Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.7: Cả nước gần 3.000 ca, TP.HCM siết mạnh biện pháp chống dịch

14/07/2021 19:17 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 14.7.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.7 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Kỷ lục gần 3.000 ca bệnh một ngày

Bản tin Covid-19 của Bộ Y tế tối 14.7 cho biết cả nước có thêm 829 ca mắc Covid-19, trong đó riêng TP.HCM chiếm nhiều nhất với 592 ca. Tổng số ca mắc trong ngày là 2.934 ca.

Ngày 14.7: Cả nước “kỷ lục” 2.934 ca Covid-19, riêng TP.HCM 2.229 bệnh nhân

Trong ngày cũng có 71 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Thông tin cụ thể về 2.934 ca mắc mới được công bố trong ngày 14.7 như sau:
+ 10 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Bình Định (4), Thanh Hóa (3), Quảng Nam (2), Hà Nội (1).
+ 2.924 ca ghi nhận trong nước; trong đó 2.509 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.
Cụ thể: TP.HCM (2229 ca), Đồng Tháp (133 ca), Đồng Nai (118 ca), Tiền Giang (115 ca), Bình Dương (73 ca), Bến Tre (46 ca), Khánh Hòa (44 ca), Phú Yên (32 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (19 ca), Vĩnh Long (17 ca), Đà Nẵng (15 ca), Sóc Trăng (13 ca), Kiên Giang (11 ca), Bình Thuận (9 ca), Cần Thơ (8 ca), Hà Nội (5 ca), Ninh Thuận (4 ca), Tây Ninh (4 ca), Nghệ An (4 ca), Quảng Ngãi (4 ca), Huế (3 ca), Bắc Ninh (3 ca), Bắc Giang (3 ca), An Giang (2 ca), Trà Vinh (2 ca), Bình Định (1 ca), Vĩnh Phúc (1 ca), Lào Cai (1 ca), Lâm Đồng (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca), Cà Mau (1 ca), Lạng Sơn (1 ca), Bình Phước (1 ca).

Tối 14.7: Thêm 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong ở TP.HCM và Long An

Đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 37.434 bệnh nhân Covid-19; trong đó 35.479 ca ghi nhận trong nước và 1.955 ca nhập cảnh.
- Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27.4 đến nay là 33.909 ca.
- Số ca điều trị khỏi: 9.624 ca.

Siêu thị Emart báo tạm dừng nhận khách, người dân quyết chờ 3 tiếng vào mua hàng

Siêu thị Emart (quận Gò Vấp, TP.HCM) 11 giờ 30 phút trưa 14.7.2021, hàng dài người dân đang xếp hàng tạo nên khung cảnh ùn ứ trước cổng vào. Do lượng khách hàng đến đây quá đông mà siêu thị phải giới hạn số lượng người vào mua sắm cùng một lúc nên phía siêu thị đã phải thông báo tạm dừng nhận khách trong 3 tiếng đồng hồ.

Siêu thị Emart báo tạm dừng nhận khách, người dân quyết đội nắng chờ 3 tiếng vào mua hàng

Những người mua được hàng len lỏi qua đám đông chờ đợi phía trước, chở từng thùng mì chất chồng và những túi lương thực, thực phẩm xếp đầy vào cả trước và sau xe để đi về. 
Ở phía ngược lại, nhiều người vừa mệt mỏi vừa bực bội vì đã chờ lâu mà không được vào siêu thị mua sắm.

Khung cảnh trái ngược: Người chất hàng đầy xe, người đứng chờ mòn mỏi

Lê Nam

Bà Kim Chi, 55 tuổi (ở quận Gò Vấp) đã đi 2 siêu thị trong buổi sáng mà vẫn chưa mua được hàng. Đồ ăn trong 5 ngày qua của gia đình đã gần hết, bà Chi quyết định ngồi chờ siêu thị mở cửa lại dù tuổi đã cao, trời lại nắng.
Sau 5 ngày TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mặc dù thành phố đã khẳng định sẽ cung cấp đủ nhu yếu phẩm cho người dân mua sắm nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều người vẫn có tâm lý mua hàng nhu yếu phẩm để trữ.

