>> VŨ THƠ

Căn nhà nhỏ ở ngõ 242 phố Minh Khai, Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội), là nơi ở của vợ chồng bác sĩ Lê Thành Đô, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật chỉnh hình (Trường ĐH Lao động - Xã hội) cùng 2 người con. Đây cũng là xưởng sản xuất dụng cụ chỉnh hình đã được ông mở từ 15 năm nay, để làm tay chân giả, tặng miễn phí cho người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay đã có gần 700 người khuyết tật được ông khám chữa, tư vấn và tặng miễn phí các bộ phận cơ thể giả, để họ có thể lao động kiếm sống và tìm được hạnh phúc cho mình.

Khi đến thăm xưởng sản xuất của ông, chúng tôi đã gặp nhiều bệnh nhân tàn tật đến nhờ ông giúp đỡ, hầu hết trong số họ đều có hoàn cảnh éo le. Chị Bùi Thị Luyến (30 tuổi, ngụ xã Tân Trào, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng) có con bị u xương từ khi 4 tháng tuổi nên phải cắt bỏ chân phải. Gia đình khó khăn với đồng lương công nhân may 4 triệu đồng/tháng của chị và thu nhập từ công việc làm nông của chồng, lại nuôi 3 con nhỏ. Từ khi con trai thứ 3 bị cưa mất 1 chân, chị Luyến phải nghỉ ở nhà chăm sóc con, nên lại càng khó khăn. “Tôi phải vay mượn và chữa bệnh cho con hơn trăm triệu rồi. Hiện bố chồng và bố đẻ tôi cũng đang bị bệnh ung thư nên khó khăn chồng chất”, chị Luyến nói. Vì vậy, chị không có tiền làm chân giả cho con tập đi. May mắn, chị đã được bác sĩ Đô khám và chế tạo miễn phí cho cháu 1 cái chân giả (giá trị khoảng 6 triệu đồng) từ lúc cháu 13 tháng tuổi và cháu đã tự đi được sau 2 tháng tập đi. “Nhờ có bác sĩ, cháu có được những bước đi trên đôi chân của mình”, chị Luyến xúc động nói.

Chị Luyến cũng cho biết, đến nay, do cháu lớn lên, chân giả bị ngắn hơn so với chân thật, nên cháu lại được bác sĩ thay chân mới. Nhìn bé nhảy tung tăng như những đứa trẻ bình thường, ít ai biết cháu đang đi bằng bộ phận cơ thể giả của người bác sĩ già trao tặng. Bé còn hồn nhiên giữ cái chân giả như “máu thịt” của mình. Khi bị tháo chân giả ra để thay mới, bé cứ khóc thét lên đòi lại…

Cùng đến “xin” chân giả hôm ấy còn có bé Bùi Trung Thành (2 tuổi, ở xã Tả Thanh Oai, H.Thanh Trì, Hà Nội) bị dị tật bẩm sinh. Bà Nguyễn Thị Hiền, bà của bé Thành, cho biết mẹ cháu sinh đôi, khi sinh ra 1 cháu bị dị tật mất 4 đốt ngón tay, mất 1 bàn chân, còn chân kia bị khoèo. “Gia đình tôi đã đưa cháu đến đây và đã được bác sĩ Đô thăm khám, làm chân giả cho cháu. Với những trường hợp bị khoèo chân càng khó làm, nhưng bác sĩ Đô đã giúp cháu thành đứa trẻ lành lặn”, bà Hiền chia sẻ. Thành là đứa trẻ hiếu động, dù đi trên chân giả nhưng vẫn nghịch ngợm và trèo leo thoăn thoắt.

Trong buổi sáng hôm đó, bác sĩ Đô còn tận tình khám và tặng công làm chân giả cho một cụ già ở Hà Giang không may bị tai nạn mất 1 chân. Phòng khám của ông lúc nào cũng nhiều người đến nhờ giúp đỡ. Đặc biệt, không chỉ tặng các bộ phận cơ thể giả, bác sĩ Đô còn quan tâm đến cả việc đi lại ăn ở của bệnh nhân. Khi thấy chị Luyến ở xa, đi lại khó khăn, bác sĩ Đô đã yêu cầu các kỹ thuật viên phải làm ngay trong ngày để mẹ con chị kịp về quê.

