'Bác sĩ không tên' làm tiền trên bàn mổ ?!: Không thể 'đánh trống bỏ dùi'

Duy Tính
Duy Tính
27/05/2020 06:34 GMT+7

Về vấn đề 'bác sĩ không tên' vẽ bệnh làm tiền, phòng khám có bác sĩ Trung Quốc , một lãnh đạo Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM cho rằng 'ai cũng bức xúc vì bệnh nhân giống như bị lừa gạt'...

“Vẽ bệnh, lấy tiền” trên bàn mổ được cho là khó phát hiện; đồng thời ít người bệnh dám tố cáo vì phía sau những phòng khám này có bóng dáng “côn đồ”. Do vậy, nếu chỉ xử lý kiểu “đánh trống bỏ dùi” sẽ không thể xử lý dứt điểm.
Như Thanh Niên đã phản ánh trên số báo trước, từ năm 2018 đến nay, Phòng khám (PK) Thái Bình Dương bị phạt 5 lần với tổng cộng gần 195 triệu đồng; PK Hoàn Cầu bị phạt 8 lần với số tiền lên đến 507 triệu đồng. Dù liên tục bị phạt nhưng 2 PK này vẫn tái phạm với những hành vi lặp đi, lặp lại.

Hóa đơn lên đến 76,5 triệu đồng mà Phòng khám Hoàn Cầu thu của một bệnh nhân đến khám phụ khoa

Ảnh: D.T

Có “côn đồ” đi sau

Trao đổi với PV Thanh Niên về việc này, bác sĩ (BS) Nguyễn Mạnh Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế TP, cho biết theo kế hoạch, mỗi năm sẽ kiểm tra các PK một lần, nhưng nếu người dân phản ánh thì sẽ kiểm tra đột xuất; có sự phối hợp với Công an TP, Bộ Công an và chuyên gia ở các bệnh viện.
Theo ông Cường, sau khi kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, Sở Y tế đã chuyển hồ sơ cho cơ quan công an xử lý vì có liên quan đến chủ đầu tư, người nước ngoài, nhưng đến nay Sở vẫn đang chờ phản hồi về xử lý của ngành công an. Riêng với phản ánh của Thanh Niên về PK Thái Bình Dương, PK Hoàn Cầu thì Sở Y tế đã mời các bệnh nhân lên làm việc, củng cố chứng cứ để xử lý.
“Từ hơn 50 PK có BS Trung Quốc vào năm 2016, 2017 đến nay TP chỉ còn 8 PK có BS Trung Quốc. Nhưng số giảm này không mất đi mà chuyển qua các tỉnh khác. TP không cấm họ hành nghề nhưng buộc phải làm cho đúng pháp luật và sẽ bị xử lý khi làm sai”, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng, người phát ngôn Sở Y tế TP, nói.
Nhưng theo BS Huỳnh Mai, PK có BS Trung Quốc hành nghề thường tồn tại những vấn đề chính, như: quảng cáo khi chưa được phép, quảng cáo quá chức năng; “vẽ bệnh, lấy tiền” trên bàn mổ. Trong đó, BS Huỳnh Mai cho rằng hành vi “vẽ bệnh, lấy tiền” trên bàn mổ rất khó phát hiện được nếu người bệnh không cung cấp và cũng rất ít người bệnh dám tố cáo vì họ còn có “côn đồ” đi sau. Tuy nhiên, đối với 2 hành vi này, chỉ một mình ngành y tế thì không thể xử lý được mà cần có sự hỗ trợ từ các sở ngành khác (công an, thông tin - truyền thông...). Nếu PK vi phạm quy chế chuyên môn như tai biến thì lập tức cho ngưng hoạt động, thậm chí rút giấy phép hoạt động.

