Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.8: Cả nước 4.247 ca khỏi bệnh, TP.HCM đẩy nhanh tiêm vắc xin Vero Cell

14/08/2021 19:38 GMT+7

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay của Báo Thanh Niên trực tiếp lúc 20 giờ ngày 14.8.2021 tại địa chỉ thanhnien.vn, kênh YouTube và Facebook của Báo Thanh Niên , trang Báo Thanh Niên trên 2 mạng xã hội Lotus và TikTok.

Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.8 của Báo Thanh Niên gồm có những nội dung sau:

Ngày 14.8: Cả nước ghi nhận 9.716 ca mắc Covid-19

Bản tin Bộ Y tế tối 14.8 cho biết tính từ 18h ngày 13.8 đến 18h ngày 14.8, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 9.716 ca nhiễm mới và 4.247 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Ngày 14.8: Cả nước 9.716 ca Covid-19, 4.247 ca khỏi; riêng TP.HCM 4.231 bệnh nhân

Chiều 14.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 349 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong ở Việt Nam lên 5.437 ca.
Thông tin về 9.716 ca Covid-19 được công bố chiều 14.8 gồm:
- 6 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
- 9.710 ca ghi nhận trong nước tại, trong đó có 3.510 ca trong cộng đồng. Gồm: TP.HCM (4.231), Bình Dương (2.029), Đồng Nai (1.023), Long An (653), Tiền Giang (461), Khánh Hòa (164), Cần Thơ (164), Đồng Tháp (118), Tây Ninh (97), Đà Nẵng (87), Bà Rịa - Vũng Tàu (77), Gia Lai (70), Vĩnh Long (57), Thừa Thiên - Huế (57), Bến Tre (40), Hà Nội (40), Phú Yên (40), Bình Thuận (36), Quảng Ngãi (35), An Giang (33), Kiên Giang (32), Đắk Lắk (26), Bình Định (23), Ninh Thuận (22), Sơn La (17), Trà Vinh (16), Lâm Đồng (14), Nghệ An (12), Nam Định (8 ), Bình Phước (5), Quảng Trị (4), Bạc Liêu (3), Thanh Hóa (3), Hải Dương (3), Lạng Sơn (2), Thái Bình (2), Lào Cai (2), Cà Mau (2), Bắc Ninh (1), Quảng Bình (1).
- Như vậy trong 24 giờ qua số ca nhiễm ghi nhận trong nước tăng 560 ca. Tại TP.HCM tăng 700 ca, Bình Dương giảm 787 ca, Đồng Nai tăng 215 ca.
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận 265.464 ca nhiễm, đứng thứ 80/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.700 ca nhiễm).
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 261.463 ca, trong đó có 94.211 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 96.985 ca.
- Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 579 ca.
- Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 18 ca.

Tối 14.8: Thông báo thêm 349 ca Covid-19 tử vong tại 16 tỉnh thành

Chiều 14.8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 349 ca tử vong tại 16 tỉnh, thành phố nâng tổng số bệnh nhân tử vong ở Việt Nam lên 5.437 ca. Gồm: TP.HCM (285), Bình Dương (32), Long An (10), Tiền Giang (5), Đà Nẵng (3), Đồng Nai (3), Cần Thơ (2), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Thuận (1), Hậu Giang (1), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1), Trà Vinh (1), Vĩnh Long (1).
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 14.8 là 5.437 ca, xếp thứ 69/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính tỷ lệ tử vong/1 triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 161/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 55 người tử vong do Covid-19).
- Số lượng xét nghiệm từ 27.4 đến nay đã thực hiện 7.993.443 mẫu cho 22.570.078 lượt người.
Tổng số liều vắc xin Covid-19 đã được tiêm là 13.772.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 12.500.947 liều, tiêm mũi 2 là 1.271.973 liều.

Công nhân, sinh viên dậy sớm mang thẻ đi tiêm vắc xin Covid-19

Sáng 14.8.2021, nhiều người dân sống tại P.Hòa Thạnh (thuộc Q.Tân Phú, TP.HCM) đã mang theo thẻ tiêm vắc xin Vero Cell của hãng Sinopharm để tới điểm tiêm chủng của phường để tiêm vắc xin ngừa Covid-19.
Những thẻ tiêm vắc xin này đã được UBND phường phát cho người dân trước buổi tiêm một ngày. Trên mỗi tấm thẻ đều có đầy đủ thông tin, về loại vắc xin được tiêm, ngày giờ, địa điểm tiêm và những giấy tờ mang theo khi tới điểm tiêm.
Đặc biệt, trên thẻ thông tin việc người dân có thể đến điểm tiêm để được bác sĩ tư vấn rồi mới quyết định có tiêm hoặc không.

