Bạn cần biết: Bị hủy tour vì Covid-19, khách hàng có được bồi thường ?

27/02/2020 10:14 GMT+7

Việc các công ty lữ hành hủy tour đến Hàn Quốc, Ý, Nhật Bản, Iran... vì dịch Covid-19 được coi là trường hợp bất khả kháng.

Hủy tour vì dịch Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng

Theo luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn LS TP.HCM), trong trường hợp hai bên đã ký kết hợp đồng để đi tour nhưng do dịch bệnh, mà cụ thể hiện nay là dịch Covid-19 và cơ quan nhà nước đã có văn bản yêu cầu các tổ chức, cá nhân không được đi đến vùng dịch thì đây được xem là trường hợp bất khả kháng.

Các hãng bay Hàn Quốc hoãn chuyến bay đến Daegu vì dịch Covid-19

“Căn cứ theo điều 156, Bộ luật Dân Sự 2015, thì sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”, luật sư Sang cho biết.
Cùng quan điểm trên, luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng việc các công ty lữ hành dừng tour đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và Iran vì dịch Covid-19 là trường hợp bất khả kháng.
Theo ông Tuấn, dịch Covid-19 là sự kiện xảy ra ngoài ý muốn của con người khiến chúng ta không thể lường trước và chưa khắc phục được mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết, khả năng cho phép, theo điều 156, Bộ luật Dân sự. Các trường hợp như thiên tai, dịch bệnh,… cũng được xem là trường hợp bất khả kháng.

Khách hàng được giải quyết quyền lợi theo hợp đồng

Theo LS Sang, trong trường hợp hai bên đã ký kết hợp đồng, khi xảy ra trường hợp bất khả kháng thì bên phía công ty tổ chức tour được miễn trách nhiệm bồi thường cho khách hàng và ngược lại khi khách hàng hủy chuyến cũng không bị xem là vi phạm hợp đồng. Các bên chỉ có nghĩa vụ hoàn lại những gì đã nhận của nhau sau khi trừ đi các chi phí hợp lý.

Khách nước ngoài nói gì khi đến Việt Nam du lịch giữa lo ngại dịch Covid-19?

Theo LS Lê Trung Phát (Đoàn LS TP.HCM), hợp đồng tour du lịch giữa các công ty du lịch với khách hàng là hợp đồng được xác lập dựa trên quy định của Luật Thương Mại 2005. Vì vậy trong hợp đồng giữa các bên, pháp luật cho phép tự thỏa thuận, miễn sao thỏa thuận đó không trái hoặc vi phạm pháp luật.
Trong đó, việc bồi thường thiệt hại là một vấn đề rất quan trọng và luật cũng cho phép các bên thỏa thuận các căn cứ làm cơ sở để giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại nếu có xảy ra trong tương lai. Trong đó có căn cứ về sự kiện bất khả kháng như thiên tai, địch họa hay dịch bệnh như Covid-19.
“Trong trường hợp, các bên có thỏa thuận trong quá trình thực hiện hợp đồng, mặc dù có sự kiện bất khả kháng xảy ra, nhưng hợp đồng vẫn được thực hiện đến cùng hoặc có một bên bị tác động do sự kiện bất khả kháng gây ra dẫn đến không thực hiện được hợp đồng nữa thì vẫn phải bồi thường thiệt hại cho bên kia, thì thỏa thuận này vẫn được pháp luật thừa nhận.

Du lịch Việt biến động vì dịch Covid-19

Còn nếu các bên lấy căn cứ của sự kiện bất khả kháng để làm căn cứ miễn trách nhiệm bồi thường thì vẫn được pháp luật công nhận. Cụ thể là theo quy định tại Điều 294 Bộ Luật Thương mại năm 2005, trường hợp miễn trách nhiệm bồi thường đối với hành vi vi phạm khi xảy ra sự kiện bất khả kháng ”, ông Phát phân tích.
Ngoài ra, theo ông Phát, để bảo đảm được quyền lợi, các bên cần xem lại kỹ nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng, có loại trừ trách nhiệm bồi thường khi phát sinh sự kiện bất khả kháng hay không. Tuy nhiên, không phải bất kỳ sự kiện nào liệt kê là “sự kiện bất khả kháng” thì khi nó xảy ra hiển nhiên sẽ được xem là bất khả kháng để loại trừ trách nhiệm của bên gây thiệt hại, mà lúc đó chúng ta cần xem xét đánh giá một cách khách quan sự kiện này. Và trường hợp hủy tour du lịch vì dịch Covid-19 cũng được xét là sự kiện bất khả kháng. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.