Phạt chưa đủ răn đe

BS Nguyễn Mạnh Cường cho biết thêm hiện nay, căn cứ để xử phạt hành vi quảng cáo không đúng, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn là Nghị định 158 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo). Cụ thể, đối với cá nhân vi phạm, phạt từ 10 - 15 triệu đồng; còn tổ chức thì mức phạt gấp đôi. Hành vi “chỉ định sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi”, theo Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với cá nhân; gấp đôi đối với tổ chức. Hành vi tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án, theo Nghị định 176 phạt từ 5 - 10 triệu đồng. Đáng lưu ý, cá nhân, tổ chức có những hành vi vi phạm này không bị tước giấy phép hoạt động; chỉ tước giấy phép hoạt động khi PK vượt quá phạm vi chuyên môn, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề.
Sở Y tế TP.HCM cho biết để hỗ trợ về mặt chuyên môn nghiệp vụ cho các PK có BS Trung Quốc hoạt động đúng pháp luật, Sở đã tập huấn kiến thức chuyên môn cho các BS PK có BS Trung Quốc, thậm chí là kiến thức về pháp luật VN. Sắp tới các BS nước ngoài nói chung và BS Trung Quốc nói riêng buộc phải thi chứng chỉ, phải nói tiếng Việt chứ không qua phiên dịch khi hành nghề, cũng giống như BS VN ra nước ngoài hành nghề, buộc phải nói được tiếng nước đó...  Điều này sẽ được quy định trong luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi.  
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai phân tích thêm,  nếu BS nước ngoài biết tiếng Việt thì rất có lợi cho người bệnh và cơ quan quản lý nhà nước. Quy định này nhằm để BS và người bệnh hiểu và tương tác trực tiếp, đỡ phải qua trung gian là phiên dịch. Lâu nay, vấn đề vướng là người phiên dịch ở các PK bị thay đổi liên tục; phiên dịch kiêm khám, chữa bệnh và ghi thông tin sai.
Lãnh đạo Sở Y tế cũng cho rằng thời gian tới, Thanh tra y tế sẽ quản chặt chẽ. Đặc biệt là nhờ sự giám sát, phản ánh của người dân qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” cài đặt trên điện thoại thông minh.
PV Thanh Niên đặt vấn đề: Vì sao chỉ trong một năm, PK bị phạt vì vi phạm quảng cáo 3 lần nhưng không thể tạm đình chỉ hay tạm dừng hoạt động của PK? Người phát ngôn Sở Y tế nói: “Sở Y tế đã có đề xuất, góp ý nhiều lần với Bộ Y tế để có thể điều chỉnh, bổ sung hành vi sai phạm trong quảng cáo lĩnh vực y tế vào Nghị định 176, trong đó phải có những hình thức có tính răn đe hơn với hành vi quảng cáo quá phạm vi chuyên môn của các PK nói chung. Nhưng đến nay Nghị định 176 vẫn chưa bổ sung, thay đổi”.
Cũng theo BS Mai, việc “vẽ bệnh” là một chuỗi hành vi, gần như là hợp đồng (có thể là miệng). Các PK này làm áp lực với người bệnh trên giường bệnh và chỉ có người bệnh và PK biết. “Gần như 100% người bệnh nằm trên “thớt” và gật đầu... Đây là khoảng hở mà ngành y tế khó quản được và khó có thể có mặt kịp thời. Sở Y tế đã đề nghị Bộ Y tế rất nhiều lần, phải xác định hành vi “vẽ bệnh” trong chuyên môn cho đúng để có cơ sở xử lý”, BS Huỳnh Mai nói và cho biết thêm, các PK vi phạm tìm đủ mọi cách chống chế, đối phó... Khi ngành y tế đi thanh tra thì chỉ “bắt” được những lỗi “lặt vặt”, như: không đeo bảng tên, kê giá cao… nên không thể đình chỉ hoạt động.
Trong khi đó, trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề “BS không tên” vẽ bệnh làm tiền, PK có BS Trung Quốc, một lãnh đạo Hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM cho rằng “ai cũng bức xúc vì bệnh nhân giống như bị lừa gạt”, làm “mất mặt” ngành y tế TP. Đáng lưu ý, Bộ Y tế là cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề cho BS Trung Quốc... Lỗ hổng này phát sinh nhiều chuyện. “Phải giải quyết tận gốc rễ chứ “đánh trống bỏ dùi” sẽ không xong”, vị này nói.

Phòng khám có bác sĩ Trung Quốc lấy tên bác sĩ VN rồi... “đuổi”

Theo BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, quan điểm của lãnh đạo Sở Y tế là quyết liệt chấn chỉnh để các PK có yếu tố nước ngoài hoạt động theo đúng quy định pháp luật VN, trong đó có PK có BS Trung Quốc. Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo thanh tra xem xét tư cách người đứng đầu chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật nếu cho thuê chứng chỉ hành nghề, thậm chí rút chứng chỉ hành nghề nếu không có mặt tại PK và để các BS tại các PK muốn “làm gì thì làm”. “Các PK này lấy tên BS VN để xin phép hoạt động, rồi “đuổi” BS VN ra ngoài để họ hành nghề. Những BS này được mướn vào PK nhưng không làm gì thì rất nguy hiểm”, BS Mai nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.