Trời nắng, nhiều người đứng dưới gốc cây để chờ vào mua sắm

Lê Nam

Trong khi đó, cũng trong sáng 14.7, đại diện của Sở Công thương TP.HCM khẳng định, sẽ không có chuyện đóng cửa hết các siêu thị, điểm bán hàng vì dịch bệnh. Kể cả trong trường hợp bất đắc dĩ phải đóng cửa, Chính quyền thành phố cũng sẽ có trách nhiệm chuẩn bị hàng hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

"Chính quyền chắc chắn không để người dân đói"

Sáng 14.7, ngày thứ sáu TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - tại các siêu thị bất ngờ chứng kiến hình ảnh người dân đến từ rất sớm để xếp hàng vào mua sắm. Nhiều siêu thị chứng kiến hàng dài khách đứng ngồi lê liệt chờ đợi, tuy người dân có mang khẩu trang nhưng do lượng người quá đông nên nhiều chỗ không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng dịch.
Trước tình trạng trên, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết nhận định việc người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ có thể do vài luồng thông tin từ dư luận chưa chính xác, gây hoang mang.

Người Sài Gòn đội nắng xếp hàng mua rau, thịt: ‘Oải quá không xếp nổi!’

Theo ông Phương, hiện nay, hàng hóa thực phẩm vẫn được cung ứng tới người dân bình thường. Nguồn hàng không thiếu nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống hệ phân phối đang giảm do tình hình lây nhiễm dịch bệnh diễn ra phức tạp và nhanh chóng. Các địa điểm bán hàng không đủ để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, người dân phải thực hiện xếp hàng, giãn cách, không được vào mua hàng thoải mái như trước. Đây là khó khăn chung của tất cả các tỉnh, thành khu vực miền Nam, không phải của riêng TP.HCM.
"Sẽ không có chuyện đóng cửa hết các siêu thị, điểm bán hàng vì dịch bệnh. Kể cả trong trường hợp bất đắc dĩ phải đóng cửa, Chính quyền thành phố cũng sẽ có trách nhiệm chuẩn bị hàng hóa và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chính quyền không thể để người dân đói. Sở Công thương cũng đang nỗ lực hết sức, bằng mọi cách, mọi giá đưa hàng hóa về phục vụ cho người dân" - lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh.

Siêu thị nói gì về chuyện người dân xếp hàng dài chờ đợi trong dịch Covid-19?

Thêm 3 bệnh nhân Covid-19 tử vong

Chiều 14.7, Tiểu ban điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có thông báo về 3 ca tử vong thứ 133, 134 và 135 ở Việt Nam. 3 bệnh nhân đều ở TP.HCM.
Ca tử vong thứ 133 là BN21842, bệnh nhân nữ, 87 tuổi, địa chỉ tại Q. 8, TP.HCM, có tiền sử tăng huyết áp, lão suy. 
Bệnh nhân tử vong vào lúc 3 giờ 30 phút ngày 10.7.2021 với chẩn đoán: nhồi máu cơ tim cấp, sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 trên nền bệnh tăng huyết áp, lão suy.

Chiều 14.7: 3 bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM tử vong

Ca tử vong thứ 134 là BN27272, bệnh nhân nam, 67 tuổi, địa chỉ tại huyện Bình Chánh TP.HCM, có tiền sử tai biến mạch máu não cũ, viêm khớp mạn tính thường phải điều trị tại cơ sở y tế. Bệnh nhân sống cùng con trai bị Covid-19.
Bệnh nhân tử vong vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 10.7 với chẩn đoán: sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng da do Trichosporon asahii, viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2, suy đa cơ quan trên nền bệnh tai biến mạch máu não cũ, viêm khớp mạn tính.
Ca tử vong thứ 135 là BN16223, bệnh nhân nữ, 83 tuổi, địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM, có tiền sử: Tăng huyết áp, sa sút trí tuệ tuổi già, tai biến mạch máu não cũ, mở thông dạ dày qua da. 
Bệnh nhân tử vong vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 12.7 với chẩn đoán: sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng do nhiễm SARS-CoV-2 trên nền bệnh tăng huyết áp, lão suy, nhồi máu cơ tim cũ. 