Công nhân, sinh viên dậy sớm mang thẻ đi tiêm vắc xin Covid-19

Tại điểm tiêm chủng này, lực lượng chức năng đã bố trí các khu vực khác nhau. Mỗi khu vực đều có ghế ngồi và nhân viên hỗ trợ, mỗi khu vực đều có ghế ngồi và nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn người dân các bước tiêm chủng.
Các các bác sĩ ngoài việc khám sàng lọc còn tư vấn cho người dân về loại vắc xin được tiêm để người dân an tâm. Sau khi tiêm được nhắc nhở ngồi theo dõi 30 phút rồi được cấp giấy xác nhận để ra về.
Theo bà Lương Thụy Thanh Vân, chủ tịch UBND P.Hòa Thạnh, mỗi tại địa điểm tiêm này sẽ tổ chức tiêm khoảng 800 người. Ngoài ra, để đảm bảo công tác tiêm chủng phường đã vận động qua loa di động, zalo đến từng tổ dân phố, đặc biệt là các khu nhà trọ.
Cùng với đó, phường cũng trước 800 phiếu tiêm chủng cho người dân. Đối với những người không có phiếu nhưng có nhu cầu vẫn có thể tới điểm tiêm chủng, sẽ có lực lượng hỗ trợ người dân khai báo thông tin cũng như sắp xếp để được tiêm vắc xin.

Huyện Hóc Môn tiêm gần 20.000 liều vắc xin Vero Cell ngừa Covid-19 sau 2 ngày

Q.Phú Nhuận ở TP.HCM cơ bản tiêm xong vắc xin mũi 1

Đến sáng 14.8, UBND Q.Phú Nhuận thông tin, quận đã tiêm đạt 118.215/121.324 người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ 97.4%, cơ bản hoàn thành công tác tiêm chủng vắc xin covid-19 trên địa bàn.
Theo số liệu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) công bố vào chiều 13.8, Q.Phú Nhuận có số bao phủ vắc xin so với tổng số dân là 152.387/163.961 người, đạt tỷ lệ 92.94% dân số (tính từ ngày 27.4.2021).
Để đạt được số liệu trên, Quận ủy Phú Nhuận cũng thông tin, trong 23 ngày qua (từ ngày 20.7 - 13.8), công tác tiêm chủng đã huy động tất cả các nguồn lực về y tế trên địa bàn, bao gồm đội ngũ y, bác sĩ, tình nguyện viên của gần 50 đội tiêm được huy động từ hệ thống y tế công lập (Bệnh viện Q.Phú Nhuận, Viện Y dược học Dân tộc TP), dân lập (Bệnh viện Mỹ Đức, Bệnh viện ITO, Bệnh viện An Sinh, Phòng khám Trọng Nghĩa, Phòng khám Hợp Nhân...) và các lực lượng được tăng cường, với gần 100 bác sĩ, gần 90 điều dưỡng và hơn 80 tình nguyện viên y khoa.

TP.HCM: Phú Nhuận là quận đầu tiên cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 ngừa Covid-19

Đồng thời, để phủ nhanh vắc xin và đảm bảo giãn cách theo đúng quy định, Ban chỉ đạo quận đã huy động hơn 300 đoàn viên, hội viên và người dân tình nguyện tham gia hỗ trợ điều phối, tổ chức công tác tiêm chủng.
Ở mỗi điểm tiêm đều có 5 nhân viên điều phối, hướng dẫn; 2 nhân viên điểm danh, 2 nhân viên nhập liệu, 1 chiến sĩ cảnh sát khu vực giữ gìn an ninh trật tự và 2 nhân viên bảo vệ, giữ xe. Đặc biệt, đối với các điểm tiêm dành cho người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền, Ban chỉ đạo đặc biệt lựa chọn đội ngũ những y, bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao, đảm bảo việc tiêm chủng an toàn nhất.
Trong những ngày cao điểm, quận triển khai đến 21 điểm tiêm cố định và 1 đội tiêm lưu động (tiêm tại các khu vực phong tỏa, tại nhà những trường hợp không đi lại được, các can phạm nhân tại nhà tạm giữ Công an quận...).
Ngoài Q.Phú Nhuận, thì trước đó, tính đến ngày 30.7, Q.11 đã tiêm vắc xin cho 43.266/47.948 người dân đến khám sàng lọc, đạt tỉ lệ 90,24%, trong số này có 2.708 người trên độ tuổi 65. Q.11 đang dẫn đầu TP.HCM về tốc độ tiêm chủng.

