Bán công sản cho Vũ ‘nhôm’, ngân sách được gì?

09/01/2018 08:37 GMT+7

Câu hỏi được người đứng đầu Chính phủ đưa ra hôm qua (8.1), tại hội nghị tổng kết ngành tài chính để nhắc nhở việc siết chặt quản lý tài sản công .

Cụ thể, phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Bộ Tài chính nếu không siết lại quản lý công sản sẽ gây thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí còn các nhóm lợi ích “làm phép” hưởng lợi khổng lồ trên khối tài sản công của nhà nước.
“Tôi xin nêu một ví dụ mới nhất, đó là trường hợp bán nhà công sản cho Vũ “nhôm” diễn ra ở TP.Đà Nẵng. Nhà nước được cái gì?”, Thủ tướng đặt câu hỏi và yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dữ liệu quốc gia về tài sản công, xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ.
Trước đó, người đứng đầu Chính phủ dành lời khen cho những nỗ lực, thành tích của ngành tài chính. Đặc biệt, thu vượt dự toán ngân sách và kế hoạch được giao. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý các chính sách thuế nói riêng và tài chính nói chung hay thay đổi, gây tác động tiêu cực tới người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh thực tế chính sách thuế vừa qua luôn được giải thích theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước; quyền lợi của người nộp thuế ít được quan tâm bảo vệ. Việc sửa đổi pháp luật về thuế tới đây phải quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người nộp thuế.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề về định hướng cơ chế thu ngân sách nhà nước hiện nay vẫn tư duy theo hướng coi trọng việc tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi đó, cách mạng công nghệ 4.0 phát triển mạnh, đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như: kinh tế chia sẻ, thương mại - dịch vụ điện tử... Mà cụ thể là các loại hình Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng xã hội... “Đây là những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế, nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, lúng túng trong hoạch định chính sách để quản lý và khai thác các nguồn thu này”, Thủ tướng gợi ý.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính cần có biện pháp mạnh mẽ để dẹp bỏ ngay tình trạng này và đề nghị Mặt trận Tổ quốc VN phát động phong trào “doanh nghiệp nói không với chi phí bôi trơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.