Cầm ‘giấy thông hành’ đi đón mẹ lúc nửa đêm, nam thanh niên bị lập biên bản

Tối 13.7, tổ công tác gồm CSGT - TT, an ninh, cảnh sát hình sự Công an Q.Phú Nhuận, TP.HCM thực hiện chuyên đề tuần tra kiểm soát người dân ra đường không lý do trong khi TP.HCM đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ công tác đi tuần tra lưu động trên khắp các tuyến đường của quận như: Nguyễn Kiệm, Phan Xích Long, Trường Sa, Nguyễn Trọng Tuyển, Đặng Văn Ngữ, Hồ Văn Huê, Hoàng Minh Giám…
Khoảng 21 giờ 30 phút, trên đường Hồ Văn Huê, CSGT gặp một nam thanh niên vừa chạy ra khỏi nhà nên yêu cầu dừng xe vào bên đường để kiểm tra giấy tờ, lý do ra đường.
Các giấy tờ được xuất trình ghi tên H.A.D (30 tuổi). Anh D. cho biết nhà ở ngay đường ray xe lửa. Anh ra khỏi nhà để đi qua Hóc Môn đón mẹ đi chợ về. Anh D. xuất trình giấy xác nhận đi lại do công ty cấp để ra đường. CSGT cho hay: “Giấy của công ty nhưng mà bây giờ anh đang sử dụng với mục đích đưa rước mẹ. Này giờ tối anh đâu sử dụng cái này được. Công ty là giờ anh đi làm thôi. Anh nói vậy thôi chứ anh cũng không xác nhận là mình đúng trường hợp như hay không. Đúng Chỉ thị 16 cứ ra đường không cần thiết là lập biên bản”.

Cầm ‘giấy thông hành’ đi đón mẹ lúc nửa đêm, nam thanh niên bị lập biên bản

Anh D. gọi điện thoại cho người nhà, báo vừa bị phạt nên không tiếp tục chạy được nữa. Sau đó, quay về phía PV, anh chia sẻ: “Nãy là ba tôi chở mẹ đi qua chợ Hóc Môn để lấy hàng về bán. Mà ba chở hàng về trước nhiều quá nên không chở mẹ về được tôi mới phải đi qua đón”.
Nhưng anh D. chỉ xuất trình được giấy xác nhận đi lại công việc của công ty cấp. CSGT cho rằng, “giấy thông hành” phải được sử dụng đúng cho mục đích công việc, không được dùng giấy cho các chuyện cá nhân để chứng minh lý do ra dường.
Anh D. đã bị CSGT tạm giữ giấy tờ, lập biên bản phạt 2 triệu vì ra đường không cần thiết.

Mang rau từ Đồng Nai mang lên TP.HCM, cự cãi với CSGT vì bị phạt 2 triệu

Cũng tại buổi tuần tra kiểm soát của tổ công tác gồm CSGT - TT, an ninh, cảnh sát hình sự Công an Q.Phú Nhuận vào tối 13.7,  khoảng 19 giờ 30 phút, tại đường Hoàng Minh Giám (đoạn gần Công viên Gia Định), một người phụ nữ đi xe hơi biển số Đồng Nai bị CSGT yêu cầu dừng xe, trình bày lý do ra đường. Xuống xe, người này chỉ xuất trình được giấy xét nghiệm âm tính, nhưng CSGT báo sẽ phạt vì "ra đường không cần thiết", chị bức xúc to tiếng với lực lượng chức năng. 
Theo người này, nếu không có lý do cần thiết chị đã không ra đường, vì giờ này ra đường vừa tốn tiền, vừa tốn thời gian, cũng không có dịch vụ nào mở cửa. Do vậy, chị có việc cần thiết, đó là đưa thực phẩm cho nhân viên và người nhà của mình nên mới ra đường.
 

Mang rau từ Đồng Nai mang lên TP.HCM, cự cãi với CSGT vì bị phạt 2 triệu

Sau một hồi đôi co qua lại, người phụ nữ này cho hay, để di chuyển mỗi ngày từ Đồng Nai lên TP.HCM, chị xét nghiệm đều đặn 3 ngày/lần và dùng giấy đó trình đi đường. Dù vậy, chị vẫn bị lập biên bản phạt 2 triệu đồng theo Nghị định 117.

Theo ghi nhận, trong tối 13.7, CSGT - TT Công an Q.Phú Nhuận cũng ghi nhận một số trường hợp nói "đi về nhà" nhưng không chứng minh được nhà ở khu vực bắt buộc phải đi từ quận này sang quận khác. 

Dựng lều dã chiến, kích hoạt 22 chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ Hà Nội

Theo kế hoạch, 6 giờ sáng nay, 14.7, 22 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ lớn vào Hà Nội được kích hoạt để tổ chức kiểm soát người dân vào thành phố, phòng chống dịch Covid-19.
Từ 5 giờ sáng 14.7, lực lượng chức năng đã triển khai lắp đặt hệ thống lều dã chiến để thiết lập chốt kiểm soát tại các vị trí cửa ngõ. Trước đó, từ đêm 13.7, một số lều dã chiến đã được lắp đặt, sẵn sàng kích hoạt