TP.HCM phạt gần 15.000 trường hợp không chấp hành Chỉ thị 16

Ngày 14.8, đại diện Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM cho biết từ ngày 1.6 - 13.8, đơn vị này đã xử lý hàng loạt vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19 với số tiền hơn 29 tỉ đồng.
Theo vị đại diện này, trong thời gian TP.HCM áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, PC08 đã tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tiếp tục duy trì bố trí các chốt trạm (có rào chắn di động) trên tuyến đường đảm trách. 
Đồng thời, PC08 phân công các tổ tuần tra kiểm soát tăng cường kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg và Chỉ thị 12-CT/TU, tập trung kiểm soát triệt để việc ra đường trong trường hợp không cần thiết của người dân và các trường hợp không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của TP.HCM.

TP.HCM: Phạt gần 15.000 trường hợp không chấp hành Chỉ thị 16 phòng, chống Covid-19

Qua công tác kiểm tra, giám sát, đại diện PC08 cho biết, tính đến ngày 13.8, bên cạnh những người dân chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch vẫn còn tồn tại một số trường hợp cố tình vi phạm...
Cụ thể, kể từ ngày 1.6 - 13.8, trong quá trình thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát lực lượng CSGT TP.HCM đã tiến hành xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm các quy định về phòng chống dịch trong lĩnh vực y tế. Cụ thể đã xử lý 570 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang, tổng số tiền phạt là hơn 1,14 tỉ đồng; xử lý 14.820 trường hợp không chấp hành Chỉ thị 16/CT-TTg, tổng số tiền phạt là hơn 29,6 tỉ đồng.
Để tăng cường hiệu quả trong công tác phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian tới lực lượng PC08 sẽ tiếp tục phối hợp cùng các lực lượng liên quan thực hiện tốt việc kiểm soát người và phương tiện nhằm đảm bảo việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
 

Đà Nẵng phong tỏa toàn thành phố trong 7 ngày

Ngày 14.8, UBND TP.Đà Nẵng phát đi thông cáo báo chí về việc dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn thành phố bắt đầu từ 8 giờ ngày 16.8 đến 8 giờ ngày 23.8.
Theo UBND TP.Đà Nẵng, trước tình hình diễn biến dịch đang ngày càng phức tạp trên địa bàn, nhằm tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, lãnh đạo TP.Đà Nẵng thống nhất chủ trương dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn, thực hiện nghiệm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà.
Cơ quan, công sở, đơn vị giảm tối đa số lượng người làm việc tại trụ sở, chỉ cử người ở lại làm những công việc thật sự cần thiết (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch); các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao được phép hoạt động và chỉ được tối đa 30% số lượng người lao động tại đơn vị. Tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đảm bảo tổ chức “3 tại chỗ” (làm việc tại chỗ - ăn uống tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).

Đà Nẵng phong tỏa toàn thành phố trong 7 phòng Covid-19 ngày từ 8 giờ ngày 16.8

 
Trong thời gian 7 ngày áp dụng biện pháp nêu trên, Sở Y tế xây dựng và triển khai kế hoạch lấy mẫu, xét nghiệm SARS-CoV-2 một cách nhanh chóng, an toàn, hiệu quả trên diện rộng, có độ bao phủ toàn thành phố để tìm và nhanh chóng đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra khỏi cộng đồng; khẩn trương khoanh vùng, đánh giá chính xác về mức độ nguy cơ dịch bệnh theo từng khu vực quận, huyện, phường, xã, thôn, tổ dân phố để lãnh đạo TP.Đà Nẵng quyết định các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
UBND TP.Đà Nẵng chỉ đạo các ngành và địa phương xây dựng phương án cụ thể, hiệu quả nhằm bảo đảm cung ứng lương thực thực phẩm thiết yếu cung ứng đến tận các tổ dân phố, đến người dân cũng như có phương án hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, chính quyền Đà Nẵng cũng đề nghị người dân không tập trung đông người để mua sắm dự trữ quá nhiều, dễ có nguy cơ lây lan dịch bệnh cho chính mình và cộng đồng.

Đà Nẵng tạm dừng tiêm vắc xin Covid-19 vì người dân không tuân thủ lịch

Ngày 14.8, Sở Y tế Đà Nẵng chính thức thông tin việc dừng lịch tiêm vắc xin tại Cung thể thao Tiên Sơn, khi đối tượng ưu tiên tiêm chủng không tuân thủ lịch và quy định giãn cách chống dịch Covid-19.
 
