Bài bịp chứa chất phóng xạ có nguồn gốc Trung Quốc

22/08/2014 09:00 GMT+7

Hôm qua 21.8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bị can và tạm giam Bùi Đình Chung (34 tuổi, ở P.Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) về hành vi 'mua bán trái phép chất phóng xạ'.

Hôm qua 21.8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố bị can và tạm giam Bùi Đình Chung (34 tuổi, ở P.Cẩm Thịnh, TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh) về hành vi “mua bán trái phép chất phóng xạ”.

Bài bịp chứa chất phóng xạ có nguồn gốc Trung Quốc
Bốn bộ bài có chứa phóng xạ cùng một số tang vật liên quan do cơ quan Công an Quảng Ninh thu giữ - Ảnh: Công an Quảng Ninh cung cấp

Cùng  ngày, Viện Khoa học - Kỹ thuật hạt nhân VN cũng có kết quả về mẫu chất phóng xạ trong các bộ bài mà Công an tỉnh Quảng Ninh gửi giám định ngày 15.8. Theo đó, trong các bộ bài có 4 quân chứa chất phóng xạ (đồng vị phóng xạ i ốt - 125, có ký hiệu (125i) phát bức xạ gamma mềm với các đỉnh năng lượng 35,5 keV, 31 Kev và 27 keV. Hoạt độ phóng xạ của mỗi quân bài được xác định cỡ ~ 5,3 MBq (hoạt độ riêng >70 Bq/kg).

 

Chất phóng xạ đã len lỏi vào đời sống

Trả lời Thanh Niên, TS Đặng Thanh Lương, nguyên Phó cục trưởng Cục An toàn - bức xạ và hạt nhân, bức xúc: “Tại sao chất phóng xạ từ Trung Quốc có thể tuồn vào VN dễ dàng như vậy. Việc này cho thấy chất phóng xạ đang len lỏi vào đời sống, vào khu dân cư, các chợ như một chất rất bình thường. Nguy hiểm hơn, nếu không kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng tới an ninh hạt nhân. Cơ quan chức năng cần đưa ra những cảnh báo, khuyến cáo cho người dân, những người buôn bán hiểu mức độ nguy hiểm của phóng xạ.

Thu Hằng

Trước đó, Công an Quảng Ninh đã bắt giữ Bùi Đình Chung đang tàng trữ 4 bộ bài tây chuyên dùng chơi bạc bịp, có chất phóng xạ. Viện Khoa học - Kỹ thuật hạt nhân VN sau đó đã giám định quân bài này. Theo nguồn tin của Thanh Niên, loại bài này thẩm lậu từ Trung Quốc về Hà Nội, rồi mới đến các tỉnh thành khác. Theo một lãnh đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) - Công an tỉnh Quảng Ninh, do bộ bài không có gì khác lạ, và chỉ có một số quân có chất phóng xạ nên việc phát hiện là rất khó. Thậm chí người sản xuất còn có thể phủ chì ở một mặt để vô hiệu hóa máy đo. Trong 4 bộ bài trên, mỗi bộ có con 6 “cơ” chứa chất phóng xạ.

Tại cơ quan công an, Chung cũng khai nhận, để điều khiển được con bài có chứa phóng  xạ thì phải có một máy đo phóng xạ tự chế (đo được trong bán kính 2 m). Khi người cầm cái xóc quân bài có nhiễm phóng xạ thì máy sẽ rung lên, nếu quân lẻ máy sẽ rung nhiều, liên tục; nếu quân chẵn máy sẽ rung ít hơn. Chung cũng thừa nhận đã mua loại bài này về và bán được khá nhiều tại Quảng Ninh.

Theo giới bài bạc ở Quảng Ninh, đánh bạc bằng thủ đoạn này là chắc thắng 100%. Loại bài như vậy đã có ở Quảng Ninh khá lâu, nhiều người biết nhưng do giá cao (trên 3 triệu đồng/bộ) nên không phải đối tượng nào cũng mua để đánh. Mặt khác nếu chơi liên tục với loại bài này sẽ rất mệt mỏi, có khi không đứng dậy được khi tàn cuộc. Hiện Công an Quảng Ninh đang điều tra mở rộng vụ án.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Trong một diễn biến khác, sau khi Báo Thanh Niên ngày 20.8 đăng bài Bài bịp chứa chất phóng xạ, hôm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ (KH-CN) cho biết đang phối hợp với Cục An ninh kinh tế tổng hợp (A85) thuộc Bộ Công an kiểm tra làm rõ thông tin về việc buôn bán, tàng trữ chất phóng xạ trên thị trường mà báo phản ánh. 

