Bạc Liêu kêu gọi viện trợ các dự án biến đổi khí hậu

08/03/2012 09:46 GMT+7

Hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng cao là hiện tượng của biến đổi khí hậu (BĐKH), đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề tại tỉnh Bạc Liêu. Để chủ động ứng phó, tỉnh kêu gọi các tổ chức trong, ngoài nước chia sẻ một phần khó khăn ở các khu vực ven biển do thường xuyên chịu tác động của BĐKH.

 
Học sinh tham gia trồng rừng do Tổ chức GIZ tổ chức - Ảnh: Trần Thanh Phong

Hạn chế thiệt hại do thiên tai để phát triển sản xuất

Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra tại Bạc Liêu, mới đây Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đã tài trợ thực hiện Dự án thích ứng với BĐKH thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học, với tổng kinh phí 3,85 triệu euro (hơn 110 tỉ đồng). Trong đó, Tổ chức GIZ tài trợ không hoàn lại 3,5 triệu euro, còn lại vốn đối ứng của UBND tỉnh Bạc Liêu. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, cho phép Bạc Liêu triển khai thực hiện từ năm 2011-2014. Mục tiêu của dự án là giúp Bạc Liêu hạn chế  tác hại do BĐKH gây ra; đồng thời phát triển tốt các hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ rừng ngập mặn ngay trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

 
Biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề tại Bạc Liêu - Ảnh: Trần Thanh Phong

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, dự án có nhiều hạng mục, như: khôi phục rừng ven biển và đa dạng sinh học; Bảo tồn Vườn chim Bạc Liêu; Tăng cường thể chế và giáo dục môi trường… Dự án sẽ xây dựng kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết nhằm ứng phó với các tác động dự đoán của BĐKH. Theo đó, tổng diện tích rừng phòng hộ ven biển của tỉnh Bạc Liêu sẽ tăng khoảng 20% trong thời gian thực hiện dự án (từ 4.000 ha năm 2010 lên 4.800 ha năm 2014). Dự án sẽ thiết lập từ

3-5 ha khu vực trồng rừng thí điểm trên đất trống gò cao thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu; mặt khác thiết lập các biện pháp chống xói lở đê, rừng phòng hộ ở các khu vực xung yếu giáp ranh tỉnh Sóc Trăng. 

Tín hiệu lạc quan từ một dự án

Với việc triển khai nhiều hạng mục nêu trên, Dự án thích ứng với BĐKH thông qua thúc đẩy đa dạng sinh học góp phần nâng cao năng lực quản lý tài nguyên môi trường cho cộng đồng dân cư ven biển sống phụ thuộc vào đất rừng; tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa và nuôi trồng thủy sản thông qua các phương pháp thích ứng tiên tiến. Dự án cam kết sẽ tăng cường năng lực cho các cán bộ khuyến ngư và xúc tiến thành lập các nhóm nông dân đồng sở thích. Bên cạnh đó là thí điểm các giống thủy sản thay thế để làm cơ sở xúc tiến các mô hình lâm-ngư kết hợp, hỗ trợ và phổ biến giống lúa chịu mặn cho nông dân khu vực chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn có thể trồng được lúa ngay trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt.

Hiện tại, dự án đã trình diễn được 13 mô hình lâm-ngư kết hợp ở huyện Hòa Bình như: mô hình rừng-tôm-cua; rừng-tôm-cá, rừng-tôm-hào Thái Bình Dương... Có  nhiều hộ dân đang được hỗ trợ nuôi thí điểm ốc len và nghêu dưới tán rừng mắm. Dự án đặc biệt chú ý đến việc nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan liên quan về rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản, đa dạng sinh học, các chính sách sử dụng đất, nhận thức về bảo vệ môi trường vùng ven biển. Ngòai ra, chương trình giáo dục môi trường ở các trường học cũng sẽ được triển khai nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Ông Phan Minh Quang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu cho rằng, hiện tượng nước biển dâng cao bất thường, tình trạng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng tiêu cực đến các công trình phúc lợi của tỉnh và đời sống một bộ phận dân cư ven biển. Dự án do Tổ chức GIZ viện trợ rất cần thiết đối với Bạc Liêu. Song, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên Bạc Liêu rất cần các tổ chức trong, ngoài nước tiếp tục hỗ trợ để thực hiện các dự án ứng phó thiên tai.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.