Cụ thể, ngày 13.8, Trung tâm Y tế (TTYT) Q.Thanh Khê (Đà Nẵng) tổ chức tiêm vắc xin AstraZeneca phòng Covid-19 mũi 1 cho 1.923 đối tượng là công nhân, người lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (thuộc khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu) tại Cung thể thao Tiên Sơn. Lịch tiêm phân bổ theo 3 ca từ 6 giờ đến 21 giờ.
Căn cứ trên danh sách đã được lập do các đầu mối Ban Quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (BQL), doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh quản lý, TTYT Q.Thanh Khê đã thông báo cụ thể cho các đầu mối về thời gian tiêm chủng khác nhau của từng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để đảm bảo giãn cách, phòng, chống dịch Covid-19.
Từ 6 giờ sáng ngày 13.8, nhân viên y tế đã có mặt tại điểm tiêm chủng, tổ chức, chuẩn bị, chờ đợi nhưng chỉ có 505 người đến tiêm vắc xin, chưa được một nửa lịch phân bổ.
Đến buổi chiều cùng ngày, lượng người đi tiêm đột ngột tăng lên với số lượng lớn, khoảng 1.800 người, trong đó có rất nhiều trường hợp không đến đúng thời gian đã được thông báo (chủ yếu là người lao động Công ty TNHH Murata Manufacturing Việt Nam) và không đúng đối tượng trong danh sách tiêm chủng, dẫn đến tập trung đông người, không đảm bảo giãn cách, phòng, chống dịch Covid-19. 

Bệnh nhân Covid-19 sẽ dùng thuốc điều trị vi rút tại nhà

Tại Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh Covid-19 và an toàn tiêm chủng diễn ra sáng 13.8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Tới đây sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị tại nhà tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khi có ca nhiễm tăng nhanh, vượt quá khả năng thu dung, điều trị của các cơ sở, để đảm bảo vấn đề quản lý và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhà, cũng như các cơ sở thu dung, điều trị ban đầu”.

Làm sao biết mình từng mắc Covid-19 và tự khỏi | BÁC SĨ ƠI số 6

Đáng lưu ý, ông Long thông tin, tới đây Bộ Y tế sẽ triển khai chương trình điều trị tại nhà thí điểm sử dụng thuốc Molnupiravir là một trong những thuốc được đánh giá giảm nhanh nồng độ vi rút. Hiện các hội đồng đạo đức, khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp để sớm triển khai khi có thuốc này.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở nhập thuốc, tăng sản xuất thuốc Molnupiravir, khi có điều kiện sẽ sử dụng; đồng thời đề nghị các doanh nghiệp đủ năng lực có thể trao đổi với các doanh nghiệp có bản quyền để chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc này.
 
Những trăn trở của bác sĩ Bạch Mai bám trụ TP.HCM chống dịch
Ngày 14.8.2021, bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết sau một tuần đi vào hoạt động, Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách tại Bệnh viện dã chiến số 16 trên đường Đào Trí, quận 7, TP.HCM đã tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng. Trong đó, có 20 ca đã hồi phục, chuyển độ nhẹ.
Để đáp ứng công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nặng, Bệnh viện đã điều động 250 bác sĩ có chuyên môn cao của Bênh viện Bạch Mai vào thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19. Trung tâm cũng có sự hỗ trợ lực lượng từ nhiều cơ sở y tế khác.
Trong ít ngày tới, sẽ có hàng trăm bác sĩ, điều dưỡng từ các nơi chi viện đến để đáp ứng uy mô 500 giường hồi sức tích cực. Ngoài 500 giường hồi sức, Bệnh viện dã chiến số 16 còn 2.500 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nhẹ và vừa.