Trả lời Thanh Niên, Phó cục trưởng Cục An toàn - Bức xạ và hạt nhân (Bộ KH-CN) Lê Quang Hiệp cho hay ngay trong ngày 20.8, Cục đã yêu cầu Sở KH-CN Quảng Ninh gửi báo cáo thông tin vụ việc. “Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan công an và Báo Thanh Niên vào cuộc kiểm tra làm rõ thông tin. Để đảm bảo tính an toàn cho xã hội, cần phải ngăn chặn ngay hành vi buôn bán, tàng trữ bộ bài có chứa chất phóng xạ”, ông Hiệp khẳng định. Cũng theo ông Hiệp, bài bịp chứa phóng xạ đều có nguồn từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan…

Ngoài ra, ngày 20.8, thượng tá Nguyễn Quang Dũng, Phó phòng An ninh kinh tế khoa học - công nghệ - môi trường (A85), đã đến tòa soạn Báo Thanh Niên tại Hà Nội để làm việc và đề nghị PV phối hợp cung cấp thông tin, chứng cứ liên quan đến việc mua bán những bộ bài có chứa chất phóng xạ để cơ quan chức năng xem xét, xử lý. 

Theo thượng tá Dũng, i ốt - 125 là chất không màu, không mùi, không vị và có độ bán rã rất nhanh trong vòng từ 3 - 7 ngày. Do có độ nhạy bắt sóng rất cao nên được giới cờ bạc sử dụng để lừa bịp. Nếu không có máy đo phóng xạ, bằng mắt thường không thể phát hiện ra.

Tiếp xúc phóng xạ kiểu gì cũng hại

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên về kết quả mẫu chất phóng xạ trong các bộ bài mà Công an tỉnh Quảng Ninh gửi Viện Khoa học - Kỹ thuật hạt nhân VN giám định, TS Trần Kim Tuấn, Viện trưởng Kỹ thuật hạt nhân và vật lý môi trường (ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết đã là phóng xạ khi tiếp xúc kiểu gì cũng bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng ít hay nhiều còn tùy thuộc vào thời gian tiếp xúc và liều lượng phóng xạ trên quân bài. “I ốt - 125 nguy hiểm trong trường hợp chất phóng xạ rơi vào người qua đường ăn uống và hít thở. Chẳng hạn, khi người chơi tiếp xúc trực tiếp, sờ nắm vào các quân bài, hoặc cắt quân bài, chất phóng xạ vô tình rơi vào tay sau đó lại ăn uống mà không rửa tay có thể sẽ bị nhiễm phóng xạ. Các đối tượng buôn bán, tàng trữ bài phóng xạ với số lượng lớn sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Đặc biệt, nguy hiểm nếu trẻ em vô tình gặm, nhấm những quân bài ”, ông Tuấn cảnh báo.

Là nhà khoa học VN từng công bố bài báo đầu tiên liên quan đến i ốt - phóng xạ ở nước ngoài, GS Phạm Duy Hiển, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN, lo ngại những bộ bài chứa phóng xạ có thể nhập lậu qua cửa khẩu và không loại trừ khả năng có ở các sòng bài. Theo ông Hiển, buôn bán bài có nhiễm phóng xạ rất có hại. Cơ quan chức năng cần phải có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để.

Cha chơi bài nhiễm phóng xạ, con bị rụng tóc

Cũng tại buổi làm việc với PV Thanh Niên vào ngày 20.8, thượng tá Nguyễn Quang Dũng cho hay trong năm 2006, cơ quan an ninh đã từng bắt giữ một đối tượng cờ bạc ở Hà Đông (Hà Nội) tàng trữ bài có chứa i ốt - 125 và bán cho những người chuyên cờ bạc bịp. Đối tượng này khai mua của một người ở Hải Dương chuyên đánh hàng ở Lạng Sơn. Bản thân con của đối tượng này bị nhiễm phóng xạ gây rụng tóc.

Thu Hằng

Phạm Hải Sâm - Thu Hằng

>> Bài bịp chứa chất phóng xạ
>> Giải mã bí ẩn chất phóng xạ tẩm trong những lá bài

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.