Trắng đêm dựng lều dã chiến, lập 22 chốt kiểm soát Covid-19 cửa ngõ Hà Nội

Theo phương án, mỗi chốt sẽ có 11 cán bộ tham gia ứng trực, gồm 2 cán bộ CSGT, 1 cảnh sát cơ động, 2 thanh tra giao thông, 2 cán bộ y tế, 2 cán bộ quân đội và 2 cán bộ tư pháp của địa phương. Trong đó, trưởng chốt được giao cho CSGT đảm nhiệm
Trung tá Thiêu Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 5 (thuộc Phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội), cho biết đơn vị này được giao nhiệm vụ trực chiến tại 2 chốt kiểm soát. Để đảm bảo đúng tiến độ, từ 4 giờ 30 sáng 14.7, trung tá Ngọc đã cho triển khai lắp đặt lều dã chiến và trực tiếp tham gia lắp đặt lều tại chốt kiểm soát nút giao QL5B - Cổ Linh (Q.Long Biên), sẵn sàng kích hoạt theo kế hoạch
Theo trung tá Ngọc, tuyến QL5B buổi sáng, lưu lượng phương tiện khá đông, do vậy để tránh mất thời gian, ùn ứ, người dân cần chủ động khai báo y tế đầy đủ, trung thực qua website www.tokhaiyte.vn hoặc qua ứng dụng Ncovi, Bluezone.

Trung tá Thiêu Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội CSGT số 5, tham gia lắp lều giã chiến tại chốt kiểm soát QL5b - đường Cổ Linh (Q.Long Biên)

Ảnh Trần Cường

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội, cho biết để đủ điều kiện, người dân bắt buộc phải mang theo giấy tờ cá nhân, như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, giấy phép lái xe... theo quy định để phục vụ công tác đối chiếu, kiểm soát.

Lều dã chiến sẽ phải hoàn thành trước 6 giờ sáng

Ảnh Trần Cường

Trường hợp người dân từ vùng dịch mà không có giấy xét nghiệm âm tính sẽ buộc quay đầu, không được vào địa bàn Hà Nội. Ngoài ra, những người dân không mang theo giấy tờ cá nhân để thực hiện khai báo y tế, đối chiếu cũng buộc quay đầu.

Không tiêm trộn vắc xin Moderna với vắc xin Covid-19 khác ở Việt Nam

Bộ Y tế vừa có Quyết định số 3400/QĐ-BYT ngày 12.7 về việc phân bổ hơn 2 triệu liều vắc xin Spikevax (Covid-19 vaccine Moderna). Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch, bảo đảm mỗi đối tượng tiêm chủng được tiêm đủ 2 mũi vắc xin này mà không tiêm "trộn" với vắc xin khác.
2 triệu liều vắc xin Moderna này do Mỹ viện trợ cho Việt Nam qua chương trình Covax Facility.
Theo quyết định, hơn 2 triệu liều vắc xin Spikevax được phân bổ tới 53 tỉnh, thành phố, lực lượng công an, quân đội và 20 bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế.
Theo đó, tại khu vực miền Bắc, 870.240 liều vắc xin này được phân bổ cho 28 tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Sơn La, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Giang, Hòa Bình, Hà Nam, Yên Bái, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Điện Biên, Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai và Bắc Kạn.

Bộ Y tế yêu cầu không tiêm trộn vắc xin Moderna với vắc xin Covid-19 khác

Ngoài ra, 10 tỉnh, thành tại miền Trung, gồm: Ninh Thuận, Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Yên, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định và Quảng Nam được phân bổ 309.120 liều; 4 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Đắk Nông, Gia Lai và Đắk Lắk được phân bổ 80.640 liều; 10 tỉnh, thành phố phía Nam được phân bổ 505.680 liều, trong đó, TP.HCM được nhiều nhất với 235.200 liều. Ngoài ra, 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương mỗi tỉnh 65.520 liều; Long An 31.920 liều.
Cũng tại quyết định trên, lực lượng Quân đội tiếp nhận 42.000 liều và lực lượng Công an tiếp nhận 33.600 liều.
Ngoài ra, 20 bệnh viện, viện, trường đại học cũng được phân bổ 158.760 liều, trong đó, Bệnh viện Bạch Mai được phân bổ 15.120 liều; Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Phổi T.Ư, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM và Bệnh viện E mỗi nơi nhận13.440 liều.
Với số vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ 2 độ C đến 8 độ C phải sử dụng hết trong 31 ngày. Các đơn vị được phân bổ cần lập kế hoạch tiếp nhận vắc xin và triển khai tiêm chủng kịp thời, bảo đảm sử dụng hết số vắc xin được nhận.

“Bác sĩ 91” cùng đồng nghiệp lại vào nơi Covid-19 nóng nhất ở TP.HCM

Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.7 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.