Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy nói gì về chế tạo vắc xin, tác dụng, sốc phản vệ?

Duy Tính
Duy Tính
11/05/2021 10:14 GMT+7

Dù có khám tầm soát kỹ trước khi tiêm vắc xin nhưng có những người hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể xảy ra phản ứng phản vệ sau tiêm vắc xin.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM, cho biết vắc xin là thuốc rất khác biệt so với các thuốc chữa bệnh thông thường. Với thuốc trị bệnh thông thường thì người sử dụng là để trị bệnh cho bản thân, còn vắc xin thì người sử dụng là để phòng tránh bệnh, bên cạnh đó là bảo vệ cả người xung quanh. Nếu trong cộng đồng, tỷ lệ 70 - 80% người dân được tiêm ngừa thì sẽ bảo vệ được cộng đồng không mắc bệnh truyền nhiễm.

Nữ điều dưỡng ở Đà Nẵng sốc phản vệ sau tiêm vắc xin Covid-19 qua cơn nguy kịch

Vắc xin được tạo ra như thế nào ?

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, vắc xin được tạo bằng nhiều cách. Nhưng có cơ bản có 4 cách. Cách thứ nhất là lấy 1 đoạn DNA của vi rút gây bệnh để tạo ra vắc xin. Cách thứ hai, các chuyên gia cũng có thể lấy protein của con vi rút đó rồi khuếch tán lên để tạo ra vắc xin.
Cách thứ ba là có thể lấy con vi rút khác làm cho yếu đi, không có khả năng gây bệnh cho người rồi bơm các chất gen của vi rút gây bệnh làm vắc xin để tiêm cho người.
Ngoài ra, cũng có thể sử dụng chính con vi rút gây bệnh làm cho nó yếu đi, không đủ khả năng gây bệnh để làm vắc xin.
Dù là bằng biện pháp nào đi nữa thì việc chế tạo vắc xin cũng dựa trên nguyên tắc là lấy 1 đặc trưng của vi rút đang gây bệnh để tạo vắc xin.

2 loại phản ứng của vắc xin

TS-BS Lê Quốc Hùng cho biết thêm, vắc xin khi được tiêm vào người thì kích thích, tạo ra hệ thống miễn dịch - kháng thể trong cơ thể, để khi vi rút tấn công thì ta có sẵn kháng thể để tiêu diệt vi rút, giúp cơ thể không mắc bệnh.
Thế nhưng, vắc xin cũng giống như tất cả các loại thuốc khác, cũng có thể dẫn tới phản ứng không mong muốn khi sử dụng nó. Ngay cả đồ ăn, thuốc uống cũng có thể gây phản ứng không mong muốn khi cơ thể không dung nạp được.
Đối với vắc xin có 2 loại phản ứng không mong muốn.
Thứ nhất là phản ứng không mong muốn thông thường (chấp nhận được) như đau tại chỗ tiêm, sốt, đau cơ, đau người, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi… Những phản ứng này sẽ tự mất đi sau 2 - 3 ngày tiêm vắc xin. Đôi khi cần phải sử dụng thuốc.
Thứ hai là phản ứng có hại đáng sợ như sốc phản vệ, phản vệ nặng. Đó là phản ứng không mong muốn, nguy hiểm. Tỷ lệ người tiêm vắc xin bị sốc phản vệ, phản vệ nặng, mỗi loại vắc xin có một tỷ lệ khác nhau, từ 1- 5 trường hợp/ 1 triệu mũi tiêm.
Do đó, để tránh sốc phản vệ, người đi tiêm vắc xin phải hợp tác rất tốt với nhân viên y tế về sàng lọc bệnh, nhằm giảm thiểu nguy cơ bị phản ứng. Tuy nhiên, sàng lọc cũng không thể đạt được 100% vì có nhiều người hoàn toàn khỏe mạnh, không có nguy cơ nào khi tiêm ngừa vắc xin Covid-19, nhưng vẫn có thể xảy ra sốc phản vệ. Chính vì vậy, sau chích ngừa, nhân viên y tế yêu cầu người được tiêm vắc xin phải theo dõi từ 30 phút đến 1 giờ tại điểm tiêm, để nếu có những biến chứng xảy ra thì hỗ trợ cấp cứu tại chỗ ngay lập tức. Đại đa số trường hợp phản vệ đều cấp cứu được, có vài trường hợp phản ứng phản vệ quá mạnh, diễn tiến nặng không cứu được.
Một số người sau khi tiêm vắc xin thì phản ứng phản vệ xảy ra trễ, nhưng rất hiếm. Do đó, sau 3 ngày tiêm cảm thấy cơ thể có gì bất thường thì nên đến cơ sở y tế gần nhất và nhớ cầm theo phiếu tiêm ngừa để gợi ý cho y bác sĩ biết có khả năng phản ứng phản vệ do vắc xin, từ đó có hướng điều trị phù hợp.

Chỉ vắc xin thôi thì chưa đủ

Theo TS-BS Lê Quốc Hùng, một mình vắc xin không phải là yếu tố giải quyết tất cả mọi vấn đề. Vì bất cứ một loại vắc xin nào thì hiệu quả dao động từ 75 đến 95% là phòng ngừa được bệnh. Nghĩa là cứ 100 người tiêm thì có từ 75 - 95 người được bảo vệ, và từ 5 - 25 người có thể mắc bệnh, bởi số này không tạo ra được kháng thể đủ, việc này phụ thuộc vào cá thể mỗi người. Do đó, cần có đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đó là vừa tiêm vắc xin Covid-19, vừa thực hiện 5K.
Ví dụ một bác sĩ có cha mẹ già ở nhà, nhưng cha mẹ chỉ ở nhà, không tiếp xúc người xung quanh thì không thể nhiễm Covid-19 hay một loại bệnh truyền nhiễm được. Nếu bác sĩ tiếp xúc bệnh nhân, mang mầm bệnh về nhà thì sẽ lây cho cha mẹ. Do vậy, nếu bác sĩ tiêm vắc xin thì sẽ hạn chế nguy cơ mắc bệnh thấp nhất, hạn chế nguy cơ mang mầm bệnh và vì vậy sẽ bảo vệ được cho cha mẹ. 

Non steroid (NSAIDS) là gì?

Trường hợp nữ nhân viên y tế ở An Giang tử vong sau tiêm vắc xin Covid-19 (vắc xin AstraZeneca) được kết luật là do sốc phản vệ trên nền cơ địa dị ứng non steroid (giảm đau, kháng viêm).

Nữ nhân viên y tế ở An Giang tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Non steroid (NSAIDS) là gì? Theo các bác sĩ, non steroid là nhóm thuốc được sử dụng nhiều tốp đầu trên thế giới, vì tác dụng giảm đau, kháng viêm, hạ sốt, hoặc chống hình thành cục huyết khối như aspirin.
Do số lượng được kê đơn nhiều, nên số trường hợp phản ứng dị ứng ở các mức độ với NSAIDS cũng thường gặp, chỉ sau kháng sinh.
Việc dị ứng thuốc phụ thuộc vào cơ địa. Triệu chứng từ nhẹ như nổi mẩn ngứa, cho đến bứt rứt, khó thở, trụy tim mạch, sốc phản vệ. Do đó, nếu có phản ứng với loại thuốc nào thì cần ghi nhớ để tránh sử dụng và khai báo với nhân viên y tế khi cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.