Bác sĩ Sam Axelrad: Giờ ông đẹp hơn tôi rồi đấy!

02/07/2013 14:05 GMT+7

(TNO) Những người có mặt rơm rớm nước mắt vì chứng kiến câu chuyện tưởng như trong mơ khi bác sĩ quân y người Mỹ Sam Axelrad vượt nửa vòng trái đất đến Gia Lai trao trả một phần cánh tay cho người “chiến sĩ Việt cộng năm xưa” Nguyễn Quang Hùng.

>> Kỷ vật lạ lùng của một cựu bác sĩ quân y Mỹ
>> Cựu binh già và kỷ vật lạ lùng
>> Vượt nửa vòng trái đất trao lại xương cánh tay cho người bên kia chiến tuyến năm xưa

Nhớ lại khoảnh khắc sáng sớm hôm qua (1.7) khi ông Nguyễn Quang Hùng cùng cả gia đình tề tựu đông đủ đón chào bác sĩ Sam Axelrad tại nhà mình ở thị xã An Khê (Gia Lai), mọi người đều không thể quên được giây phút cảm động ấy.

Trước đó, ông Hùng đã không thể ngủ được suốt mấy hôm vì sắp được gặp lại ân nhân của mình, người đã giúp ông "trốn" được thần chết từ cách đây gần 50 năm.

Những vòng tay ôm nhau thật chặt, những cái nắm tay thật chặt, những đôi mắt ngấn lệ giữa hai người cựu binh già khiến tất cả những người có mặt không khỏi xúc động. Và tất cả họ đều tin rằng chiến tranh luôn có chiến tuyến nhưng không một chiến tuyến nào có thể ngăn nổi tình người và lòng nhân đạo.

Thật khó tin là lằn ranh nghiệt ngã của chiến tranh đã vô tình đẩy hai con người về hai bờ chiến tuyến nhưng cuối cùng đã ráp nối họ, hai thân phận nhỏ của chiến tranh với nhau.


Cả hai gia đình ông Hùng và Sam với ba thế hệ đều chứng kiến giây phút lịch sử của hai cựu binh cách nửa vòng trái đất - Ảnh: Khả Hòa

Bác sĩ người Mỹ nay đã 75 tuổi nói: “Tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì cuối cùng đã hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng của mình”. Nhiệm vụ đó là trao trả lại cánh tay ông đã giữ tại nhà mình ở Texas trong nhiều thập kỷ qua và giúp người bạn cũ hoàn thành tâm nguyện sẽ có được trọn vẹn đầy đủ các phần cơ thể khi nhắm mắt xuôi tay.

“Tôi đã chẳng dám mơ điều này sẽ xảy ra,” vị bác sĩ nói, khuôn mặt nở nụ cười phúc hậu khi ngắm nhìn lại người lính Việt cộng ông đã cứu sống năm 1966.

“Ngày ấy mình đều đẹp trai như nhau, nhưng giờ ông đẹp hơn tôi rồi đấy”, ông nói. Lời khen ấy khiến cả hai gia đình ba thế hệ Mỹ - Việt không khỏi phá lên cười vì hạnh phúc và niềm vui đến bất ngờ.

Họ cùng ôn lại những câu chuyện ngày xưa, khi ông Hùng bị phục kích và bị quân Mỹ bắn vào cánh tay phải, phải lang thang suốt nhiều ngày, cho đến khi máy bay trực thăng Mỹ phát hiện ông trong tình trạng nguy kịch và đưa đến doanh trại gần An Khê có đơn vị quân y do bác sĩ Sam làm chỉ huy.

Bác sĩ Sam đã ngay lập tức quyết định phẫu thuật cắt bỏ cánh tay của ông Hùng để cứu ông mà không ngần ngại việc ông đến từ bên kia chiến tuyến.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ ông ấy là “kẻ thù”,” bác sĩ nhớ lại khoảnh khắc đó. “Tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là phải chăm sóc cho tất cả những ai trực thăng đưa tới bất kể họ là ai", bác sĩ Sam khẳng định.


Cảm tạ ân nhân, ông Hùng gửi tặng gia đình bác sĩ Sam món quà quý của người VN - Ảnh: Khả Hòa

Ông đã cố quên đi cuộc chiến mà ông gọi là “một sai lầm lớn của Mỹ đã gây ra những tổn thất to lớn cho con người” và tập trung vào phát triển sự nghiệp là một bác sĩ tiết niệu tại quê nhà. 

Cho đến năm 2010, khi ông mở chiếc hòm và nhìn thấy đoạn xương cùng những bức ảnh, đó là lúc ông quyết định quay trở lại Việt Nam.

 
Tôi chưa bao giờ nghĩ ông ấy là kẻ thù. Tôi có một nguyên tắc bất di bất dịch là phải chăm sóc cho tất cả những ai trực thăng đưa tới, bất kể họ là ai
Bác sĩ Sam khẳng định
“Tôi hiểu rằng đã đến lúc quay trở lại và trao trả lại cánh tay cho chủ nhân của nó”, ông nói. “Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình sở hữu kỷ vật chiến tranh đó. Và một ngày nào đó, khi tôi không còn trên đời nữa, tôi cũng không thể trao nó lại cho các cháu của mình”.

Sang Việt Nam với bác sĩ Sam lần này còn có hai con trai và hai cháu của ông. Hai gia đình cùng chia sẻ bữa ăn trưa thân mật tại nhà người lính Việt Nam năm xưa. Căn phòng đầy ắp tiếng cười nói của hai người bạn từ hai chiến tuyến cùng các con cháu từ hai nửa địa cầu.

Vị bác sĩ hạnh phúc khi được chứng kiến tận mắt cuộc sống của người bạn cũ hôm nay.

Năm 1975, ông Hùng lập gia đình, và sau chiến tranh, ông làm việc ở xã một thời gian rồi quay về làm kinh tế gia đình. Ông đã làm việc chăm chỉ trong bao năm để lo cho cho các con, trong đó bốn người theo học đại học và một người học cao đẳng.

“Đối với tôi, ông ấy là một anh hùng,” bác sĩ Sam nói với các con cháu của ông Hùng. “Ông ấy có thể đã qua đời khi ông ấy còn rất trẻ, nhưng ông ấy đã chiến đấu để chống lại thương tật để tạo dựng một gia đình và cuộc sống thành công hôm nay”.

Trước khi chia tay ân nhân, ông Hùng đã tặng bác sĩ và gia đình ông những chiếc đĩa in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh làm món quà kỷ niệm và gia đình người Mỹ hẹn sẽ quay trở lại một ngày nào đó.

“Đó là một cái kết có hậu cho “câu chuyện của đoạn xương cánh tay”, anh Chris Axelrad, con trai của bác sỹ, một chuyên gia về châm cứu và thảo dược tại Texas, Hoa Kỳ, xúc động chia sẻ. Anh đã được bố kể về câu chuyện cánh tay đó từ thời học sinh và kỷ vật lạ lùng này đã luôn là một phần của gia đình anh trong nhiều thập kỷ qua.

Trần Hiếu - Quỳnh Hoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.