Bác Hai Nghĩa và hơn nửa thế kỷ bền chặt nghĩa tình đồng đội

23/02/2021 00:00 GMT+7

Nhà lãnh đạo thanh liêm của đất nước, người con của xứ Dừa Bến Tre – bác Hai Nghĩa, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng nay đã đi xa.

Đất Mẹ đã đón ông vào lòng, để lại phía sau nỗi tiếc thương vô hạn của người dân. Nhưng tấm lòng của ông, tình đồng chí, đồng đội son sắt bền chặt hơn nửa thế kỷ qua của ông, vẫn tiếp tục được các thế hệ sau truyền lại qua những câu chuyện kể. Và tiếp tục được thắp sáng bằng những nghĩa cử, hành động lớn, nối tiếp tinh thần trọn vẹn một đời bác Hai Nghĩa đã vì nước vì dân.

Hàng nghìn người tiễn đưa nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về nơi an nghỉ cuối cùng

“Đồng chí Trương Vĩnh Trọng, một người con ưu tú của quê hương Bến Tre anh hùng, một tấm lòng nhân hậu, tấm gương sáng về lối sống giản dị, phẩm chất đạo đức cách mạng cao quý, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, luôn trăn trở và hành động quyết liệt vì lợi ích của Đảng, của đất nước và nhân dân”…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Sau khi nghỉ hưu, bác Hai đã chuyển từ mặt trận công tác chính trị sang mặt trận tình thương – tình người và luôn hướng về quê hương Đồng khởi bằng cả tấm lòng. Những con đường, những cây cầu, những ngôi trường, những chương trình khám bệnh phát thuốc… đã góp phần thay đổi quê hương Đồng khởi từ các nguồn đóng góp từ thiện mang bóng dáng người lãnh đạo kiên trung. Dẫu khi tuổi đã cao, sức khỏe không còn nhiều thuận lợi, bác Hai vẫn cùng với Mặt trận Tổ quốc, Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ cầu siêu anh linh các anh hùng liệt sĩ và đồng bào tử nạn tại Bến Tre; xây dựng bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ giao liên Đường dây A210 trên quê hương Đồng khởi. Những ngày cuối đời, di nguyện của bác Hai Nghĩa được an táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre để được yên giấc ngàn thu cùng với những đồng chí, đồng đội năm xưa.

Rất đông đoàn khách đăng ký viếng nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng

Vẹn tình đồng đội

Những năm 1960, cuộc kháng chiến cách mạng bắt đầu bước vào giai đoạn cam go. Đó là thời bác Hai Nghĩa trực tiếp mở lớp đào tạo khi đi dạy học dạy học ở B.1000 (bí danh của Ty Giáo dục Bến Tre) nhằm giữ chữ, giữ người, giữ lửa cách mạng trên quê hương Đồng khởi. Nhiều người đã ngã xuống, nhiều cán bộ của B.1000 đã hy sinh.
"Một điều đặc biệt ở anh Hai Nghĩa là dù có làm lớn ở đâu nhưng anh không quên những lời hỏi han, những cử chỉ quan tâm đến anh em cần vụ, tài xế. Anh đến từng bàn của anh em xem ăn có no không, thậm chí anh gắp thức ăn cho từng người. Đó là phong cách của người lãnh đạo gần dân. Vì vậy anh Hai Nghĩa có một sức hấp dẫn rất là lớn đối với người khác"
Ông Võ Thành Hạo - nguyên bí thư Tỉnh ủy Bến Tre
Năm Mậu Thân 1968, bạn của bác Hai Nghĩa, liệt sĩ Nguyễn Thế Hùng, là một giáo viên đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất Bến Tre. Khi chồng hy sinh, người vợ liệt sĩ mới ngoài hai mươi tuổi với hai con thơ dại ở lứa tuổi mầm non và đứa con út chỉ vừa mới tượng hình trong bụng. Bác Hai Nghĩa giữ vẹn tình đồng đội, chăm sóc gia đình của bạn như người nhà suốt hơn 50 năm qua, từ Mậu Thân năm ấy. Vợ của người đồng đội liệt sĩ ấy chính là bà Nguyễn Thị Kim Thoa, thân mẫu anh Nguyễn Thanh Hùng - một trong các lãnh đạo của tập đoàn Sovico và các đơn vị thành viên.

Ông Trương Vĩnh Trọng tham dự đại lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ

Suốt thời gian đi qua chiến tranh và sau giải phóng đất nước, người vợ liệt sĩ và các con, cháu trong gia đình đều được bác Hai Nghĩa quan tâm giúp đỡ, dìu dắt, bao bọc. Người vợ liệt sĩ khi đó nén đau thương, một nách ba đứa con thơ, bà kiên cường chiến đấu, dồn hết tất cả cho hoạt động Cách mạng. Khi con còn nhỏ, bà gửi con cho họ hàng để tham gia kháng chiến. Khi các con đến tuổi đi học, bà một lần nữa chịu nỗi đau chia cắt, gửi các con những cơ sở cách mạng nuôi dưỡng nhằm đảm bảo an toàn cho các con được đến trường học hành.
Không phụ lòng tin của bác Hai Nghĩa, phát huy truyền thống gia đình, các con của bà Kim Thoa đều tốt nghiệp đại học, có người làm tới tiến sĩ và trở thành những người có ích. Anh Nguyễn Thanh Hùng được cử đi học tập nước ngoài, luôn nỗ lực phấn đấu và trở thành một trong những doanh nhân có nhiều đóng góp tích cực cho quê hương Bến Tre, cho kinh tế nước nhà.
Ít ai biết rằng 15 năm trước, chính bác Hai Nghĩa cũng là người động viên bà Nguyễn Thị Phương Thảo đưa tập đoàn Sovico, khi ấy đang rất thành công ở nước ngoài, đầu tư về trong nước, tin tưởng, đóng góp vào sự đổi mới kinh tế đất nước. Sau này, bà Phương Thảo trở thành nữ tỉ phú tự thân đầu tiên của Việt nam và Đông Nam Á, vẫn làm việc chăm chỉ, khiêm nhường và dung dị như ngày đầu tiên theo gương Bác Hai Nghĩa. Nữ tỉ phú lặng lẽ trong dòng người đưa tiễn bác Hai Nghĩa, với dòng chữ cuối cùng chị ghi trong sổ tang: “con yêu Bác Hai và nhớ Bác rất nhiều”

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng từ trần

Bác Hai Nghĩa cũng luôn theo dõi và căn dặn các con, cháu trong gia đình bà Kim Thoa – hiện là lãnh đạo Tập đoàn Sovico phải ưu tiên phát triển kinh doanh, với tinh thần tiến công và đổi mới, song song cùng các hoạt động cộng đồng, tạo dựng nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội với mục tiêu mang lại ấm no, hạnh phúc, cuộc sống văn minh cho mọi người dân. Trái tim nhân hậu ấy đã ngừng đập nhưng dấu ấn nghĩa tình mà bác Hai Nghĩa để lại sẽ còn được tiếp nối tới thế hệ mai sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.