Bài học trọng dụng nhân tài kiến quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

16/05/2020 09:00 GMT+7

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc trọng dụng và phát hiện người tài đức. Người cũng luôn yêu cầu kiểm tra chặt chẽ để loại bỏ những người không đủ tài đức, gây hại cho việc chung.

Tổ quốc trên hết

Ngày 14.11.1945, hơn hai tháng sau ngày đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trong bài viết Nhân tài và kiến quốc đăng trên Báo Cứu Quốc, Hồ Chủ tịch viết: “Kiến quốc có chắc thành công thì kháng chiến mới mau thắng lợi. Kiến thiết thì phải có nhân tài”. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài ngày càng phát triển, càng thêm nhiều.
Tiếp đó, Hồ Chủ tịch lại công bố văn bản “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu Quốc năm 1946. Muốn “trọng dụng những kẻ hiền năng”, Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương phải lập tức điều tra “người tài đức”, làm được những việc ích nước lợi dân. Hạn trong 1 tháng thì “phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”.
Để lựa chọn người tài phục vụ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng tài năng ở trong công việc, lấy thước đo là tinh thần vì dân, vì nước, không hẹp hòi, không câu nệ là người trong Đảng hay ngoài Đảng.
Để có người tài phục vụ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngại ngần mời cả những người không phải đảng viên như luật sư Phan Anh, tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên; hoặc những người đối lập như cụ Nguyễn Hải Thần, ông Nguyễn Tường Tam, ông Vũ Hồng Khanh tham gia Chính phủ giữ các ghế bộ trưởng hay phó chủ tịch nước như cụ Nguyễn Hải Thần.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng từng bị phê phán trong Luận cương năm 1930 là “hiện còn tìm cách thỏa hiệp với đế quốc” hay được đưa vào danh sách “đang âm mưu hại nước” trên Báo Cờ Giải Phóng năm 1943, Hồ Chủ tịch vẫn có thư mời ra gánh vác việc nước, làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, rồi quyền Chủ tịch nước khi Hồ Chí Minh sang Pháp gần nửa năm. Ngược lại, cụ Huỳnh cũng là người trượng nghĩa, không vì chuyện tiểu khí hẹp hòi cũ của những cán bộ cộng sản (một người là Tổng bí thư đầu tiên đã mất và một người là Tổng bí thư đương nhiệm phê phán). Cụ Huỳnh đã đặt quyền lợi Tổ quốc trên hết, làm Đặc phái viên của Chính phủ tại miền Trung cho đến khi qua đời (1947).
Cụ Vi Văn Định khi đương chức Tuần phủ Hưng Yên, Tổng đốc Thái Bình và Tổng đốc Hà Đông, có tiếng là thẳng tay trị cộng sản. Nhưng khi cụ hưu trí, Hồ Chủ tịch vẫn đề nghị mời cụ ra giúp nước nhà. Có người khơi lại chuyện cũ, nhắc rằng cụ Vi “khét tiếng”… Hồ Chủ tịch nói, có tiếng khét ắt cũng phải có tiếng thơm. Và Cụ Hồ đã cử ông Nguyễn Văn Ngọ (bí danh Ba Ngọ) là Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đến tận Bản Chu (H.Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) mời cụ Vi cùng gánh vác việc nước...
Sự có mặt của cụ Vi Văn Định tại Chiến khu Việt Bắc làm Ủy viên Mặt trận Liên Việt (sau đổi tên là Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam) cho đến khi qua đời (1975) đã là niềm tin cho nhiều quan lại triều Nguyễn tin tưởng vào chính sách đại đoàn kết của chính quyền mới. Các con, cháu của cụ, trong đó có hai người con rể là GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, GS-BS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng ĐH Y khoa, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam và người cháu rể là GS-BS Tôn Thất Tùng toàn tâm toàn ý phục vụ cách mạng, phục vụ đất nước.

Tài đức vẹn toàn

Lên non kháng chiến, Hồ Chí Minh vẫn mời các nhân sĩ trí thức tham gia Chính phủ. Hồ Chủ tịch cho người tin cẩn về Đường Lâm đón cụ Phan Kế Toại, cựu Khâm sai đại thần triều Nguyễn lên Việt Bắc để làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Từ năm 1955, cụ Phan Kế Toại làm Phó thủ tướng cho đến khi từ trần (1973).
Trước đó, trong chuyến sang thăm nước Pháp (1946), Người đã chọn 4 trí thức trẻ là Phạm Quang Lễ (kỹ sư Trần Đại Nghĩa), bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Quí Huân và kỹ sư Võ Đình Quỳnh cùng về. Những bậc hiền tài của đất nước đã tham gia kháng chiến cho đến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Kỹ sư Trần Đại Nghĩa trở thành chuyên gia vũ khí, sáng chế súng bazoka và chỉ đạo nhiều hoạt động của ngành quân giới. Ông được phong quân hàm thiếu tướng đợt đầu tiên (1948), Anh hùng Lao động đợt đầu tiên (1952) và được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN đợt đầu tiên (1996).
GS-BS Trần Hữu Tước đã đào tạo một đội ngũ y bác sĩ đầu ngành, bản thân là chuyên gia đầu ngành về tai mũi họng. Ông còn là đại biểu Quốc hội nhiều khóa và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH-CN đợt đầu tiên. Kỹ sư Võ Quí Huân được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ, nghiên cứu sản xuất thí nghiệm những mẻ gang đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp. Từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được phân công làm Hiệu trưởng Trường dạy nghề kỹ thuật - tiền thân của ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Trọng nhân tài, biết dùng nhân tài, song Hồ Chủ tịch cũng yêu cầu kiểm tra chặt chẽ để loại bỏ những người không đủ tài đức, gây hại cho việc chung. Kháng chiến chống Pháp, có người là Chánh văn phòng Bộ Thương binh Cựu binh, đương chức đại biểu Quốc hội, vì xâm phạm công quỹ, Người quyết định cách chức và đưa ra Quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.