 nhiễm Covid-19, đến nay toàn xã đã có hơn 40 trường hợp dương tính Covid-19 và hơn 300 trường hợp F1.

Phát hiện 4 nữ sinh mắc Covid-19 sau khi thi tốt nghiệp, cả xã bị phong tỏa

Công nhân Bình Phước đi test nhanh trước ngày về quê tránh dịch

Sau khi nhiều công ty tại các KCN ở Bình Phước cho công nhân tạm nghỉ việc 15 ngày (kể từ ngày 17.7) do không đáp ứng yêu cầu "3 tại chỗ" của UBND tỉnh, nhiều người lao động đã chủ động đi test nhanh Covid-19 để về nhà với gia đình.
Cùng với tình hình dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng đến 8/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bình Phước. Trong đó 3 địa phương có nhiều KCN, công nhân nhất gồm H.Chơn Thành, H.Đồng Phú và TP.Đồng Xoài cũng đã chính thức thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 12 giờ trưa nay (17.7).
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, nhiều người lao động tại các KCN đã đến các trung tâm y tế, phòng khám lấy mẫu test nhanh Covid-19 dịch vụ, để chắc chắn rằng mình âm tính với Covid-19, không có nguồn bệnh trước khi về với gia đình, tránh lây lan dịch bệnh cho người thân.

Công nhân kéo nhau đi xét nghiệm Covid-19 để về quê tránh dịch

Ở nhà ngày dịch, giới trẻ Việt tập Yoga chờ qua giãn cách

Trong những ngày giãn cách xã hội chống Covid-19, tập yoga là lựa chọn của nhiều người trẻ Việt vừa để “giết” thời gian vừa chống nhàm chán, nâng cao sức khỏe.
Theo báo cáo của YouTube Culture & Trends, lượt xem của cộng đồng tập yoga tăng đều trong vài năm qua, nhưng tăng lên đáng kể từ năm 2020 đến thời điểm hiện tại, khi các khán giả bị ảnh hưởng bởi đại dịch và phải chuyển sang tập luyện tại nhà. Trong đó, yoga là lĩnh vực mà khán giả liên tục tìm kiếm trên YouTube với mong muốn cải thiện thể chất và tinh thần.
Sophie, một HLV người Việt hiện là giáo viên Yoga Quốc tế được chứng nhận bởi Hiệp hội Yoga Alliance (Mỹ), cũng thu hút hàng trăm nghìn lượt xem trên kênh YouTube cá nhân trong thời gian này.

Ở nhà ngày dịch, giới trẻ Việt tập Yoga chờ qua giãn cách

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 17.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.