Những trăn trở của bác sĩ Bạch Mai bám trụ TP.HCM chống dịch Covid-19

Theo bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn, do tình hình bệnh nhân Covid-19 có diễn tiến bệnh rất nhanh nên hiện tại các y bác sĩ đều phải tăng công suất làm việc, bệnh viện còn cần lượng lớn nhân viên y tế nữa để đảm bảo được việc chăm sóc tốt nhất cho các bệnh nhân.
Trong trường hợp bệnh nhân cấp cứu vào nhiều người cùng một lúc, bệnh viện sẽ huy động tối đa lực lượng để ứng phó. Đội ngũ y bác sĩ tại đây đều có chuyên môn cao trong điều trị các bệnh liên quan đến hô hấp, cấp cứu. Phân luồng, chống nhiễm khuẩn cũng làm rất khoa học. Đội ngũ y bác sĩ tại đây mỗi ngày đều cải thiện các phương pháp chăm sóc tốt nhất, giúp bệnh nhân chuyển từ nguy kịch sang nhẹ nhanh nhất.
"Làm thế nào để điều trị được những bệnh nhân đó tốt nhất và làm thế nào đó để cứu được nhiều bệnh nhân nặng và nguy kịch nhất. Đó là đòi hỏi cũng như khát khao của nhân viên y tế nói chung và cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai nói riêng. Bác sĩ Đỗ Ngọc Sơn - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.
Theo bác sĩ Sơn, Trung tâm Hồi sức Tích cực Covid-19 Bạch Mai công khai điện thoại đường dây nóng là: 0787.515.940 và 02835.358.553 để thuận tiện nhất cho công tác phân loại và tiếp nhận các bệnh nhân nặng.
Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 Bệnh viện Bạch Mai đã xây dựng danh mục thiết bị thuốc, kỹ thuật, sinh phẩm gửi Bộ Y tế và Bệnh viện Bạch Mai chuyển vào tổng kho ở TP.HCM nhằm đáp ứng quy mô 500 giường Hồi sức.
Với hệ thống trang thiết bị hiện đại, lực lượng nhân viên y tế có chuyên môn cao, bác sĩ Sơn hy vọng đáp ứng được việc điều trị các ca bệnh nặng, giúp bệnh nhân mau hồi phục, trở về với gia đình.

Người Cà Mau dậy sớm ra bến xe về quê

Từ 1 giờ sáng nay (14.8), nhiều người Cà Mau ở TP.HCM và một số khu vực lân cận đã thức dậy để khăn gói hành lý ra Bến xe Miền Tây, kịp lên những chuyến xe nghĩa tình màu cam trở về quê nhà tránh Covid-19.
Vào lúc 7 giờ 15 phút sáng ngày 14.8.2021 tại Bến xe Miền Tây, những chuyến xe nghĩa tình của Công ty Cổ Phần Xe Khách Phương Trang – FUTA Bus Lines (Phương Trang) lên đường đưa những người dân Cà Mau đầu tiên về lại quê nhà tránh dịch. Trong cùng ngày, Phương Trang cũng đưa 49 sinh viên Đồng Nai về với gia đình.
Trong hành trình về “Đất Mũi” lần này, Phương Trang chuẩn bị 5 xe loại 40 giường đưa 104 người dân. Khi về đến Cà Mau dự kiến khoảng 13 giờ 00 cùng ngày, người dân sẽ được đưa đến khu cách ly tập trung do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Cà Mau bố trí.

Người Cà Mau tại TP.HCM dậy từ 1 giờ sáng để về quê tránh dịch Covid-19

Ông Trần Quốc Cường - Phó trưởng ban, Tổng thư ký Ban liên lạc Hội đồng hương Cà Mau tại TP.HCM cho biết: "Cà Mau có hơn 1.300 người đăng ký về quê nhưng đợt này chúng tôi cũng giải quyết dự kiến 100 người thôi. Những người này đặc biệt khó khăn trong vấn đề bệnh tật, không tiền ở trọ, không còn lương thực, thực phẩm, những người mang bầu sắp sinh, những người có chế độ đặc biệt với chính sách đặc biệt ở trên đây chứ không phải xét theo chính sách ngày xưa ở quê. Tất cả có xác minh, kiểm chứng ở địa phương và nơi ở của họ để cho họ đi về".

Người dân Cà Mau, Bạc Liêu ra bến xe Miền Tây từ 4-5 giờ sáng 14.8.2021

Việc đưa người dân hồi hương lần này nằm trong chương trình “5.000 chuyến xe miễn phí đưa người dân về quê tránh dịch” do hãng xe Phương Trang thực hiện với sứ mệnh “trả ơn Đất Nước, đóng góp Cộng đồng”. Chương trình được phối hợp triển khai cùng cơ quan chức năng các tỉnh, thành có người dân sống và làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn do dịch Covid-19. 

7 giờ 15 phút, cùng sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát giao thông, đoàn xe màu cam đã bắt đầu lăn bánh, rời bến xe Miền Tây trở về Đất Mũi

Trên các chuyến xe nghĩa tình này, nhiều người dân không ngần ngại chia sẻ niềm vui và sự cảm kích khi được hỗ trợ về nhà trong lúc này bởi đó không chỉ là câu chuyện về miếng cơm, manh áo mà còn sự an tâm, sớm tối được bên gia đình, người thân giữa lúc đầy biến động do dịch bệnh này.   
Còn rất nhiều tin tức, phóng sự đáng chú ý khác trong Bản tin tình hình Covid-19 hôm nay 14.8 lúc 20 giờ trên các nền tảng của Báo Thanh Niên. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.