Bác sĩ Đô kể, trước đây ông đi bộ đội và bị thương (hiện là thương binh hạng 2/4), được về hậu phương an dưỡng và được cử đi học tại Trường ĐH Y Hà Nội. Sau đó, ông về nhận công tác tại Trung tâm điều dưỡng thương binh ở H.Thuận Thành (Bắc Ninh). Thấy anh em thương binh vận động khó khăn, ông đã có ý tưởng phải làm gì giúp họ. Sau đó, ông về Bộ LĐ-TB-XH và được cử đi học về chỉnh hình ở Hà Lan, rồi về Trường ĐH Lao động - Xã hội, phụ trách dự án đào tạo những người làm dụng cụ chỉnh hình do Đức tài trợ. “Quá trình làm việc, tôi tiếp xúc nhiều người khuyết tật với nhiều hoàn cảnh khác nhau và đều khó khăn trong cuộc sống nên cảm thấy rất thương tâm, nhất là những người bị khuyết tật vận động. Mặc dù đối tượng này được nhà nước hỗ trợ nhưng rất ít, trong khi số lượng rất nhiều nên tôi quyết tâm thành lập cơ sở chuyên sản xuất, cung cấp dụng cụ chỉnh hình cho người khuyết tật và miễn phí cho những người khó khăn”, ông Đô chia sẻ.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2004), ông đã xây dựng trung tâm ngay tại nhà mình. Khi ấy, với đồng lương ít ỏi và phụ cấp thương binh dành dụm được, ông đã dốc hết để mua phương tiện máy móc. Vợ con thấy ông làm việc thiện nên cũng ủng hộ, nhường 1 phòng để ông làm xưởng sản xuất.

Cũng nhờ làm việc thiện nên ông nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp và các đối tác ông quen biết khi còn làm việc, đặc biệt là những tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. “Trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, trong đó có 2 nhà tài trợ người Mỹ, đã giúp đỡ liên tục từ khi trung tâm mới khai trương cho đến nay và sẽ còn tiếp tục tài trợ là ông Dr.William Hoyt, Chủ tịch của Tổ chức UniReach International, và ông Rodd Mann. Ngoài ra, có một tổ chức của Hàn Quốc và một phụ nữ VN là cựu sĩ quan quân đội đang làm giám đốc của một doanh nghiệp ở VN...”, ông Đô giải thích về việc trung tâm hoạt động bền vững suốt 15 năm qua.

Cũng nhờ làm việc thiện nên ông nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp và các đối tác ông quen biết khi còn làm việc, đặc biệt là những tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. “Trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ từ nhiều tổ chức phi chính phủ và các cá nhân, trong đó có 2 nhà tài trợ người Mỹ, đã giúp đỡ liên tục từ khi trung tâm mới khai trương cho đến nay và sẽ còn tiếp tục tài trợ là ông Dr.William Hoyt, Chủ tịch của Tổ chức UniReach International, và ông Rodd Mann. Ngoài ra, có một tổ chức của Hàn Quốc và một phụ nữ VN là cựu sĩ quan quân đội đang làm giám đốc của một doanh nghiệp ở VN...”, ông Đô giải thích về việc trung tâm hoạt động bền vững suốt 15 năm qua.

Tuy nhiên, ông Đô cho biết, do số lượng người có nhu cầu rất lớn nên các dự án ông làm hiện nay chỉ cấp miễn phí cho những người khuyết tật nghèo, đặc biệt trẻ em, học sinh và sinh viên. Những trường hợp khác ông sẽ tư vấn, khám miễn phí và hỗ trợ sản xuất các bộ phận cơ thể theo nhu cầu, với chi phí thấp hơn giá thành các sản phẩm hiện có trên thị trường.

Để làm được một bộ phận tay hoặc chân giả, các kỹ thuật viên phải làm liên tục trong 12 giờ. Vì vậy, xưởng sản xuất của ông thường làm việc không kể ngày đêm. Hiện xưởng có 3 kỹ thuật viên làm việc trực tiếp. Những lúc cao điểm, ông phải thuê thêm các thợ khác. Điều đáng trân trọng là những người làm cho ông cũng rất nhiệt tình. Họ đến đây không chỉ để làm việc mưu sinh mà cũng chung một tấm lòng là giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Ông Lê Văn Thà, người cộng sự đắc lực của bác sĩ Đô suốt 15 năm qua, cho biết ông đã làm việc với bác sĩ Đô từ khi ở Bộ LĐ-TB-XH và khi về hưu thì về trung tâm này làm việc thiện. “Những ai biết tìm đến thì mình giúp và mình thấy hạnh phúc với công việc này”, ông Thà chia sẻ.

Đồ họa: Duy Quang | Ảnh: Vũ Thơ

Báo Thanh Niên
01.04.2019

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.